Trang

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

3666. Các vấn đề cốt lõi để hiện thực hóa nhân quyền

TỰ DO TÔN GIÁO là chìa khóa của mọi vấn đề. BBT Blog. 

 Các vấn đề cốt lõi để hiện thực hóa nhân quyền


Hôm 19/06, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp những những người bất đồng chính kiến trước thềm đại hội Đảng 13. Hình minh họa. Photo HRW

Phạm Phú Khải  Trần Kiều Ngọc


Dẫn nhập: Tình trạng xâm phạm nhân quyền tại Việt Nam trong những năm qua vẫn tồi tệ. Tuy biết rõ chính quyền này không hề tôn trọng nhân quyền, điển hình là qua các báo nhân quyền của mình và của các cơ quan nhân quyền quốc tế, các nước như Mỹ, Úc, Anh, v.v… vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam về kinh tế và nhiều mặt khác. Tính cách địa chính trị, trong đó đặt nặng quyền lợi quốc gia, vẫn là ưu tiên chiến lược của mọi quốc gia, dù là dân chủ hay độc tài. Trong khi đó, người Việt quan tâm về tình hình đất nước, trong lẫn ngoài nước, phần lớn vẫn coi nhân quyền là phương tiện cho mục tiêu đấu tranh chính trị, thay vì coi nó là mục tiêu sau cùng. Nói khác đi, mọi hoạt động chính trị chỉ nên là phương tiện để giúp con người đạt được những giá trị cao cả nhất để có thể sống có nhân phẩm. Trong đó quyền sống, tự do, và điều kiện tốt nhất để đạt được hạnh phúc và ước mơ của mỗi người mới là mục đích tối hậu.

Nếu không có tư tưởng định hình nhân quyền và cách sống để bảo vệ, phát huy và lan tỏa nhân quyền thì làm sao, và khi nào, mới có được nhân quyền?

Bài viết này nhằm chia sẻ mối quan tâm sâu xa này với hy vọng một ngày nào đó, người Việt Nam xem nhân quyền là mục đích sau cùng, và mọi thứ khác chỉ là phương tiện trong tiến trình đạt được mục đích đó.

***

Trong khóa học nhân quyền cách đây hai tháng, và các khóa trước cách đây một năm rưỡi, chúng tôi thường gặp những câu hỏi và những mong đợi, mà thú thật đã làm cho chúng tôi không khỏi lo âu. Những nhận định về nhân quyền của một số người Việt thường thấy trên mạng xã hội cũng xoay quanh các điều này.

Xin được tóm gọn vào ba câu hỏi/vấn đề chính sau đây. Một, những báo cáo về nhân quyền có giá trị thật sự nào không khi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, chẳng hạn, vẫn cứ tồi tệ và vi phạm vẫn tiếp diễn thường xuyên? Hai, tại sao chính quyền Việt Nam ký kết vào bao nhiêu tuyên ngôn nhân quyền và công ước quốc tế, và thế giới thừa biết họ vi phạm, nhưng cũng không thay đổi gì đáng kể cả? Ba, tại sao các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ dừng lại ở chỗ báo cáo, chỉ có giá trị mang tính biểu kiến, chứ không đi xa hơn, không tạo được áp lực để thay đổi chế độ tại Việt Nam?

Trước khi bàn về các vấn đề nêu trên, chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng, trong các khóa học này, chúng tôi đã tạo cơ hội để mọi người tích cực tìm hiểu về các tổ chức tranh đấu cho quyền làm người trên thế giới. Điển hình nhất là các tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Nhà Tự do (Freedom House), và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights – Office of the High Commission).

Xin được bắt đầu với câu hỏi số 3 trước.

Nhưng để trả lời rốt ráo câu hỏi khá phức tạp này, điều quan trọng là mọi người cần tìm hiểu kỹ hệ thống chính trị của quốc gia và quốc tế hiện nay, và luật quốc tế ràng buộc cung cách hành xử của mỗi quốc gia, đối với các vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Kế đến, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ các hoạt động nhân quyền của các tổ chức nói trên trước khi đi đến nhận định hay kết luận nào. Sau đó phải đặt câu hỏi: liệu những gì chúng ta đang mong đợi có thực tế không, và tại sao chúng ta cứ trông mong nước ngoài giải quyết các vấn đề của người Việt Nam?

