Trang

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

865. 'Hãy ngưng lấy đất của người bị áp bức'...

Nông dân Campuchia tấn công toà án vì vụ tranh chấp đất đai

Việt Nam Thời Báo. 
Cư dân trong đó có cả trẻ em cầm biểu ngữ với hàng chữ 'Hãy ngưng lấy đất của chúng tôi' trong một cuộc biểu tình trước của Quốc hội ở Phnom Penh.



(Ảnh chụp ngày 1/9/2014).
03.12.2015
Những người biểu tình ở miền quê trong vùng đông bắc Campuchia đã phá sập cổng và tìm cách xông vào bên trong một toà án đã câu lưu 3 dân làng trong một vụ tranh chấp đất đai.
Ông Khan Kosal, một người đại diện của các nạn nhân trong vụ tranh chấp đất đai ở tỉnh Ratanakiri, giáp với Việt Nam, cho đài VOA biết rằng hơn 100 người đã tới toà án để đòi chính quyền thả ba dân làng.
Ông nói “Chúng tôi sẽ không rời toà án cho tới khi nào họ thả ba dân làng.”
Ông nói thêm rằng những người này là những nhà lãnh đạo cộng đồng và “đã bị toà án xét xử một cách bất công.”
Một người biểu tình khác, ông Sun Cheata, nói “Nếu toà án không giải quyết việc này cho chúng tôi và nếu họ lấy đất của chúng tôi, thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những người phải dựa vào đất đai để sống.”

Hiện chưa rõ có ai bị thương trong vụ biểu tình đã bị giới hữu trách giải tán sau khi cổng toà án bị phá sập.
Những người dân làng, chuyên trồng điều, cho biết họ có giấy tờ hợp lệ để chứng minh họ cùng nhau làm chủ vùng đất rộng 575 héc ta này từ năm 2007.
Vị thẩm phán của toà án này nói với đài VOA rằng bà bỏ tù ba dân làng đó vì họ sinh sống trên đất của người khác. Bà nói thêm rằng các dân làng đã được mời tới toà để trình bày lý lẽ của họ, nhưng họ không tới.
Ông Chhay Thy, thuộc tổ chức nhân quyền ADHOC, nói với đài VOA rằng các quyền của người dân đã bị xâm phạm.
Ông nói “Những người này có giấy tờ của xã, trong khi những người đối thủ của họ có giấy tờ của một nhóm thanh niên chuyên đo đạc đất đai.”
Ông Chhay Thy cũng cho biết dân làng sẽ kháng cáo và yêu cầu thủ tướng và chủ tịch quốc hội can thiệp.
Theo bản phúc trình mới đây của tổ chức Diễn đàn NGO Campuchia, hơn 170.000 gia đình trên khắp nước đã bị thiệt hại vì những vụ tranh chấp đất đai trong năm 2014.
Phúc trình này cho biết trong các gia đình đó, có 1/3 bị mất đất vì những hợp đồng sử dụng đất mà chính quyền ký kết với các doanh nghiệp, mà trong đó có nhiều vụ là không hợp pháp vì vượt khỏi giới hạn 10.000 héc ta.
VOA