“Muốn là được” -- Cảm nghĩ về Ngày Vận Động cho Việt Nam năm 2016
Ngày 18 tháng 7, 2016
LTS: Ông Trịnh Văn Mến là một cựu thuyền nhân ở trại
Sikhiew, Thái Lan. Ông bị khước từ quyền tị nạn và phải hồi hương, cũng như
nhiều chục nghìn đồng bào tị nạn khác trong giai đoạn giữa thập niên 1990. Năm
1997, Ts. Nguyễn Đình Thắng cùng với Ông Grover Joseph Rees, sau này trở thành
Đại Sứ Hoa Kỳ ở Đông Timor, đã bất ngờ đến tận nhà của Ông Mến ở Việt Nam để
dan thiệp cho Ông và gia đình – 10 năm sau Ông và gia đình đã được định cư tị
nạn vào Hoa Kỳ. Năm nay là lần đầu Ông Mến tham gia Ngày Vận Động cho Việt Nam
ở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Ngày 23 tháng 6 năm
2016 tôi có cơ hội được ngồi trong tòa nhà của Quốc Hội Hoa
Kỳ Russell Senate Office Building cùng với hơn 200 người Mỹ
gốc Việt từ các tiểu bang của Mỹ và Canada để vận động cho quyền làm
người tại Việt Nam. Những người tham gia vận động hôm đó có độ
tuổi từ 15 đến 75, trong nhiều ngành nghề khác nhau: học sinh, sinh viên, tu sĩ
các tôn giáo, công nhân, doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, luật sư…
Ngày đó trong tôi
trộn lẫn cảm giác của nỗi đau tê tái, nỗi vui
mừng, và niềm hy vọng.
Đau tê tái vì hồi
tưởng lại tình trạng đất nước Việt Nam trong quá khứ trong khi
lắng nghe tường trình những sư đàn áp ngày càng gia
tăng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đối với
người dân. Tôi còn nhớ giai đoạn 1948-1975 Quốc hội Mỹ
(chưa có người Mỹ gốc Việt) đã quyết định viện trợ, cố
vấn, rồi trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. Sau đó cũng Quốc
hội Mỹ quyết định các chương trình ODP, HO, ROVR, Priority One để
rồi hiện nay số người Mỹ gốc Việt lên đến con số 1,737,433, hay là 0.6%
dân số Mỹ.
Ông Trịnh Văn Mến (hàng đầu,
thứ 3 từ trái) tại buổi họp khoáng đại, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh
BPSOS)
Vui mừng
vì tôi nằm trong 0.6 % dân số Mỹ có quyền vận động các nghị
sĩ, dân biểu trong Quốc hội Mỹ ở cả Thượng Viện và Hạ Viện để họ đưa ra hay ủng
hộ các đạo luật, các nghị quyết, các quyết định mang tính chính sách có lợi cho
người dân Việt Nam. Năm nay chúng tôi vận động trả tự do cho tất cả
các tù nhân lương tâm và những nhà đấu tranh ôn hòa mà chúng tôi có hay
không có danh sách trong tay. Chúng tôi cũng tiếp tục vận động
đòi hỏi nhân quyền cho người dân Việt Nam nói chung.
Hy vọng vì có nhiều dấu hiệu ngày càng sáng sủa
hơn cho dân tộc Việt nam chẳng hạn như: Năm 1966, Tổng
thống Johnson đã đến Việt Nam chỉ trong vòng hai tiếng rưỡi
để thăm hỏi, cảm ơn và động viên lính Mỹ. Sau 50 năm, năm nay 2016
Tổng thống Obama đến Việt Nam ba ngày và Ông phát biểu “…tôi cho rằng bảo vệ các quyền con người không
phải là sự đe dọa cho ổn định xã hội mà chính là góp phần củng cố ổn định xã
hội và là nền móng cho sự phát triển”. Cá nhân tôi thì cho
rằng, tại Việt Nam, bảo vệ các quyền của con người là bảo vệ
người dân thoát khỏi ách độc tài cộng sản đảng trị.
Trong mấy ngày
tại thủ đô Washington, tôi ấn tượng nhất là Mục sư Phạm Thị
Kim Hường, phái đoàn của Kentucky, và các bạn trẻ thuộc Giáo xứ
Thái hà.
Mục sư Phạm Thị Kim Hường nhắc lại lời của
cố Tổng Thống Abraham Lincoln như muốn loan báo cho toàn thể người Mỹ gốc
Việt rằng: “Những ai từ chối giúp đỡ người khác được tự do thì không
xứng đáng được hưởng tự do, và theo luật Thượng Đế đã định sẽ không
thể duy trì được tự do” (Those who deny freedom to others deserve it not for
themselves; and under the rule of a just God, cannot long retain it). Muc
sư kêu gọi: “Xin ai đó đừng rút bớt củi đi mà hãy thêm củi vào cho
lửa bừng lên”. Mục sư khẳng đinh: “Dù đã 70 tuổi, tôi sẽ là cây
củi nhỏ góp vào đống củi lớn cho lửa bừng lên!”
Phái đoàn của
Kentucky đặc biệt có một gia đình cả 3 thế hệ cùng tham dự gồm cả ông bà,
cha mẹ, và các con còn trong tuổi học sinh. Nét nổi bật của phái đoàn
này mà nhiều người tham dự cùng có chung nhận
định là nhờ sự tích cực hăng say vận động tại địa phương, tài ngoại
giao khéo léo, cách làm việc có tính khoa học của chị trưởng
đoàn trẻ.
Các bạn trẻ Thái hà có mặt trong phòng họp
của Quốc hội Mỹ đã chứng minh cho mọi người rằng câu nói của hoàng đế
Napoleon Pháp đúng trong nhiều trường hợp: ”Muốn là được”. Các bạn trẻ này cũng như hàng triệu
người trẻ khác trong nước cũng như ngoài nước đều có một ước muốn
chung là một sự tự do cho người dân, tự do của con chim bay trên bầu trời,
tự do của con cá bơi ngoài biển chứ không như thứ tự do được ban cấp
của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đó là thứ tự do của con chim
trong lồng, con cá trong chậu. Các bạn trẻ Thái Hà đã thấy, nên đã tin, và sẽ
làm chứng rằng nhiều người Mỹ gốc Việt đã, đang, và sẽ tiếp
tục hỗ trợ cho sự đấu tranh bất bạo động của các bạn.
Cám ơn chủ tịch
BPSOS, các anh chị em trong ban tổ chức, và mọi người, trong đó bao
gồm một số Dân Biểu và Nghị Sĩ Hoa Kỳ, cho tôi cơ hội tham
dự ngày vận động nhân quyền cho Việt Nam năm 2016.
Trịnh Văn Mến
San Antonio, Texas