Trước hết, xin được nói sơ qua về bản chất chính trị quốc tế, thường được ví như là tình trạng vô chính phủ. Tuy kiến thức này khá phổ biến, nhưng không hẳn ai cũng biết, do đó xin được chia sẻ ở đây. Hệ thống, và trật tự thế giới hiện nay, là kết quả của gần 400 năm qua bao nhiêu chiến tranh trong và giữa các quốc gia với nhau, và có khi ở tầm quốc tế. Qua bao nhiêu chiến tranh xung đột và máu đổ xương rơi, Hiệp ước Westphalia năm 1648, và Hiến chương Liên Hiệp Quốc kể từ năm 1945, đã trở thành khuôn khổ quốc tế mà các tiêu chuẩn về chủ quyền (sovereignty) và không can thiệp nội bộ nước khác (non-intervention) trở thành nguyên tắc hành xử chung. Tuy đây là hai nguyên tắc quan trọng định hình cung cách mỗi nhà nước (state), có những điều luật quốc tế khác cho phép can thiệp vào chuyện nội bộ trong trường hợp đặc biệt, nhất là liên quan đến khủng hoảng nhân đạo. Rút kinh nghiệm từ nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng (Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide) vào ngày 9 tháng 12 năm 1948, một ngày trước Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát ra đời. Nhưng hơn bốn thập niên sau, mãi đến đầu 1990s, Công ước Diệt Chủng này mới được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1994 với tội diệt chủng tại Rwanda, và sau đó tại Balkan ở nước Nam Tư cũ. Nhưng khi áp dụng thì đã quá trễ, vì cả triệu người tại Rwanda, nhất là phụ nữ và trẻ em, đã bị giết hại. Vì thế mà cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan từng đặt câu hỏi, mà cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa mãn nào: “Khi nào thì cộng đồng quốc tế can thiệp vì mục tiêu bảo vệ công chúng?”

Trở lại vấn đề nêu trên, muốn can thiệp vào nội bộ một nước khác, nó cần có những lý do và bằng chứng hẳn hoi. Chủ quyền một quốc gia mang tính tối trọng để tránh trường hợp một quốc gia khác xâm chiếm, như đã từng xảy ra dễ dàng trong suốt chiều dài lịch sử, kiểu cá lớn nuốt cá bé. Hoa Kỳ đã bị mất uy tín rất nhiều sau khi xâm chiếm Iraq năm 2013 vì biện minh rằng Iraq đã có vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng sau khi tấn công thì đã không tìm thấy. Do đó, cuộc chiến tại Iraq cho đến nay vẫn bị xem là cuộc chiến phi pháp. Trong khi đó, việc Trung Quốc đối xử tàn tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ, đưa hơn một triệu người vào các trại tập trung tại Tân Cương, được Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác xem là tội diệt chủng. Tuy thế, khi đụng đến các cường quốc có vũ khí hạt nhân và quân đội hùng mạnh, như Nga hay Trung Quốc, thì có mấy quốc gia có đủ khả năng và lại sẵn sàng đưa quân đội của mình vào để chiến đấu vì lý do muốn bảo vệ nhân quyền cho người dân nước khác?

Luật quốc tế là một chuyện, bắt buộc các nước khác tuân thủ, tôn trọng là chuyện khác. Lực lượng quân sự của LHQ là sự đóng góp từ các quốc gia thành viên, mà vai trò chủ yếu là để bảo vệ hòa bình, không phải để tham chiến. Chỉ có mỗi Hoa Kỳ, cho đến nay, là quốc gia duy nhất có khả năng làm “cảnh sát” trên bình diện toàn cầu. Nhưng ngay cả thế, sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ có giới hạn, và nó được trải mỏng khắp thế giới.

