Trang

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

3679, Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ...

Đạo Đức Học Đường là tên chung của các trường trong Đạo Cao Đài.
Kinh Vào Học: Đủ thông minh học lễ học văn...BBT Blog 


VNTB – Ông Trần Ngọc Thêm đang nhập nhằng khái niệm? (*)

VNTB – Ông Trần Ngọc Thêm đang nhập nhằng khái niệm? (*)

Người Khoa Văn

 

(VNTB) – Khẩu hiệu học đường “tiên học lễ, hậu học văn”, có lẽ nhiều thế hệ đã từng ngồi học dưới mái trường khi nhắc đến câu này, khó có thể quên được.

 

Chữ lễ ở đây, nói theo nghĩa bình dân là lễ nghĩa, lễ phép. Đó là những phép tắc phải theo để cư xử trong gia đình, xã hội sao cho phải đạo người trên kẻ dưới. (1)

“Vạn thế sư biểu” Khổng Tử viết: “Người học trò ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường kẻ bề trên, làm việc gì thì cẩn thận, nói điều gì thì tín, rộng lòng thương người và lại thân với kẻ có nhân. Hễ làm được những điều ấy rồi, mà còn có thừa sức thì hãy học văn chương xảo kỹ” (Luận ngữ).

Theo thầy Trần Trọng Kim trong Sơ học luân lý thì: “Các anh ở nhà thì có ông bà, cha mẹ, anh em, chị em; đi học thì có thầy có bạn, rồi sau lớn lên có làng có nước. Tự lúc nhỏ cho chí lúc lốn, lúc nào các anh cũng cần phải biết cách cư xử với kẻ nọ người kia cho phải đạo. Lại còn mình đối với thân mình phải giữ gìn thế nào cho cái phẩm hạnh được thanh cao, cái giá trị được tôn trọng. Những mối ấy đều là mối cốt yếu của sự luận lý vậy”.

Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư là hai bộ sách giáo khoa tiếng Việt được dạy song hành ở các trường Tiểu học Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX. Nhóm biên soạn sách gồm các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận – đều là những học giả, nhà văn, và là nhà giáo dục nổi tiếng, đương thời rất được tín nhiệm.

Việc dạy song hành hai bộ sách từ lớp Đồng ấu, lớp Dự bị đến lớp Sơ đẳng ở bậc Tiểu học cho thấy vấn đề luân lý, đạo đức và công dân giáo dục không chỉ là một tiết học mà là một nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ. Điều đó thể hiện rất rõ phương châm giáo dục Tiên học lễ, hậu học văn…

Có thể nói, từ ngày xưa, chữ lễ đã được rất được coi trọng. Và cũng nhiều người “thành tài, thành nhân” khi có thêm chữ lễ.

Vậy mà, ông giáo sư Trần Ngọc Thêm lại cho rằng “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.

Lý giải cho vấn đề bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, theo ông Thêm, xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” (“ngoan” theo nghĩa là “dễ bảo, vâng lời”, “giỏi” theo nghĩa “thuộc bài”).

Như đã trình bày ở trên, chữ lễ trong “tiên học lễ” là lễ nghĩa, là những cư xử cho đúng với đạo đức, đúng với luân lý (hiếu kính với cha mẹ, gật đầu chào thầy cô, kính trên nhường dưới…), nhưng dưới con mắt của ông Thêm, chữ lễ ấy lại là gọng kìm cho sự phát triển.

“Dưới quan điểm của tôi, khía cạnh ông Thêm nhìn là sai. Giờ lấy ví dụ, nếu thật sự bỏ chữ lễ đi, không dạy lễ nghĩa trong học đường, có chắc là con người chủ động, sáng tạo hơn hay không? Và áp dụng chữ lễ là không có sáng tạo?

Sáng tạo hay không là do mỗi người, do cách dạy của giáo dục. Lấy ví dụ thực tế, học văn, tại sao không cho các em thỏa sức bày tỏ suy nghĩ cá nhân, lại ép buộc các em vào khuôn khổ từng mục từng điểm? Phải có ý đó mới có điểm. Rồi khi nói trái ngược với suy nghĩ của thầy cô giáo dạy Văn hay của người chấm bài thi, là các em lại bị điểm thấp. Vậy thì sự sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ ở trường hợp này, có liên quan đến chữ lễ không thưa ông Thêm?

Lỗi không phải do ông bà, lỗi do nền giáo dục không ủng hộ sự sáng tạo, ý kiến cá nhân”, một sinh viên tốt nghiệp ngành Văn chia sẻ suy nghĩ.

Học đi đôi với hành, phản biện nên được áp dụng vào thực tế. Thế nhưng, giữa chữ lễ trong “tiên học lễ” và chủ động trong suy nghĩ cũng như giáo dục khai phóng, là hai vấn đề khác nhau, không thể nói bỏ lễ để sáng tạo, và gọi nó là tư duy phản biện được.

Lấy một ví dụ, ông Thêm đi tranh luận với một người lạ ở ngoài đường về một vấn đề, theo ý kiến của ông Thêm, thay vì cuộc nói chuyện đó vừa mang tính chất phản biện vừa giữ đúng chữ lễ (có dạ, thưa với người lớn tuổi) thì lễ bỏ đi, giao tiếp trở nên trống không, hoặc thậm chí xưng hô không đúng lễ giáo, nói theo kiểu dân gian, liệu có “lọt lỗ tai”?

Là một giáo sư, là một người có giáo trình được sử dụng trong môn cơ bản là “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, áp dụng cho nhiều khoa ở trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM, mà lại nhập nhằng khái niệm, rồi lại sẵn sàng bỏ đi khái niệm “đạo đức” trong học tập.

Lấy một ví dụ thực tế, nếu là quan chức, làm trong Bộ Y tế chẳng hạn, thiếu trách nhiệm trong vấn đề vắc-xin, rồi lại để cho biết bao nhiêu người dân phải đau khổ do cái hành động gọi là “làm theo hướng zero covid”, dù có tài giỏi cỡ nào, mà không có tâm, không có nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, có y đức, sẽ không khác gì một thảm họa.

Nghiên cứu về văn hóa, thay vì từ cái nền đi lên, lại sẵn sàng bỏ đi giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, thế thì có còn là văn hóa?

Nói theo kiểu của dân khoa Văn, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

____________

Chú thích 

(1) Tiên học lễ, nhưng đó là lễ gì? ( https://vietnamthoibao.org/vntb-tien-hoc-le-nhung-do-la-le-gi/)

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả