Trang

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

3669. Phản đồ Nguyễn Thành Tám và Chi phái 1997 không có thánh danh

 

VNTB – Phản đồ Nguyễn Thành Tám và Chi phái 1997 không có thánh danh

VNTB – Phản đồ Nguyễn Thành Tâm và Chi phái 1997 không có thánh danh

Dương Xuân Lương

 

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói tắt là Đạo Cao Đài do Thượng Đế dùng cơ bút lập ra năm 1926 tại làng Long Thành, Tây Ninh, Đại Nam.

Sau 1975 nhà nước cộng sản Việt Nam cấm Đạo Cao Đài dùng cơ bút, xóa bỏ hành chánh tôn giáo, giải tán Hội Thánh Cao Đài, bắt giam nhiều Chức sắc, Chức việc và Tín đồ tịch thu hầu hết tài sản tôn giáo. Nhà nước tiêu diệt Đạo Cao Đài trong 20 năm bị thất bại. Đến năm 1997 nhà nước lập ra chi phái 1997 để làm công cụ diệt Đạo Cao Đài. Nhà nước Việt Nam dựng tên phản đồ Nguyễn Thành Tám làm dân biểu quốc hội cầm đầu chi phái 1997 chiếm đoạt Tòa Thánh Tây Ninh. Nhà nước sắp xếp cho chi phái 1997 bắt banh vàng xanh đỏ tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh rồi mạo danh Thiên phong để lừa dối nhơn sanh và xã hội. Chi phái 1997 không có Thánh danh do Thượng Đế ban cho.

https://vietnamthoibao.org/vntb-phan-do-nguyen-thanh-tam-va-chi-phai-1997-khong-co-thanh-danh/

Đạo có 2 phương diện tổ chức xã hội (hữu hình) và thể hiện tâm linh (vô vi). Về xã hội Đạo tổ chức theo triết lý QUỐC ĐẠO nên có hiến pháp, có tam quyền phân lập như cách tổ chức một quốc gia. Về tâm linh Đạo theo nguyên lý Nhứt-Thân Tam-Thể và Thiên-Nhân Hiệp-Nhất. Theo đó Bát Quái Đài (hồn đạo) do Đức Chí Tôn vi chủ cầm quyền lập pháp, Hiệp Thiên Đài (chơn thần của đạo) do Hộ Pháp Chưởng Quản cầm quyền tư pháp và Cửu Trùng Đài (thể xác của đạo) do Giáo Tông Chưởng Quản cầm quyền tư pháp. Trong ba đài chỉ có chức sắc Cửu Trùng Đài Nam Nữ là có Thánh danh.

1/- Tầm quan trọng của Thánh danh.

Thánh danh do ai ban; ban cho ai, ban bằng cách nào và tại đâu?

Theo pháp luật đạo Thánh danh do nơi thiêng liêng ban cho chức sắc Cửu Trùng Đài bằng cơ bút tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh. Chỉ có Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ tại Cung Đạo phong thưởng và ban Thánh danh mà thôi. Ngoài ba Đấng ấy ra không Đấng nào có quyền phong thưởng cho chức sắc Cửu Trùng Đài. Khi các Đấng giáng cơ phong thưởng thì có thể xảy ra các trường hợp sau:

Chấm phong một số người vào phái Thái, Thượng hay Ngọc. Có khi chấm phong kèm theo lời khen về tánh đức hay quá trình hành đạo.

Có khi chấm phong ban phẩm nhưng dạy phải rèn luyện thêm. Có khi dạy bỏ tên vị nào đó ra khỏi danh sách và dạy rèn luyện thêm chờ khóa sau. Có khi đương sự cầu phong theo Cửu Trùng Đài nhưng thiêng liêng cho phẩm tước bên Hiệp Thiên Đài và ngược lại. Trong một số trường hợp đặc biệt các Đấng có thể phong vượt cấp để cho đương sự lập công; cũng có khi rút hết phẩm lại cho trở về hàng Đạo Hữu.

Hội Nhơn Sanh năm Đinh Sửu (1937), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cầm quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng cho biết: Ngài nhận mật lịnh của Đức Chí Tôn nên giao quyền phong thưởng lại cho Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. Phần Ngài chỉ được quyền phong thưởng tới phẩm Lễ Sanh, còn từ phẩm Giáo Hữu trở lên Ngài rửa tay không biết đến. Đức Hộ Pháp cầm quyền Chí Tôn tại thế cũng chỉ tạm phong Lễ Sanh phái Ngọc, sau đó trình lên cho thiêng liêng quyết định. Đức Hộ Pháp cho biết mật lịnh của Chí Tôn dạy là để phân bietj chánh giáo chơn truyền và bàng môn tả đạo.

Lễ Sanh áo trắng: Chưa ra Cung Đạo nên không có Thánh danh.

Đức Hộ Pháp cầm quyền Giáo Chủ tại thế, sau khi đi đày từ Madagascar (Phi Châu) về, năm 1949 Ngài phong một số vị Lễ Sanh đi hành đạo nhưng không chấm phái. Các vị đó mặc áo tràng trắng đi hành đạo chờ dâng lên cho thiêng liêng định vị. Đôi khi Ngài tạm phong phái Ngọc rồi sau đó dâng lên thiêng liêng quyết định.

Đại Hội Nhơn Sanh năm 1974 họp nhóm họp hơn 2 tháng, đã duyệt xét hồ sơ cầu phong của các vị Lễ Sanh Nam, Nữ. Sau đó Hội Thánh thông qua. Thượng Hội thông qua. (Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh thông qua). Khi đó Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp (quyền Chí Tôn tại thế) đã bỏ xác phàm. Nhưng Hội Thánh CHƯA ĐƯA RA CUNG ĐẠO, các vị chưa được chấm phái nên chưa có Thánh danh. Khi mãn phần Hội Thánh vẫn tiến hành nghi lễ theo hàng phẩm cũ, không hành lễ theo hàng phẩm Lễ Sanh do chưa có Thánh danh.

2/- Pháp Chánh Truyền qui định: Chức sắc phải do nơi cơ bút.

Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn vi chủ, Thầy và các Đấng lập Pháp Chánh Truyền là hiến pháp của đạo. Pháp Chánh Truyền nghiêm cấm sửa đổi với mọi hình thức nên là hiến pháp cương tánh.

Phần công cử chức sắc Cửu Trùng Đài Nam, Nữ qui định: Cả Chức sắc Cửu Trùng Đài Nam Nữ đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Đài hoặc bởi cơ bút hoặc bởi khoa mục hoặc bởi công cử.

Nên khi công cử phải có mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, giữ lẽ công bình cho khỏi điều tư vị, lai còn có phương thế hỏi Đức Giáo Tông cùng Thầy, coi người đắc cử có phải chánh vị hay chăng? Nên trước khi thọ sắc phải do noi Đức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng.

Từ năm 1964 đến năm 1969 Hội Thánh Cao Đài và các chi phái Cao Đài có họp với nhau nhiều phiên họp để bàn về việc qui nhứt cơ đạo (qui về Tòa Thánh Tây Ninh). Trong phiên họp ngày 24-2-1969 Hội Thánh và các chi đã thống nhất ĐIỀU KIỆN QUI NHỨT. Tại Điều III mục b và c qui định Chức sắc các chi qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh phải hành đạo ít nhất là một năm, mới được dâng lên cho thiêng liêng định vị tại Cung Đạo. Khi cúng mặc áo tràng trắng khăn đen, sắp ngôi thứ trên lầu Hiệp Thiên Đài. Nghĩa là chưa qua cơ bút tại Cung Đạo thì phi luật đạo chưa nhìn nhận đó là Chức sắc.

3/- Lập hồ sơ và trình dâng tại Cung Đạo.

Đạo Cao Đài theo nguyên lý thiên nhân hiệp nhứt nên trước khi dâng lên cho thiêng liêng tại Cung Đạo phải do nơi con người lập hồ sơ và xét duyệt.

Hồ sơ do Hành Chánh tôn giáo lập, sau đó đến phần Hiệp Thiên Đài minh tra xem hồ sơ có đúng về mặt pháp lý hay không.

Khi mặt pháp lý đã xong hồ sơ được chuyển qua hệ thống Chánh Trị Đạo là 3 Hội Lập Quyền Vạn Linh (Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội), để xét về nội dung của từng hồ sơ. Tại đây các nghị viên có quyền chất vấn mọi vấn đề, những ưu và khuyết được phân tích và có đủ quyền đình lại. Thiêng liêng qui định chỉ được công nhận 4/5 hồ sơ để dâng lên tại Cung Đạo. Đặc biệt là Hội Nhơn Sanh phải có khu vực cho đồng đạo đến dự thính, quan sát, có quyền chuyển tài liệu cho các nghị viên chính thức bên trong nhưng không có quyền phát biểu mà thôi. Đức Chí Tôn lập pháp thời Tam Kỳ Phổ Độ Ngài ban quyền rộng rãi cho nhơn sanh, cho hạ tầng (nhân quyền) đủ quyền năng đối phó với thượng tầng (đạo quyền), ngăn ngừa độc tài làm mất dân chủ trong đạo.