Tất cả các yếu tố nêu trên, và còn nhiều nguyên do khác chưa đề cập, chỉ nói lên một điều: trật tự và hệ thống chính trị quốc tế trước đây, và hiện nay, có những giới hạn và ràng buộc của nó. Nó chưa hề hoàn hảo, và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Nhưng nó đã có những đóng góp đáng kể trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt trong hơn bảy thập niên qua. Tuy thế, không nên mong đợi nó có thể làm hơn những gì nằm ngoài sứ mệnh và khả năng thực sự của nó.

Sau cùng, điều thực tế cần ghi nhận là không có một lực lượng chính trị, an ninh hay cảnh sát nào có thể giải quyết được các vấn nạn tội phạm của con người, trên bình diện quốc gia hay quốc tế. Bản chất “tham, sân, si” của con người diễn ra trong mọi thời đại, ngay cả khi vật chất đang có là thịnh vượng nhất trong thời điểm hiện nay.

Thế thì tại sao Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ muốn góp phần bảo vệ nhân quyền trên thế giới? Nguyên lý căn bản là vì khi đa số người dân ý thức và biết tôn trọng nhân quyền thì sự giải quyết xung đột thường xảy ra trong ôn hòa, trên tinh thần thượng tôn quyền sống và luật pháp, thay vì chà đạp lên nhau rồi leo thang dẫn đến chiến tranh. Xung đột và chiến tranh tại một nơi có nguy cơ lan rộng đến vùng và toàn cầu, một hệ quả mà không ai muốn.

Ngoài lĩnh vực nhà nước, các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ cũng đóng vai trò vô cùng tích cực trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy các tổ chức như AI, HRW, OHCHR v.v… không có đủ nguồn lực, phương tiện hay “dụng cụ/vũ khí” để tạo ra những thay đổi về thể chế hay chính trị. Trên hết, nó không phải là vai trò và trách nhiệm của họ. Nhiệm vụ của các tổ chức nhân quyền là điều tra, nghiên cứu, và báo cáo xác thực tình trạng nhân quyền tại những quốc gia mình có thể hoạt động. Một số các tổ chức này sẽ tìm cách gia tăng ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân tại nơi đó, và vận động công chúng cùng tham gia các chiến dịch bảo vệ và phát huy nhân quyền, như AI. Ngoài ra, AI, HRW và FH, chẳng hạn, sẽ đưa ra các đệ trình, khuyến nghị đối với Hoa Kỳ, với các cộng đồng quốc tế, cũng như cảnh báo các vi phạm nhân quyền, để cùng nhau tạo ra những thay đổi luật, chính sách và biện pháp hầu cải thiện, để những vi phạm như thế không xảy ra nữa.

Trong thời gian qua, một trong những điều chúng tôi không thể hiểu được là nhiều người Việt thường hay phê bình chỉ trích nặng nề các tổ chức nhân quyền như AI, HRW, FH, OHRHR v.v… Nhiều người coi thường và gạt bỏ những nỗ lực và thành tựu đáng kể của các tổ chức này. Một số luận điệu cho thấy họ nói vì muốn bênh vực chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay. Nhưng đồng thời những người chống chế độ cũng phê phán các tổ chức này. Khi hỏi thêm là họ biết gì về hoạt động của các tổ chức này, có hiểu cách các tổ chức này nghiên cứu và báo cáo nhân quyền ra sao không, và có bao giờ lên các website đó để tìm đọc tin tức, tường trình, nghiên cứu và báo cáo định kỳ hay đặc biệt của các tổ chức này không, thì 9 trên 10 người trả lời hoàn toàn không. Dường như đại đa số phán xét nhưng không dựa vào dữ kiện gì cả. Trong khi đó, các tổ chức này không chỉ điều nghiên nhân quyền tại Việt Nam mà còn trên 190 quốc gia trên toàn thế giới, kể cả các nền dân chủ hàng đầu. Họ đã lên tiếng kịp thời về những vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại mỗi quốc gia, như tại châu Á thì họ luôn lên tiếng về tình hình tại Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương v.v… Vì vậy, khi tìm hiểu đầy đủ và đúng đắn, chúng ta sẽ nhìn ra được tầm vóc hoạt động sâu rộng của các tổ chức này, những khuyến cáo thực tiễn về vi phạm nhân quyền hầu cộng đồng quốc tế cùng biết, và những áp lực đáng kể lên các nhà nước này. Chúng ta đều biết rằng tất cả các chế độ vi phạm nhân quyền, mà phần lớn là độc tài, cộng sản và phi dân chủ, hoàn toàn không muốn bị cộng đồng thế giới biết đến hay lên tiếng phê phán các vi phạm của họ.

