Trang

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

2020. Sài Gòn, Chợ Lớn nát như tương... tt

Nan giải chuyện chống ngập ở TPHCM

. BBC. 6 giờ trước
Người dân “không tin” khi bỏ tiền vào để làm hệ thống thoát nước tốt hơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu nhận định.
Sau cơn mưa đêm 26/9, thành phố Hồ Chí Minh bị ngập nặng.
Báo cáo từ Trung tâm Chống ngập cho biết lượng mưa có nơi đạt đến 204,3mm.



Image copyrightTHANH NIEN NEWSImage captionTrận lụt diễn ra ở nhiều nơi tại Sài Gòn
Phó giáo sư, Tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về trận mưa:
“Hệ thống thoát nước thành phố trước khi cải tạo bằng vốn ODA chỉ chịu được những trận mưa khoảng chừng 40mm trong 3 giờ."
"Sau khi nâng cấp, nó chịu được trận mưa từng 85mm. Nhưng trận mưa hôm qua gần hơn gấp đôi số đó. Có nơi đo được đến hơn 200mm."
"Đó là một biến cố mưa chưa từng quan sát được ở TPHCM.”
Tuy nhiên, ông cũng nói trận mưa chỉ là biểu hiện của một nguy cơ “tiềm ẩn” vì “với biến đổi khí hậu thì trong tương lai những cái như ta đang quan sát sẽ càng thường xuyên hơn.”

Không hiệu quả?

Khi BBC hỏi giải pháp chống ngập của thành phố dường như không hiệu quả từ năm này sang năm khác, tiến sỹ Phi cho biết:
“Các giải pháp không phải là không có, nhưng mức độ thực hiện rất khó, ngay cả với các nước phát triển chứ không chỉ Việt Nam.”
“Ví dụ giải pháp được nêu ra nhiều là xây dựng các hồ điều tiết, tái lập không gian dành cho nước. Nhưng đó là bài toán đụng chạm rất nhiều với xã hội. Thành ra cách giải quyết không dễ dàng một sớm một chiều mà phải mất nhiều thập niên.”
“Trong thời gian đó có một số giải pháp ứng cứu, một trong số đó là dùng hệ thống bơm inline. Công nghệ không mới, nhưng ứng dụng thì chưa nhiều. Theo tôi đó là một trong những giải pháp có triển vọng áp dụng cho TP.HCM, ít có tác động tới xã hội và có thể làm nhanh.”

Image copyrightFACEBOOKImage captionTrận mưa khiến thành phố có 59 điểm ngập
“Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình và thấy phương pháp tốt và một số dự án ở Mỹ cũng dùng cách này thay cho hồ điều tiết vì cũng gặp vấn đề không giải tỏa được, không có đất làm hồ, có thể triển khai được ngay.”
Tuy nhiên, tiến sỹ Phi cũng cho biết giải pháp mà ông đề cập chỉ mới “dừng ở phòng thí nghiệm trên mô hình thủy lực ở Đại học Quốc gia”.
Về các dự án chống ngập không hiệu quả, ông bình luận: “Ít nhiều các dự án đó có phát huy tác dụng trong mức thiết kế, làm giảm ngập đáng kể. Tôi lấy ví dụ năm 2007 - 2008, là đỉnh điểm, số điểm ngập lên đến 150. Khả năng thoát nước chỉ chịu được cơn mưa 40mm là ngập. Giả sử không có những dự án đó thì ngày hôm qua còn khủng khiếp hơn.”
Ông cũng nói số tiền cho các dự án chống ngập “theo như số dự kiến bởi các chuyên gia Nhật Bản khi họ làm kế hoạch thì con số đó chưa được 40% số tiền cần thiết.”

Người dân 'không tin'

“Nhưng tại sao người ta lại không đầu tư nhiều hơn?” ông đặt câu hỏi.
“Lý do thứ nhất là không có tiền. Cách tiếp cận vốn ODA của Việt Nam càng lúc càng khó, thành ra ODA càng lúc càng ít."
“Thứ hai, cơ chế trong nước chưa cho huy động vốn từ tư nhân. Có điều lạ tôi thấy khó hiểu là tất cả các lĩnh vực công ích khác như giáo dục, y tế, điện lực, giao thông, nước sạch, tất cả người ta đều đồng thuận bỏ tiền để sử dụng dịch vụ tốt hơn. Nhưng chống ngập thì không."
"Chống ngập vẫn là bao cấp. Và kinh phí nhà nước cho chống ngập rất eo hẹp. Chính vì vậy, nguồn vốn chống ngập gần đây bị cắt giảm khá nhiều. Theo tôi biết, từ năm 2005 một năm khoảng 200 triệu đôla. Còn năm gần đây chỉ khoảng 50 triệu đôla, chỉ bằng 1/4 ngày xưa.

Image copyrightAFPImage captionĐô thị hóa nhanh chóng ở Sài Gòn khiến thành phố gặp vấn đề về thoát nước
“Một mặt thì biến đổi khí hậu, một mặt đô thị hóa càng mạnh, ngân sách chống ngập lại bị cắt giảm nhiều.”
“Chúng tôi có làm điều tra xã hội học khoảng 1.000 hộ dân thì đa số người dân nói đó là chuyện nhà nước chứ không phải là chuyện người ta sẽ sẵn lòng đóng góp.”
“Thứ hai là người ta không tin, không tin là bỏ tiền vào thì nó sẽ tốt hơn. Làm thế nào để xây dựng lòng tin đó là quan trọng,” nhà nghiên cứu này nhận định về sự tham gia của người dân về việc chống ngập ở TPHCM.
“Theo tôi chính là cơ chế tài chính đang là trở ngại lớn nhất. Với TPHCM, chưa cần lời giải gì ghê gớm hiện đại đâu, chỉ cần làm y hệt các thành phố khác hàng trăm năm trước, cứ làm giống y như vậy, hoặc cứ làm y hệt Thái Lan cách đây 20 năm chẳng hạn, thì TPHCM vẫn chưa có tiền để làm mà.”
“Ở Thái Lan đã hoàn tất hệ thống thoát nước từ năm 1995. Họ ổn một thời gian. Chỉ có trận lũ lịch sử năm 2011 họ mới bị ngập lại. TPHCM thì các hệ thống đê điều, cống, tôi cho là nó chưa đạt tới được 40%.”

Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền?

Trả lời những thắc mắc của nhiều người về việc cho rằng chính Phú Mỹ Hưng hay Thảo Điền bị bê tông hóa đã làm nước “dồn ngược” lại thành phố, nhà nghiên cứu về nước này nhận định:
“Đó là những yếu tố cục bộ. Nó không gây ra ngập diện rộng như ta đang quan sát. Ví dụ vài trăm hec-ta phát triển ở Phú Mỹ Hưng không thể làm ngập Quận 1 hay Quận 3 được."
“Phân tích về thủy lực thì thấy đó không phải lý do. Cái đó góp phần gây ngập khu vực xung quanh nó thì có, còn gây ngập cả thành phố thì không. Về mặt kỹ thuật tôi có thể khẳng định như vậy.”

Image copyrightCHAU DOAN GETTY IMAGESImage captionNhiều tin tức nói Phú Mỹ Hưng là nguyên nhân gây ngập
“Mình nhìn thấy đô thị hóa khắp nơi, mỗi chỗ một chút. Chính cái một chút đó gây ra hậu quả với tình trạng ngập hiện nay."
“Và cơ chế hiện nay là người gây ra hậu quả ngập không phải khắc phục mà sẽ có nhà nước đứng ra giải quyết."
“Nó tạo ra tiền lệ rất xấu, nên các đơn vị đô thị hóa cứ san lấp kênh rạch, nâng cao nền, cứ bê tông hóa đẩy nước đi đi chỗ khác cho người khác giải quyết. Nước đừng ở trong sân mình thôi, đẩy ra ngoài cho ai lo thì lo.”

“Nước như một kẻ thù không ai muốn chấp nhận ở trong nhà mình hết. Đó là thái độ chúng tôi đang quan sát thấy. Nghĩa là mình chưa có cơ chế để thưởng phạt, làm hành động gây ra nguyên nhân giảm đi,” ông nói về tình hình nước ngập mà thành phố lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt.