Phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Thắng: Đẩy mạnh chiến dịch chế tài quan chức Việt Nam
- Tự Do Tôn Giáo & Nhân Quyền
- Posted On
Như đã thông báo trong một bài viết gần đây, BPSOS đang tiếp tục lập hồ sơ chế tài các quan chức Việt Nam vì những hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo hoặc đàn áp xuyên quốc gia một cách hệ thống và nghiêm trọng.
Đó là những hình thức chế tài gì? Vì sao? Người Việt trong và ngoài nước có thể hỗ trợ như thế nào? Sau đây là phỏng vấn của trang Mạch Sống với TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS.
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2332-phong-van-ts-nguyen-dinh-thang-day-manh-chien-dich-che-tai-quan-chuc-viet-nam.html
Mạch Sống: Kính chào TS. Nguyễn Đình Thắng. Được biết BPSOS sắp tới sẽ tiếp tục đề nghị chế tài một số quan chức ở Việt Nam, xin ông có thể cho biết BPSOS hiện đang lập hồ sơ về những người nào không? Tại sao?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Hoa Kỳ, và ngày càng nhiều quốc gia dân chủ, có các biện pháp chế tài thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chúng tôi đã ứng dụng nhiều biện pháp chế tài ấy từ năm 2017 đến nay. Nếu càng nhiều người Việt ở trong và ngoài Việt Nam biết tận dụng các biện pháp chế tài này thì cuộc đấu tranh cho nhân quyền sẽ sang một bước ngoặt quan trọng: Thay vì bị động đối phó hành vi đàn áp thì chủ động trừng phạt những kẻ ở đằng sau các hành vi ấy.
Trong 7 năm qua, BPSOS đã đề nghị chế tài nhiều chục giới chức Việt Nam theo nhiều biện pháp khác nhau. Trong năm 2025, BPSOS sẽ tập trung vào 2 biện pháp chế tài, về đàn áp tôn giáo nghiêm trọng và về đàn áp xuyên quốc gia. Chúng tôi đã lên danh sách hơn một chục thủ phạm ưu tiên để đề nghị chế tài trong vài tháng tới đây.
MS: Đó là chế tài qua những điều luật gì?
TS. NĐT: Biện pháp thứ nhất là chế tài các thủ phạm đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng và có hệ thống chiếu theo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998, được luật hoá trong Luật Di Dân và Quốc Tịch, điều INA 212(a)(2)(G). Theo đó, thủ phạm là giới chức chính quyền hoặc là thành viên của một công cụ của chính quyền đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tự do tôn giáo như là:
- Tra tấn, dùng nhục hình, cư xử bất nhân;
- Giam giữ lâu ngày mà không kết tội;
- Bắt cóc hoặc giam kín;
- Trắng trợn chối bỏ quyền sống, tự do và an toàn cá nhân của người khác.
Thủ phạm và vợ, chồng, con của thủ phạm sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn và bị trục xuất nếu đang ở Hoa Kỳ.
Biện pháp chế tài này đã có từ 26 năm nay nhưng chưa được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp dụng. Khoảng năm 2001, 2007 và rồi 2020 BPSOS đã nộp hơn chục hồ sơ nhưng không được hồi âm. Gần đây có dấu hiệu thay đổi tích cực.
Biện pháp thứ hai là chế tài các giới chức chính quyền có hành vi đàn áp xuyên quốc gia, theo điều luật INA 212(a)(3)(C) của Luật Di Dân và Quốc Tịch. Đàn áp xuyên quốc gia được định nghĩa là đàn áp những người bất đồng chính kiến hoặc bảo vệ nhân quyền ở ngoài lãnh thổ của quốc gia của thủ phạm. Các hình thức đàn áp có thể nhắm vào người bảo vệ nhân quyền ở ngoại quốc hoặc thân nhân của họ ở nội địa, như:
- Bắt cóc hoặc thủ tiêu.
- Đe doạ, sách nhiễu
- Theo dõi, xâm nhập, tấn công trực tuyến
Thủ phạm và vợ, chồng, con, cha và mẹ của thủ phạm sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn, và nếu đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất.
BPSOS đã nộp 3 hồ sơ chế tài theo biện pháp Khashoggi Ban.
Có một số thủ phạm là đối tượng của cả 2 biện pháp chế tài kể trên, chưa kể một số biện pháp chế tài khác nữa.
MS: Vì sao ông quyết định đi theo con đường đề nghị chế tài những quan chức chà đạp nhân quyền? Đó có phải là một hình thức trả thù không?
TS. NĐT: Mục đích chính của các biện pháp chế tài cá nhân thủ phạm không phải là để trả thù sự việc trong quá khứ mà là răn đe nhằm thay đổi thái độ trong tương lai. Răn đe để chính đương sự và những ai cùng hội cùng thuyển phải thay đổi cách hành xử nhằm tránh hậu hoạ cho chính mình.
Điểm cần chú ý là điều luật INA 212(a)(2)(G) áp dụng cả cho những tổ chức là công cụ được chính quyền sử dụng để đàn áp tự do tôn giáo. Tháng 9 năm ngoái, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) đã công bố tài liệu nghiên cứu cho thấy một số tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo ở Việt Nam bị chính quyền dùng làm trợ cụ đàn áp tôn giáo. Theo định nghĩa của luật thì các thành phần thuộc những tổ chức trợ cụ này cũng có thể bị chế tài.
MS: Cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại có thể hỗ trợ như thế nào?
TS. NĐT: Chúng tôi có thể thu thập thông tin nhân thân của thủ phạm nhưng sẽ cần sự tiếp tay của người ở trong và ngoài nước để có thông tin về vợ, chồng, con, cha, mẹ của đương sự.
Chúng tôi cũng sẽ cần sự lên tiếng của đồng hương ở Hoa Kỳ, thông qua đại diện của họ ở Quốc Hội, vận động Bộ Ngoại Giao áp dụng các biện pháp chế tài theo hồ sơ đề nghị.
Để phát động chiến dịch vận động chế tài, chúng tôi:
- Đang hình thành tổ công tác gồm khoảng 5 – 10 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế cùng nhau tập trung lập hồ sơ và vận động chế tài.
- Sẽ tổ chức các buổi huấn luyện và có loạt bài viết chi tiết về thể thức lập hồ sơ đề nghị chế tài để sao cho nạn nhân của sự đàn áp tự do tôn giáo ở trong nước và đối tượng của đàn áp xuyên quốc gia ở ngoài nước đồng loạt khai dụng 2 biện pháp chế tài kể trên.
- Thành lập mạng lưới các người hợp tác để đồng loạt, thông qua các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, vận động Bộ Ngoại Giao áp dụng biện pháp chế tài theo các hồ sơ đề nghị. Mạng lưới này bao gồm cả những công dân Hoa Kỳ là đối tượng của các hành vi đàn áp tôn giáo và/hoặc đàn áp xuyên quốc gia.
Để tham gia hoặc hỏi thêm chi tiết, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua email: lienlac@vncrp.org.
Bài liên quan:
Luật Hoa Kỳ: Bộ Ngoại Giao báo cáo Quốc Hội các thủ phạm đàn áp nhân quyền
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2290-luat-hoa-ky-bo-ngoai-giao-bao-cao-quoc-hoi-cac-thu-pham-dan-ap-nhan-quyen.html
TS. Nguyễn Đình Thắng nói về các đề nghị chế tài quan chức Việt Nam
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2138-ts-nguyen-dinh-thang-noi-ve-cac-de-nghi-che-tai-quan-chuc-viet-nam.html