Về câu hỏi số 2, thì Việt Nam quả là một quốc gia ký kết rất sớm hầu như tất cả các công ước quốc tế quan yếu về nhân quyền. Chỉ có một số nhỏ thì Việt Nam vẫn chưa ký kết, như Công ước về Người Tị nạn, Quyền Lao động, Quyền Lập hội v.v... Ngay cả Công ước Chống lại Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn ác, Vô Nhân đạo hoặc Hạ nhục Người Khác, gọi tắt là CAT, thì Việt Nam cũng đã ký kết vào ngày 7 tháng 11 năm 2013. Tuy thế, ai cũng biết các hành động tra tấn thô bạo đối với người dân do các lực lượng an ninh và công an Việt Nam thi hành là điều xảy ra thường xuyên và mang tính hệ thống. Gần đây nhất là trường hợp xảy ra cho cô Phạm Đoan Trang, hay đối với cụ Lê Đình Kình và gia đình cụ.

Tại sao chính quyền Việt Nam vẫn ký vào nhưng không tuân thủ, tôn trọng, thi hành?

Theo chúng tôi, đó là vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đáng kể nhất là: một, về nhu cầu văn minh, hội nhập; hai, vì quyền lợi thực tiễn như kinh tế, giao thương v.v…; ba, dù biết mình sẽ vẫn vi phạm, nhưng vì họ biết cách để không bị trừng phạt.

Một, sau thời kỳ bế quan tỏa cảng từ năm 1975 đến 1986, xem mình là đỉnh cao trí tuệ, nhưng thực tế thì cả nước nghèo nàn lạc hậu đến độ không thể đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất về cái ăn cái mặc, nhà nước Việt Nam quyết định đi theo con đường đổi mới, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Do đó họ cần chứng minh với thế giới rằng họ cũng là một thành viên văn minh và biết hội nhập không khác ai, nhất là biết tôn trọng nhân quyền. Chẳng hạn, trong bản báo cáo của OHCHR vào ngày 12 tháng 3 năm 2019, Việt Nam cho biết họ đã tôn trọng Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), bằng cách tu chính hiến pháp và hàng trăm bộ luật khác nhau, được sửa đổi hoặc lập nên cái mới, để đề cao và bảo vệ các quyền và tự do của người dân. Phái đoàn Việt Nam trước nay luôn báo cáo tích cực về mọi thành quả của mình, mặc dầu thực tế thì không hẳn vậy.

Hai, ký vào các công ước, quy định, công cụ về nhân quyền không chỉ thể hiện “văn minh” mà còn mang tính cách thực tiễn, nhất là về kinh tế và thương mại. Để bang giao với các nước khác, nhất là các nền dân chủ, đặc biệt về giao thương, thì thường có các điều kiện nhân quyền, như các quyền công nhân/lao động, quyền trẻ em, phụ nữ, khuyết tật v.v… đi kèm. Việt Nam, cũng như bao nước khác, cần hội nhập và phát triển sau một thời gian dài tự mê. Vì vậy nhà nước Việt Nam cần sửa đổi luật liên quan đến nhân quyền, không phải vì muốn làm một cách rốt ráo do sự tin tưởng thật sự, mà vì muốn được chấp nhận vào cộng đồng quốc tế. Cũng vì thế mà họ lại làm như chiếu lệ. Họ chỉ muốn đạt được mức tối thiểu cần thiết để tránh bị phê phán nặng nề.

