Trang

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

883. Tường trình các hiểu và thực hiện Thánh Lịnh 257.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

TỜ TƯỜNG TRÌNH.
“Về việc hiểu và thi hành Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp”.

Kính bạch Hội Thánh.
Kính Trưởng Huynh Cải Trạng Nguyễn Minh Nhựt (tự Trân) Qu Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Chúng tiểu đệ, muội xin kính dâng lời chúc mừng quí Chức sắc Hiệp Thiên Đài đã mạnh mẽ thực thi quyền hành đạo của chức sắc Hiệp Thiên Đài theo chánh giáo của Đức Chí Tôn. Xác định: Chi Phái Cao Đài Tây Ninh do Nguyễn Thành Tám lãnh đạo là phản loạn Chơn Truyền...

Thứ đến kính xin Tường Trình đến Trưởng Huynh Cải Trạng Qu Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và quí chức sắc về việc chúng tiểu đệ, muội hiểu và thi hành Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp ngày 11/01/Đinh Dậu (10/2/1957) như sau:
1/- Hiệu lực của TL 257.
Năm 1957 Đức Hộ Pháp cầm quyền Giáo Chủ Đạo Cao Đài để lập TL 257 thì không một quyền nào trong hành chánh tôn giáo được phép cải sửa hay hủy bỏ. Muốn cải sửa hay hủy bỏ TL 257 Hội Thánh phải trình ra nơi Cung Đạo trong một đàn cơ để chính Đức Hộ Pháp hay các Đấng Thiêng Liêng quyết định. Đến năm 1978 Hội Thánh ngưng cơ bút mà không hề có sự cải sửa hay hủy bỏ TL 257. Như vậy, TL 257 còn đầy đủ giá trị trong nền đạo.
2/-  Nội dung chính yếu của TL 257.
... Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẫy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội  Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.
Ấy vậy chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị  quỉ  quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo....
...Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt  đi nữa thì dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Theo đó để hiểu thì TL 257 như một cẩm nang hay mật kế để dùng khi cội đạo bị cốt từ trên tới gốc...  Phần đầu trích đoạn dạy nguyên tắc căn bản để hiểu khi có biến sự. Đây là khuôn luật chung nên chưa phân ra quyền và phẩm. 
Thứ đến là chỉ ra cách ứng phó khi lâm sự. Cụ thể là khi gặp cảnh quyền trên bị quỉ quyền truất phế thì bên dưới phải tiếp tục: cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... (không phải tiếp tục về phẩm tước). 
Thứ ba: .... các Bàn Trị Sự và Tín đồ cùng công cử người thay thế cho họ....
Theo đó Bàn Trị Sự và Tín Đồ là 02 thành phần được quyền công cử. Bàn Trị Sự là 03 phẩm chức việc hiệp lại: 01 vị Chánh Trị Sự, 01 vị Phó Trị Sự và 01 vị Thông Sự. Tín đồ là tất cả những người đã nhập môn cầu đạo.
Cùng công cử có nghĩa là phải công khai không lén lúc. Công cử người thay thế để cầm quyền (không công cử lên phẩm tước).
Bàn Trị Sự và Tín Đồ thuộc về nhơn sanh. Cùng nhau công cử thì phải mở hội công khai. Công khai thì phải định rõ ngày giờ, địa điểm, cách thức tiến hành.... Hội của nhơn sanh mở thì đó là Đại Hội Nhơn Sanh. 
Chiếu theo Nội Luật thì Hội Nhơn Sanh phải diễn ra trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh mới có giá trị. Mở bất cứ nơi nào khác là sai luật đạo nên không có giá trị. Các Bàn Trị Sự và Tín Đồ công cử thì đó chính là Đại Hội Nhơn Sanh để công cử người cầm quyền hành chánh tôn giáo, xây dựng lại Hội Thánh.
Hội Thánh Anh bị cốt thì các Hội Thánh Em và toàn đạo công cử người cầm quyền hành chánh tôn giáo để xây dựng lại Hội Thánh Anh.  Tóm lại: TL 257 chỉ dạy cách thức mở Đại Hội Nhơn Sanh khi không còn Hội Thánh. TL thể hiện tính tiên tri và minh triết của tôn giáo.
Hiểu như vậy cũng phù hợp với Thánh Thư 01. HP/HN ngày 20/02/Đinh Dậu (21-3-1957) của Đức Hộ Pháp:
Còn theo sự dự tính của Bần Đạo về tuyển chọn kẻ cầm quyền thay thế cho chư vị Đại Thiên Phong thì: Hễ tuyển chọn hàng Thiên Phong cầm quyền thì cả chức sắc Thiên Phong hội cùng nhau định cử.
Nếu Đạo không may, cả chức sắc Thiên Phong bị bắt tù đày hết thì chừng ấy cả toàn thể tín đồ công cử nhau đặng cầm quyền của Đạo.
Kính trưởng huynh Cải Trạng Qu Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và quí chức sắc Hiệp Thiên Đài.
Đức Chí Tôn dạy ngày 15/04/1927:
“….Các con vì Đạo là việc công lý mà công lý đánh đổ cường quyền thì Đạo mới phải Đạo. Các con hiểu à….”  (TNHT. Q1.T.106 Bản in 1973)
Thầy dạy ngày 01/02/1927 (TNHT Q1 trang 91, 92):
 Kiếp trần ai lắm nỗi vày vò, các con ở nhầm thời đại nầy gặp đặng lắm cuộc tân toan, nên mới để ý vào đường Đạo-Đức. Nếu chẳng vậy thì các con cũng đã như ai, đem thân vùi dập trong chốn lợi quyền, tranh tranh cạnh cạnh biết ngày nào rồi?  Ấy vậy các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Đạo; ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục. Cơ Trời Thầy không lẽ tỏ ra đây,..
