Trang

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

2080. Đông Quách Tiên Sinh Trương Tấn Sang đầy đục rồi nói chút chơi ..

Những ý kiến trái chiều về thông điệp của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Việt Hà, phóng viên RFA
2016-09-07
Nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ, nêu ra một loạt những vấn đề bức xúc của đất nước như nợ công, tham nhũng, quyền lợi nhóm.
Bài viết đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội và nhận được những hoan nghênh trên một số trang báo mạng của chính phủ sau đó.
000_9A4B0.jpg

Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) nhận hoa chúc mừng từ người tiền nhiệm Trương Tấn Sang trong một buổi lễ tại Quốc hội vào ngày 02 tháng Tư năm 2016.
 AFP photo
Về thông điệp của nguyên Chủ tịch nước nhân ngày Quốc khánh

Bức xúc trước hiện tình đất nước?
Bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo Tuổi trẻ nhân ngày quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua có tựa ‘Trước tương lai, sao thể yên lòng?’ ngay từ đầu đã đặt ra câu hỏi ai có thể yên lòng trước những hiểm họa, tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban chính sách phát triển Liên hiệp quốc, người đã từng có thời gian làm cố vấn cho chính phủ nhận định:
Như tôi đánh giá thì nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất bức xúc và có nhiều tâm tư với tình hình đất nước hiện nay, cho nên nguyên Chủ tịch nước đã dành ngày quốc khánh để đăng một bài và trình bày sự đánh giá của nguyên Chủ tịch về tình hình của đất nước và đòi hỏi phải có những bước cải cách, phải có những tiến bộ trong việc chống tham nhũng, trong việc giải quyết những việc về cán bộ và vấn đề lợi ích nhóm và các vấn đề liên quan. Sự đánh giá của nguyên Chủ tịch nước là hết sức nghiêm túc và do đó đã được sự quan tâm rộng rãi của công luận.
Có lẽ là có sự cho đăng bài báo đó để thể hiện tinh thần giới lãnh đạo trong đảng cộng sản đã nhận thức rõ vấn đề và đang tìm biện pháp để cải cách đây.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh 
Các tiêu cực được bài viết của nguyên Chủ tịch nước đưa ra  bao gồm nợ công đang lên mức trên 58% GDP, tình trạng ‘tư bản thân hữu’, ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau gia đình’, các cú áp phe lớn mang lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và phe nhóm gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, chao đảo nền kinh tế.
Ngay sau khi bài viết được đăng, trên trang mạng của báo Dân Trí đã có bài blog của tác giả Bùi Hoàng Tám, ca ngợi ông Trương Tấn Sang là người hết lòng vì dân vì nước và đồng tình với những điểm mà ông Sang nêu ra trong bài viết của mình về tình hình đất nước, khơi dậy lòng yêu nước, lửa nhiệt tình trong lòng người dân Việt Nam.
Báo Tuổi trẻ cũng đăng phản ứng của một số người từng là cán bộ cấp cao của đảng, chính phủ như ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, hay bà Nguyễn Thị Việt Thùy, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Ý kiến chung cho rằng ông Sang đã nói lên được nỗi lòng của nhiều người.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng nguyên nhân báo chí nhà nước được phép đăng bài viết có tính chỉ trích của ông Trương Tấn Sang có thể là dấu hiệu Đảng Cộng sản đã nhìn nhận những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết.
Có lẽ là có sự cho đăng bài báo đó để thể hiện tinh thần giới lãnh đạo trong đảng cộng sản đã nhận thức rõ vấn đề và đang tìm biện pháp để cải cách đây.
Mục đích đả hổ diệt ruồi?
000_Hkg10248000.jpg-400.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trái), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa), trước lễ khai mạc Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 tổ chức tại Hà Nội ngày 21 tháng 1 năm 2016. AFP
Tuy nhiên, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho rằng bài viết của nguyên Chủ tịch nước không có gì mới so với những gì ông đã viết trước đây.
