Trang

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

3691. ĐỊA CẦU 67 QUA THỂ PHÁP (tt 6)

 ĐỊA CẦU 67 QUA THỂ PHÁP. (tt)

BÀI 06.

***: Tên Ngài Bính cũng là thể pháp.

Trong tìm hiểu thể pháp thì cái tên NGƯỜI ĐƯỢC GIAO VIỆC, thời gian được giao.... cũng đều là thể pháp. Việc Thầy dạy Ngài Bính làm trái Càn Khôn... cũng được hiểu theo hướng đó.


Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư soạn thì Ngài Bính đắc phong Giáo Sư Phái Thái vào ngày 07-8- Bính Dần (1926).

Đến ngày 12-8-Bính Dần Thầy giao việc làm Quả Càn Khôn.

Như vậy Ngài Thái Bính Thanh là một trong Thất Thập Nhị Hiền (một trong 72 vì sao trên quả Càn Khôn 67). (5)

*  *  *

Đến ngày 01-01-Đinh Mão (1927) Thầy dạy:

Bính Thầy thưởng công con, cho lên chức Phối-Sư, Thầy cám cảnh lòng yêu mến con, Thầy cảm ơn lòng Đạo-Đức con.

Sanh linh nhờ công con mà thoát qua khổ hải

  (TNHT Q1 trang 93. Bản in 1973)

*  *  *

Bính là can thứ 03 trong Thập Thiên Can. Ngài Bính là một người phàm. Là nhơn sanh ư Dần. (Đức Hộ Pháp: ngày 14-2-Mậu Thìn (1928): Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần).

Cái tên của Ngài Bính thể hiện cho năm Bính Dần. Thời gian giao cũng là năm Bính Dần. Giao cái gì? Giao lập một trái càn khôn.

Đó phải chăng là Thầy có ý dạy rằng: Thầy lập ĐĐTKPĐ là lập ra địa cầu 67. Còn làm cho thành Đạo là môn đệ của Thầy.

Nghinh Phong Đài bố trí can Bính ở chánh Đông.

Thầy dạy: Con dở sách thiên-văn Tây ra coi mà bắt chước.

Kết hợp lại có Đông, có Tây. Đông Tây là chiều của Đền Thánh.

Đạo khởi ư Đông xuất qua ư Tây.

Ngay trước Đền Thánh có Đại Đồng Xã (Đại Đồng Xã Hội).

Trong các kỳ Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung; Đức Hộ Pháp có dạy lập Văn Minh Điện tại Đại Đồng Xã. Hình thức như một sân khấu lộ thiên ở giữa Đông và Tây Khán Đài để mọi người tham gia giải đáp câu đố. Câu đố xuất phát từ 02 nguồn:

Câu đố do Đức Hộ Pháp và quí vị Thời Quân phò loan nơi Hiệp Thiên Đài tại Đền Thánh... và do quí vị chức sắc, chức việc, đạo hữu có lưu ý tìm tòi trình lên được Hội Thánh chấp nhận.

Người có mặt có đủ quyền lên giải đáp câu đố.

Trình bày ngắn gọn một vài chi tiết về Văn Minh Điện để hiểu rằng đó không phải đơn thuần là giải trí vui chơi trong kỳ lễ Hội Yến Diêu Trì Cung. Văn Minh Điện chắc chắn là nơi mà những phát minh được đem ra trình bày hằng năm trong ĐĐTKPĐ (các gian triễn lãm ở Điện Thờ Phật Mẫu nơi trưng bày). Tóm lại:

Tất cả đều liên quan mật thiết đến nền văn minh do chính Đức Chí Tôn đến lập ra: Văn Minh Cao Đài Giáo (Văn minh Lưỡng Nghi).

Văn Minh Cao Đài Giáo được kết hợp bởi: Đông Phương Triết Học (Đông Khán Đài) và Tây Phương Khoa Học (Tây Khán Đài) theo thể pháp (mô hình) tại Đại Đồng Xã.