Ba, như trong phần trả lời câu số 3 ở trên, hệ thống chính trị quốc tế cùng lắm thì chỉ khuyến cáo, chứ không làm gì được đáng kể đối với các nhà nước vi phạm nhân quyền, trừ phi nó tệ hại đến độ cấu thành tội diệt chủng, chẳng hạn. Nhưng ngay cả khi cấu thành tội diệt chủng, như Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ hiện nay, thì cách giải quyết vẫn còn khá phức tạp. Nói cách khác, hệ thống chính trị quốc tế mang tính vô chính phủ, không có quân đội hay cảnh sát để áp dụng thi hành các luật và công ước quốc tế, nên không có khả năng buộc các quốc gia thành viên tuân thủ chấp hành. Tình nguyện, tự giác mới là yếu tố căn bản. Cũng vì thế nên Việt Nam thoải mái ký kết mà không lo mất mát gì. Nhà nước Việt Nam biết rõ rằng chỉ cần nắm thật chặt truyền thông chính mạch, bưng bít mọi thông tin nào nói lên tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống của họ, và mồm mép chối cãi mọi hành vi vi phạm nhân quyền, thì các cơ chế hay quốc gia khác khó thể nào kết tội Việt Nam được. Đó là cách Việt Nam đối phó với mọi sự phê bình về nhân quyền cho đến nay, và phần nào đó thành công.

Mới đây đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong chuyến viếng thăm Nhật vừa qua, quả quyết rằng ông sẽ cải thiện nhân quyền để thu hút đầu tư, theo báo cáo của tờ Nikkei Asia tại Nhật vào ngày 25 tháng 11. Phát biểu này nói lên được rất nhiều về tư duy của giới lãnh đạo Việt Nam trước và nay về chủ trương của họ đối với nhân quyền, như có trình bày ở trên.

Tất nhiên thế giới thừa biết sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam, như đã thấy qua các tin tức và báo cáo thường niên của AI, HRW, FH, hay của các chính quyền dân chủ và của Liên Hiệp Quốc. Nhưng thế giới chấp nhận nhắm mắt làm ngơ vì tương quan quyền lợi về kinh tế/thương mại, vì lý do địa chính trị. Trên hết, vì những gì họ có thể làm để buộc Việt Nam tuân thủ thật ra cũng khá giới hạn.

Chẳng hạn, trong bản báo cáo nói trên, OHCHR khuyến cáo rằng Việt Nam thường sử dụng lý do an ninh và trật tự xã hội để giới hạn các quyền của các nhà hoạt động nhân quyền, các nhóm nhỏ, và tất cả những ai chống đối Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quan niệm về an ninh quốc gia quá rộng, và cách diễn giải và áp dụng luật thì khá tùy tiện. Ngành tư pháp thì không độc lập, trong khi các chánh án thì được ĐCSVN bổ nhiệm dựa trên sự trung thành của họ. Các đạo luật về tôn giáo thì được thiết kế để giới hạn quyền tự do tôn giáo, trong khi luật về báo chí/truyền thông thì cấm phê bình nhà nước hay báo cáo các vấn đề nhạy cảm. Đề nghị của OHCHR là “Việt Nam cần tiếp tục giải quyết các vấn đề như quyền trẻ em, độc lập tư pháp, án tử hình và cáo buộc tra tấn trong trại giam.” Họ đề nghị nhưng Việt Nam muốn làm hay không thì nó nằm ngoài tầm tay, công việc hay trách nhiệm của họ.

Tóm lại, cộng đồng quốc tế thừa biết, và có khi còn biết rất rõ, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, nhưng phần còn lại là tùy thuộc vào nhà nước và người dân Việt Nam.

Sau cùng là đến lượt câu hỏi số 1: các báo cáo nhân quyền có giá trị nào không, vì nếu có thì tại sao sự vi phạm nhân quyền cứ tiếp diễn?

Ở đây có nhiều điều cần mổ xẻ, phân tích cặn kẽ, nhưng chúng tôi cũng không thể đi quá sâu trong khuôn khổ của bài viết này.

