Luật sư: Khả năng ngư dân thắng kiện Formosa là
100%
Nhà máy đặt ở Hà Tĩnh của hãng Formosa Đài Loan đang đối mặt với
một trận chiến pháp lý lớn. Hôm 26/9, 600 ngư dân ở tỉnh Nghệ An đã đến một tòa
án cấp thị xã của tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện nhà máy của Formosa vì đã gây ra
thảm họa môi trường biển hồi tháng 4 năm nay.
Vụ xả chất thải trái phép của Formosa khi đó đã gây ra nạn cá chết
hàng loạt, đồng thời gần như làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và du lịch
của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế.
Lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương, từ Kỳ Anh, nhà hoạt động dân chủ
Chu Mạnh Sơn tường thuật với VOA Việt Ngữ về cuộc khởi kiện của các ngư dân bị
ảnh hưởng:
“Lúc 3 giờ 20, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cùng một số đại diện bà
con ở thị xã Quỳnh Lưu đã vào làm việc trực tiếp với Chánh án Tòa án Nhân dân
Thị xã Kỳ Anh để rồi hai bên làm thủ tục nhận đơn người dân khiếu kiện Formosa.
Và bây giờ thì quá trình nhận đơn đang diễn ra”.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, Nghệ An,
trong nhiều tháng qua đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện và biểu tình ôn hòa để
các giáo dân cũng là ngư dân bày tỏ sự bất bình về thảm họa do Formosa gây ra
và đòi đóng cửa nhà máy của hãng.
Về cuộc khởi kiện hiện nay, vị linh mục cho biết có hai nhóm luật
sư trợ giúp pháp lý cho các ngư dân. Vào thời điểm VOA liên lạc, linh mục vẫn
đang làm việc với phía tòa án thị xã nên ngài chỉ nói ngắn gọn về kỳ vọng của
ngài và của các ngư dân về vụ kiện:
“Trước mắt nếu chúng ta xét theo cơ sở pháp lý thì chúng ta phải
là khởi kiện sẽ là thắng”.
Nhận định về tương lai vụ kiện, Luật sư Võ An Đôn, người thường
bảo vệ cho quyền lợi của những người yếu thế trong nhiều vụ kiện tụng hoặc xét
xử, nói với VOA:
“Nếu bà con ở Nghệ An, Hà Tĩnh khởi kiện Formosa mà có đầy đủ bằng
chứng cho rằng nguyên nhân thiệt hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng
kiện là 100% nắm trong tay bởi vì vụ kiện này rất là đơn giản. Người gây ra
thiệt hại là công ty Formosa đã đồng ý chịu bồi thường với số tiền là 500 triệu
đôla, thì theo luật chỉ cần người thiệt hại chứng minh về thiệt hại của mình do
Formosa gây ra thì đương nhiên bồi thường, thì theo luật 100% là thắng”.
Tuy nhiên vị luật sư nhấn mạnh đó là khả năng chiến thắng trên lý
thuyết. Ông cảnh báo rằng trên thực tế, khi nhận một số lượng đơn khởi kiện của
hàng trăm người, “bên chính quyền sẽ gây khó khăn” bằng cách “không thụ lý” đơn
hoặc “viện lý do này, lý do khác” để không thụ lý đơn khởi kiện.
Trong trường hợp Tòa án Thị xã Kỳ Anh làm như vậy, Luật sư Đôn tư
vấn rằng những ngư dân hoặc người bị ảnh hưởng có thể nộp đơn lên tòa án tối
cao hoặc viện kiểm sát cấp tỉnh của địa phương đó.
Để đi đến tòa án ở Kỳ Anh, 600 ngư dân Quỳnh Lưu đã vượt qua quãng
đường khoảng 200 kilomet mà khởi đầu chuyến đi họ đã gặp cản trở từ lực lượng
công an, an ninh. Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho hay ban đầu các ngư dân thuê
20 xe khách để đi, song do sự can thiệp và dọa dẫm từ “công an huyện Quỳnh Lưu
và Diễn Châu”, nên chỉ có 15 xe đưa họ đi.
Theo nhà hoạt động, mặc dù có những ngăn cản, sách nhiễu, đe dọa
cũng như cách hành động theo dõi, ghi hình của công an và an ninh mặc thường
phục, 600 ngư dân đã đến được tòa án. Tại đó, họ đã được tiếp sức, động viên
bởi 500 ngư dân của các giáo xứ Quý Hòa và Đông Yên.
Anh Sơn cho biết các ngư dân khẳng định sẽ kiên quyết tiếp tục đấu
tranh đòi quyền lợi, yêu cầu Formosa đền bù thiệt hại, và yêu cầu chính quyền
“đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam” để có “một tương lai sáng” cho con cháu họ
không phải gánh chịu các thảm họa hay hậu quả của thảm họa.