05.07.2016. VOA.
Ít nhất 150 nguyên thủ quốc gia, theo dự liệu, sẽ tham dự hội nghị
thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại New York vào tháng 9 tới đây. Trọng
tâm của hội nghị là tranh thủ những cam kết mới của thế giới để đối xử với những
người di dân và người tị nạn dựa trên tinh thần trách nhiệm và lòng nhân đạo.
Cao
ủy về người tị nạn của LHQ Filippo Grandi nói chuyện với một phụ nữ tị nạn
Afghanistan trong chuyến thăm Trung tâm Hồi hương của UNHCR tại Peshawar,
Pakistan, 23/62016.
Số người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn hiện nay nhiều hơn bao
giờ hết. Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết số người bị thất tán trên thế giới
trong năm ngoái là 65 triệu, trong đó có 20 triệu người tị nạn ở nước ngoài và
số còn lại là những người tản cư trong nước.
Bên cạnh đó, còn có hàng chục triệu người chạy trốn tình cảnh đói
nghèo, biến đổi khí hậu hoặc thiên tai đang di dân tới những nước khác để tìm
kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Liên Hiệp Quốc cho biết các quốc gia không thể tự mình giải quyết
những vấn đề của làn sóng người di dân trên thế giới.
Cơ quan này nói rằng cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý dòng chảy
của người di dân và người tị nạn theo một cách thức có trách nhiệm và có trật tự.
Cố vấn Đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc vào tháng
9, bà Karen Koning AbuZayd, cho rằng số người di dân quá đông là một thách thức
lớn, nhưng các nước không nên xem đây là một vụ khủng hoảng.
Bà nói: "Đương nhiên đây là một vụ khủng hoảng đối với gia đình
của những người tị nạn và đôi khi cho những người di dân, và cho những nước bị
tác động bởi sự thất tán này … Nhưng nó không nhất thiết phải là một vụ khủng
hoảng nếu chúng ta đưa mọi người đến với nhau, làm việc chung với nhau -- tất cả
các nước và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và những tổ chức khác."
Bà AbuZayd cho biết vì người tị nạn và người di dân vượt qua biên
giới quốc tế, đôi khi còn vượt qua nhiều biên giới, cho nên các nước phải hợp tác
với nhau.
Bà nói thêm rằng những hành động của một nước có ảnh hưởng tới những
nước khác: "Một thí dụ gần đây là Kenya đề nghị đưa những người tị nạn ở nước
họ về nước -- những người mà họ đã tiếp nhận trong hơn ba thập niên và trong số
đó có khoảng 200.000 người sinh sống trong những điều kiện rất tồi tệ. Và sau
khi họ nói như vậy thì ngay tức khắc chúng tôi bắt đầu nghe thấy những thông điệp
y hệt như vậy từ Sudan, Ethiopia và những nước khác."
Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc sắp tới sẽ tìm kiếm những cách
thức để giải quyết những nguyên do cội rễ của nạn thất tán và để truy tố những
kẻ chuyển lậu người và những kẻ buôn người.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước cải thiện sự tiếp đón dành cho những
người đang trên đường lánh nạn và đối xử một cách nhân đạo với những người vượt
biên.
Bà AbuZayd cho biết Liên Hiệp Quốc sẽ dẫn đầu một chiến dịch toàn
cầu chống lại chủ trương bài ngoại nhằm đối phó với những nhận định không tốt về
người di dân và người tị nạn.