Sau đó dâng lên quyền Chí Tôn tại thế (là Giáo Tông và Hộ Pháp). Hội Thánh Lưỡng Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng thống nhất nhau đưa ra Cung Đạo.

Quá trình thiên nhân hiệp nhất bắt đầu từ nhân sự tôn giáo, nhưng con người bị giới hạn, không thể biết hết về mặt tâm linh nên cuối cùng phải cầu xin thiêng liêng xét duyệt. Niềm tin của người Đạo Cao Đài là việc phong thưởng phải do nơi cơ bút tại Cung Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh. Ngoài ra dều là bàng môn tả đạo.

4/- Chức sắc chi phái 1997 không có Thánh danh.

Hồ sơ chức sắc chi phái 1997 phải do nơi Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo các cấp xét duyệt trước. Nhân sự được chọn vào phẩm Chức sắc phải là người có công với đảng và nhà nước. Muốn thăng phẩm cũng phải do nơi nhà nước xét duyệt trước. Bởi vì chi phái 1997 là công cụ của nhà nước.

Sau đó hệ thống hành chánh của chi phái 1997 xét duyệt. Chi phái 1997 không có cơ quan Hiệp Thiên Đài nên cũng không có sự minh tra độc lập từ cơ quan tư pháp.

Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh của chi phái 1997 thì Hội nào cũng có cán bộ nhà nước ngồi theo các địa phương để kiểm soát. Đặc biệt là Hội Nhơn Sanh của chi phái 1997 thì cấm dự thính, cấm quay phim chụp ảnh. Hội Nhơn Sanh của chi phái 1997 chỉ hội trong một ngày. Còn HộiHội Thánh và Thượng Hội của chi phái 1997 có sự tham dự của cán bộ nhà nước ngay trong Đền Thánh nên lại càng bí mật.

Sau đó chi phái 1997 cho các đương sự ra bốc banh vàng xanh đỏ để mặc áo đỏ xanh vàng. Khi công nhận thì cán bộ nhà nước vào tận trong Đền Thánh để công nhận. (Ảnh 1 và 2)

Như vậy chức sắc của chi phái 1997 là do nhà nước xét duyệt và cuối cùng là bắt banh vàng xanh đỏ mà có. Nói tóm lại là banh phong.

Theo niềm tin của chi phái 1997 thì Thượng Đế hiện hữu qua banh vàng xanh đỏ. Mà banh vốn không thể nào viết ra việc công nhận hay không công nhận như cơ bút. Nhưng họ lại mạo nhận Thánh danh.

Thánh danh vốn thiêng liêng và cao quí, tự thân Thánh danh đã nói lên bi, trí, dũng của người tu nên nhơn sanh tin tưởng, xã hội quý trọng. Chi phái 1997 thấy được giá trị của Thánh danh nên mới bắt banh rồi mạo nhận Thánh danh. Nếu chúng ta xưng hô với họ theo Thánh danh là đã bị họ lừa, và tự chúng ta hạ thấp giá trị cơ bút xuống ngang hàng với mấy trái banh vàng xanh đỏ ấy.

Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng hiện hữu qua cơ bút để dạy dỗ môn sinh lập ra Đạo Cao Đài. Thiên nhân hiệp nhứt trong Đạo Cao Đài thể hiện qua cơ bút tại Cung Đạo. Chi phái 1997 đem banh vàng xanh đỏ vào Cung Đạo thay cho cơ bút là họ đã báng bổ thiêng liêng, miệt thị nhơn sanh, qua mắt xã hội.

Chức sắc chi phái 1997 do bắt banh mà có nên không có Thánh danh. Rõ ràng là họ đã mạo nhận Thánh danh để lừa dối người nhẹ dạ cả tin và che mắt quốc tế. Ngày nay Quốc tế đã biết rõ chi phái 1997 là công cụ của nhà nước lập ra để tiêu diệt Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926. Nếu xưng hô Thánh danh với chi phái 1997 là đã chấp nhận làm bộ hạ cho chi phái 1997.

Gọi chức sắc chi phái 1997 theo thế danh là cách phân biệt người của chi phái 1997 hay Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926.

5/- Trường hợp ông Nguyễn Thành Tám.

