Trang

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

221. MỪNG NGÀY ĐẦU NĂM...


MỪNG NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN.
Còn 96 ngày đến 10.04. Ất Mùi/2015: ĐẠI HỘI NHƠN SANH”.

Ngày 30.10.Bính Dần (1926) tiền bối Dương Văn Ngọ nhập môn cầu đạo Thầy có cho một bài thi liên quan đến Ngọ & Mùi RẤT LẠ:
Ngọ chưa lố bóng kế Mùi sang,
Trông đặng vinh huê đặng hưởng nhàn,
Như lúc Tử Nha đưa cán trúc,
Câu thời câu vận cá nào ăn?

Hôm 18.12.Giáp Ngọ (06-02-2015) kỷ niệm Ngài Hồ Bảo Đạo mãn phần KNS có nhắc lại với đồng đạo...
Trong thư ông Nguyễn Thế Phương (nhà báo Nam Đình) gởi Đức Hộ Pháp ngày 02.02.1955 có nhiều đoạn liên quan đến Ất Mùi:
... Một đêm nọ Ngài Quyền Giáo Tông đem tôi theo, lên Tây Ninh, ghé Phạm Môn vào lúc 02 giờ khuya chính Ngài chấp bút, Đức Lý Thái Bạch giao tờ báo BẢO AN cho Tôi làm chủ bút, và ban cho 02 câu thơ, cũng nói rằng: Đến Ất Mùi…
.... Năm nay Ất Mùi đến lại là năm tuổi của Tôi, vả lại là năm mà Thầy đã nói 30 năm trước, năm Ất Mùi đã đến. Đầu đã bạc sức lại yếu, Tôi không biết còn có có thể giúp ích cho Đạo trong phương diện nào?
Tôi thiết tha Ngài để ý đến năng lực của Tôi, và Ngài tin rằng: lúc còn nhỏ, Tôi còn có một ý niệm về Đạo, về chánh trị và nhứt là không hề biết lợi dụng Đạo, thì bây giờ, tuổi đã lớn, chắc Ngài tín nhiệm nhiều hơn nữa.
Thưa ngài,
Khi nào Ngài gọi đến: Tôi sẽ sẳn sàng trả lời: “Có Tôi đây”....
.... Tôi cho là tôi có phước lớn: còn Ngài, để nhận định thành tâm và năng lực của Tôi.
Với năm Ất Mùi nầy, Tôi tin chắc: Tôi sẽ được Ngài giúp về mặt tinh thần, để tôi có đủ phương tiện truyền bá nền Đạo một cách đắc lực.
Tôi xin Ngài nhận nơi đây lòng tôn kính của Tôi.
Đạo sử cho thấy Đức Hộ Pháp rời Tòa Thánh đi Nam Vang đêm 04 rạng 05 tết năm Ất Mùi (1955). Tính lại đã 60 năm.
KNS kính mừng quí đồng đạo thêm một tuổi, hưởng nhiều ơn phước của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu... tăng thêm công quả thực hành theo Ngũ nguyện: Thánh Thất an ninh và Tứ nguyện: Thiên hạ thái bình....

Nay kính.

CÁO LỖI: Xin chỉnh đêm 04 rạng 05. Trước viết đêm 03 rạng 04 là SAI). 
@@@

NGUYÊN VĂN LÁ THƯ ÔNG PHƯƠNG.
NGUYỄN THẾ PHƯƠNG.
22 Rue Lamblardie
PARIS 12è

Paris, 2 Février  1955.


