VNTB – Làm đúng pháp luật vẫn bị phạt vì bị người thi hành pháp luật gài bẫy
(VNTB) – Luật đã muôn phần rối rắm, mà những kẻ thực thi pháp luật lại còn tìm mọi cách để gài bẫy người dân
https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-dung-phap-luat-van-bi-phat-vi-bi-nguoi-thi-hanh-phap-luat-gai-bay/
Trước nay nhiều người vẫn nói với nhau rằng cứ tuân thủ đúng pháp luật, sống nề nếp, không vi phạm điều gì thì sẽ không phải lo bị phạm tội, không sợ bị phạt. Thế là cứ mỗi khi có điều luật mới ban hành thì lập luận này lại được nhắc đi nhắc lại. Những cán bộ trong ban tuyên giáo, dư luận viên cũng dùng cách nói này để bảo vệ các điều luật mơ hồ, vi phạm Hiến pháp, bị quốc tế lên án như điều 117, 258, 331… trong Bộ Luật Hình sự.
Và rồi bây giờ, Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 01/01/2025. Theo đó từ năm nay, xe hơi, xe tải vượt đèn đỏ bị phạt từ 18 – 20 triệu đồng; xe máy từ 4 – 6 triệu đồng. Các vi phạm về nồng độ cồn, và nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng sẽ tăng hàng chục lần so với trước.
Dĩ nhiên, nếu nói theo lập luận trên, cứ tuân thủ, không vi phạm thì không sợ. Nhưng thực tế lại khác, khi mà công an, những người thực thi pháp luật lại tìm mọi cách để gài bẫy người lái xe bằng nhiều cách khác nhau.
Nói riêng về chuyện vượt đèn đỏ, ngày 02/01, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi cảnh dòng xe xếp hàng dài qua khu vực nút giao nút giao Bến Gỗ với quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Nguyên nhân là do đèn tín hiệu giao thông ở đây bật đèn đỏ rất lâu, theo kiểu như bị ‘đơ’. Khiến nhiều tài xế không dám vượt vì sợ bị xử phạt nặng.
Giải thích cho tình trạng này thì phía công an cho rằng là do một số cột đèn tín hiệu giao thông thuộc thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công, nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Ví dụ, một cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại. (1)
Tuy nhiên thực tế thì không phải chỉ có một trường hợp này, mà còn rất nhiều video khác cho thấy nhiều đèn tín hiệu ở khắp nơi bị nhảy xanh – đỏ loạn xạ, từ Hà Nội tới Hà Tĩnh vào TP.HCM… Người dân tỏ ra hoảng loạn không biết làm sao cho đúng. Nhiều đoạn clip cho thấy khi đèn xanh báo có 30 giây nhưng vẫn đột ngột chuyển sang đỏ. Một số người thấy đèn xanh còn 7 giây vẫn dừng lại, không dám chạy tiếp vì sợ bị phạt.
Đó là trường hợp có đồng hồ đếm giây. Hiện giờ một số nơi ở Hà Nội, TPHCM đang thí điểm bỏ đếm giây đèn tín hiệu, đèn xanh sẽ bất ngờ chuyển sang đỏ mà không báo trước, càng tạo ra sự hoang mang cho người dân. Nhiều hình ảnh, video do người dân ghi lại cũng cho thấy các viên chức cảnh sát giao thông (CSGT) điều khiển đèn giao thông để đặt bẫy xử phạt người dân vô tình vi phạm.
Anh Q.T., một người dân ở Bình Dương nói với phóng viên VNTB: “Tôi thấy đa số các trường hợp CSGT họ cố tình đặt bẫy để dân vi phạm rồi họ bắt đóng phạt tại chỗ, không ghi biên bản, để bỏ túi riêng. Người dân thì sợ bị lập biên bản phạt đúng quy định thì số tiền quá lớn, đi lại đóng phạt cũng nhiêu khê, nên phải thỏa hiệp với công an, đưa tiền mặt 200.000 đồng tới 500.000 đồng để được thông chốt”.
Ngoài chuyện kiếm thêm tiền cho cá nhân, CSGT cũng phải chạy chỉ tiêu, tăng ngân sách nhà nước. Việc gài bẫy người dân bằng đèn tín hiệu giao thông cũng sẽ giúp lực lượng này thu về một nguồn tài chính khổng lồ để bù vào những khoản ngân sách quốc gia bị tham nhũng. Chỉ tính riêng một ngày đầu năm 2025, CSGT cả nước đã xử phạt 13.500 trường hợp vi phạm, phạt gần 28 tỷ đồng, đây là con số công khai, số “xử phạt tại chỗ” thì không thống kê được.
Bởi vậy ở một đất nước nhiều nhiễu nhương như Việt Nam, muốn làm người tốt, tuân thủ pháp luật chỉnh chu vẫn là chuyện rất khó. Vì luật đã muôn phần rối rắm, mà những kẻ thực thi pháp luật lại còn tìm mọi cách để gài bẫy người dân. Thử hỏi khi nhà cầm quyền đã đặt bẫy thì dân nào thoát được?
______________________
Tham khảo: