Một
trong những tấm ảnh chụp cảnh ngập lụt chiều 26 tháng 9 tại Sài Gòn. Hàng chục
ngàn người dùng Internet đã “like” chú thích của một facebooker cho tấm ảnh
này: “Ðây không phải Sài Gòn. Ðây là ‘hồ’… chí minh.” (Hình: facebooker Tung
Tin)
Những lời oán thán từ việc nhiều trục đường chính, nhiều khu dân
cư, kể cả những khu dân cư trước nay chưa bao giờ bị ngập, giờ chìm dưới cả
thước nước, sự kiện phi trường Tân Sơn Nhất lại tạm ngưng hoạt động vì tái
ngập, rồi các video clip được đưa lên Internet cho thấy, tại một số nơi, nước
chảy cuồn cuộn như thác, cuốn xe hai bánh gắn máy trôi như lá khô, lượng người
đầu đội mưa, chân ngâm trong nước trào lên từ cống rãnh, nhích từng centimeter
tìm đường về nhà lên tới hàng triệu,… sẽ giúp việc giải ngân cho “Dự án giải
quyết ngập do triều” thuận lợi hơn.
Vài tiếng trước khi Sài Gòn ngập chưa từng thấy, sáng 26 tháng 9,
chính quyền thành phố Sài Gòn công bố “Dự án giải quyết ngập do triều” với chi
phí lên tới 21,000 tỉ đồng. Theo đó, dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai
đoạn 1 ngốn 10,000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 ngốn 11,000 tỉ đồng.
Giống như nhiều lần trước, chính quyền thành phố Sài Gòn quảng
cáo, “Dự án giải quyết ngập do triều” sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường của
thành phố này. Sau khi hoàn tất, các công trình của cả hai giai đoạn sẽ kiểm
soát ngập trên phạm vi 570 cây số vuông ở bờ hữu sông Sài Gòn, nơi cư trú của
khoảng 6.5 triệu dân. Nhờ vậy sẽ “nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng
lực cạnh tranh và thay đổi bộ mặt thành phố Sài Gòn, tạo tiền đề thu hút đầu tư
trong và ngoài nước.”
Trận mưa ngay sau đó đã giúp rửa sạch mọi thắc mắc. Chi tiền chống
ngập tiếp tục trở thành cấp bách như đã từng rất cấp bách!
Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố
Sài Gòn đã dùng hết 24,300 tỉ để chống ngập nhưng tình trạng ngập lụt tại Sài
Gòn càng ngày càng trầm trọng hơn: Dễ ngập, ngập vừa sâu vừa lâu, thậm chí
không ít lần Sài Gòn lụt nặng chẳng phải do mưa mà chỉ vì thủy triều dâng cao!
Nhiều chuyên gia từng khẳng định, vấn nạn ngập lụt của Sài Gòn
không phải do “biến đổi khí hậu” mà vì quản lý tồi!
Cho dù việc thoát nước ở Sài Gòn vốn dựa vào hệ thống sông và
kênh, rạch tự nhiên nhưng chính quyền thành phố này vẫn ra lệnh lấp khoảng 30%
diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi
miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh,
rạch với tổng diện tích khoảng 4,000 hecta bị lấp và bị lấn chiếm.
Tháng 10 năm ngoái, giới hữu trách ở Sài Gòn loan báo sẽ chi 300
tỉ để khôi phục lại kênh Hàng Bàng – con kênh mà những viên chức tiền nhiệm
từng ra lệnh lấp vào năm 2000. Việc cho phép lấp một phần hoặc toàn bộ sông,
kênh, rạch để xây dựng đủ loại công trình đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng, nay,
khi khôi phục lại sẽ ngốn thêm hàng chục ngàn tỉ đồng nữa.
Vào cuối năm 2014, khi được mời góp ý để tìm giải pháp cho vấn nạn
ngập lụt của Sài Gòn, một số chuyên gia về thủy lợi, khí tượng-thủy văn, tài
nguyên-môi trường đã từng khẳng định, Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án
chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Việc chống ngập cho Sài Gòn đang đi theo hai
hướng ngược nhau. Ðó là các nghiên cứu sâu để tạo nền móng chắc chắn cho tính
khả thi của các dự án rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án lại rất lớn. Theo
họ, các dự án thực hiện theo những quy hoạch đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu
sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.
Lúc đó, theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì sau khi nghe góp
ý của các chuyên gia, một viên phó chủ tịch thành phố Sài Gòn tên là Nguyễn Hữu
Tín, tỏ ra rất hoang mang, bởi chẳng lẽ phải tháo hàng trăm cây số cống thoát
nước mới làm lên để làm lại (?). Ông Tín trách rằng, đó là tiền của dân, dùng
không có kết quả, giờ chót bảo là lạc hậu, không phù hợp thì… biết nói thế nào
(?).
Bất kể ông Tín lúng túng không biết nói thế nào, cuối tháng 8 năm
2015, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn phê duyệt đề nghị
vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục thực hiện các quy hoạch
hiện có nhằm chống ngập ở Sài Gòn!
Bởi việc chống ngập ở Sài Gòn đã được thủ tướng mở đường, tháng 10
năm 2015, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo sẽ chi và vay để chi thêm
68,000 tỉ nữa nhằm… chống ngập. Tháng tiếp theo (tháng 11 năm 2015), chính quyền
thành phố Sài Gòn loan báo sẽ “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công
trình chống ngập trị giá 68,000 tỉ đồng.
Ba khu đất là công thổ đã vào tay các chủ đầu tư, các dự án chống
ngập đã khởi công, tháng 6 vừa qua, dân chúng Việt Nam sững sờ khi mục kích
diện mạo của một trong những công trình chống ngập thực hiện từ nguồn 68,000 tỉ
vừa kể: Chủ đầu tư của công trình chống ngập ở đường Kinh Dương Vương, quận
Bình Tân, thành phố Sài Gòn đã cho xây hai bức tường cao từ 40 centimeter đến
1.3 mét, dài 3.5 cây số, cặp sát cửa khoảng 500 căn nhà, cổng hàng trăm cơ quan
hành chính, hãng xưởng, trường học, cửa hàng và lối ra vào của hơn 40 con hẻm.
Nếu nền đường được nâng lên ngang với mặt hai bức tường vừa xây xong, tất cả
các đơn vị dân cư nằm hai bên đoạn đường Kinh Dương Vương chạy từ vòng xoay An
Lạc tới vòng xoay Mũi Tàu sẽ thấp hơn bề mặt vỉa hè từ 60 centimeter đến 1 mét.
Mọi người sẽ buộc phải chui ra, chui vào chứ không thể ra vào một cách bình
thường nữa. Do nước từ đường Kinh Dương Vương sẽ được… chuyển hết vào các khu
dân cư, cuối cùng, công trình chống ngập vừa kể đang được xem lại.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ viên chức nào phải chịu trách nhiệm về
chuyện đã tốn quá nhiều tiền chống ngập song tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn
vẫn theo khuynh hướng năm sau trầm trọng hơn năm trước! Ngập lụt tại Sài Gòn đã
và đang làm hàng chục triệu người buồn nhưng giúp một số người vui. Dẫu rất nhỏ
nhoi nhưng thiểu số đó dư khả năng để duy trì niềm vui của họ. (G.Ð)