Đến đây cũng nên tự hỏi điểm nút của Đại Đồng Xã là gì?

Đó là Cửu Trùng Thiên.

Cửu Trùng Đài phù hợp với Cửu Trùng Thiên. Cửu Trùng Đài là hình trạng của Cửu Thiên Khai Hóa.

Cửu Trùng Thiên kiến trúc hình bát quái và có hình dạng chữ kim (dưới lớn trên nhỏ tượng cho sự vững chãi như Kim Tự Tháp).

Màu sơn tính từ mặt đất lên như sau: đỏ, xanh, vàng và trắng.

Màu đỏ (Phái Ngọc) tượng cho 03 viện: Hòa, Lại, Lễ. Ý nghĩa là nền móng là trật tự cho sự ổn định tôn giáo hay xã hội (Nội Vụ).

Màu xanh (Phái Thượng) tượng 03 viện: Học, Y, Nông. Thể hiện sự mở mang tôn giáo hay xã hội.

Màu vàng (Phái Thái) tượng cho 03 viện: Hộ, Lương, Công thể hiện cho sự vững chắc, tự chủ.

Màu trắng (Hiệp Thiên Đài) tượng cho pháp luật đạo.

Nghĩa là 03 phái, 09 viện có nhiệm vụ riêng nhưng tất cả phải làm đúng pháp: Công Bình; đúng luật: Thương Yêu.

Liên kết vậy để thấy sự liền lạc trong nền chánh giáo của Thầy:

Thầy là chủ của nền Chánh Giáo (Bát Quái Đài).

Hiệp Thiên Đài: Lập thành chánh giáo.

Cửu Trùng Đài: Thực thi chánh giáo.

Tất cả đều theo đúng thiên thơ dạy:

. Ngày 12-2-1933 (29-2- Quí Dậu) Bà Bát Nương dạy:

Em an dạ, từ đây đã quan-kiến sự kết-cuộc của Chí-Tôn đã định trước. Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài. Cả Ngọc-Hư chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc-nhiên sự lạ. Đại-Từ-Phụ phổ-giáo rằng: Hay, hay không lẽ để phận hèn, ngày sau sẽ rõ thánh-ý Người quyết liệu.

(TNHT Q2 trang 86. Bản in 1963).

*  *  *

. Cùng một đàn cơ trên, Bà Lục Nương dạy (trang 87):

Khi mơi nầy em đặng tin lành: Ngọc-Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên-thơ hủy phá, sửa-cải pháp chơn-truyền. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu-Trì Từ-Mẫu đẹp dạ không cùng...

*  *  *

CHÚ THÍCH SỐ (5).

a/-Trong chương trình Hiến Pháp ngày 14-7-Mậu Thìn (28-8-1928) do Ngài Thái Ca Thanh vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông lập thành. Ngài Thái Bính Thanh có ký tên trong vi bằng liền kề với Ngài Phối Sư Thái Ca Thanh.

Trong chương trình hiến pháp điều 22 ghi rõ:

Điều thứ 22: Nghiêm cấm trong Đạo không ai đặng lấy danh ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ và dùng Thiên Ân, Thiên Nhãn mà đề vào bìa Kinh Sách, Bố Cáo v.v… Hay là in Thánh Tượng, Kinh Sách (bán hoặc phát không), nếu Kinh Sách và Thánh Tượng ấy không có trình Ban Kiểm Duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.

Điều thứ 24: Kể từ ngày ban hành “chương trình Hiến Pháp” duy có một mình Hội Thánh Cửu Trùng Đài được quyền in Kinh Sách, Tượng để hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

*  *  *

Chiếu theo vi bằng nầy thì những sách chưa được Hội Thánh kiểm duyệt mà đề đại tự ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ và dùng Thiên Ân, Thiên Nhãn mà đề vào bìa Kinh Sách, Bố Cáo v.v…  khi chưa có Hội Thánh kiểm duyệt là sai.