Ông Nguyễn Thành Tám xuất thân là Đầu Phòng Văn, cầu phong Sĩ Tải trong đàn cơ đêm 18-12-1957 tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh. Đức Lý Giáo Tông giáng cơ phong ông Tám vào phẩm Lễ Sanh phái Thượng. Trong đàn cơ đó Đức Lý Giáo Tông có dạy chung rằng: Lão cho hay cuộc phong phẩm vị kỳ nầy là chiều theo Thánh ý của Đức Chí Tôn. Nên biết trọng quyền tức chịu trọng phạt. Những Chức sắc mới được thăng cấp nên nghe à!

Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 10-1-1962 Hội Thánh Hiệp Thiên Đài xin cho Lễ Sanh Thượng Tám Thanh được chuyển qua Sĩ Tải HTĐ.

Đức Lý Giáo Tông dạy:

– Trường hợp của Thượng Tám Thanh không thể chấp thuận, đương sự cứ phục vụ bên Hiệp Thiên Đài với chức vị hiện hữu, sau có chỗ dùng.

Trong quá trình hành đạo ông được thăng lên phẩm Giáo Sư.

Hội Thánh Cao Đài lập Đạo Lịnh 01 ngày 01-3-1979 trong danh sách Hội Đồng Chưởng Quản không có tên ông Nguyễn Thành Tám. Nghĩa là Hội Thánh Cao Đài cho ông về tu tại gia.

5.1/- Cải lịnh Hội Thánh Cao Đài

Năm 1983 nhà nước Việt Nam xóa sổ Hội Đồng Chưởng Quản của Hội Thánh Cao Đài. Sau đó nhà nước cấu kết với một số chức sắc lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài. Đoạn đứt gãy pháp lý đạo xảy tại đây. Thời gian nầy ông Nguyễn Thành Tám hợp tác với Hội Đồng Quản Lý do nhà nước Việt Nam lập ra.

Năm 1989 Hội Đồng Quản Lý xin đổi tên thành Hội Đồng Chưởng Quản và công an Tây Ninh cấp con dấu cho. Sau đó nhà nước dùng Hội Đồng lập năm 1989 nầy lập ra chi phái 1997 theo kế hoạch 01/ngày 27-5-1996 để tiêu diệt Đạo Cao Đài.

5.2/- Vi phạm Đạo Luật Mậu Dần (1938).

Đạo Luật Mậu Dần (1938) Điều III khoản 7 qui định vào phẩm chức việc cũng phải trả hết quyền chức bên đời để trọn tâm lo cho đạo. Chức sắc muốn tham gia vào đảng phái hay chính quyền phải trả phẩm lại cho Hội Thánh. Ông Giáo Hữu Ngọc Lương Thanh ra ứng cử nghị sĩ Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa phải trả phẩm lại và dùng thế danh Nguyễn Hữu Lương. Ông Nguyễn Hữu Lương đắc cử Nghị sĩ có lập công với Đạo nhưng vẫn phải dùng thế danh.

Năm 1997 ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh là thành viên Ủy Ban Mặt Trận tổ quốc tỉnh Tây Ninh là cơ quan đã ra Bản án ngày 20-7-1978, kết tội Đức Hộ Pháp và hầu hết Chức sắc Đại Thiên Phong khai đạo là phản quốc. Ông cũng là đân biểu quốc hội cộng sản Việt Nam và đứng đầu chi phái 1997. Chi phái 1997 là công cụ của nhà nước Việt Nam lập ra để diệt Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn lập năm 1926. Chiếu theo Đạo Luật Mậu Dần (1938) ông Nguyễn Thành Tám phải dùng thế danh như ông Nguyễn Hữu Lương.

Nghiêm trọng hơn ông Tám còn vi phạm Pháp Chánh Truyền, ra tay diệt đạo và gây tội ác với người đạo nên phải gọi ông theo thế danh Nguyễn Thành Tám.

5.3/- Vi phạm Pháp Chánh Truyền và báng bổ cơ bút tại Cung Đạo.

Hiến chương 1997 chi phái 1997 có 32 trang và 48 điều. Chi phái 1997 chỉ phổ biến 20 trang, 36 điều; dấu 12 trang và 12 điều còn lại. Bởi vì trong 12 điều ấy qui định về cầu phong, cầu thăng KHÔNG DÙNG CƠ BÚT. Đó là vi phạm Pháp Chánh Truyền.

Trong khi ông Nguyễn Thành Tám có Thánh danh là nhờ cơ bút ban thưởng tại Cung Đạo thì ông lại tổ chức cho thuộc hạ vào Cung Đạo bắt banh chọn phái rồi mạo danh thiên phong; đó là báng bổ cơ bút của thiêng liêng tại Cung Đạo. Ông Nguyễn Thành Tám phải chịu trách nhiệm chính trong việc nầy.

