Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

2088. Hãy hành động ngay cho một nền dân chủ đích thực và vững bền

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 9 tháng 9, 2016
LTS: Ngày 1 tháng 5, 2010, Ts. Nguyễn Đình Thắng ra mắt sách “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm: Mười năm chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước”. Sách trình bày chiến lược dài lâu, khởi đầu năm 1997, mà Ông theo đuổi để đem dân chủ lại cho Việt Nam. Trong 13 năm từ 1997 đến 2010, Ts. Thắng xây dựng BPSOS thành một tổ chức của người Việt với hoạt động ở nhiều tiểu bang và có tiếng nói ảnh hưởng tầm vóc quốc gia Hoa Kỳ.


Đấy là nỗ lực phát triển cộng đồng thành nền móng cho công cuộc thay đổi đất nước trong 10 năm tiếp theo. Sau ngày ra mắt sách năm 2010, Ông du thuyết ở nhiều thành phố để tìm người cùng chí hướng. Tháng 7 năm 2011, 250 người thuộc nhiều thành phần tuổi tác và từ nhiều thành phố cùng nhau về thủ đô Hoa Kỳ để hoạch định chương trình hành động cho 10 năm dân chủ hoá Việt Nam. Một nhóm chủ lực, mệnh danh nhóm “tinh thần hào kiệt”, được hình thành để triển khai chương trình hành động này, gồm 2 giai đoạn mỗi giai đoạn 5 năm. Tổ chức BPSOS cung cấp phương tiện, cơ sở và kinh nghiệm điều hành cần thiết cho việc triển khai. Trong bài viết dưới đây, Ts. Thắng trình bày tóm tắt chương trình hành động mà đến nay đã hoàn tất giai đoạn 5 năm đầu. Qua bài này người đọc sẽ hiểu ý nghĩa đằng sau những hoạt động và mối tương quan giữa các lĩnh vực hoạt động đa dạng của BPSOS và nhóm “tinh thần hào kiệt” trong những năm qua -- tất cả đều hướng về một mục đích: dân chủ hoá Việt Nam. Quan trọng hơn, bài viết cống hiến cách thức để những ai có tâm huyết đều có thể tự mình góp một bàn tay cho công cuộc này. Mọi trao đổi, xin liên lạc:bpsos@bpsos.org
Chúng ta có cơ hội để đưa Việt Nam đến dân chủ trong một tương lai không xa nếu làm đúng thời, đúng việc và đúng cách.
Chúng ta đây là những người Việt ở trong và ngoài Việt Nam mà thực sự quan tâm đến tương lai của quê hương và dân tộc.
Đúng thời là ngay lúc này vì thời cơ đang có nhưng sẽ không đợi chờ.
 
Hội nghị quy tụ 250 người cùng tâm huyết với cộng đồng và đất nước, thủ đô Hoa Kỳ, ngày 02/07/2011 (ảnh BPSOS)
Đúng việc là người dân ở Việt Nam phải tập hợp và tổ chức để giành thế chủ động trong mối tương quan với chính quyền. Chỉ khi nào người dân kiểm soát chính quyền, dù ở chế độ nào, thì mới có dân chủ đích thực và bền vững. Bằng không thì chế độ độc tài này ra đi, chế độ độc tài khác ắt sẽ đến.
Đúng cách là chuyển đổi mối tương quan ở cấp cơ sở: ở từng ấp, xã, thôn, làng… khắp đất nước người dân phải tập hợp thành các cộng đồng đa dạng. Số đông có tổ chức tạo nên lực. Để tăng thế, các cộng đồng ấy phải liên kết với nhau và rồi cùng nhau hoà nhập trào lưu dân chủ trong khu vực và trên thế giới. Thế liên kết càng rộng sẽ càng giúp nới rộng không gian an toàn để các cộng đồng tiếp tục phát triển về số, lực và thế. Cách này tạo nên một vòng ưu việt ở từng địa phương, thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá hoà bình, ổn định và không thể thoái lui.
Đó là cốt lõi của kế hoạch 10 năm mà chúng tôi đề ra năm 2010 và bắt đầu thực hiện năm 2011. Sách “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” trình bày kế hoạch này, mà tôi sẽ tóm tắt dưới đây. Người đọc sẽ thấy rằng những công việc của BPSOS từ bảo vệ đồng bào tị nạn, cứu nạn nhân buôn người, can thiệp cho tù nhân lương tâm… đến vận động cho tự do tôn giáo, phát động chiến dịch chống tra tấn, tham gia Diễn Đàn Người Dân ASEAN… đều có lý do. Tôi cũng sẽ giải thích cách mỗi người góp một bàn tay, bằng những việc vừa khả năng, để sớm đem dân chủ đến cho quê hương.


Cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)

5 năm chuyển thế
Để thực hiện kế hoạch, trước tiên chúng tôi phải mở một không gian vừa đủ để người dân bắt đầu tập hợp trong sự an toàn tương đối. Điều này đòi hỏi thời gian và sự bền bỉ vì chế độ độc tài nào cũng muốn siết chặt để người dân không thể tập hợp lại được. Họ biết rằng khi tập hợp lại một cách độc lập với chính quyền, người dân sẽ dần dà phát triển sức đề kháng. Cuối năm 2010, chúng tôi đề ra chương trình quốc tế vận có phối hợp để áp lực Việt Nam công nhận nhân quyền như là những giá trị phổ cập toàn xã hội và rồi luật hoá sự công nhận ấy. Công cuộc quốc tế vận này có những kết quả rõ rệt.
Trong 5 năm qua Việt Nam đã ký và phê chuẩn thêm 2 công ước LHQ về chống tra tấn và về quyền của người khuyết tật. Như vậy, Việt Nam đã ký 7 trong tổng số 9 công ước quan trọng của LHQ về nhân quyền, chưa kể Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người mà Việt Nam ký năm 2011. Việt Nam còn cam kết tôn trọng quyền của người lao động, quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền môi sinh… trong Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và tôn trọng vai trò của xã hội dân sự theo Hiến Chương ASEAN. Thế đã chuyển vì đàn áp dân không còn là vấn đề nội bộ quốc gia mà là vi phạm các cam kết quốc tế, điều mà chế độ không thể làm một cách lộ liễu.
Chế độ có hai chọn lựa:  một là chủ động thực thi, hai là tránh né không thực thi các cam kết. Muốn tránh né, họ phải bưng bít để người dân không biết những quyền đã được cam kết với quốc tế, và che mắt quốc tế mỗi khi họ vi phạm những quyền ấy. Nhưng làm như vậy là tự chọn thế bị động và nhường thế chủ động cho người dân. Chế độ càng bưng bít và che mắt thì dân càng có cơ hội để truyền thông cho nhau và cho quốc tế biết. Và chúng ta có thể thấy ngày càng có thêm những dấu hiệu của sự chuyển thế này: người dân hiểu biết và dạn dĩ hơn trong việc thực thi quyền của mình; quốc tế theo dõi sát hơn và tăng áp lực về nhân quyền; chế độ phải dùng xã hội đen hay cho công an giả côn đồ.
Đại diện các tôn giáo tiếp xúc Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 22/06/2016 (ảnh USCIRF)

5 năm xây nền
Trọng tâm của giai đoạn 5 năm kế tiếp là giúp các cộng đồng người dân ở trong nước giành thế chủ động để tập hợp và tổ chức ở cấp cơ sở, theo 4 bước sau.
(1)    Mở không gian an toàn: Bằng cách làm cho chế độ mất dần khả năng bưng bít thông tin đối với dân và che mắt quốc tế, một cộng đồng có thể tự mở không gian an toàn cho các thành viên thực thi các quyền chính đáng. Chúng tôi huấn luyện cho mỗi cộng đồng một đội ngũ nhân sự hiểu biết về các quyền được luật quốc gia và luật quốc tế bảo đảm, và cách báo cáo vi phạm theo thể thức và tiêu chuẩn của LHQ. Năng lực của đội ngũ này quyết định chiều cao và độ dày của vòng đai bảo vệ bao quanh không gian an toàn.
(2)    Tăng lực: Trong phạm vi không gian vừa được mở ra, chúng tôi hỗ trợ cho các cộng đồng phát triển nội lực, nghĩa là tăng khả năng, tinh thần tương trợ và quy củ hoạt động. Muốn vậy, mỗi cộng đồng phải có được một nhóm nhân sự cốt lõi được đào tạo về tổ chức và điều hành; họ phải được trang bị phương tiện hoạt động và được quốc tế quan tâm bảo vệ.
(3)    Tăng thế: Chúng tôi tạo cơ hội cho nhiều cộng đồng liên kết với nhau thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, phối hợp hành động, và tương ứng trong thế “bứt mây động rừng” -- một cộng đồng lâm nạn thì các cộng đồng khác quây lại hỗ trợ và báo động quốc tế. Chúng tôi lại giúp các mạng lưới hoà nhập xã hội dân sự ngoài Việt Nam – gọi là “đưa dân đến dân chủ” -- để họ làm quen với các sinh hoạt mở và hợp tác với quốc tế ngoài tầm kiểm soát của chế độ.
(4)    Tự vận hành: Ở mức phát triển cao nhất, một cộng đồng phải đạt khả năng quốc tế vận để qua đó kéo dãn thêm, từ ngoài, không gian an toàn. Trong không gian vừa được nới rộng, cộng đồng ấy tăng sự tập hợp và nội lực để đẩy rộng thêm, từ trong, vòng đai an toàn. Đó chính là khả năng tự vận hành để chủ động kéo nghiêng dần cán cân thế và lực về phía dân. Đóng góp của chúng tôi là tìm nhóm “kết nghĩa” ở hải ngoại vừa làm điểm tựa quốc tế vận vừa yểm trợ phát triển nội lực cho mỗi cộng động ở trong nước.
Ghi chú: Ở đây cộng đồng được hiểu là một nhóm người chung văn hoá, niềm tin hay lý tưởng; cùng chia sẻ mục đích và các mục tiêu; cùng tuân thủ một số quy tắc hành xử căn bản; có sự giao tiếp thường xuyên; có tinh thần tương thân, tương trợ và bảo vệ nhau trong hoạn nạn; và có cơ cấu tổ chức để duy trì tính liên tục trong hoạt động -- khi một người bị kẹt thì lập tức có người khác thay thế. Đó có thể là một cộng đồng tôn giáo, một cộng đồng sắc tộc, một tổ chức xã hội dân sự, hay một nhóm nạn nhân miễn là hội đủ các yếu tố trên. Mạng liên kết lỏng lẻo của các blogger độc lập là một phản thí dụ: Họ không cấu thành “cộng đồng” theo định nghĩa này.
Từ năm 2014 chúng tôi áp dụng công thức 4 bước kể trên với 20 cộng đồng thí điểm lớn nhỏ khác nhau, ở cả chốn thị thành lẫn những vùng xa xôi hẻo lánh. Ở những thí điểm này, tương quan giữa dân và chính quyền có những thay đổi khả quan và rõ rệt. Mục tiêu của chúng tôi là đạt con số 1000 cộng đồng trong 5 năm tới. Ở mức ấy, tiến trình dân chủ hoá sẽ trở thành đương nhiên và không thể thoái lui.
 
Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á, Dili, Đông Timor ngày 02/08/2016 (ảnh BPSOS)

Điểm tựa hải ngoại
Chúng tôi nhận thức rằng tập thể người Việt ở hải ngoại là yếu tố quan trọng cho tiến trình dân chủ hoá đất nước trước mắt và phát triển đất nước sau này. Trong 5 năm qua, người Việt ở hải ngoại là chủ lực trong quốc tế vận. Và chúng ta đã thành công: chế độ đã phải nhượng bộ về nhân quyền để đổi lấy các lợi ích mậu dịch, các khoản viện trợ, và các quan hệ đối tác quốc phòng và địa chính trị. Giai đoạn này chỉ cần một đội ngũ tinh nhuệ về quốc tế vận thay vì số đông.
Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ khác. Để phát triển thế và lực cho 1000 cộng đồng ở khắp Việt Nam, chúng tôi cần sự tham gia của nhiều người ở hải ngoại để hình thành đủ số nhóm kết nghĩa. Chỉ cần từ 3 đến 5 người thân quen và tin tưởng nhau là có thể lập ra một nhóm kết nghĩa. Các hoạt động cụ thể của một nhóm kết nghĩa gồm có:
(1)    Họp định kỳ (mỗi tuần, cách tuần, hay mỗi tháng một lần) với cộng đồng ở trong nước để theo dõi tiến độ công việc và tìm hiểu nhu cầu phát sinh;
(2)    Yểm trợ tài chính để trang bị phương tiện hoạt động và trợ giúp sinh kế cho một số người hoạt động toàn thời hay bán thời;
(3)    Tham gia các hoạt động quốc tế vận thay mặt cho cộng đồng ở trong nước;
(4)    Chuyển hồ sơ báo cáo và vận động quốc tế can thiệp khi cộng đồng ở trong nước bị đàn áp.
Trong số công việc trên, nhóm kết nghĩa có thể chọn những việc nào vừa khả năng, nhưng phải đều đặn và bền lâu. Để đạt 1000 nhóm kết nghĩa trong 5 năm tới, chúng tôi áp dụng công thức tăng trưởng và phân thân:
(1)    Khuyến khích sự hình thành các nhóm kết nghĩa mới;
(2)    Huấn luyện và hướng dẫn các nhóm kết nghĩa về khả năng quốc tế vận, can thiệp, và yểm trợ;
(3)    Tạo môi trường cho các nhóm kết nghĩa tham gia quốc tế vận;
(4)    Bổ sung nhân sự cho mỗi nhóm kết nghĩa;
(5)    “Phân thân” nhóm kết nghĩa đã có kinh nghiệm thành 2, rồi 4, rồi 8 nhóm mới, và cứ vậy.

Quầy thông tin chung của các cộng đồng ở Việt Nam và các nhóm kết nghĩa ở hải ngoại, Dili, Đông Timor, ngày 3-5 tháng 8, 2016 (ảnh APF)
Các hoạt động hỗ trợ
Đối với mỗi cặp đôi kết nghĩa, chúng tôi hỗ trợ cho cộng đồng ở trong nước và nhóm kết nghĩa ở ngoài nước, cho đến khi họ đạt khả năng tự vận hành. Lúc ấy, nhóm kết nghĩa là bộ phận nối dài ra hải ngoại của cộng đồng ở trong nước. Các hoạt động hỗ trợ của chúng tôi gồm có:
(1)    Đào tạo và huấn luyện: Ở Cấp 1, thành viên trong mỗi cộng đồng được hướng dẫn về các quyền chính đáng của mình và cách thu thập và phối kiểm thông tin “thô” mỗi khi phát hiện vi phạm. Cấp 2 huấn luyện một số nhân sự chuyên viết báo cáo vi phạm dựa trên các thông tin thô và theo thể thức và tiêu chuẩn LHQ, và tìm sự trợ giúp khẩn cấp cho các nạn nhân. Cấp 3 đào tạo những giảng viên cho Cấp 1 và Cấp 2. Cấp 4 là khoá học kéo dài 1 năm về tổ chức và điều hành.
(2)    Hỗ trợ và tạo cơ hội: Chúng tôi cung ứng cho từng cặp kết nghĩa trong-ngoài sự hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, và tư vấn. Khi cần thiết, chúng tôi cử người làm việc sát cánh cho đến khi cặp kết nghĩa đạt khả năng tự vận hành. Chúng tôi tạo cơ hội cho các cộng đồng ở trong nước liên kết thành mạng lưới, và nối kết các mạng lưới ở trong nước với các tổ chức khu vực và quốc tế, tạo cơ hội cho họ tham gia các diễn đàn và các đề xuất tầm khu vực, và sắp xếp để họ tiếp xúc các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam.
(3)    Can thiệp và bảo vệ: Chúng tôi cung cấp sự bảo vệ pháp lý đối với những người bị nguy hiểm và phải xin tị nạn ở ngoài Việt Nam, và huy động sự can thiệp và trợ giúp khẩn cấp của quốc tế đối với những cộng đồng bị lâm nguy ở Việt Nam. Chúng tôi dịch sang Anh ngữ và chuyển các báo cáo vi phạm đến LHQ, các chính phủ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế; và chúng tôi vận động quốc tế can thiệp cho nạn nhân. Công tác can thiệp và bảo vệ này áp dụng cho mọi cá nhân và cộng đồng lâm nguy, không riêng các cộng đồng đã hay đang được chúng tôi hỗ trợ.
Các hoạt động kể trên được điều hợp bởi toán hoạt động của chúng tôi gồm 15 người ở nhiều quốc Đông Nam Á, với sự yểm trợ của những toán thiện nguyện ở hải ngoại chuyên về: dịch thuật, giảng huấn, quốc tế vận, gây quỹ và truyền thông. Để phối hợp quốc tế vận, chúng tôi hình thành Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ. Tất cả các hoạt động này được khởi xướng, duy trì và phát triển bởi một nhóm lõi những người cùng tâm huyết, gọi tắt là “nhóm tinh thần hào kiệt”. BPSOS, với nhiều thập niên kinh nghiệm quản trị tài chính và điều hành nhân sự và với tầm hoạt động trải rộng trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và nhiều nơi trên thế giới, cung cấp cơ sở hạ tầng cho các hoạt động hỗ trợ.
Toán hoạt động của BPSOS tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/04/2015 (ảnh BPSOS)