Cũng chiếu theo đây thì các chi phái của ĐĐTKPĐ mà không có mạng lịnh Hội Thánh thì không được quyền dùng đại tự ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ đề trên cơ ngơi hay sách của họ viết ra

Ngày cơ đạo phục hồi người đạo đủ mạnh mẽ để thực thi điều nầy trong đối nội và đối ngoại. ĐĐTKPĐ sẽ không còn bàng môn tả đạo làm cho con cái Chí Tôn lầm đường lạc lối nữa.

b/- Tòa Thánh Tây Ninh, Le 18-04-1929 (09-03-Kỷ Tỵ).

THẦY

Các con .... Cười ....

Ậy! Cũng tại Thầy mà các con lộn xộn cùng nhau nữa há?

Cười .... Thơ! Con cũng phải mà Bính cũng phải, lỗi ấy nơi Thầy. (1đc).

Bính! Chớ chi con lấy năm lần chín thì con đã trúng rồi đó, con lại sợ thằng... Sang đứng cận đường, song cũng còn xa đó con không hề gì.

Hai con muốn đem vào cây ba nhánh một chút nữa càng tốt, nhưng đã lỡ rồi cứ để vậy.

Tương! Thầy dặn con như có thế ngày mùng 8 tháng tới về Tòa Thánh Thầy dạy việc nghe.

Lịch! Con từ đây phải ở Tòa Thánh nghe.

Thơ! Phải cầu Thái Bạch, nhứt là phải có Chức Sắc Cửu Trùng Ðài cho nó phán dạy nghe con.  Thăng.

*  *  *

Đức Cao Thượng Phẩm về Thiêng Liêng vị ngày 01-3-Kỷ Tỵ (1929).  Thiễn nghĩ Thầy dạy Ngài Thái Bính Thanh chọn vị trí làm tháp Đức Cao Thượng Phẩm.

(1đc):  Đối chiếu bài trên với bài ngày 07-03-Kỷ Tỵ (16-04-1929) Thầy dạy Ngài Thái Thơ Thanh làm tháp Đức Cao Thượng Phẩm:

Thơ! Con phải xây cái Tháp của Thượng Phẩm phía trước cây ba nhánh, phải day mặt về Ðông, giống như ngó vào Ðiện mà hầu Thầy vậy. Song, ba từng phải lợp ngói như nóc chùa của Ðường Nhơn vậy nghe.

(TNHT Q2 trang 68. Bản in 1963).

Ngài Thái Thơ Thanh và Thái Bính Thanh hiểu ý Thầy khác nhau nên Thầy mới dạy như trên.

*  *  *

c/- Ngài Thái Bính Thanh quê ở Kiên Giang mãn phần ngày 17 (không rõ tháng, năm). Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt có dự tang lễ.

Trong ai điếu có đoạn... Nhớ Linh xưa:

Ý tứ từ hòa, tánh tình liên lạc, nghĩa lân cận không kiêu không hãnh, gặp kẻ nghèo chẳng nỡ làm lơ, tình anh em cư xử chẳng dễ, chẳng khinh, thấy lúc ngặt không hề phai lạt. Lúc khai Ðại Ðạo Tam Kỳ, Thầy dạy làm Quả Càn Khôn. Nhớ anh! Nào ra công, nào tốn của, hiệp cùng Ðạo Hữu mới hoàn thành.

Khi lập Tân Pháp Chánh Truyền, Thầy bảo lập Tân Luật, nhờ anh, nào sắp ghế, sắp bàn hội với Thiên Phong mới kết tác. Buổi dọn đất Tổ Ðình, Thầy chỉ phương hướng cho anh đo độ thước tấc mới thành một cảnh thiên nhiên. Khi dựng hình Phật Tổ, Thầy nhắm chỗ cho anh sắp phương hướng mới nên một nền địa hượt....

