22.07.2016. VOA.
BANGKOK —
Một cơ quan bảo trợ nhân quyền quốc tế nói vùng Đông Nam châu Á
đối mặt với mối đe dọa về các xung đột về đất đai ngày càng tăng giữa các nhà
đầu tư và dân chúng địa phương nếu không áp dụng những biện pháp cải tổ cơ chế
và pháp lý.
Lời cảnh báo của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH gồm 180 thành
viên được đưa ra trong bối cảnh những thắng lợi kinh tế và tăng trưởng đáng kể
khắp châu Á được hỗ trợ bởi đầu tư trong và ngoài nước.
Nông
dân bắt ốc trên đồng gần Udon Thani, Thái Lan. (Ảnh tư liệu ngày 15/9/2015)
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang tìm cách thúc đẩy tăng
trưởng thông qua tổ chức Hợp tác Kinh tế ASEAN và riêng đầu tư nước ngoài đã
đạt tới mức 136,3 tỷ đôla trong năm 2014.
Song việc mở cửa cho các nhà đầu tư tìm đất để khai phá xây dựng
nhà máy và đồn điền đã châm ngòi cho xung đột với các cộng đồng địa phương,
nhất là ở những nơi mà luật lệ chi phối việc đăng ký đất đai và chủ quyền còn yếu
kém.
Những vụ tranh chấp đất đai này, những vụ cưỡng bức dời cư và bạo
động đã tăng cao vào lúc sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực tăng
tốc.
Tổng thư ký FIDH Debbie Stothard tiên liệu những vụ xung đột gia
tăng giữa các cộng đồng địa phương, chính phủ và các nhà đầu tư trừ phi các
biện pháp cải cách được thực thi.
Bà Stothard nói với đài VOA: "Điều chúng ta sẽ thấy trong các
tình huống ở châu Á nơi mà trong khi các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang
lắng dịu, chúng ta sẽ chứng kiến một hình thức xung đột khác cũng gây cảnh thất
tán trong dân chúng và cũng liên kết với bạo động và đó sẽ là xung đột quanh
việc chiếm dụng đất đai."
Tình hình ở Campuchia
Tại Campuchia, FIDH nói hơn 800.000 người đã bị tác động của việc chiếm dụng đất từ năm 2000.
Trong năm 2015, FIDH đã đưa một trường hợp ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế khẳng định rằng việc chiếm dụng đất ở Campuchia đã mang tính "có hệ thống và lan tràn" đến độ nó tiêu biểu cho một tội ác quốc tế nghiêm trọng.
Công nghiệp đường ở Campuchia, có liên hệ mạnh với những nước lớn mua đường trong công nghiệp thực phẩm, đã bị đưa ra ánh sáng, với những đồn điền dẫn tới việc dời cư tới 16.000 người, theo các tổ chức nhân quyền.
Năm 2008, hãng sản xuất đường của Thái Lan Mitr Phol đã được cấp phép khai thác 200 kilomet vuông đất đai theo thỏa thuận Chuyển nhượng Đất Kinh tế ELC, đề xuất việc thuê đất dài hạn. Nhưng vùng đất ở tỉnh Oddor Meanchay đã có 2.000 gia đình sinh sống.
Ông Neoy Ta Am, một người dân làng, đã bị buộc phải bỏ chạy qua Thái Lan khi cộng đồng bị quân đội chính phủ cưỡng bức dời cư vào năm 2008. Ông nói với đài VOA qua lời một thông dịch viên: "Khi quân đội đến tôi đã bỏ trốn, nhưng sau đó tôi nghe một chủ đất nói là họ đã đốt tất cả nhà cửa."
Khối lượng đường xuất khẩu của Campuchia đã gia tăng theo một chương trình thương mại ưu tiên của Liên hiệp châu Âu, lên tới 65.000 tấn vào năm 2013. Nhưng những cáo giác về vi phạm nhân quyền và cướp đất đã châm ngòi cho các cuộc điều tra quốc tế, với lượng đường xuất khẩu qua EU sụt mạnh hồi năm ngoái.
