VDPF: Thách
thức đối với Việt Nam là thực thi luật một cách nghiêm túc
Việt Nam Thời Báo.
Sáng nay tại Hà Nội, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam
(VDPF) với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và bà Victoria
Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng chủ trì
Diễn đàn.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam
nhất quán tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. (Ảnh Đức Thanh)
|
Những thảo luận thẳng thắn…
Trước đề nghị của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với các đại biểu,
đối tác phát triển, nhà tài trợ về việc đóng góp ý kiến, thảo luận thẳng thắn
về những điều làm được, chưa làm được, nhất là những mục tiêu, giải pháp cho
giai đoạn tới để bổ sung, cập nhật vào chiến lược, kế hoạch 5 năm tới, ông
David Devine, Đại sứ Canada quan ngại, Hiệp định TPP mang tới nhiều rủi ro và
nếu nhu không có sự triển khai và cam kết cẩn trọng, Việt Nam có thể bị đánh
mất nhiều lợi ích.
Bên cạnh việc giảm thuế xuất khẩu vào hàng hóa thương mại,
các công cụ giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ và các biện pháp phi thuế
quan, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc giảm thiểu vai trò của DN nhà
nước với thị trường được coi là cơ sở tốt tạo điều kiện cho cải cách cơ cấu và
thể chế ở Việt Nam, bao gồm cải cách đất đai, được coi như một yếu tố ảnh hưởng
đến sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực
này.
“Công việc này đòi hỏi các cải cách khó khăn nhưng cần
thiết, các nỗ lực lâu dài nhằm hiện đại hóa và hợp lý hóa môi trường pháp lý
cho thương mại và phát triển khu vực tư nhân”, ông David Devine nói.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển
châu Á (ADB) quan ngại, quá trình đô thị hóa mỗi năm khoảng nửa triệu người dân
di cư tới các đô thị lớn của Việt Nam, điều đó dẫn tới tắc nghẽn giao thông và
ô nhiễm môi trường.
Việt Nam cũng đang phải gánh chịu các hậu quả của biến đổi
khí hậu ngày càng nhiều và do đó, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng
ứng phó tốt hơn. Việt Nam đang tìm kiếm nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu đầu
tư cho cơ sở hạ tầng đang tăng lên thông qua nguồn ngân sách quốc gia, khi áp
lực đi vay bắt đầu tăng lên và nợ công đang dần tiến tới giới hạn của sự bền
vững.
“Tất cả những thác thức này đòi hỏi môi trường tài chính
thay đổi để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ
hơn, Việt Nam tiếp tục bị mất đi các nguồn viện trợ không hoàn lại và vay vốn
ODA ưu đãi. Điều này đang làm giảm một nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng
mà thường được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu”, ông Eric Sidgwick nói.
Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, ông Michel
Welmond, Chủ nhiệm chương trình, Văn phòng tại Việt Nam, Nhóm WB đã chia sẻ
những thách thức mới cần sự quan tâm ngay đó là, tính cạnh trang trong tương
lai được mang lại bởi sự thay đổi về mặt chiến lược từ chỗ tập trung vào tăng
cường khả năng tiếp cận tới chỗ nhấn mạnh vào chất lượng, mức độ phù hợp và sự
linh hoạt của giáo dục. Chiến lược phát triển năng lực cơ bản được xác định
tương đối rõ. Chiến lược phát triển các kỹ năng đòi hỏi phải tinh tế hơn.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa chia sẻ: “Về cơ
bản, bộ khung pháp lý đã đầy đủ, vấn đề bây giờ là thực hiện luật một cách
nghiêm túc".
Và các nhóm giải pháp cụ thể...
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cho biết, Chính phủ Việt Nam nhất quán tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá
chiến lược, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt thể chế kinh tế thị
trường và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì
dân; phát triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập, gắn với áp dụng công
nghệ tiên tiến; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội trong và
người nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Để thực hiện 3 đột phá trên, Thủ tướng đã cho biết 5 nhóm
giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung bảo đảm tăng cường ổn định kinh
tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế gắn với tái cơ cấu hiệu quả
nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung vào tái cơ cấu đầu tư
công, DN nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu nông
nghiệp; nâng cao năng suất lao động. Bội chi ngân sách ko quá 4% mỗi năm trong
5 năm tới theo luật ngân sách mới; bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn
với sử dụng hiệu quả đầu tư công, từ việc vay nợ tới sử dụng hiệu quả; đảm bảo
an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế
thị trường, nghĩa là thực hiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp
với thông lệ quốc tế về thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện đầy đủ hơn, hiện
đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về thể chế kinh tế thị
trường. Tạo lập, phát triển các định chế của kinh tế thị trường để vận hành
đồng bộ hiệu quả như, thị trường đất đai, khoáng sản sẽ cải cách để dễ tiếp cận
hơn, hiệu quả hơn; thị trường vốn sẽ công khai, minh bạch hơn…
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, trọng
tâm là kinh tế quốc tế. Việt Nam đã ký 14 FTA song phương và đa phương với 55
quốc gia có nền kinh tế phát triển trong đó có 15 nước thuộc G20… Chúng tôi
phải hoàn thiện thể chế, luật pháp, môi trường, để hội nhập, huy động được
nhiều nguồn lực đầu tư vào Việt Nam. Đây là nguồn lực quan trọng phát triển
kinh tế Việt Nam, ngoài nội lực.
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam, tập trung sức phát triển tốt hơn
văn hóa, đảm bảo tốt hơn tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn
đời sống nhân dân, nhất là đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa…Để thực hiện được
điều này, Việt Nam luôn coi phát triển, lợi ích con người Việt Nam là mục tiêu,
động lực và trung tâm của sự phát triển. Việt Nam nghiêm túc triển khai, lồng
ghép 17 mục tiêu phát triển sau năm 2015 của Liên Hiệp quốc vào chương trình
phát triển. Chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn
nhân lực… tập trung chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân…
Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị nền kinh tế quốc gia,
xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế luật pháp, bảo đảm quyền dân
chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân… mà Hiến pháp 2013 đã đưa ra. Tăng cường
năng lực giải đáp, giải trình với người dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, phát
huy quyền giám sát, phản biện của các tổ chức người dân. Làm được điều này sẽ
đảm bảo mục tiêu là công khai, minh bạch, thực hiện nhà nước pháp quyền, ngăn
ngừa được tham nhũng.
“Tập trung cải cách thủ tục hành chính đi liền với cải cách
thể chế, khoa học công nghệ, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt
Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ sẽ đảm bảo an
ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách
đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, bình đẳng, cùng có lợi, là
bạn với tất cả quốc gia, dân tộc…”, Thủ tướng khẳng định.
Theo tinnhanhchungkhoan