Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức chưa có hiệp định dẫn độ tội
phạm với Việt Nam
Thảo Vy
(VNTB) - Ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp kín quyết
định số phận chính trị của ông Trịnh Xuân Thanh hôm 8-9. Chắc rằng khi đó ông
tổng bí thư và ông trưởng ban nội chính trung ương đã biết ông Trịnh Xuân Thanh
ở đâu. Như vậy, vì sao đến nay ông bí thư Hậu Giang vẫn nói rằng không biết
thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh? Bộ máy quản trị quốc gia như vậy xem ra có
chất lượng quá kém.
Cho đến trưa ngày 13-9, có thể thấy rằng rất nhiều thông tin về vụ
việc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được công bố
cho báo chí theo một lập trình. Không có phóng viên tờ báo nào tại Sài Gòn
“moi” được tin từ những nguồn riêng, như vẫn thường gặp trong các vụ án lớn gần
đây như vụ Bầu Kiên, vụ Phạm Công Danh; hoặc từ trước đó nữa là các vụ Năm Cam,
Epco-Minh Phụng…
Tạm gác qua những nghi vấn về kịch bản Trịnh Xuân Thanh đã được
soạn trước cho một mục đích nào đó từ nhà chức trách, với những gì mà bất kỳ
bạn đọc nào cũng có thể tìm đọc trên các nhật báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,
Người Lao Động, Lao Động, Tiền Phong…, thậm chí cả báo Nhân Dân, cho thấy dường
như lâu nay pháp luật lao động của Việt Nam không có liên quan gì đến dàn quan
chức từ cấp tỉnh đến trung ương. Đây mới thực sự là điều nguy hiểm cho cảnh báo
bộ máy quản trị quốc gia.
Trưa ngày 29-8, các báo ở Sài Gòn đồng loạt nhận bản tin dẫn lời ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh
ủy Hậu Giang, rằng ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép để trị bệnh gần một tháng
qua. “Còn anh Thanh bệnh gì và trị ở đâu thì tôi chưa rõ. Khi anh ấy hết phép,
tỉnh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương”. Ông Chánh được cho là đã nói
như vậy trong bản tin ấy.
Có lẽ mở ngoặc nói thêm, nếu đúng như lời ông Bí thư Hậu Giang,
thì rất cần xem lại ông trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy Hậu Giang có
tắc trách công vụ, hay đã cố tình bao che ông Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp
luật.
Nếu xét về mặt pháp luật lao động, việc ông Trịnh Xuân Thanh vắng
mặt như vậy có thể xem là tình huống “vắng không/ chưa phép” - vì ông tự ý nghỉ
rồi mới báo “xin phép chữa bệnh”. Nếu ông Thanh là người lao động bình thường
và làm việc tại một doanh nghiệp chẳng hạn, thì chắc chắn ông Thanh đã bị sa
thải vì vi phạm kỷ luật lao động rồi.
Còn lời ‘khi anh ấy hết phép” của ông Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang,
cho thấy người đứng đầu bộ máy công quyền tỉnh Hậu Giang không hề biết chút gì
về pháp luật lao động, về các thủ tục hành chánh liên quan đến “xin phép chữa
bệnh”. Liệu cơ quan bảo hiểm y tế có thanh toán các đơn thuốc chữa bệnh này cho
ông Trịnh Xuân Thanh? Ngân quỹ có chi lương cho ông Trịnh Xuân Thanh trong thời
gian được gọi là ‘nghỉ bệnh’ này không?
Thế rồi bất ngờ đến chiều ngày 8-9-2016, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh
Hậu Giang đưa thông tin đến các tòa soạn là đã nhận được văn bản của ông Trịnh
Xuân Thanh gửi cho Thường trực Tỉnh ủy. Theo đó, văn bản được photo gửi qua
đường bưu điện, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề liên quan đến bản
thân ông do Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện
vọng xin ra khỏi Đảng.Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết ngay trong
ngày 8-9 đã gửi công văn đến địa chỉ nhà ông Thanh tại Hà Nội, triệu tập ông
Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề trên.
Và cũng trong ngày 08-9-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp
dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật
ông Trịnh Xuân Thanh. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ban Bí thư đã
nhất trí rất cao biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật
bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Sáng ngày 13-9, các tòa soạn lại nhận thông tin: “Nếu đến chiều
nay, anh Thanh không có mặt theo công văn triệu tập, Hậu Giang sẽ làm văn bản
báo cáo về Trung ương. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết anh Thanh
đang làm gì, ở đâu. Chúng tôi đã nhận được quyết định của UB Kiểm tra Trung
ương về việc khai trừ anh Thanh ra khỏi Đảng. Quyết định này sẽ được thực hiện
vào ngày 16-9.
Ngày 18-7, Trịnh Xuân Thanh có gửi đơn đến Tỉnh ủy xin nghỉ phép
với lý do bị bệnh nặng. Thời gian xin nghỉ là từ 25 đến 29-7. Sau đó, ngày 19-8,
Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày
3-8 đến 2-9 tại nước ngoài. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Hậu Giang đã không đồng ý với đề
nghị thứ hai của anh Thanh vì đi nước ngoài thời điểm đó chưa phù hợp” - ông
Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chủ động nói như vậy với báo chí.
Từ lời của ông Trần Công Chánh, cho thấy xét về quy định pháp luật
liên quan, đang có nhiều nghi vấn. Thứ nhất, về nguyên tắc, việc
ông Thanh ra nước ngoài trong bối cảnh đang bị nghi vấn và truy cứu trách nhiệm
trong thời kỳ trước là rất khó khăn. Vì ông Thanh nghiễm nhiên đã trở thành một
đối tượng bị "chăm sóc đặc biệt".
Thứ hai, khả năng ở đây Hộ chiếu (passport) của ông Thanh thuộc dạng Hộ
chiếu công vụ, thông thường phải giao cho cơ quan quản lý chứ không phải để sẵn
trong người. Cụ thể tại Quyết định số: 58/2012/QĐ-TTg ngày 24-12-2012 của Thủ
tướng Chính phủ quy định như sau: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày
nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, phải nộp lại
hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu, trừ trường hợp có lý do chính đáng do
Thủ trưởng cơ quan quản lý hộ chiếu quyết định”. Chính vì vậy, nếu ông Trịnh
Xuân Thanh ra được nước ngoài, thì sẽ không phải là việc xuất cảnh bình thường,
mà có thể xem là hành vi “trốn chạy”, xuất cảnh trái phép.
Thứ ba, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp kín quyết định số phận chính
trị của ông Trịnh Xuân Thanh hôm 8-9. Chắc rằng khi đó ông tổng bí thư và ông
trưởng ban nội chính trung ương đã biết ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu. Như vậy, vì
sao đến nay ông bí thư Hậu Giang vẫn nói rằng không biết thông tin về ông Trịnh
Xuân Thanh? Bộ máy quản trị quốc gia như vậy xem ra có chất lượng quá kém.
Bình luận về nghi vấn này, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng xét về
mặt logic, thì việc một người phạm tội hay có khả năng bị truy cứu trách nhiệm
hình sự bỏ trốn ra nước ngoài không phải là điều khó hiểu. Nhưng vì ông Trịnh
Xuân Thanh là một cán bộ cấp trung cao, một tỉnh ủy viên - nên sự mất tích của
ông rõ ràng là nghiêm trọng. Sự việc cũng đặt ra câu hỏi là liệu có kẽ hở nào
trong việc quản lý cán bộ cấp cao của đảng và nhà nước - trong bối cảnh tham ô,
tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng như hiện nay.
“Theo thiển ý của tôi, nếu đảng không quản lý chặt, thì rất có thể
sẽ còn có nhiều đảng viên chuyển tài sản rồi chạy trốn ra nước ngoài. Khi đó
thì sẽ rất khó mà thu hồi được tiền tham nhũng. Đất nước càng thêm khó khăn.
Người dân lại càng thêm khổ”. Luật sư Trần Hồng Phong, bày tỏ.
Một chút bên lề. Có nhiều thông tin cho là ông Thanh đã có mặt
tận... Cộng hòa liên bang Đức - một quốc gia chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm
với Việt Nam. Do đó nếu sắp tới đây ông Trịnh Xuân Thanh sẽ bị truy
cứu trách nhiệm hình sự và chính phủ Đức không cho phép ông Thanh tị nạn chính
trị, thì ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đường hoàng mua vé máy bay để đến một nước
khác, hoặc vẫn ở lại nơi đây như một khách du lịch.