Thứ nhất, mọi báo cáo, nhân quyền hay về bất cứ lĩnh vực nào, nếu được thực hiện một cách đứng đắn, khách quan, khoa học, thì luôn có giá trị đích thực của nó. Không ai có thể làm tốt, và tốt hơn nữa, nếu dựa trên báo cáo dở hay dối; và ngược lại, không ai có thể làm báo cáo tốt, và tốt hơn nữa, nếu dựa trên việc làm dở hay dối. Việt Nam là một trong các quốc gia ngoại lệ. Việt Nam làm dở nhưng luôn báo cáo tốt, trong mọi vấn đề. Bệnh thành tích ăn sâu vào tâm khảm của họ. Cho nên khi nào vẫn còn văn hóa này thì Việt Nam không thể tiến bộ đích thực được.

Các báo cáo nhân quyền của AI, HRW, FH, OHCHR v.v… đều dựa trên cơ sở bằng chứng và lập luận vững chắc, từ hồ sơ dữ liệu của nhiều thập niên qua, và từ sự quan sát, nghiên cứu tường tận, cũng như đối chiếu, kiểm chứng mọi thông tin và dữ kiện trước khi phổ biến nó. Tất nhiên nó không hoàn toàn đầy đủ, hay hoàn toàn chính xác, vì các yếu tố khách quan. Nhưng sự phân tích và phê bình của các báo cáo này thường dựa trên các luật pháp, hiến pháp tại Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Các hồ sơ báo cáo này có giá trị rất cao qua thời gian. Chúng ta đều biết nhà nước Việt Nam muốn xóa bỏ, hay bóp méo, những phần lịch sử nào gây bất lợi cho họ, dù đó là sự thật. Cho nên những sự vi phạm nhân quyền của họ trong suốt 46 năm qua, và trước đó, cũng như trong tương lai, cần được ghi nhận và lưu trữ trên tinh thần nghiêm minh. Những đóng góp từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, và bởi chính người Việt Nam, sẽ có giá trị giúp cho người Việt Nam hôm nay và các thế hệ sau này hiểu chính xác và đầy đủ vấn đề. Không có những dữ kiện lịch sử dựa trên sự thật và không có các bài học rút ra được từ đây, nó sẽ là một cái kết bi thảm của dân tộc. Không hiểu được những chấn thương của tiền nhân, những tương tranh nồi da xáo thịt, thì lịch sử lập lại là lẽ đương nhiên. Như đã thấy trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam.

Sự vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn vì vì quyền lực và chính trị của chế độ cầm quyền là trên hết, và vì trong tư duy họ không hề có. Nhưng phần khác, vì người dân chưa có được cơ hội để học hỏi và phát huy quyền làm người của mình.

Trong khi đó, ở các nước dân chủ, chính quyền không hành động thì sẽ bị người dân phê phán. Cạnh tranh, như thế, là phương cách tốt nhất để loại trừ những chính quyền không tôn trọng hay thực thi nhân quyền. Hoặc có, nhưng làm không hiệu quả. Vì lý do này, dù cho người dân hay các tổ chức nhân quyền chưa hay không áp lực, chính quyền vẫn thấy có nhu cầu đi đầu để thể hiện tinh thần thượng tôn nhân quyền của mình. Tóm lại, họ không cần đến việc khuyến cáo của các tổ chức nhân quyền hay của LHQ, bởi sự vận hành của xã hội và ý chí lẫn ý thức của người dân mới là yếu tố quyết định.

Vài lời kết

Chúng tôi hy vọng, qua những gì trình bày trên, giải đáp phần nào các thắc mắc và quan tâm của một số người về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Chúng tôi xin chia sẻ thêm ba điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm trước khi hết lời.