Khách hàng mua đường
Tổ chức cứu trợ toàn cầu Oxfam International nhắm mục tiêu vào những nước mua đường hàng đầu, trong khi Công ty Coca-Cola có trụ sở ở Hoa Kỳ phát động một cuộc kiểm toán xã hội và môi trường của những công ty cung ứng đường, kể cả Mitr Phol. PepsiCo cũng tiến hành một chương trình tương tự, với chính sách "dứt khoát không dung chấp" những vụ cướp đất trên toàn cầu.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan lên án hãng sản xuất Mitr Phol của Thái Lan về "sự sụp đổ cộng đồng," và công ty này của Thái đã phải rời khỏi hệ thống cung cấp vào năm 2015.
Chiến dịch thành công trong việc nêu bật vấn nạn của dân làng, theo ông Eang Vuthy, giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Equitable Campuchia.
Ông Vuthy nói: "Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên nhưng điều rất hạn hữu là nhà đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm đầu tư ở Campuchia, đã phải rời khỏi nước vì áp lực từ phía các nước mua hàng và những người ở thực địa."
Bà Premrudee Daoroung, giám đốc Dự án SEVANA Đông Nam Á, nói các dự án phát triển đại quy mô khắp Đông Nam châu Á đang tác động tiêu cực đến một số người ngày càng tăng trong vùng ASEAN.
Bà Premrudee nói với đài VOA: "Sự bành trướng mau chóng của đầu tư quy mô lớn khắp biên giới mà nhiều người cho là hỗ trợ cho ASEAN bằng cách quy tụ ASEAN và tạo điều kiện cho lưu lượng đầu tư. Nhưng xu hướng mà tôi nêu ra là ta có những người đang chịu thiệt hại vì các dự án quy mô lớn."
PepsiCo cũng tiến hành một chương trình tương tự, với chính sách 'dứt khoát không dung chấp' những vụ cướp đất trên toàn cầu. (Ảnh tư liệu)
Tình hình tại Myanmar
Tại Myanmar, một ủy ban chính phủ là Ủy ban Trung ương đặc trách Đất ruộng và các loại đất Trưng thu khác – hồi đầu tháng 7 cho biết kế hoạch giải quyết một loạt các vụ cướp đất "trong vòng 6 tháng."
Những vụ cướp đất ở Myanmar, trong đó có các nạn nhân dưới thời chính quyền quân nhân cũ, đã thu hút sự chú ý dưới chính quyền cải cách của cựu Tổng thống Thein Sein sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2011.
Một Ủy ban Điều tra Đất ruộng hồi năm 2012 đã được thành lập để điều tra những vụ việc. Các báo cáo của chính phủ nói có tới 809.000 hecta, tức 2 triệu mẫu đất khắp nước đã bị "trưng dụng."
Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã dành ưu tiên cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai.
Giới hoạt động nói các biện pháp giải quyết xung đột đất đai sẽ là một trắc nghiệm quan trọng cho chính phủ, nhất là trong những vụ có liên hệ đến quân đội và giới thượng lưu doanh nghiệp có liên hệ chặt chẽ với chính quyền quân nhân cũ, vẫn còn nắm nhiều ảnh hưởng ở Myanmar.
Nhưng bà Stothard của FIDH nói kế hoạch của ủy ban quốc hội "giải quyết tất cả những vụ tranh chấp đất đai ở Myamar là mang nhiều tham vọng, song để đạt được thành quả cần phải có những biện pháp cải tổ sâu rộng."
Bà nói: "Sẽ không thực sự có tác dụng nếu không có những thay đổi về luật lệ và về các chính sách cùng các thủ tục của nhiều bộ chính phủ có liên quan đến việc chiếm dụng và cho thuê đất."
Theo bà Stothard, quá nhiều khi những người bị bắt và bị đưa ra tòa về tội hội họp bất hợp pháp thực ra lại là các nông dân phản đối việc mất đất đai nhà cửa và bị cưỡng bức dời cư vì những thủ tục pháp lý và luật lệ thiếu sót về đất đai.