Hội nghị chuyên đề: Lên tiếng cho mọi tôn giáo bị bách hại
- Tự Do Tôn Giáo & Nhân Quyền
- Posted On
Hải Di Nguyễn
Ngày 11-12/1/2025 vừa qua tại Nhà thờ Baptist Bayshore, Tampa, Florida, Hoa Kỳ đã diễn ra một hội nghị chuyên đề mang tên “Persecution & Peace: Why Global Religious Freedom Matters for ALL” (Bách hại & hòa bình: Tại sao tự do tôn giáo toàn cầu là quyền quan trọng với TẤT CẢ MỌI NGƯỜI).
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2334-hoi-nghi-chuyen-de-len-tieng-cho-moi-ton-giao-bi-bach-hai.html
Một trong những người tham dự là bà Tanya Nguyễn-Đỗ, tiếng nói trên trường quốc tế cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (hay còn biết đến với tên gọi Tịnh thất Bồng Lai).
Ngày 16/1, tôi phỏng vấn bà về sự kiện này.
Ai tổ chức hội nghị?
Đó là hai tổ chức Christians Against All Persecution và Stefanus Alliance International, cùng với Nhà thờ Baptist Bayshore.
Christians Against All Persecution (Người Thiên Chúa giáo chống lại mọi bách hại), do ông Knox Thames thành lập, là một tổ chức nhân quyền huy động người Thiên Chúa giáo đấu tranh cho mọi nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo trên thế giới.
Bản thân ông Knox Thames là một trong những người phát biểu tại sự kiện này. Ông là luật sư nhân quyền quốc tế, nhà vận động nhân quyền, với 20 năm trong nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2024 ông xuất bản một cuốn sách với tựa đề “Ending Persecution: Charting the Path to Global Religious Freedom” (Chấm dứt đàn áp: Vạch ra con đường hướng tới tự do tôn giáo toàn cầu).
Stefanus Alliance International (Liên minh Stefanus Quốc tế) là một tổ chức Thiên Chúa giáo và nhân quyền của Na Uy được thành lập năm 1967, ban đầu để hỗ trợ người Thiên Chúa giáo phía sau Bức màn sắt. Sau khi Bức màn sắt sụp đổ năm 1989, họ mở rộng hoạt động và tranh đấu cho mọi nạn nhân bị đàn áp tôn giáo—quốc gia đầu tiên là Việt Nam. Stefanus Alliance International trao giải thưởng nhân quyền Stefanus cho ông Nguyễn Bắc Truyển năm 2020, khi ông đang bị cầm tù ở Việt Nam vì đấu tranh cho tự do tôn giáo.
Đại diện cho Stefanus Alliance International tại hội nghị là Tổng thư ký Ed Brown. Theo bà Tanya Nguyễn-Đỗ cho biết, ông Ed Brown đã có mặt tại đám cưới của ông Nguyễn Bắc Truyển tại Praha, Cộng hòa Séc cuối năm 2023 và gọi đó là “đám cưới thế kỷ” (ông Nguyễn Bắc Truyển bị công an bắt chỉ vài ngày trước đám cưới*).
Một người phát biểu quan trọng khác tại hội nghị là Mục sư Scott Stearman của Nhà thờ Baptist Bayshore, là Đại diện ở LHQ của Liên minh Baptist Thế giới tại LHQ. Ông cũng là chủ tịch mạng lưới các tổ chức phi chính phủ bảo vệ tự do tôn giáo có hoạt động ở Geneva.
Vì sao?
Họ nhắc tới Điều 18 của Công ước Quốc tế về Nhân quyền: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay niềm tin, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà, qua giảng dạy, hành đạo, thờ phụng, và nghi lễ.”
Nên nhớ, quyền tự do tôn giáo hay niềm tin bao gồm quyền theo chủ nghĩa vô thần (atheism) và thuyết bất khả tri (agnosticism); bao gồm quyền theo đạo, cải đạo, và bỏ đạo.
Có những chủ đề nào?
Hội luận “A Christian Defense of Religious Freedom for All” (Người Thiên Chúa giáo bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người) nói về nền tảng trong chính Kinh Thánh và thần học Thiên Chúa giáo cho quyền tự do tôn giáo.
Bà Tanya Nguyễn-Đỗ nói những tổ chức Thiên Chúa giáo trên “là những tiếng nói rất mạnh” ở LHQ, Hoa Kỳ, hay châu Âu, lên tiếng và đấu tranh cho “những nạn nhân không có tiếng nói.”
Bà cho biết “Họ nói… Chúa nhìn về con Chúa, Chúa không nhìn về màu da hay đạo nào. Tình yêu của Chúa là bao la, không có sự kỳ thị.” Chính vì vậy, họ cho biết mình không chỉ đấu tranh cho quyền lợi của tín đồ Thiên Chúa giáo, mà cho mọi nạn nhân bị bách hại tôn giáo nói chung.
Trong hội luận “Global Challenges to Religious Freedom” (Những thách thức với tự do tôn giáo trên toàn cầu), bà Tanya Nguyễn-Đỗ cho biết họ nói về đàn áp tôn giáo ở Trung Đông, Nam Á…, không nhắc cụ thể tới Việt Nam, nhưng về khu vực Đông Á, có nói tới Trung Quốc và Bắc Hàn.
Phần tiếp theo là “Victims/Survivors of Religious Persecution” (Nạn nhân/ Người sống sót sau đàn áp tôn giáo). Bà Tanya Nguyễn-Đỗ là một trong bốn người phát biểu, nói về Thiền Am; ba người còn lại là người Miến Điện theo đạo Tin Lành, người Afghanistan theo Hồi giáo Shia (đa số ở Afghanistan theo Hồi giáo Sunni), và một người Iran theo Baha’i giáo.
Về Thiền Am, bà Tanya Nguyễn-Đỗ nói về cách công an phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để cưỡng việc gia nhập tổ chức do nhà nước điều khiển này, nói về cách làm nhục và đối xử thô bạo của công an với phụ nữ và trẻ con ở Thiền Am, nói về những thành viên đã bị cầm tù theo Điều 331.
Hai hội luận còn lại là “Ending persecution” (Chấm dứt đàn áp), nói về vai trò của các giáo hội Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ trong phong trào tự do tôn giáo, và “Call to Action: Defending Freedom Through Faith” (Kêu gọi hành động: Bảo vệ tự do qua đức tin), về các cách thức và hành động cụ thể.
Học được gì từ hội nghị trên?
Bà Tanya Nguyễn-Đỗ nói, vấn đề đàn áp tôn giáo là vấn nạn chung—một người nói có thể không ai nghe, nhưng nếu nhiều người cùng lên tiếng, từ nhiều quốc gia, từ nhiều tôn giáo khác nhau, chúng ta sẽ tạo được ảnh hưởng và đạt được kết quả.
Đó cũng là mục tiêu của BPSOS và Bàn tròn Đa tôn giáo Việt Nam: không chỉ tranh đấu cho quyền lợi của người Phật giáo hay Tin Lành hay Công giáo hay Cao Đài hay một tôn giáo riêng nào, mà cho quyền tự do tôn giáo và niềm tin của tất cả mọi người ở Việt Nam và trên thế giới nói chung.
Note:
*: Ông Nguyễn Bắc Truyển bị công an bắt năm 2014, chỉ vài ngày trước đám cưới. Sau đó một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và nhà hoạt động khác bị bắt giam, ông quyết định không làm lễ cưới cho tới khi người cuối cùng được ra tù năm 2017. Tuy nhiên tới năm 2017, chính ông Nguyễn Bắc Truyển cũng bị bắt—trong nhiều tháng, gia đình hoàn toàn không nhận được thông báo—ông bị giam cầm tới năm 2023, đi thẳng từ nhà tù sang Đức tỵ nạn. Họ cuối cùng đã tổ chức đám cưới tại Praha cuối năm 2023.