Bữa cơm người Việt mùa biển chết
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-07-08
Thảm họa môi trường biển ở miền Trung không chỉ gây thiệt hại
nghiêm trọng về môi trường và kinh tế, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc
sống và bữa ăn của hàng chục triệu người VN.
Ảnh hưởng trực tiếp người dân
Theo tính toán sơ bộ của các nhà khoa học, thì tổng số mức phải
bồi thường của Formosa Hà Tĩnh để khắc phục toàn diện các hậu quả tàn phá môi
trường biển và thiệt hại về kinh tế ở khu vực 4 tỉnh miền Trung, có thể lên tới
1.000 tỷ USD. Chưa tính đến việc thảm họa môi trường biển, còn ảnh hưởng đến
bữa ăn của hơn 90 triệu người ở VN hiện nay.
Cá đánh bắt được sau chuyến đi
biển đêm của ngư dân Vũng Tàu tháng 1/2011.
Chị Lê Thị Bích Ngà, một nhà kinh doanh, đồng thời cũng là một nhà
hoạt động xã hội ở Sài Gòn thấy rằng, việc ô nhiễm biển miền Trung có tác động
rất lớn đến cuộc sống của người dân và bữa ăn của các gia đình bị ảnh hưởng
trực tiếp. Chị đánh giá:
“Bữa ăn các gia đình thường người ta sử dụng đồ ăn hải sản 3-4 bữa
ăn một tuần, kể cả các sản phẩm như nước mắm hoặc muối cũng xuất phát từ biển.
Cho nên đến khi phát hiện ra biển bị nhiễm độc và cá chết hàng loạt thì người
dân rất lo sợ, khi ấy bữa ăn của mỗi gia đình sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Bây giờ
người dân không biết ăn cái gì, trong lúc mức thu nhập của họ, đặc biệt là
những người lao động tay chân, như anh chị em công nhân hiện tại rất khó khăn.
Bởi vì họ không có thức ăn giá rẻ để thay thế.”
Nói về bữa cơm hàng ngày của gia đình mình cũng như các gia đình
người dân ở khu vực Vũng Áng, chị Hồng, một người dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh
bày tỏ:
Thảm họạ biển chết ảnh hưởng rất
nhiều đến bữa ăn, do người ta không ăn hải sản mà chuyển sang ăn thịt, thì thịt
sẽ rất đắt gấp 3 lần.
- Chị Lê Thị Bích Ngà
- Chị Lê Thị Bích Ngà
“Từ hôm cá chết đến nay dân chúng tôi ở đây không ai dám ăn cá
biển, hôm trước tôi có ăn cá biển, ăn xong thì bị dị ứng tất cả người, chân tê
mỏi, rồi nôn và đi ngoài. Bây giờ thức ăn chỉ trông vào rau dưa, trước đây có
cá thì thịt, rau rẻ, từ khi không ăn cá thì thịt và rau tăng giá gấp đôi. Bây
giờ tiền không có thì chỉ ăn cơm với rau. Dân chúng tôi chủ yếu sống dựa vào
nghề biển, nhưng bây giờ biển đã chết, không biết đến bao giờ biển mới sống
lại. Vẫn ngóng chờ.”
Ông Lê Sáng một người buôn bán hải sản ở Hà Tĩnh cho biết, người
dân không chỉ không dám ăn cá biển vì biển nhiễm độc, mà thịt lợn cũng sợ không
dám ăn. Theo ông bữa ăn của các gia đình mùa biển độc đã khó vì không có tiền
mua thức ăn, mà ngay cả việc mua thức ăn cũng khó. Ông giải thích:
“Thức ăn thực phẩm chủ yếu của chúng tôi ở đây là con cá biển,
nhưng bây giờ thì không ai dám ăn chỉ dùng thay bằng thịt các loại. Nhưng bây
giờ họ lại phao tin cho rằng thịt ấy là của TQ mang sang nên họ không dám ăn
thị heo nữa, nên người ta chỉ ăn thịt gà, song phải là thịt gà dân nuôi thì họ
mới ăn, vì nếu thịt gà đông lạnh thì họ sợ của TQ”
Theo chị Lê Thị Bích Ngà cho biết, ở các chợ, các quán nhậu và các
nhà hàng vẫn có bán đồ hải sản, nhưng hầu hết bày bán rất ít do không có người
mua, vì ai cũng có tâm lý lo ngại hải sản là không an toàn. Theo chị thảm họa
môi trường biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người lao
động và các bà nội trợ do giá cả các thực phẩm tăng vọt. Chị nói:
“Thảm họạ biển chết ảnh hưởng rất nhiều đến bữa ăn, do người ta
không ăn hải sản mà chuyển sang ăn thịt, thì thịt sẽ rất đắt gấp 3 lần. Như vậy
vấn đề đó đối với người công chức mức lương 5-7 triệu đồng/ tháng thì cũng đã
thành vấn đề rồi. Đối với công nhân lương tháng chỉ 3-4 triệu thì đó thực sự là
một vấn đề lớn. Tính bình quân, người ta phải tốn thêm từ 30-40% chi phí để bổ
xung thêm cho bữa ăn.”
Trách nhiệm của cơ quan chức năng
Rau được bày bán ở một chợ nhỏ ở
miền Trung. AFP photo
Theo ông Lê Sáng, không chỉ tàu cá phải nằm bờ, hay ngư dân và
những người sống dựa vào biển không có việc làm, mà những người buôn bán như
ông cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thảm họa môi trường biển, khi mà mọi hoạt
động kinh doanh liên quan đến biển cũng bị đình trệ. Ông tiếp lời:
“Từ cái bữa biển và cá bị nhiễm độc thế này thì họ bị thất thu nên
họ thôi không đi chợ nữa, trước đây chồng đi đánh cá về thì vợ mang đồ hải sản
ra chợ bán. Nhưng bây giờ có bán cũng không có ai mua nên chồng cũng không đi
biển luôn. Như tôi là có xe ô tô buôn hải sản, mà bây giờ họ không ra biển thì
tôi lấy gì buôn? Đấy là một cái thất thu của tôi, trong lúc tôi phải vay tiền
lãi ngân hàng nhà nước để mua xe. Rồi những người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm,
bia rượu để cho dân phục vụ cho dân đi biển, nhưng bây giờ dân không đi biển
thì họ bán cho ai?”
Nói về đòi hỏi của người tiêu dùng trước trách nhiệm của nhà nước,
khi việc kết luận và đưa ra lời giải thích quá chậm trễ, khiến cho người tiêu
dùng hết sức hoang mang, chị Lê Thị Bích Ngà nhận định:
“Những ngày đầu, khi phát hiện biển nhiễm độc thì người dân ùn ùn
đi mua muối và nước mắm để dự trữ và họ cũng hy vọng vào chính phủ phát hiện
sớm, để có các biện pháp xử lý về môi trường để cho người dân họ yên tâm. Họ
muốn biết mức độ nhiễm độc ở mức nào, cá biển được đánh ở vùng nào để người ta
yên tâm sử dụng, song chính phủ phải đến 3 tháng mới công bố.”
Nói về trách nhiệm của ngành Y tế trong việc xử lý các hậu quả do
môi trường, đã tác động đến người dân địa phương vùng ô nhiễm. Một vị bác sĩ
tại một bệnh viện công tại Sài Gòn yêu cầu giấu danh tính khẳng định:
Cái
này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế,
trước tình hình này lẽ ra bà phải triển khai cho khám tất cả những người có
nguy cơ phơi nhiễm hay nhiễm độc và phải khám 100%.
- Một vị bác sĩ ở Sài Gòn
- Một vị bác sĩ ở Sài Gòn
“Cái này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Kim Tiến, Bộ
trưởng Bộ Y tế, trước tình hình này lẽ ra bà phải triển khai cho khám tất cả
những người có nguy cơ phơi nhiễm hay nhiễm độc và phải khám 100%. Sau đó phải
khám phân loại để xem có bị hay không bị và bị tới mức độ nào để có phác đồ xử
trí. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy Bộ Y tế có phác đồ xử trí, cho dù đã
hơn 3 tháng rồi, thì đây cũng là trách nhiệm của bà Bộ trưởng thôi. Theo quy
định ở vùng dịch bệnh có nguy cơ phơi nhiễm chất độc thì anh phải có động tác
khám sàng lọc. Nhất là nguyên nhân lại là do nhà nước và doanh nghiệp gây ra. ”
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam nhận định
về các thiệt hại do thảm họa môi trường biển cho rằng, "Hiện tượng
cá chết hàng loạt rất đáng báo động bởi đây là nguồn lợi của cộng đồng sống ven
biển. Dải đất miền Trung rất hẹp, thời tiết cực đoan, sinh kế người dân chủ yếu
phụ thuộc vào biển. Cá chết nghĩa là hàng triệu người dân mất đi sinh kế. Đời
sống người dân sẽ bị xáo trộn khi không thể sử dụng nguồn hải sản ở khu vực
nghi ngờ bị nhiễm độc để làm thức ăn, ngành Du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi du
khách sẽ không tới..."