Trang

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

3682. NỮ QUYỀN TRONG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

 

VNTB – Nữ quyền trong Đại đạo Tam kỳ Phổ độ

VNTB – Nữ quyền trong Đại đạo Tam kỳ Phổ độ

Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – Hệ thống pháp luật tôn giáo thiết kế quyền hành đạo của Nữ phái song song với Nam phái từ địa phương cho đến trung ương

 

Trong khi nước Đại Nam còn trong thời kỳ Pháp thuộc, nòi giống Việt Thường còn trong ách nô lệ thì có một tôn giáo pháp quyền ra đời vào năm 1926 tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, Nam Phần, Đại Nam. Tôn giáo có danh hiệu là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài. Gọi là Tôn giáo pháp quyền vì có hiến pháp (Pháp Chánh Truyền), cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp. Điều đặc biệt hơn nữa là hệ thống pháp luật tôn giáo thiết kế quyền hành đạo của Nữ phái song song với Nam phái từ địa phương cho đến trung ương.

Quyền hành đạo của Nữ Phái được thiết kế trong Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nữ phái, trong Hiến pháp Chức sắc Hiệp Thiên Đài, hệ thống hành chánh tôn giáo, trong Phước Thiện, trong Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh, trong Kinh điển và Thể pháp qua kiến trúc. Pháp luật của đạo qui định hể nhập môn là có quyền hành đạo do vậy dầu thể pháp hay bí pháp đều thể hiện quyền hành đạo của Nam và Nữ song song nhau.

Về mặt xã hội Đạo Cao Đài chủ trương hữu sản hóa người đạo, người dân về vật chất và tinh thần, làm cho dân mạnh nên thực thi nhơn nghĩa qua 5 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết để xây dựng xã hội Hòa bình – Dân chủ – Tự do. Trong quá trình nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh của Đạo Cao Đài có sự đóng góp rất thiết thực và quan trọng của Nữ Phái. (1).

1/- Nữ phái trong Cửu Trùng Đài.

Quyền lập pháp của do Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng ngự tại Bát Quái Đài nắm giữ nên là quyền tuyệt đối, không một quyền nào được phép cải sửa. Ngay sau Lễ Khai Đạo ngày 19-11-1926 (15-10-Bính Dần) Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Nam Phái.

Ngày 02-02-1927 (01-01- Ðinh Mão) Ðức Lý Ðại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái Cửu Trùng Ðài.

Đức Hộ Pháp Chú Giải xong Pháp Chánh Truyền và ban hành ngày 02-4-1931 (15-2-Tân Mùi). Khi Chú Giải mới có các phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự Nam và Nữ.

Bảng tóm lược chức phẩm Cửu Trùng Đài Nam-Nữ.

2/- Nữ phái trong Hiệp Thiên Đài.

Ngày 13-12-1927 (12-01- Ðinh Mão) Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài. Các phẩm từ Hộ Pháp đến Thập Nhị Thời Quân đều là Nam phái.

Khi Đức Hộ Pháp chú giải Pháp Chánh Truyền (02-4-1931) thiêng liêng dạy có Thập Nhị Bảo Quân và phong một số Bảo Quân là Nam phái, còn một số vị nữa Thầy đang chờ đến nên chưa rõ hàng Bảo Quân có Nữ phái hay không.

Ngày 20-3-1935 (16-2-Ất Hợi) Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn dạy lập thêm các phẩm Chức Sắc Hiệp Thiên Đài từ phẩm Sĩ Tải lên đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

Ngày 11-6-1936 (23-5-Bính Tý) Đức Hộ Pháp ra Sắc lịnh 34/SL thành lập thêm phẩm dưới Sĩ Tải là Luật Sự, vào phẩm nầy phải do khoa mục tuyển chọn.