Kính gởi: Đức Hộ Pháp
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài.
Tòa Thánh Tây Ninh.
Kính Ngài,
Ba mươi năm qua hôm nay Tôi mới dám trịnh trọng để nhắc lại đêm đàn long trọng, không tiền khoán hậu, tại nhà ông Quyền Giáo Tông đường Tổng Đốc Phương trong Chợ Lớn.
Đêm ấy tất cả là 19 người, Tôi lấy làm vinh hạnh được dự đàn cơ ấy.
Sau khi Thầy xuống cơ trục xuất Ông Phủ Chiêu rồi Thầy nhập vào người Ông Cao Thượng Phẩm, Tôi còn nhớ rõ ràng như mới đêm rồi, mặc dầu đã 30 năm qua.
Sau khi Thầy nhập vào Ông Cao Thượng Phẩm rồi Thầy cầm nhang bước lên bàn thờ và khánh thờ Thiên Nhãn.
Lúc bấy giờ, xin lỗi Ngài, Ngài đứng sau không nhằm chổ.
Thầy cầm nhang dầu không nói ra lời nhưng Thầy đã dùng huyền diệu của Thầy mà nói ra cho Ngài biết rằng: “Chổ của Ngài là chính bàn thờ đối diện với bàn thờ Thầy”.
Ngài bước lên đứng ở chổ Đức Hộ Pháp phải đứng từ đây mổi lần có đại lễ.
Thưa Ngài,
Đêm đàn long trọng và tôn nghiêm ấy Thầy thâu tất cả 19 người: chính Thầy cầm nhang vẽ bùa trên đầu mổi người quì xuống tuyên thệ.
Tôi được danh dự tuyên thệ trong đêm ấy; dầu đến chết tôi cũng không quên.
Thưa Ngài,
Trước khi Thầy thâu nhận lời tuyên thệ của 19 người, có bao nhiêu Đấng Thiêng Liêng xin cho Ông Phủ Chiêu, Thầy không cho.
Thầy “đi” với 02 Bạch Hạc đồng tử mê…không biết gì lúc đó. Quang cảnh đêm đàn ấy giờ nầy Tôi viết lại, Tôi cảm thấy lạnh lùng sợ hãi làm sao.
Quan Thế Âm Bồ Tát nhập vào một người quì xuống van lạy Thầy, xin Thầy tha thứ cho Ông Phủ Chiêu. Rồi tiếp tục bao nhiêu Đấng Thiêng Liêng xuống trần đêm đàn ấy trở thành đêm đàn lịch sử của Đạo.
Thưa Ngài Chưởng Quản,
Chính đêm ấy sau khi tôi tuyên thệ rồi, Tôi cảm thấy như Tôi được phúc đức thế nào mới được chứng kiến Thầy xuống trần
Bảy hôm sau nhằm đêm đàn lệ cũng tại nhà Ông Quyền Giáo Tông, Ngài và Cao Thượng Phẩm phò loan Thầy xuống cơ không biết Ông Quyền Giáo Tông bạch với Thầy làm sao không biết mà Thầy cho Tôi một bài thơ, chừng mãn đàn tất cả các bài thơ khác ai cũng giãi thích được hết, riêng bài của Tôi chính Ngài và Cao Thượng Phẩm phải thắc mắc rất lâu mới tìm hiểu được bốn câu thơ ấy rằng: “Phương ở ngoài giúp Đạo đắc lực hơn ở trong. Sau rồi các con sẽ biết rõ hơn”.
Thưa Ngài,
Sau đó, Tôi tình nguyện theo Ngài Quyền Giáo Tông làm bí thơ cho Ngài hai năm trường đi khắp lục tỉnh trong thời gian ấy việc làm có ý thức nhứt của Tôi là viết tất cả ba chục bài diễn văn cho Ngài Quyền Giáo Tông, một bài quan trọng nhứt là khai trương Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách Đạo nhóm tại Thánh Thất Cầu Kho và sáu bức thơ lịch sử gởi các nước cho hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chánh thức thành lập ở Việt Nam.
Thưa Ngài Chưởng Quản.
Một đêm nọ Ngài Quyền Giáo Tông đem tôi theo, lên Tây Ninh, ghé Phạm Môn vào lúc 02 giờ khuya chính Ngài chấp bút, Đức Lý Thái Bạch giao tờ báo BẢO AN cho Tôi làm chủ bút, và ban cho 02 câu thơ, cũng nói rằng: Đến Ất Mùi…
Thưa Ngài.
Những việc vừa kể trên giữa Ngài và Tôi như hình với bóng, Tôi không phải nói nhiều nữa làm gì.
Kịp đến lúc thực dân tấn công Đạo triệt để, Tôi đã không ngại về Tòa Thánh nhiều đêm để cùng Ngài dự bị đối phó việc “vây Tòa Thánh” và “khám xét giấy tờ” (1936).
Việc phải đến đã đến.
Vài hôm sau, Ngài xuống Thánh Thất Chợ Lớn. Chính tôi đã khẩn khoản với Ngài suốt 02 đêm trường, để yêu cầu Ngài lánh mặt đừng để bị bắt, bị đày. Ngài cương quyết với khẩu hiệu “tử vì đạo” nên không đi, (riêng một ông giáo Sư Thái…và Tôi trốn ở lại nên không bị đưa đi dưới chiếc Lamette Picquet).
