6209.
Vì sao dự luật về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam bị chống đối?
Posted by adminbasam on
20/12/2015
Tháng tư năm nay, chính phủ Việt Nam công bố Dự thảo 4 của
Luật tín ngưỡng, tôn giáo khiến một số cộng đoàn các tôn giáo trong nước lên
tiếng phản đối.
Một nhóm các tổ chức xã hội ân sự cùng các tổ chức bảo vệ
nhân quyền quốc tế cũng ra Tuyên bố chung phản đối Dự thảo luật này. Bản Tuyên
bố với chữ ký của 27 tổ chức trong đó có Hội Ân xá Quốc tế đã nêu rõ các quan
ngại về nội dung của Dự thảo. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Dự thảo luật tín
ngưỡng, tôn Giáo này gây quan ngại và bị chống đối?
Sau khi đọc toàn văn Dự thảo – gồm 11 Chương, 11 Mục và 68
Điều – chúng tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở vì đã quen sống trong bầu không khí
tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975 và nay đang sống
trong một nước dân chủ bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ này. Như thế là bởi vì tất
cả các Chương, Mục, Điều khoản nào cũng thấy các nút mở, rồi kèm ngay các nút
thắt quá chặt chẽ về mặt pháp lý, đối với một quyền thiêng liêng bất khả xâm
phạm của con người: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Nói chung về mặt hình thức, so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH-K11 được áp dụng bao lâu nay tại Việt Nam, thì Dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mới có tiến bộ hơn, nhưng lại thắt chặt khi thực thi các quyền tự do này trên thực tế. Nhưng xét về nội dung thì Dự luật mới phản tiến bộ, không phù hợp với chiều hướng dân chủ hóa không thể đảo ngược tại Việt Nam, vì cốt lõi vẫn duy trì chủ trương của đảng CSVN coi tôn giáo là một đối tượng phải đề phòng, nhất là những tôn giáo có tính tổ chức hệ thống, cơ cấu cao dưới sự lãnh đạo có hệ thống quốc tế và quốc nội, của hàng giáo phẩm. Vì tính chất này mà Dự luật tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có vài điều khoản qui định về quyền tự do tín ngưỡng có tính chiếu lệ đối với quyền tự do tín ngưỡng; còn hầu hết các điếu khoản khác thì qui định cho quyền tự do tôn giáo.
Điều này cho thấy đảng CSVN vẫn lo sợ tôn giáo bất cứ lúc nào
cũng có thể trở thành nguy cơ lật đổ được chế độ. Vì vậy, do tình thế bắt buộc
phải hội nhập với thế giới bên ngoài, các nghị quyết của đảng CSVN được thể chế
hóa thành pháp luật thông qua Quốc hội “đảng cử, dân bầu”. Sau khi thành luật,
các văn kiện này được nhà cầm quyền sử dụng như một công cụ pháp lý của giai
cấp thống trị để kiểm soát chặt chẽ, trấn áp kịp thời mọi sự phản kháng của các
tôn giáo bằng pháp luật; trái với vai trò của luật pháp trong chế độ dân chủ
pháp trị, là thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần được luật pháp qui
định và nhà cầm quyền phải tôn trọng.
Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo vẫn không tôn trọng quyền
độc lập tự chủ của các giáo hội và các tín đồ; can thiệp sâu rộng vào cơ cấu tổ
chức, nhân sự điều hành và các hoạt động tín ngưỡng của các giáo hội và tín đồ
các tôn giáo (Chương III: Đăng ký sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động tôn
giáo. Từ Điều 13 đến Điều 17); cái gì cũng phải xin phép, phải làm theo qui
định, có được cơ quan đặc trách về tôn giáo các cấp có thẩm quyền từ trung ương
đến các địa phương cho phép mới được thực hiện (Chương X: Quản lý nhà nước
về tín ngưỡng, tôn giáo, từ điều 58 đến 65). Ngoài sự kềm kẹp của các cơ
quan chính quyền, còn phải chịu sự giám sát của “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”,
vốn là tổ chức ngoại vi của đảng CSVN (Điều 61). Điều này cho thấy tín
ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam không còn là một quyền tự do của nhân dân mà là
một ân huệ của nhà cầm quyền ban cho những tín đồ và giáo hội nào ngoan ngoãn
tuân phục chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của đảng CSVN và Nhà
nước.
Chẳng hạn, việc mở trường lớp, chương trình giảng dạy, kết
quả đào tạo, lý lịch các chức sắc tôn giáo phải được nhà cầm quyền thông qua (Các
Điều 22, 23, 24). Việc phong chức,bổ nhiệm hàng giáo phẩm của các giáo hội
trong nước hay có liên hệ đến nước ngoài, đều phải được phép trước của nhà cầm
quyền (Từ Điều 32 đến Điều 42 thuộc Chương V: Hoạt động tôn giáo)
Đúng như nhận xét sau chuyến đi Việt Nam tìm hiểu thực tế
hồi tháng 7 năm 2014 của Ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên
hiệp quốc về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng, quyền tự quản của các tổ chức tôn
giáo độc lập không được nhà nước công nhận tại Việt Nam vẫn bị hạn chế; và sinh
hoạt đạo giáo của họ không được an toàn, thường xuyên bị sách nhiễu, đe dọa. Và
cũng đúng như Bản Tuyên bố với chữ ký của 27 tổ chức bao gồm Hội Ân xá Quốc tế
đã nêu rõ các quan ngại về nội dung dự luật này đi ngược lại với quyền tự do
tôn giáo của công dân với các hạn chế vượt mức cho phép của các luật nhân quyền
mà Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Vậy đảng và nhà cầm quyền CSVN cần phải làm gì để Dự thảo
luật tín ngưỡng, tôn giáo không còn bị chống đối?
1.
Trước hết, Đảng CSVN cần thay đổi
cách nhìn đối với tôn giáo theo
hướng tích cực (một quyền tự do,vì hạnh phúc của
nhân dân, góp phần vào nền đạo đức xã hội) và để cho Quốc hội Việt Nam
làm luật tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng tôn trọng, bảo vệ và tự do hành xử
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thay vì coi tôn giáo là đối
tượng phải đề phòng, tiếp tục chủ trương dùng luật pháp như công cụ trấn áp tôn
giáo, để bảo vệ sự tồn tại thêm thời gian cho đảng CSVN và chế độ đương quyền.
Luật chỉ nên qui định những gì đặc thù của tín ngưỡng,
tôn giáo, còn lại áp dụng các luật lệ phổ thông theo từng lãnh vực liên quan
đến đời sống, sinh hoạt các thể nhân (các công dân tín đồ) và pháp nhân (các
giáo hội). Nghĩa là Luật cần tạo được sự an toàn, an tâm, thoải mái sống và
sinh hoạt theo tín ngưỡng hay niềm tin tôn giáo của các tín đồ và quyền độc lập
tự chủ của các giáo hội trong việc tổ chức cơ cấu, nhân sự điều hành và quyền
tự do hành đạo và truyền đạo trong khuôn khổ luật pháp quốc gia được áp dụng
chung cho mọi công dân bình thường, có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo, thuộc
mọi giai tầng xã hội, sắc tộc, miễn không phương hại đến quyền lợi người khác
và trật tự an toàn xã hội.
Nếu thực hiện theo hướng trên, nhân dân có tín ngưỡng, tôn
giáo sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi nhà nước khi có những sinh hoạt thể hiện niềm tin
của mình. Đồng thời nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được ngân sách phải chi tiêu cho
quá nhiều các cơ quan, nhân sự các cấp chính quyền chỉ để làm công việc quản
lý, giám sát, trấn áp tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
2.- Quốc hội Việt Nam, với tinh thần cầu thị, cần tham
khảo ý kiến rộng rãi trong giới tín đồ và các giáo hội, để biết hình thức, nội
dung Luật tín ngưỡng, tôn giáo phải như thế nào mới đáp ứng được ý muốn của
nhân dân.
Nhân đây xin được nhắc lại một “Dự thảo Luật Sinh hoạt Tín
ngưỡng, Tôn giáo tại Việt Nam” do đại biểu Quốc Hội khóa 8 Phan Khắc Từ đệ nạp
Văn phòng thường vụ Quốc hội, vào khoảng năm 1990-1991. Trong thời gian này,
được mời làm cố vấn pháp luật cho Đại biểu Phan Khắc Từ, chúng tôi đã được ủy
thác khởi thảo dự thảo luật này. Sau ba lần mời họp lấy ý kiến đóng góp của
khoảng 20 luật gia, luật sư thân hữu trong đó có cố Giáo sư Tiến Sĩ Vũ Tâm Tư,
nguyên Giáo sư Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, và sự tham khảo riêng với một số chức
sắc các tôn giáo quen biết, chúng tôi đã đúc kết thành “Dự thảo Luật Sinh hoạt
Tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam” để sau đó Đại biểu Phan Khắc Từ đệ trình
Quốc hội (1).
Tất nhiên, vào thời khoảng 1990-1991, đảng CSVN mới chuyển
đổi từ chủ trương “nghị trị” (cai trị bằng nghị quyết của đảng CSVN) qua
“pháp quyền” (cai trị bằng luật pháp được Quốc hội thể chế hóa từ các ngị
quyết của đảng CSVN), nên “Dự thảo Luật Sinh hoạt Tín ngưỡng, Tôn giáo tại
Việt Nam” này còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, quyền độc lập tự chủ của các giáo
hội và quyền sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ đã được xác lập tương đối đầy đủ
trong Dự thảo luật này. Chúng tôi nghĩ, các Đại biểu Quốc hội hiện nay có thể
dùng Dự thảo luật đó làm tài liệu tham khảo khi làm Luật về quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
***
CHÚ THÍCH
(1) Dự thảo Luật Sinh Hoạt Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Tại Việt Nam
được Đại biểu Phan Khắc Từ nạp cho Văn phòng Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Khóa 8,
đã không được hồi báo. Sau gần một năm, phái đoàn Văn phòng Thường vụ Quốc hội,
trong chuyến đi thăm lấy ý kiến trước khóa họp thường kỳ, có đến văn phòng Đại
biểu Quốc hội Phan Khắc Từ. Nhân dịp này, chúng tôi có phàn nàn là dù có đưa Dự
thảo luật do Đại biều Phan Khắc Từ đệ nạp hay không vào chương trình làm luật
của Quốc hội, cũng phải có văn thư chính thức trả lời cho biết đã nhận và có
đưa vào nghị trình khóa họp nào Quốc hội hay không. Chúng tôi cho rằng sự im
lặng này sẽ có tác dụng tiêu cực đối với các đại biểu có thiện chí muốn đóng
góp tích cực vào công cuộc soạn thảo pháp luật. Tất nhiên, vị Trưởng đoàn lúc
đó đã đáp lại bằng sự ghi nhận, rút kinh nghiệm…