Một, sự can thiệp của quốc tế vào Việt nam, hay một quốc gia nào đó, nếu có, cũng chỉ mang tính cách hỗ trợ và tạm thời. Nó không giải quyết được tận gốc sự xâm phạm thô bạo của chính quyền vào người dân, và giữa người dân với nhau. Ngay cả khi Hoa Kỳ, hay một nước hùng mạnh nào đó xâm chiếm Việt Nam, lật đổ chế độ hiện nay và thay thế một chế độ dân chủ hơn, thì tình trạng nhân quyền có thể nhờ đó mà cải thiện, nhưng sự vi phạm chắc chắn sẽ tiếp diễn. Chỉ khi nào người dân hiểu được rằng, để chung sống hài hòa thì không thể đối xử tồi tệ với nhau. Cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực, đe dọa hay sợ hãi là đã vi phạm nhân quyền ngay từ căn bản. Chỉ khi nào người dân hiểu được các quyền của mình không phải do nhà nước/chính quyền ban bố mà đó là quyền đương nhiên và thuộc về họ, và chính họ tin tưởng, khẳng định, quyết tâm và hành xử như mình sở hữu, thì lúc đó, không một ai có thể tước đoạt được quyền của họ.

Hai, ngay cả khi được quốc tế can thiệp, hay chính quyền bị thay đổi, như đã và đang diễn ra tại châu Phi như Sudan, Ethiopia, Rwanda, Nigeria, Congo (Democratic Republic) v.v… thì chính quyền khác lên vẫn cứ tiếp tục chà đạp nhân quyền. Tình trạng nhân quyền Rwanda, sau khi giết hại cả triệu người và được thế giới can thiệp, thì đã được cải thiện. Nhưng các bản báo cáo nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ về Rwanda, hay từ AIHRWFH v.v… đều cho thấy tình trạng tra tấn, đối xử tồi tệ với những người bất đồng chính kiến, tự do ngôn luận và truyền thông v.v… vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Gần đây, có những báo cáo nhân quyền từ HRW, AI v.v… cho thấy tình trạng xâm phạm nhân quyền trầm trọng tại Rwanda, được ví như nạn diệt chủng lần thứ hai, đang xảy ra tại nước này.

Tóm lại, khi sự đối xử của chính quyền đối với thành phần đối lập mang tính thù nghịch và thô bạo, thì khi phía đối lập có cơ hội lên nắm quyền, họ tiếp tục đối xử thù nghịch và thô bạo dành cho đối lập. Khi đã coi nhau thù nghịch thì triệt hạ hay tiêu diệt nhau là điều khó tránh. Đây là tâm lý và bản chất chung của các chính thể độc tài, cộng sản, phi dân chủ. Cho nên sự xâm phạm nhân quyền tại những nơi này thường xảy ra, và không có cơ hội cải thiện đáng kể. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ không thể dứt được, cho đến khi mọi bên đều công nhận rằng, điều hành lãnh đạo đất nước là một cuộc thi đua công bằng và bình đẳng dựa trên khả năng, tài cán và viễn kiến của tất cả các bên tham dự.

Tóm lại, văn hóa đối xử văn minh và tôn trọng nhau, tôn trọng khác biệt chính kiến, v.v… mang yếu tố quyết định về tình trạng nhân quyền của nước đó về lâu dài, thay vì áp lực từ nước ngoài. Khả năng thay đổi chính quyền bằng bạo lực lại càng không hề giải quyết được nhân quyền ở tận gốc.

Ba, nhân quyền đến từ chính nội tâm nội lực của mỗi chúng ta, không phải từ chính quyền hay bất cứ ai khác. Tất nhiên, nhà nước gồm tư pháp, hành pháp, và lập pháp, đều có khả năng làm ra luật, thi hành luật và diễn giải luật, để tôn trọng hay xâm phạm, nhân quyền của người khác. Nên nhớ, mọi nhà nước trên thế giới này đã phê chuẩn ít nhất một trong chín công ước quan yếu về nhân quyền, có nghĩa rằng, chính họ phải có ràng buộc và trách nhiệm dưới luật quốc tế để tôn trọng, bảo vệ và hoàn thành (respect, protect and fulfil) sứ mệnh cam kết nhân quyền của mình, để nhân quyền được mọi người trên khắp thế giới thụ hưởng. Nhưng điều quan trọng về nhân quyền là khi người dân ý thức được rằng quyền con người không phải do bất cứ chính quyền nào có thể ban phát, mà nó luôn sẵn có trong mỗi chúng ta, bởi vì chúng ta là con người, bất kể màu da, tôn giáo, sắc tộc, phái tính, tuổi tác, quốc tịch v.v… Khi có được tư duy đó, và khi niềm tin về nhân quyền vững chắc như một thứ niềm tin tôn giáo, thì không ai và không chính quyền nào có thể lấy đi được các quyền làm người của người Việt Nam hay khắp nơi.

