BBC. 1 giờ trước
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yuriko Koike đã được bầu làm thị
trưởng Tokyo.
Bà Koike được hơn 2,9 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm Chủ
Nhật, bỏ xa các đối thủ về số phiếu và thành phụ nữ đầu tiên nắm chức thị
trưởng Tokyo.
Tổng cộng có 21 ứng viên đang ganh đua cho vị trí này.
Image copyrightKYODOREUTERS
Hai ứng viên thua phiếu là chính trị gia Hiroya Masuda được 1,8
triệu phiếu và nhà báo Shuntaro Torigoe được 1,3 triệu phiếu, theo Ủy ban Bầu
cử Thành phố Tokyo.
Một trong những thách thức chính của bà Koike là giải quyết các
vấn đề tài chính làm ảnh hưởng tới Tokyo trong công tác chuẩn bị đăng cai Thế
Vận hội 2020.
Các vụ bê bối liên quan tới thế vận hội này đã buộc hai thị trưởng
phải từ chức.
"Tôi sẽ dẫn dắt chính trị Tokyo theo cách chưa từng có, một
Tokyo bạn chưa từng thấy," bà Koike, 64 tuổi, nói với những ủng hộ viên
của mình.
Bà Koike là một thành viên của đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng
Shinzo Abe, nhưng vì đảng này không ủng hộ bà nên bà ra tranh cử như ứng viên
độc lập.
Image copyrightREUTERSImage
captionMột trong những nhiệm vụ đầu tiên của tân thị trưởng Tokyo là đến
lễ bế mạc Rio 2016 nhận cờ Olympic
Bà tốt nghiệp Đại học Cairo ở Ai Cập và là một nhà báo truyền hình
trước khi tham gia chính trường từ năm 1992.
Bà từng nắm chức bộ trưởng môi trường năm 2005 và là bộ trưởng
quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Abe vào năm 2007.
Bà Koike, người thiên hữu nhất trong ba ứng viên dẫn đầu, cam kết
theo đuổi các chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ.
Bà từng ra tranh ghế lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do nhưng không
thành.
Cuộc bầu cử hôm 31/7 được ấn định sau khi thị trưởng Yoichi
Masuzoe từ chức hồi tháng trước.
Ông đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về cáo buộc sử dụng
công quỹ cho các kỳ nghỉ, tác phẩm nghệ thuật và sách truyện tranh cho con cái.
Ông Masuzoe, người từng hứa hẹn một chính quyền không bê bối, phủ
nhận việc phạm pháp, nhưng thừa nhận sai sót về đạo đức khi chi tiêu xa hoa.
Người tiền nhiệm của ông, Naoki Inose cũng từ chức do vụ bê bối
tài chính năm 2013, ngay sau khi Tokyo giành quyền đăng cai Olympic.
Từ thời điểm đó, quá trình chuẩn bị đăng cai Olympic 2020 bị ảnh
hưởng bởi các vụ bê bối, bội chi và chậm trễ xây dựng cơ sở hạ tầng.