5.4/- Sự tàn ác của ông Nguyễn Thành Tám.

Ông Nguyễn Thành Tám liên kết với chính quyền và côn đồ đánh chiếm các Thánh Thất của Đạo Cao Đài không tùng phục chi phái 1997. Cho thuộc hạ ra công văn tổ chức áp bức người Đạo không cho thực hành các nghi lễ đạo. Liên tiếp có những công văn yêu cầu công an bắt người Đạo Cao Đài không theo chi phái của ông. Lập ra băng đảng trật tự áo cụt trong Nội Ô Tòa Thánh để đánh đập người đạo. Tàn phá di tích tôn giáo.

5.5/- Cầu chứng độc quyền danh hiệu đạo để thực hiện nghị quyết 36 của đảng.

Chi phái 1997 tuyên bố sang Mỹ để thực hiện nghị quyết 36 của đảng cộng sản Việt Nam (2010). Để lập công với đảng ông Nguyễn Thành Tám cho đại diện hải ngoại là Trần Quang Cảnh cầu chứng độc quyền danh hiệu DAI DAO TAM KY PHO DO TOA THANH TAY NINH với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ và đã được cấp giấy phép tạm (2015). Năm 2016 ông Tám sang Mỹ để phô trương thanh thế. May mắn là năm 2018 tổ chức BPSOS phát hiện được nên giúp đồng đạo ở Hoa Kỳ Yêu Cầu Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hủy bỏ giấy phép thành công vào tháng 7-2019.

5.6/- Cơ quan Hiệp Thiên Đài phán quyết: chỉ gọi thế danh.

Hiệp Thiên Đài là cơ quan tư pháp của đạo. Ngày 26-11-2015 Cơ quan Hiệp Thiên Đài ra Thông Báo viết rõ: Hành vi của Đầu sư phàm phong Thượng Tám Thanh là nghịch thiên, pham pháp, không phải là chức sắc thiên phong của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh…

5.7/- Đức Chí Tôn dạy cách lập ngôn.

Phật Mẫu Chơn Kinh dạy:

Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu,

Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu chí chơn.

Theo đó Kinh Xuân Thu biểu tượng cho Nho Giáo, Phất Chủ biểu tượng cho Tiên Giáo và Bát Vu biểu tượng cho Phật Giáo.

Đức Khổng Tử soạn Kinh Xuân Thu dạy về đạo của danh và phận. Người đời sau nhận định về giá trị phê bình trong Kinh Xuân Thu: Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt. (Một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa.) Những vị vua hung bạo, tàn ác với dân chúng Ngài không nhìn đó là vua nên viết: Ta nghe nói giết đứa Kiệt, Trụ chớ không nghe nói giết vua Kiệt, vua Trụ. Đạo Cao Đài dùng Nho Tông Chuyển Thế nên chính danh là điều rất quan trọng.

Đức Chí Tôn dạy: Mượn thế để toan phương giác thế, Cũng như nương viết của Chàng Hồ. Hồ là Đổng Hồ làm quan Thái Sử nước Tấn đời chiến quốc. Đổng Hồ chép sử rằng: Triệu Thuẫn giết Tống Linh Công ở Đào Viên. Triệu Thuẫn là Tướng quốc không chịu nói rằng: ông lầm rồi việc ấy ta không có dự vào. Đổng Hồ trả lời: ông làm Tướng quốc, ông chạy chưa ra khỏi biên giới, Triệu Xuyên giết Tấn Linh Công, ông về không trị tội, vậy thì ông giết chớ ai. Triệu Thuẫn yêu cầu sửa, Đổng Hồ không chịu. Ấy là Thầy dạy người cầm bút phải ngay thẳng, sáng suốt và can đảm như Đổng Hồ vậy.

Tóm lại: Chi phái 1997 là công cụ của nhà nước cộng sản lập ra để diệt Đạo Cao Đài. Chức sắc chi phái 1997 do bắt banh mà có nên không có Thánh danh. Ông Nguyễn Thành Tám làm dân biểu Quốc Hội là không được sử dụng Thánh danh. Cơ quan Hiệp Thiên Đài cũng đã kết luận ông Nguyễn Thành Tám là phản đạo và chỉ gọi thế danh.

Người theo Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập ra năm 1926, ý thức về sự thiêng liêng và quan trọng của Thánh danh cần xưng hô với chi phái 1997 và phản đồ Nguyễn Thành Tám theo thế danh./.