Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

2104. Bọn quan chức ăn tục thì phải nói phét.

Quan chức Việt Nam hiện nay có cái mode là khi đương chức thì ngậm miệng để ăn của nhân dân không chừa một thứ gì. Lúc đang ăn thì không dám nói. Đến khi về hưu thì mở mồm nói phét...Họ chưa làm nên được cho họ có đâu làm nên cho xã hội.  BBT Blog.

'Tham nhũng lan vào chốn thiêng liêng'

BBC. 1 giờ trước
Cựu Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Vũ Ngọc Hoàng có bài viết nói rằng hiện nay "tham nhũng và lợi ích nhóm" đã lan vào cả các lĩnh vực "trong sạch, thiêng liêng".
Trang VietnamNet đăng bài của ông Vũ Ngọc Hoàng phê phán cả sự tha hóa quyền lực trong bộ máy ở Việt Nam.
"Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân."



Ông Vũ Ngọc Hoàng có hai bài viết trên VietnamNet bàn về quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam mới đây.
Tuy nhiên, ông không nêu rõ những người đó là ai mà chỉ nêu ra luận điểm chung là quyền lực "làm thay đổi con người".
Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhânÔng Vũ Ngọc Hoàng
"Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm..."
Ông cũng cảnh báo "tha hóa quyền lực dẫn đến sụp đổ chế độ" và nhắc rằng "việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân".
"Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi."
Tuy vậy ông cũng thừa nhận một thực trạng kêu gọi, vận động nhiều năm qua mà ngành Tuyên giáo của ông đóng một vai trò, đã không đem lại kết quả:
"Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế."
"Tình hình tham nhũng, 'lợi ích nhóm' chẳng những không dừng lại, mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước."

'Tha hóa mọi lĩnh vực'

Ý kiến trong hai bài viết của nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng còn 'chưa minh bạch, lập lờ', theo TS. Hà Hoàng Hợp.
"Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng."
Các lĩnh vực này được Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng định nghĩa là "dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…".
Tóm lại là, theo ông, việc "kiểm soát quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý".
Thời gian qua trong chính bộ máy Đảng Cộng sản và chính quyền tại Việt Nam đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc gây lo ngại.
Hôm 18/8, truyền thông nhà nước Việt Nam nói một chi cục trưởng kiểm lâm ở Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh đã dùng súng công vụ bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Ngọc Tuấn.
Mới đây Bí thư Thanh Hóa, tỉnh lớn vào loại nhất nước về dân số, ông Trịnh Văn Chiến phải lên tiếng bác bỏ các tin trên mạng xã hội rằng ông có 'bồ nhí, con riêng' và tài sản 'nhiều chục tỉ đồng'.

'Chưa minh bạch, lập lờ'?

Tôi thấy rằng nếu ông ấy đủ dũng cảm, ông ấy đủ minh bạch, ông ấy nên nói thẳng ra đấy là ai? Hay ông nói đến Trần Ích Tắc hay là Lê Chiêu Thống xưa?Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp
Cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng trong phần 2 của bài viết nói trên cũng trên VietnamNet đưa ra quan điểm của ông về kiểm soát quyền lực.
Trong bài viết có tựa đề " Nhiều việc bị lấy cớ là 'nhạy cảm' để không minh bạch thông tin", Tiến sỹ Hoàng viết:
"Trong phần 1, tôi đã nói về lý do phải kiểm soát quyền lực. Trong phần 2 này, tôi xin góp bàn về quyền lực cần được kiểm soát như thế nào, bằng cách nào? Trước tiên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Lời ấy không phải là hô khẩu hiệu, mà phải được thấm sâu trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng nhân dân. Mọi người phải ý thức rõ ràng và đầy đủ về quan điểm ấy, thường xuyên thể hiện bằng hành động thực tế.
"Bảo đảm việc lập hiến là của toàn dân (thông qua cử tri toàn quốc), nhân dân phải trực tiếp quyết định những vấn đề cơ bản của Hiến pháp (chứ không phải là nhân dân góp ý để Quốc hội xem xét). Phải trưng cầu dân ý đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Tiến tới Chủ tịch nước phải do nhân dân trực tiếp bầu (chứ không phải Quốc hội)..."
Bình luận về ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng qua hai bài báo trên VietnamNet, hôm 25/9, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và quốc tế, từ Hà Nội nêu nhận xét:
"Bài thứ hai ông ấy nói về chuyện vì nhạy cảm không minh bạch hóa thông tin, chính ông mắc vào chuyện ấy. Ông chẳng chẳng minh bạch gì cả, ông nói rất lập lờ, đọc thì tôi thấy ông ấy nói rất lập lờ, ông chẳng nói gì cụ thể cả.

"Ông 'đao to, búa lớn' nói có người bán rẻ Tổ Quốc. Nếu ông ấy đủ dũng cảm, ông ấy đủ minh bạch, ông ấy nên nói thẳng ra đấy là ai? Hay ông nói đến Trần Ích Tắc hay là Lê Chiêu Thống xưa?"