3/- Nữ Phái trong hành chánh tôn giáo (chức, quyền, lịnh)

Các chức phẩm trong Pháp Chánh Truyền phải gắn kết trong bộ máy hành chánh tôn giáo mới có quyền. Dầu chức phẩm nào mà không có lịnh Hội Thánh bổ nhiệm hành đạo mà có đến địa phương cũng không có quyền chi.

Theo Pháp Chánh Truyền, Đạo Nghị Định, và Đạo Luật Mậu Dần (1938), hành chánh tôn giáo có 5 cấp Trung Ương, Trấn Đạo, Châu Đạo, Tộc Đạo và Hương Đạo; ngoài ra còn có Châu Thành Thánh Địa (thủ đô tôn giáo). Trong cả 5 cấp hành chánh và Châu Thành Thánh Địa hệ thống hành chánh Nam và Nữ luôn luôn song song nhau. Nhân sự trong hành chánh tôn giáo có ba thành tố: chức, quyền và lịnh.

Quyền hành đạo của Nữ phái trong hệ thống hành chánh ĐĐTKPĐ song song với Nam phái từ địa phương đến trung ương để riêng lo cho Nữ phái. Cách bố trí như thế tạo điều kiện cho Nữ phái độc lập với Nam phái và phát huy hết sở trường của mình trên đường công quả. Tạo hóa đã tạo nên thể trạng của phái Nữ và phái Nam khác nhau thì đạo nương vào đó để tạo điều kiện cho Nữ phái phát triển theo phái tính. Sự công bằng, bác ái của đạo là nương vào sự bố trí thể trạng và tình ý tạo hóa, để mỗi nhân tố khi đến làm khách trần nơi quán tục được thuận căn, thuận mạng trên đường thực thi tam lập. Luật phụng sự và tấn hóa của tôn giáo thiết kế trên thực tế hiển nhiên của Nam và Nữ.

Trong thể thao đã có nhiều bộ môn tổ chức cho Nam và Nữ tranh tài riêng nhau như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội… để tạo điều kiện cho phái Nữ thi đua với nhau trong phạm vi quốc gia và thế giới. Xã hội đã chấp nhận sự thật rằng thể trạng của Nữ phái và Nam phái khác nhau nên phải có môi trường riêng cho Nữ phái phát triển. Thể trạng khác nhau thì tách riêng ra để thi đua là công bằng.

Thế giới đã nhìn nhận thể trạng của Nam và Nữ khác nhau để tạo sân chơi cho Nữ Phái về thể thao thì trong tương lai việc thiết kế cho Nữ phái song song với Nam phái trong lãnh vực hành chánh nơi địa phương chỉ còn là thời gian. Trong trào lưu của khoa học kỹ thuật, của thế giới phẳng, của tri thức trong mọi phương diện thì việc phái Nữ có một hệ thống hành chánh song song với Nam phái trong một địa phương, một quốc gia là điều phải tới. Phái Nữ là phân nữa nhân loại, khi các vị ý thức và yêu cầu thì xã hội phải quan tâm và đáp ứng.

4/- Nữ Phái trong Phước Thiện

Nhân sự hành chánh Cửu Trùng Đài Nam phái từ Giáo Hữu trở lên chưa tới 3.200 người, thêm vào nhân sự của Cửu Trùng Đài Nữ phái; và cả Lễ Sanh Nam, Nữ cũng không thể kham nổi nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh. Do vậy mà Thiên thơ bố trí cho Hiệp Thiên Đài lập ra Phước Thiện để trợ giúp cho Hành Chánh.

Căn cứ vào nguyện vọng của Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh năm 1937 (Đinh Sửu) Hội Thánh Cao Đài lập ra Đạo Luật Mậu Dần (1938). Chương Phước Thiện có hai Điều 10 và 11.

Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.

Tại Điều 10: Phước Thiện có 12 phẩm: Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn, Hiền Nhơn, Thánh Nhơn, Tiên Tử, Phật Tử.