Thầy dạy: Khai Đạo muôn năm trước định giờ... vậy thì cái tên của Ngài Bính khi đến thế gian cũng là sự chuẩn bị cho ĐĐTKPĐ chớ đâu phải là tình cờ. Cái ý nghĩa của một kiếp sinh may duyên gặp đạo cũng nằm trong lẽ đó. Đâu phải ngẫu nhiên mà chúng ta được làm môn đệ Đức Chí Tôn khi đến làm khách trần nơi quán tục....

*  *  *

Vậy Trái Càn Khôn tại Đền Thánh nếu là địa cầu 68 thì không hợp lý. Vì địa cầu 68 có lâu đời rồi chớ đâu phải đến ngày khai ĐĐTKPĐ mới có. Hơn nữa Thầy lập Đạo là để nâng địa cầu 68 lên thành 67.

Vậy Quả Càn Khôn trong Đền Thánh hiểu là biểu tượng của địa cầu 68 liệu có phù hợp?

Còn như hiểu trái càn khôn đó là địa cầu 67 thì phù hợp với giáo lý và các thể pháp khác.

Trái càn khôn 67 là do Thầy dạy cho môn đệ lập ra khởi từ 1925 và thành hình từ 1926. Nên Đức Lý dạy trong ngày tác thành Tân Luật rằng:

Ngày 16 Janvier 1927 (13-12-Bính Dần). Đức Lý Giáo Tông dạy trong ngày dâng Tân Luật...

Ðạo đã thành, Ðạo đã mạnh, cho đến đổi trái Càn Khôn này dở hổng lên khỏi ngất mấy từng, làm cho các Tôn Giáo đã lập thành trên mặt địa cầu nầy phải kinh khủng sợ sệt... Cười....

Chư Hiền Hữu cầm trọn nhơn loại vào tay, Lão hỏi có chi quý trọng mạnh mẽ bằng chăng?... Hay....

Hễ Ðạo trọng thì tức nhiên chư Hiền Hữu trọng. Vậy thì chư Hiền Hữu biết trọng mà lo sửa vẹn người đời.

(Đạo Sử Q2).

Có những người hiểu rằng phải chờ đến thất ức niên đạo mới thành đó là những người không tra cứu Thánh Ngôn để hiểu ý nghĩa chữ: ĐẠO ĐÃ THÀNH. Nói rõ là họ hiểu lầm chữ Đạo đã thành với chữ thành đạo.

Đạo đã thành là dùng cho ĐĐTKPĐ.

Thành đạo là dùng cho cá nhân.

Hai việc nầy độc lập nhau. Suy gẫm ra thì hiểu.

*  *  *

Sắc Tân Dân đang sống trong địa cầu 67; mà địa cầu 67 thì ở trong địa cầu 68 nên tự mổi người phải xác định là mình sống trong địa cầu 67 hay 68 chớ Thầy không bồng ẩm ai vào địa cầu 67 mà cũng không từ chối bất cứ một con cái nào của Thầy từ địa cầu 68 muốn gia nhập vào địa cầu 67. Đạo có CUNG NHƯ Ý, có XE NHƯ Ý muốn sao thì được vậy; lành dữ hai đường vừa ý chọn đó là quyền tự do Thầy ban cho.

Họ cứ khăng khăng họ chỉ biết, chỉ sống trong địa cầu 68 không nhìn địa cầu 67 trong Đền Thánh là quyền tự do của họ, ta phải kính trọng quyền tự do được chọn địa cầu để sống của họ.

Giáo lý ĐĐTKPĐ dạy rõ lập một sắc dân mới là Tân Dân, lập nền văn minh mới, lập một Tân Thế Giới mà sao lại phải dùng địa cầu 68 làm biểu tượng để thờ? Điều nầy không phù hợp với giáo lý của Thầy.

Dùng phương pháp loại suy thì kết lại ta thấy rằng Quả Càn Khôn trong Đền Thánh chỉ có thể là biểu tượng cho địa cầu 67.

*  *  *

 Trần Văn Chí.

Email: hoabinhchungsong220513@yahoo.com

facebook:

http://www.facebook.com/profile.php?id=100005939084186