Thưa Ngài,
Trở về Tòa Thánh, Tôi lên yết kiến Ngài nhiều lần: trong một bửa tiệc chay Ngài cầm ly nâng lên cao để nói với Tôi mấy lời rất cảm động…
Kịp đến khi Thống Đốc không cho Ngài tiếp tục cất Thánh Điện:
Ai biết khổ tâm của Ngài hơn Tôi, khi Ngài kiếm từ bao ciment để trông nom công việc xây dựng Đền Thánh.
Chính nhiều vị chức sắc không dám trực tiếp yêu cầu Ngài ngưng công việc xây dựng Đền Thờ, vì lúc bấy giờ Thống Đốc Nam Kỳ “bố” triệt để, các ông mới nhờ Tôi: nửa đêm Tôi cầm bánh xe hơi, nhà tôi- người đã cùng Tôi chung thỉ phụng sự cho đạo- lúc nào cũng ở gần bên tôi- nữa đêm sương gió, lên tận Tây Ninh yêu cầu Ngài nhiều lần, nhiều đêm.
 Ôi! Những lúc Đạo bị tấn công triệt để như thế, những lúc thuyền gặp sóng gió vậy hỏi có ai với ai?
Ngài cực khổ, từ cột kèo chạm trổ của Tòa Thánh mà ngày ngày Ngài theo trông nom đặng làm.
Chừng Ngài xuống tàu rồi, thưa Ngài, ai đứng ra vận động với Decoux?
Trạng sư Conget, Lalung Bonnaire, vv… đứng ra lo, cùng với Tôi lên Decoux nhiều lần.
Việc làm tuy thất bại nhưng Tôi tự xét: Tôi không hổ thẹn, vì Tôi đã tranh đấu đến hết sức Tôi, dẫu rằng: không có mặt Ngài.
Thưa Ngài Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Lúc khó khăn nhứt là năm 1925, Ngài còn viết được La voie dibre    dưới bút tự Tây Sơn Đạo và Công Luận thay, ai biết Ngài tranh đấu độc lập khi rất nhiều người còn ngũ.
La voie dibre là báo của Ganofky.
Công luận là báo của Ch. Séc, ai ở gần bên Ngài cùng với Ngài tâm sự hiểu biết nhau?
Thưa Ngài,
Hôm nay tôi tự nghĩ lúc thực dân mạnh, Ngài và tôi còn không biết sợ, huống hồ ngày nay, nó đã yếu sức?
Tôi ân hận có một điều: không biết có cái gì -ở dưới- ngăn cản không cho gần Ngài.
Thưa ngài,
Suốt cuộc đời Tôi, chưa hề biết lợi dụng Đạo. Nếu không góp được một phần xây dựng nào, Tôi cảm thấy khó chịu trong lòng thay?.
Năm nay Ất Mùi đến lại là năm tuổi của Tôi, vả lại là năm mà Thầy đã nói 30 năm trước, năm Ất Mùi đã đến. Đầu đã bạc sức lại yếu, Tôi không biết còn có có thể giúp ích cho Đạo trong phương diện nào?
Tôi thiết tha Ngài để ý đến năng lực của Tôi, và Ngài tin rằng: lúc còn nhỏ, Tôi còn có một ý niệm về Đạo, về chánh trị và nhứt là không hề biết lợi dụng Đạo, thì bây giờ, tuổi đã lớn, chắc Ngài tín nhiệm nhiều hơn nữa.
Thưa ngài,
Khi nào Ngài gọi đến: Tôi sẽ sẳn sàng trả lời: “Có Tôi đây”.
Thưa Ngài Chưởng Quản,
Tôi thấy tôi còn nhiều năng lực giúp Ngài nếu được Ngài nhớ đến.
Ba mươi năm đã qua, hỏi vậy còn có mấy người được biết Ngài?
Khi còn ở quê nhà, lắm lúc muốn bỏ hết việc trần thế để theo một ý định của mình, về việc phổ độ nhưng còn ngại ở hai tiếng: “nó chạy theo”. Có thế và lắm khi buồn chán vô cùng.
Gặp Ngài nhiều lần, nhưng Ngài bận nhiều việc, không dám làm mất thì giờ của Ngài, Tôi phải chịu ân hận.
Nay ở tại Paris Tôi nghĩ rằng: năm 1925 tôi còn viết thơ cho ông Daladier, Blum vv… để Ngài Quyền Giáo Tông ký tên gởi qua Pháp giải thích ý nghĩa của Tam Kỳ Phổ Độ; thì bây giờ, đầu đã bạc, và có mặt tại Paris không biết làm sao để thiệt hiện ý muốn của mình 30 năm trước?
Tôi nghĩ còn có Ngài, một mình Ngài.
Tôi cho là tôi có phước lớn: còn Ngài, để nhận định thành tâm và năng lực của Tôi.
Với năm Ất Mùi nầy, Tôi tin chắc: Tôi sẽ được Ngài giúp về mặt tinh thần, để tôi có đủ phương tiện truyền bá nền Đạo một cách đắc lực.
Tôi xin Ngài nhận nơi đây lòng tôn kính của Tôi.
(Đã ký tên).
22 Rue Lamblardier.
Paris 12è