Điều 11: Hội Thánh phải bổ đến mỗi Quận Đạo: Lễ Sĩ, Cai Nhạc và Giáo Nhi có cấp bằng của Hội Thánh, đặng chỉnh đốn về mặt nghi tiết nơi các Thánh Thất và các cuộc quan hôn, tang tế.

Nữ phái có đầy đủ quyền tham gia công quả như bên Nam phái.

Theo Đạo Luật Mậu Dần (1938) Phước Thiện điều hành kinh tế, tài chánh và quan hôn tang tế cho đạo nên cực kỳ quan trọng, nhưng lại không có trong Pháp Chánh Truyền nên buộc phải tùng theo Pháp Chánh Truyền là tùng theo quyền điều hợp của Hành Chánh. Phước Thiện phải chịu dưới quyền điều hợp của hành chánh để tránh cái nạn kinh tế giải quyết tất cả như đã từng xảy ra trong xã hội. Đó cũng là cách Chí Tôn chia quyền lực của hành pháp ra không cho hành pháp nắm hết để tránh nạn kiêu hãnh và độc đoán làm khổ con cái của Ngài, cả hai đều phải minh bạch theo khuôn luật. Hành chánh tôn giáo ví như một cơ thể thì Phước Thiện chính là nguồn máu để nuôi cơ thể ấy.

5/- Nữ phái trong Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.

Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh thể hiện tự do trong đạo đức và dân chủ có nhân quyền. Pháp luật đạo chính là giềng mối đạo đức tôn giáo, người đạo được quyền đề xuất sửa đổi, thay thế và hủy bỏ theo lộ trình của Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. Khi đệ trình thì được bảo vệ ý kiến (nhân quyền) và toàn hội chất vấn rồi biểu quyết (dân chủ).

Tộc đạo là cấp cơ sở để lập đoàn tham gia vào Đại Hội Nhơn Sanh.

Hai đoàn song song nhau và cùng cách thành lập. Đầu Tộc Đạo Nam hay Nữ là trưởng đoàn của mỗi phái. Trong mỗi đoàn có:

Một Chánh Trị Sự đại diện cho các vị Chánh Trị Sự địa phương.

Một Phó Trị Sự đại diện cho các vị Phó Trị Sự địa phương.

Một Thông Sự đại điện cho các vị Thông Sự địa phương.

Một Đạo Hữu (trường trai) đại diện cho Đạo Hữu địa phương.

Theo luật đạo không buộc Bàn Trị Sự trường trai, nhưng khi chọn một đại diện thì trường trai là một yếu tố để các phẩm chọn lựa đại diện. Về căn bản địa phương phải thảo luận các vấn đề và đúc kết để đoàn về dự Hội Nhơn Sanh căn cứ vào đó trình bày.

Khi dự hội thì đều là nghị viên và quyền hạn của Nữ phái và Nam phái ngang nhau.

6/- Nữ phái trong nền văn minh mới hay trong kinh điển.

Tại sao đưa nữ Phái hay Nữ quyền vào kinh điển? Bởi vì Đạo Cao Đài xuất phát từ nguyên lý: Thiên-Nhân Hiệp-Nhứt. Kinh điển trong tôn giáo do nơi thiêng liêng ban cho hay do nơi các Đấng dạy phẩm chức trong tôn giáo có trách nhiệm viết (khi còn mang xác phàm). Trong phần của thiêng liêng ban cho có phần của các Đấng là Nữ phái. Một số Đấng ban kinh (như Đức Phật Mẫu hay Cửu Vị Tiên Nương) lại nhận trách nhiệm dẫn dắt môn đệ Đức Chí Tôn hay cơ quan của đạo trên đường hành đạo; thiêng liêng và con người hùn nhau tạo công quả.