Các điểm đặc trưng
Kế hoạch và chương trình hành động của chúng tôi có một số điểm đặc trưng sau đây.
Dân chủ: Chúng tôi chủ trương xây nền dân chủ đích thực và bền vững cho Việt Nam bằng cách phát triển thế và lực cho dân, để rồi chính người dân quyết định thể chế và kiểm soát chính quyền trong bất kỳ thể chế nào.
Đạo đức: Chúng tôi quan niệm rằng đạo đức nhân bản là nền móng cho xã hội dân chủ và lấy đó làm tiêu chuẩn hành xử cho chính mình và khi chọn đối tượng hợp tác. Chương trình đào tạo của chúng tôi phát huy ý thức về đạo đức nhân bản nơi học viên để rồi họ truyền rộng ra trong cộng đồng của họ, góp phần xây dựng nền móng cho một xã hội tử tế trong tương lai.
Bảo vệ và bảo tồn: Xuất phát từ quan niệm đạo đức, chúng tôi chủ trương cứu và bảo vệ con người.  Năm 2008 BPSOS mở chương trình bảo vệ pháp lý cho những nhà hoạt động phải đi lánh nạn cũng như can thiệp và trợ giúp cho những người bị lâm nguy ở Việt Nam, dù hầu hết họ không liên can đến hoạt động của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi đặt điều kiện cho mọi đối tượng hợp tác là phải tuyệt đối tránh gây nguy hiểm cho mình hay người khác vì cần bảo tồn vốn nhân sự cho công cuộc dân chủ hoá.
Chiều sâu: Chúng tôi giải cứu và bảo vệ đồng bào lâm nạn vì đó là nghĩa vụ nhân bản dù chỉ là đối phó đằng ngọn. Chúng tôi giải quyết vấn đề tận gốc bằng con đường dân chủ hoá Việt Nam. Trong cách làm của chúng tôi, hai lĩnh vực này bổ trợ nhau. Chẳng hạn, khi toán luật sư của chúng tôi bảo vệ một người đi lánh nạn vì bị đàn áp tôn giáo, thì bộ phận phát triển xã hội dân sự của chúng tôi giúp cho cộng đồng tôn giáo của người ấy ở trong nước tăng thế và lực để đẩy lùi dần sự đàn áp, cho đến khi không còn ai phải rời bỏ tổ quốc đi tha phương.
Không kết bè: Chúng tôi không kết bè, không lôi cuốn ai theo mình, không kết nạp thành viên. Đối tượng nhận sự hỗ trợ của chúng tôi không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào ngoài 2 điều kiện:  quyết tâm thành công trong việc xây dựng cộng đồng của mình, và khi thành công thì san sẻ kinh nghiệm với những người khác. Chúng tôi hoạt động như một nhà trường đào tạo và nơi cung cấp phương tiện cho các cộng đồng thực hiện những ý nguyện mà họ đang theo đuổi, một cách hiệu quả và an toàn hơn. Chúng tôi mong họ sớm đạt khả năng tự vận hành để còn chuyển sự yểm trợ sang những cộng đồng khác nữa.
Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á, Bangkok, Thái Lan, ngày 31/09/2015 (ảnh ICJ)