Trong tâm thư gởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 12-11-1956 Đức Hộ Pháp dạy rằng:... Bằng cớ hiển nhiên là cả toàn chủng tộc ta đều thấy rõ là Bần Đạo dám can đảm nâng đỡ, binh vực, dạy dỗ những hạng cùng dân, nghèo hèn, dốt nát, đứng ra thi thố cùng đời,...
Chúng tiểu đệ, muội là những phẩm bậc thấp, bé trong nền đạo. Thấy cơ đạo chinh nghiêng nên hiệp đồng nhau lấy văn bản Hội Thánh và Đức Hộ Pháp làm gốc (theo đạo không theo người). Trên đường thực thi tam lập cố gắng làm theo lời Đức Hộ Pháp dạy: ... lấy danh giá Đạo làm trọng, hành đạo theo chương trình đã bàn định,...
May thay nhờ ơn trên phò trợ nên được sự giúp đở của các hiền nhân quân tử và các tổ chức tranh đấu vì nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam và nhân loại như: BPSOS (Hoa Kỳ), VETO (Đức Quốc)... giới thiệu đến trình bày thực trạng khó khăn của Đạo Cao Đài và giải pháp Đại Hội Nhơn Sanh: với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (Washington, ngày 18/09/2014), hội kiến Đại Sứ Tôn Giáo Hoa Kỳ David Saperstein (Sài Gòn, ngày 13/05/2015), hội kiến Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) ngày 25/08/2015 (Sài Gòn). Tham dự Hội nghị khu vực Đông Nam Á về tự do tôn giáo-tín ngưỡng từ 29/9 đến 1/10 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan (có sự tham dự của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, Gs. Ts. Heiner Bielefeldt).
Dầu tham dự hội nghị hay hội kiến chúng tiểu đệ, muội đều đặc biệt nhấn mạnh rằng: Đại Hội Nhơn Sanh theo Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp là giải pháp căn bản và cũng là duy nhứt để công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài, tiến đến phục hồi cơ đạo. Đồng thời là một trong những phép thử cho nhân quyền và tự do tôn giáo  tại Việt Nam...
Thông báo ngày 15/10/Ất Mùi (26/11/2015) chức sắc Hiệp Thiên Đài viết:
...Hành vi của Đạo Huynh Đầu Sư Phàm Phong Thượng Tám Thanh là nghịch Thiên, Phạm pháp không phải là chức sắc Thiên Phong của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo Thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh Đầu sư Thượng Tám Thanh....
...nói lên cho đồng đạo hiểu chúng tôi đang bảo thủ Chơn Truyền Đạo Pháp và không chứng kiến cảnh phản loạn Chơn Truyền của Chi Phái Cao Đài Tây Ninh do Nguyễn Thành Tám lãnh đạo...
Thông báo cũng viết rõ:
Căn cứ Luật Pháp Chơn Truyền của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh chúng tôi chứng minh hành vi giả tạo của Hội Thánh Nguyễn Thành Tám như sau:
*/- Chiếu y Tân Luật, Pháp Chánh Truyền mà làm không y.
*/- Chức sắc phàm phong mà xưng danh là Thiên Phong.
*/- Tổ chức với danh xưng là Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ) không có trong Pháp Chánh Truyền (PCT) chỉ do Đảng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân ban cho Nguyễn Thành Tám cầm quyền Hội Trưởng HĐCQ lãnh đạo Giáo hội Cao Đài với một quy chế Hành Đạo và Luật lệ Cầu phong, Cầu thăng riêng ngoài chơn truyền của Đại Đạo từ trước 1975 (theo Hiến Chương năm 1997)
Thiễn nghĩ hành chánh tôn giáo có 03 thành tố: thực hiện chánh trị đạo (Đời gọi là công vụ), trụ sở hành chánh và nhân sự. Chánh trị đạo đã có bài bản, công thức. Trụ sở hành chánh thì luật đạo đã định rõ địa điểm. Nhân sự thì phải qua công cử như Thánh Lịnh 257 đã dạy (trong buổi Hội Thánh Anh bị cốt).
Kính mong Trưởng huynh Qu Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, quí chức sắc vui lòng lưu tâm chỉ dẫn cách thức chúng tiểu đệ, muội và chư đồng đạo căn cứ vào Thánh Lịnh 257 hiệp đồng nhau lo mở Đại Hội Nhơn Sanh để công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo, xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài, phục hồi nền chánh giáo của Đức Chí Tôn có đúng với lời dạy trong Thánh Lịnh hay không? Có nên tiếp tục hay không?
Nếu không đúng với Thánh Lịnh 257 kính xin Trưởng huynh Qu Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, quí chức sắc Hiệp Thiên Đài vui lòng chỉ dẩn cách thức hiểu đúng Thánh lịnh. Đồng thời chỉ dạy phương pháp, cách thức phục hồi cơ đạo cho chúng tiểu đệ, muội và đồng đạo học hỏi thực thi.
Xin đính kèm:
1: Thánh Lịnh 257.
2: Nguyện vọng mở Đại Hội Nhơn Sanh (Có trên 900 người đạo ký tên).
3: Đại Hội Nhơn Sanh từ Việt Nam Thời Báo.
4: Bất hợp pháp hay đó là sự giả mạo.
5: Tại sao có chi phái 1997.
6: Bi kịch Cao Đài.
7: Hội kiến với Đại Sứ Tôn Giáo Hoa Kỳ.
8: Hội Kiến với phái đoàn USCIRF.
9: Hội Nghị Thái Lan.
10: Yêu cầu điều tra (trên 100 người đạo ký tên).