Khi Đức Chí Tôn khai đạo thì giao cho Phật Mẫu độ rỗi con cái của Ngài. Vì Phật Mẫu là hiện thân cho tình thương, cho trái tim người Mẹ. Phật Mẫu thương con cái nên lập ra các nền văn minh để nhân loại được sống trong no ấm mà tìm về tạo hóa. Ba nền văn minh đã qua: nông nghiệp, công nghiệp, điện và điện tử chưa đủ để thức tỉnh nhân loại nên Phật Mẫu đến lập nền văn minh thứ tư: văn minh tâm linh hay còn gọi văn minh Cao Đài Giáo hoặc văn minh nhơn đạo. Trong nền văn minh tâm linh phải có những phát minh, do vậy 9 viện nghiên cứu của Cửu Trùng Đài (Cửu Viện) có Cửu Vị Tiên Nương đỡ đầu.

Ngày Trung Thu hằng năm là ngày hội tụ các phát minh trong tôn giáo hay xã hội, Hội Thánh tiếp nhận giao qua cho Cửu Viện nghiên cứu, sau đó chuyển qua Hàn Lâm Viện. Khi đã hoàn chỉnh thì Hội Thánh công bố và niêm yết tại Long Hoa Thị. Địa phương hay tổ chức nào muốn xài các phát minh ấy thì liên lạc với Hội Thánh để được hỗ trợ. Các phát minh ấy làm thay đổi cuộc sống xã hội về vật chất lẫn tinh thần, cho nên đó là ý nghĩa, là nhiệm vụ chuyển thế của Long Hoa Thị. (2)

7/- Nữ phái đào tạo trí huệ cho nhân loại (Trí Huệ Cung).

ĐĐTKPĐ có thể pháp và bí pháp. Thể pháp là phần hữu hình như một công trình kiến trúc, một mầu sơn, cách bố trí hệ thống hành chánh, kinh điển, công văn hành chánh… Bí pháp là những thông điệp ẩn tàng trong thể pháp, là kế hoạch để thực hiện.

Đạo tạo nền văn minh mới nên tất nhiên phải có những phát minh được trình chánh hàng năm. Muốn có phát minh phải có huệ trí. Vậy huệ trí do đâu mà có? Trong thể pháp của tôn giáo phần đào tạo trí huệ cho nhân loại được thể hiện tại Trí Huệ Cung nghĩa là thuộc về phái Nữ.

Trí Huệ Cung là nhà tu của Nữ phái là nơi cung ứng, cung cấp trí huệ cho đạo và đời theo luật cung cầu. Tại sao Trí Huệ Cung là nguồn cung ứng? (3) Bởi vì trong khuôn luật luân chuyển hoá sanh khi con người hiện sinh trong nhân thế là đã trải qua ba thời kỳ: hư vô chi khí, tiên thiên và hậu thiên.

Thời hư vô chi khí là thời kỳ ở trong tinh của cha và trứng của mẹ. Đạo Cao Đài xác định hôn phối giữa Nam-Nữ là đạo vợ chồng, nên tôn giáo có luật chọn bạn hôn phối trong cùng tôn giáo chính là để thanh niên Nam, Nữ cùng một ý thức rằng mình sắp bước vào nhiệm vụ rất quan trọng: thay quyền tạo hóa để tạo ra con người mới.

Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,
Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.
Con người nắm vững chủ quyền,
Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân….
(Kinh Hôn Phối, 4 câu đầu)

Thời tiên thiên là khi tinh của cha và trứng của mẹ hội tụ nhau để tạo nên ngôi Thái Cực (tế bào đầu tiên), từ Thái Cực mới phân đôi để tạo Lưỡng Nghi, mỗi Nghi lại tự phân đôi tạo ra Tứ Tượng, mỗi Tượng lại tự phân để tạo thành Bát Quái, mỗi Quái lại tự phân tiếp tục suốt trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày (9 phương Trời, 10 phương Phật) để tạo ra hình hài của thai nhi trước khi ra khỏi bụng mẹ. Thời tiên thiên thai nhi phát triển rất nhanh và dĩ nhiên thời kỳ nầy hầu như chỉ có người Mẹ mới có thể giáo dục thai nhi (người xưa gọi là thai giáo). Thai giáo chính là thời kỳ tạo nên huệ trí của con người và trách nhiệm chính là do nơi MẸ. Cho nên nó cần cả một giáo án thực hành cho thai giáo. Thời kỳ tiên thiên về thời gian nầy ứng với 9 tuần cửu (91 ngày) và Tiểu Tường (200 ngày) của Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Thời hậu thiên là khi thai nhi ra khỏi bụng mẹ và thở bằng phổi. Thời kỳ nầy có sự giáo huấn từ người thân, gia đình và xã hội.