Không đảng phái: Chúng tôi chủ trương hoạt động tách biệt với mọi đảng chính trị vì đảng chính trị nhắm vào thượng tầng, nghĩa là chế độ và chính quyền, còn chúng tôi thì nhắm vào hạ tầng, tức là người dân. Nhiều đảng chính trị, vì nội lực còn non yếu, chọn cách ẩn mình vào các tổ chức của người dân để hoạt động ở Việt Nam. Vô tình hay cố ý, họ đang lũng đoạn và làm yếu đi các tổ chức của người dân và tăng hiểm nguy cho những người thực sự hoạt động xã hội dân sự.
Công khai: Chúng tôi không phô trương nhưng không lén lút hay bí mật. Lén lút thể hiện sự sợ hãi; bí mật thể hiện sự không minh bạch -- cả hai điều này ngăn cản sự phát triển xã hội dân sự. Hơn nữa, thái độ lén lút hay bí mật không phù hợp với khái niệm không gian an toàn. Mọi tài liệu mà chúng tôi sử dụng đều mang tính công khai – chính quyền Việt Nam muốn lấy thì chúng tôi sẵn sàng cho. Chúng tôi hướng dẫn và khuyến khích người dân đối tác trực tiếp với các cấp chính quyền để đặt vấn đề tôn trọng luật quốc gia và các cam kết quốc tế.  Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, chúng tôi luôn tìm cơ hội để trực tiếp đặt các phép thử cho những người đại diện cho chế độ.
Mô thức hàng ngang: Chúng tôi chọn phương châm “nhiều con lạch nhỏ đổ vào giòng sông lớn, nhiều giòng sông lớn chảy vào biển cả”, nghĩa là nhiều cộng đồng, nhiều nhóm hoạt động song song, không cần kêu gọi đoàn kết, không cần người lãnh đạo. Chỉ cần theo chung một công thức, mỗi cộng đồng bảo vệ các quyền và lợi ích của riêng mình và mỗi nhóm kết nghĩa yểm trợ đến nơi đến chốn cho cộng đồng mình đã chọn thì vẫn góp phần cho đại cuộc: cùng nhau đẩy lùi sự chuyên chế trong toàn xã hội.
Nền móng cho trăm năm phát triển: Công thức kết nghĩa song đôi trong-ngoài tạo nên nghìn nhịp cầu chằng chịt nối kết người dân trong nước trực tiếp với thế giới tự do. Khi ánh sáng dân chủ ló dạng, chính những nhịp cầu ấy sẽ tạo nên cơ chế huy động nhân tài vật lực trên toàn cầu nhằm phát triển đất nước một cách nhanh chóng và đồng đều -- không nơi nào bị bỏ sót dù xa xôi hẻo lánh, cho cả trăm năm sau.
Con đường thoát Trung: Người dân Việt Nam càng hội nhập khu vực Đông Nam Á và thế giới tự do thì ảnh hưởng của Trung Quốc càng giảm trong mọi lĩnh vực: văn hoá, tư tưởng, nghệ thuật, kỹ thuật, xã hội, kinh tế… và chính trị. Một Việt Nam dân chủ trong tương lai sẽ là thành viên đáng tin cậy và gắn kết của khối Đông Nam Á ổn định, hoà bình, phồn thịnh và có hậu thuẫn của thế giới tự do. Các cộng đồng người Việt đã bám rễ ở những quốc gia tự do, dân chủ, và tiên tiến nhất hành tinh sẽ tạo nên thế “Tân Bách Việt” để vừa góp phần phát triển đất nước vừa đẩy lùi vĩnh viễn mối hoạ Bắc thuộc.
Bìa sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm

Lời kết
Giai đoạn 5 năm “chuyển thế” hoàn tất cuối năm 2015. Năm 2016 khởi đầu giai đoạn phát triển lực và thế cho từng cộng đồng của người dân ở trong nước. Khi có được 1000 cộng đồng vững chãi trong tương quan với chính quyền thì đó là khởi điểm cho một tiến trình dân chủ hoá hoà bình, ổn định và không thể thoái lui. Theo dự tính của chúng tôi, con số 1000 này có thể đạt được trong 5 năm tới nếu:
(1)    Người dân trong nước chú tâm tập hợp lại và xây dựng những cộng đồng có nội lực, có thế liên kết với các cộng đồng khác, có thế đứng quốc tế, và có ảnh hưởng tăng dần đối với các cấp chính quyền ở từng địa phương;
(2)    Người Việt ở hải ngoại lập nhóm kết nghĩa để yểm trợ tập trung và dài lâu cho các cộng đồng ở trong nước do chính mình chọn lựa hoặc, nếu muốn, thì do chúng tôi giới thiệu.
Hành động theo công thức “nhiều con lạch chảy song song”, chúng ta sẽ chủ động đem lại dân chủ cho quê hương. Và chúng ta phải hành động ngay để không đánh mất một vận hội hiếm quý cho dân tộc Việt Nam.
Tài liệu liên quan:
Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm
http://www.machsongmedia.com/images/files/hvtn.pdf