Bút ký của một người vừa đến từ trong nước
Tôi biết thế nào là lòng
yêu nước khi giọt nước mắt tôi chảy dài trên má trước những lời tường trình về
sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với những người làm công tác tôn giáo và
những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.
Tôi không lạ gì với những sự
trạng đó vì tôi đã trải nghiệm giống như vậy. Trái tim tôi đau theo từng lời và
từng khuôn mặt hiện diện trên màn hình, diễn tả nỗi đau u uất đã và đang chịu
đựng tại Việt Nam.
Hôm ấy ngày 23/6 là ngày
mà tôi vui buồn thương đau lẫn lộn. Vui là vì tôi chỉ là một người dân Việt Nam
ly hương đang mang những nỗi niềm đau thương trong lòng được ngồi trong ngôi
nhà của Quốc Hội Hoa Kỳ, một đất nước có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Tôi
nghe một đại biểu trong Ban Tổ Chức BPSOS giải thích rằng toà nhà Quốc Hội là
căn nhà của dân, dân biểu thì Quốc Hội phải nghe. Ở một xứ sở tự do dân chủ
sướng thực! Đúng theo ý nghĩa của từ “dân chủ tự do”. Buồn đau vì nhìn thấy
những gương mặt u uất buồn và nghe những tiếng nói ẩn chứa đầy phẫn uất đang
trông chờ một sự khẩn cứu.
Ngày 23/6, ngày tôi biết
thế nào là lòng yêu nước khi trái tim tôi như được đốt thêm ngọn lửa qua những
bày tỏ tâm tình của chủ tịch BPSOS và một số đại biểu người Việt Nam và Dân
Biểu, Nghị Sĩ Hoa Kỳ.
Ngày 23/6 là ngày như
trên vai tôi đã có ai lấy đi một gánh nặng. Tôi nhẹ nhàng làm sao mặc dù hôm ấy
tôi chẳng nói được lời nào; đã có những người giống như tôi nói thay tôi rồi.
Trong phòng nhà Quốc Hội hôm ấy có khoảng trên 200 người trong cộng đồng người
Việt Nam có mặt. Đó là ngọn lửa. Nếu chỉ có một vài người như chủ tịch
BPSOS, một vài luật sư, một vài Dân Biểu thì dù trái tim có bừng cháy cao độ
đến bao nhiêu, ngọn lửa tình yêu quê hương cũng sẽ dần lụi tàn theo năm tháng.
Một đống củi vẫn cháy lớn hơn và có sức nóng hơn là vài ba cây củi. Xin ai đó
đừng rút bớt củi đi mà hãy thêm củi vào cho lửa bừng lên.
Bà
Mục Sư Phạm Thị Kim Hường tại Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Đang khi tai nghe những
lời của anh em mình ở Việt Nam nói lên tiếng nói thoát ra từ tấm lòng đau đớn
uất nghẹn ẩn hiện tiếng kêu cứu tột cùng thì trong tai tôi cũng văng vẳng lời
cố Tổng Thống Abraham Lincoln: “Những ai từ chối giúp đỡ người khác được tự do
thì không xứng đáng được hưởng tự do, và theo luật Đức Chúa Trời đã định sẽ
không thể duy trì được tự do” và một lời phát biểu đi vào lịch sử của cựu Tổng
Thống Bush: “Những ai đang phải sống trong chế độ độc tài, sống trong vô vọng
cần biết rằng: nước Mỹ sẽ không bỏ qua các bạn, sẽ hỏi tội những kẻ đàn áp đó.
Nếu các bạn đứng lên vì tự do, chúng tôi luôn đứng bên các bạn.”
Nói đến nhân quyền Việt
Nam tôi mỏi mệt và chán nản đến mất đi niềm hy vọng bởi vì kiểu cách cố hữu của
chính quyền Việt Nam luôn hai mặt: Mặt trên văn tự và mặt thực tế không đi đôi
với nhau.
Được đi đến dự buổi tổ
chức vận động nhân quyền Việt Nam ngày 23/6 niềm hy vọng tôi bừng sáng, lửa tim
lòng tôi bừng cháy lên.
Tôi biết thế nào là lòng
yêu nước khi trái tim tôi rộn ràng niềm phấn khích trước các lời phát biểu cảm
tưởng của các em thiếu niên. Các em nói bằng tiếng Anh tôi không rành rẽ, chỉ
nghe rõ từ “die”và từ “grow up” thì tôi có thể hiểu ít nhiều ý của các em muốn
bày tỏ. Khi thế hệ này “die” thì thế hệ
trẻ “grow up” sẽ nối tiếp ngọn lửa đấu tranh vì quê hương đất nước Việt Nam.
Các em là sức mạnh, là tiềm năng, là kỳ vọng của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ
và ở Việt Nam.
Bà
Trần Thị Hồng, vợ Mục Sư Nguyễn Công Chính, đang chia sẻ về tình trạng công an
đánh đập và tra tấn, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Năm nay tính theo tuổi
Việt Nam tôi đã tròn 70 tuổi, cái tuổi được an nghỉ nhưng… ngày 23/6 là ngày
làm tôi tỉnh thức.
Tôi sẽ là cây củi nhỏ
góp vào đống củi lớn cho lửa bừng lên!
Phạm Thị Kim Hường
(ghi lại cảm tưởng đi dự
ngày 23/6 tại Quốc Hội Hoa Kỳ để vận động đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam)
Tifton, ngày 6/7/2016