Theo luật tấn hóa và phụng sự sau thời gian hiện sinh con người phải bỏ xác theo luật Luân Chuyển Hóa Sanh. Khi bỏ xác phàm người đạo lại tiến hành tang lễ và các bài Kinh Cửu, Tiểu Tường, Đại Tường. Tam Kỳ Phổ Độ ra đời khi khoa học đã tìm ra Định Luật Bảo Tồn và Chuyển Hóa Năng Lượng. Di Lặc Chơn Kinh nhìn vạn vật theo lẽ Luân Chuyển Hóa Sanh là thuận chiều với sự tiến bộ của khoa học.

Đức Hộ Pháp (Cố Vấn Tối Cao của Quốc Trưởng Bảo Đại) sang Pháp và Thụy Sĩ tham dự hội nghị Genève về Việt Nam năm 1954. Sau đó Ngài về nước, sắp xếp một số việc rồi đi công du Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn. Trước khi đi Ngài dặn các vị công quả tạo con hạc ở Đoạn Trần Kiều (gần Trí Huệ Cung) chở thầy trò Tân Dân Tử bay vào Trí Huệ Cung.

Đức Hộ Pháp trở về, các vị công quả làm xong, nhưng lại cho con hạc từ Trí Huệ Cung bay ra. Đức Hộ Pháp kêu lại hỏi thì các vị mới nhớ lại rồi chịu lỗi và xin sửa lại. Đức Ngài đáp rằng ý Thầy cho con hạc bay vô là đưa Phàm Nhập Thánh, các con để quay ra là Thánh Lâm Phàm, chẳng phải ý mấy con mà là các Đấng muốn vậy, các con không phải sửa. Thánh Lâm Phàm có nghĩa là những người có huệ trí xây dựng đạo và đời theo luật phụng sự và tiến bộ. Tam Kỳ Phổ Độ mở ra thời kỳ Đạo Đời hòa nhập nên các hiền nhân quân tử không thuộc tôn giáo nào mà phụng sự nhân loại xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do trong bác ái – công bình là đã tham dự vào trường thi phong thánh với các môn sinh trong môn giáo.

8/- Kết luận.

Đạo Pháp Vô Biên.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển là thiên thơ của đạo. Ngày 17-7-1926 Thượng Đế dạy: … Chẳng phải vì đờn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.

Phần các con truyền Đạo kỳ Phổ Độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lại quyền thế hơn Nam nhiều.

Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái.

Nghe và tuân. Thầy hằng ở với các con, lo chung cùng con; con chớ ngại… (Quyển 1).

Đạo Cao Đài ví xã hội như Biển Trần Khổ mà đạo là con thuyền bát nhã xông pha nơi khổ hải để đưa khách trần qua bến tục. Con thuyền nào cũng có thủy thủ đoàn Nữ phái đương nhiên là một phần trong thủy thủ đoàn. Con thuyền nào cũng có phần chìm, phần nổi dầu cho phần nổi hay chìm đều quan trọng và bất khả phân ly khi xông pha nơi khổ hải./.

____________

Chú thích:

(1)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/10/2921-05-phuong-xay-dung-chau-thanh.html#more

(2)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3115-tuyen-tap-chon-phap-cao-ai-q1-tt-10.html#more

(3)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/04/3127-y-nghia-cach-cung-noi-tri-hue-cung.html