Còn khi phần lớn người Việt chỉ mong muốn người khác đấu tranh cho quyền làm người của mình thay vì chính họ phải tham gia đấu tranh, thì không ai giúp được họ. Nếu phần lớn người Việt có tinh thần vọng ngoại, chỉ trông cậy vào thế lực ngoại bang, kể cả Mỹ, để giải quyết bài toán của mình, thì đến bao giờ mới có được dân chủ, nhân quyền?

Chủ trương hướng ngoại, ỷ lại hay trông cậy vào người khác, mà không hướng nội, trông vào chính mình, đặt trách nhiệm lên vai trò và sứ mệnh của mình, thì mọi giải pháp chỉ mang tính tạm bợ, nhất thời. Tất cả chỉ giải quyết cái ngọn, không phải cái gốc vấn đề. Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu hiện tượng như thế đang đầy dẫy trong cuộc sống con người hôm nay.

Vì những lý do đó, các tổ chức như AI, HRW, FH, Liên Hiệp Quốc, v.v… cũng không thể nào cải thiện được nhân quyền tại Việt Nam nếu như người Việt không chủ động góp phần vào sự thay đổi đó. Khi người dân vẫn không hiểu rõ quyền và tự do của mình, không mạnh dạn đứng lên để bảo vệ, và không phát huy tinh thần và giá trị nhân quyền, thì quyền và tự do cũng chỉ có trên văn bản. Dù có trong hiến pháp và pháp luật Việt Nam đi nữa, nhân quyền không hề được tôn trọng trên thực tế.

Người dân Việt Nam, hay bất cứ dân tộc nào, chỉ thật sự sở hữu các quyền làm người và các quyền tự do của mình khi chính nó nằm trong triết lý sống, trong hơi thở và hành động của họ mỗi ngày. Nếu không, thì dù thể chế có thay đổi sang dân chủ đi nữa, quyền lực cũng chỉ tập trung vào một thiểu số cá nhân, phe phái, bè nhóm, đảng phái, v.v… thay vì người dân.

Vì thế, tuy vận động quốc tế áp lực chế độ hiện nay về nhân quyền là cần thiết, hay vận động để chế độ cai trị hiện nay thay đổi và tôn trọng nhân quyền hơn, tất cả cũng chỉ là phương tiện thôi. Thật ra, tất cả những gì người khác làm, hay nước khác làm, để giúp nhân quyền Việt Nam cải thiện, thì cũng chỉ là phương tiện. Mục đích sau cùng là mỗi một người, mỗi một công dân, tại Việt Nam hiểu rõ quyền hạn, vai trò và trách nhiệm của chính mình, để trở thành những công dân tự tin, tự trọng, quyết đoán và mạnh mẽ, hầu có thể tự bảo vệ lấy mình.

Nói cho cùng, tình yêu thương chân thực và sâu đậm nhất của chúng ta với người khác là giúp trang bị cho họ có khả năng, độc lập, và vững tin để họ tự do mưu cầu hạnh phúc và để được sống trong nhân phẩm. Chứ không phải để lệ thuộc hay phụ thuộc mình, để mình có quyền trên họ. Tình yêu thương đích thực là giúp người khác hoàn thành được giấc mơ của họ. Set them free. Khi đó nhân quyền của họ mới có thể được hiện thực, và trọn vẹn.

Phạm Phú Khải và Trần Kiều Ngọc
Úc châu, 01/12/2021