Bế tắc nợ công: từ 2017 chính
phủ phải dừng bảo lãnh nợ cho các tập đoàn nhà nước
2.9.16. Việt Nam Thời Báo.
Rút kinh nghiệm xương máu từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về
“Việc phải bảo lãnh vay nợ lớn cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước
đã đẩy nợ Chính phủ lên mức vượt trần”, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa phát đi một
văn bản chỉ đạo: “Sang đến 2017, nhằm đảm bảo an toàn nợ công, Chính phủ sẽ tạm
dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới”.
Đây là động thái “quyết liệt”
đầu tiên về vấn nạn nợ công của thủ tướng mới. Trong bản tin nợ mà Bộ Tài Chính
phát đi, chính phủ chỉ thừa nhận đang nợ hơn 86 tỷ USD, trong bối cảnh phải bảo
lãnh nhiều khoản vay nợ lớn của các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Cụ
thể, tổng số cam kết bảo lãnh chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay
nước ngoài hơn 21.8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ
thực tế được chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo
lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số
bảo lãnh này chiếm khoảng 17.6% tổng dư nợ công và bằng 11.1% GDP.
Dưới thời ông Nguyễn Tấn
Dũng, cơ chế bảo lãnh cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vay
nước ngoài bị coi là vô tội vạ. Gần như tập đoàn nào chịu “chạy” cũng đều có
thể vay vốn thoải mái, mà không cần quan tâm đến việc phải trả nợ.
Chỉ tính tiêng Tập đoàn Điện
lực Việt Nam (EVN), số vay nợ đã lên tới 9.7 tỷ USD. Tổng công ty Truyền tải
điện Việt Nam (EVN/NPT) là 445 triệu USD.
Năm 2015, có 4 dự án nguồn
điện được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng giá trị gần 2.1 tỷ USD, đã góp phần
hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân và Duyên Hải.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(Petro Vietnam) cũng được Chính phủ bảo lãnh vay 2.4 tỷ USD, Tập đoàn Công
nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (647 triệu USD), các công ty khác (2.7 tỷ
USD)…
Tuy nhiên, những dẫn chứng
trên mới chỉ là loại hình chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài,
mà chưa nói đến thực tế nhiều doanh nghiệp vay thẳng nước ngoài. Theo luật về
nợ công ở Việt Nam, số vay trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp không được
tính vào nợ công, do đó đã khiến tỷ lệ nợ công quốc gia/GDP luôn được báo cáo
là “chưa đụng ngưỡng giới hạn 65%” và được coi là một thành tích của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà càng làm cho các tập đoàn và chính phủ tha hồ vay
mượn thêm.
Nhưng theo tiêu chí của Liên
Hiệp Quốc, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp phải được tính vào nợ công quốc
gia. Nếu tính đủ loại nợ này, nợ công quốc gia của Việt Nam phải lên đến ít
nhất 98% GDP vào thời điểm năm 2011, còn đến nay nhiều khả năng đã vượt hơn
100% GDP. Thậm chí có chuyên gia đánh giá nợ công Việt Nam đang vào khoảng 150%
GDP, dù rằng vẫn còn thấp hơn hẳn tỷ lệ 250% GDP ở Trung cộng.
Động thái “siết” bảo lãnh nợ
công của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho thấy chính phủ này đang bế tắc về
việc trả nợ. Trong năm 2015, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài 20 tỷ
USD, còn trong năm 2016 phải trả ít nhất 12 tỷ USD, chưa kể cơ chế trả nợ riêng
của các doanh nghiệp Việt Nam.
Lê Dung / SBTN