Những điểm quan trọng trong phán quyết của
tòa án về Biển Đông
13.07.2016. VOA.
Một tòa án quốc tế ở The Hague đã khiển trách Trung Quốc về hành
vi của nước này ở Biển Đông và kết luận không có cơ sở pháp lý cho những tuyên
bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh đối với vùng biển này.
Tòa án cũng chỉ trích
Trung Quốc về việc gây thiệt hại cho môi trường của những rạn san hô và về việc
nước này không ngăn cản ngư dân của mình giết hại những loài động vật được bảo
vệ như rùa biển. Sau đây là những điểm chính từ phán quyết mà cả bảy thẩm phán đồng
thuận và được đưa ra hôm thứ Ba:
Những
người Philippines ăn mừng khoảnh khắc tòa án quốc tế ở The Hague tuyên bố phán
quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông,
ngày 12 tháng 7 năm 2016.
Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho những tuyên bố chủ quyền lịch
sử của mình đối với cái gọi là "đường chín đoạn" bao quanh khoảng 90
phần trăm Biển Đông
- Trung Quốc lập luận rằng ngư dân của họ đã đánh cá ở Biển Đông
suốt nhiều thế kỷ, nhưng tòa án kết luận rằng trong phần lớn khoảng thời gian này,
vùng biển này "về mặt pháp lý thuộc vùng biển quốc tế, trong đó tàu thuyền
từ bất kỳ nước nào cũng có thể tự do đi lại và đánh cá. Điều này có nghĩa là ngư
dân Trung Quốc thực hiện "quyền tự do trong vùng biển quốc tế ... và không
có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã kiểm soát độc quyền vùng biển này... hoặc
ngăn cản những nước khác khai thác những nguồn tài nguyên của vùng biển."
- Những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc theo đường chín
đoạn không phù hợp với việc trao quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
mà Bắc Kinh đã phê chuẩn. Ban thẩm phán phán quyết rằng bất cứ quyền lịch sử nào
của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên ở vùng Biển Đông đều đã bị
"tiêu trừ" khi Trung Quốc gia nhập Công ước.
Nhiều bãi đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền không hội đủ điều kiện
để được xem là đảo mà có thể cho nước sở hữu quyền rộng lớn đối với vùng biển
xung quanh
- Để được coi là lãnh thổ với đặc quyền đối với vùng biển xung
quanh, một bãi đất phải nằm trên mặt nước khi thủy triều lên. Ban thẩm phán lưu
ý dù Trung Quốc đã tiến hành hoạt động bồi đắp đất rộng khắp trên nhiều bãi san
hô, song những hoạt động cải tạo này không làm thay đổi tình trạng pháp lý của
bãi đất, vốn dựa trên "điều kiện tự nhiên" của bãi đất trước khi có
hoạt động thi công.
- Ban thẩm phán cho biết họ đã tham khảo ý kiến một chuyên gia thủy
văn và những tài liệu lưu trữ đã được sử dụng để xác định rằng không có bãi đất
nào trong vòng tranh chấp hội đủ điều kiện để được xem là đảo, và nếu là đảo thì
vùng biển quanh đảo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên một số bãi
đất bao gồm Bãi cạn Scarborough, Đá Johnson, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập là những
bãi đất nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao, có thể có quyền đối với lãnh
hải ít nhất là 12 hải lý.
Lời khiển trách đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- Ban thẩm phán phán quyết rằng Trung Quốc đã xây dựng những cơ sở
và những đảo nhân tạo ở Đá Vành Khăn mà không được Philippines cho phép, vi phạm
chủ quyền của Manila.
- Tòa án kết luận Philippines có quyền chủ quyền đối với vùng biển
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó bao gồm Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ
Mây và Bãi Cỏ Rong. Và Tòa án kết luận Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động thăm
dò dầu khí của Philippines ở Bãi Cỏ Rong, tìm cách ngăn cấm ngư dân Philippines
hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila tại Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây.
- Ban thẩm phán đã tham khảo ý kiến những chuyên gia môi trường để
kết luận rằng "việc Trung Quốc bồi đắp đất quy mô lớn và xây dựng những đảo
nhân tạo ở bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng
đối với môi trường của những rạn san hô," vi phạm cam kết của Bắc Kinh bảo
vệ môi trường biển vốn là nghĩa vụ của họ theo Công ước.
- Ban thẩm phán kết luận rằng những tàu chấp pháp của Trung Quốc cũng
tạo ra "nguy cơ va chạm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tàu và nhân viên
của Philippines" trong những cuộc chạm trán ở Biển Đông, vi phạm cam kết của
Bắc Kinh đối với Công ước.