Nay kính.
Việt Nam ngày 24/10/Ất Mùi (05/12/2015).
Đồng ký tên.
......................................................................................................................


......................................................................................................................
ĐÍNH KÈM THÁNH LỊNH 257. 


BẢN VI TÍNH.

 

 HỘ PHÁP ĐƯỜNG.
Văn phòng.
Số 257/HP-HN.

ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.

(Tam Thập Nhị Niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH.


           HỘ PHÁP, CHƯỞNG QUẢN NHỊ HỮU HÌNH ĐÀI

HIỆP THIÊN và CỬU TRÙNG.

THÁNH LỊNH.

Gởi cho Hiến Pháp H.T.Đ thay mặt HỘ PHÁP và Ba vị CHÁNH PHỐI SƯ Cửu Trùng Đài.

Chư Hiền Huynh và Hiền Hữu. 

Theo chơn truyền luật pháp của Đạo thì Thánh thể của Đức Chí Tôn từ Tín Đồ dĩ chí Giáo Tông và Hộ Pháp thì nó chỉ làm một với nhau. Các bạn đã ngó thấy, trên thì có Giáo Tông Hộ Pháp và Đầu Sư còn dưới thì có Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự là Giáo Tông, Hộ Pháp và Đầu Sư em. Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nhảy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội Thánh của Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.

Ấy vậy chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị  quỉ  quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo.

Có lẽ Chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ bắt những Chức Sắc trọng yếu của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Phước Thiện thì tức cấp giờ nầy công cử người thay thế để sẳn đặng đương đầu cùng thời cuộc.
Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt hết đi nữa thì dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.

Chức Sắc Thiên Phong đương cầm quyền của hai Hội Thánh phải dự định sẳn người thay thế cho mình trước khi bị bắt.

Phải triệt để tuân y và thi hành THÁNH LỊNH nầy.

Kiêm Biên, ngày mùng 9 tháng 2 Đinh Dậu.

(10-3-1957)

HỘ PHÁP

(Ký tên và đóng ấn).