Thứ nhất là không có gì mới. Thứ hai là bài đó cho thấy là ông Trương Tấn Sang dường như vẫn còn một vai trò gì đó liên quan tới Bộ chính trị của Đảng….. so với những bài viết trước đây của ông Sang về vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng, chuyện con sâu 2 D này kia thì bài viết này có vẻ hơi mạnh hơn một chút nhưng so với tình hình hiện nay đặc biệt sau vụ khủng hoảng Yên Bái vừa qua thì bài viết này quá nhẹ và không toát ra được cái gì cả.
Hơn thế nữa, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, nguyên nhân bài báo được đăng vào ngày quốc khánh không nhằm mục đích khơi dậy lòng yêu nước của người dân mà chỉ giúp chiến dịch đả hổ diệt ruồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Trọng và cả ông Sang nữa hiện nay là phải làm sao làm sạch các đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng. 
_ Nhà báo Phạm Chí Dũng
Có ý nghĩa hỗ trợ cho chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta biết trước đây đối thủ của ông Sang là ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng nghỉ thì nhóm quyền lực và lợi ích của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhiều và rải rác khắp nơi, nhiều địa phương và nhiều bộ ngành. Tôi không nghĩ là ông Sang quên điều đó. Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Trọng và cả ông Sang nữa hiện nay là phải làm sao làm sạch các đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết của ông Trương Tấn Sang là một ý gián tiếp để xoáy vào nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tại hội nghị trung ương 6 Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2012, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch nước đã phát biểu về đồng chí X ở trong trung ương, nhìn nhận đồng chí X là người có khuyết điểm. Dù ông không nói đồng chí X là ai nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích trong và ngoài nước, ông Sang đang nói đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất đề nghị Ban chấp hành Trung ương xem xét hình thức kỷ luật với một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, nhưng sau đó Ban chấp hành Trung ương đã quyết định không kỷ luật và chỉ yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp khắc phục để tránh bị các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.
Không đi quá đà
Vài ngày sau khi bài viết được đăng rộng rãi trên mạng và gây ra nhiều phản ứng từ công luận, dường như đang có một sự hạn chế đối với những tác động của bài báo trong công luận vào lúc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
Sau đó nếu để cho cuộc thảo luận trở nên quá rộng rãi rồi trở nên mạnh mồm rồi đi vào các tình tiết này khác thì có lẽ là có một số người muốn dừng lại ở đây.
Bài viết của ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong lịch sử hơn 70 năm nắm quyền của Đảng Cộng sản, chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều những biểu hiện tiêu cực như hiện nay. Ông Sang viết rằng những vụ tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng ‘bóng dáng’ của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao. Nguyên Chủ tịch nước không nêu tên cụ thể những cán bộ quản lý cấp cao nào và cũng không nêu cụ thể bất cứ vụ án tham nhũng lớn nào.
Ngay chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nói đến vấn đề tham nhũng tuy nhiên ông cũng là người nổi tiếng với câu nói đánh chuột tránh vỡ bình, ý nói không làm quá mạnh có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng bài báo dù có mạnh mẽ chỉ trích những vấn đề tại Việt Nam nhưng cũng không gây thêm nhiều tác động đến người dân vốn đã bức xúc từ rất lâu
Người dân cũng bức xúc từ lâu và cũng thất vọng từ lâu rồi cho nên một bài viết của ông Sang hay nhiều bài viết của ông Sang bây giờ cũng chả tác động gì. Vì có tác động hay không thì nó tùy thuộc vào niềm tin, lòng tin của người dân với Đảng và với chính quyền nhưng niềm tin đó nếu nói thực sự ở người dân thì đã mất từ lâu rồi, còn đối với cán bộ đảng viên thì có nhiều loại. Có lẽ là còn một số rất ít còn tin nổi rằng đảng thực sự chống tham nhũng còn lại đều thấy thấp thoáng phía sau đó là những nhóm lợi ích thông qua công cuộc chống tham nhũng.

Trong bài viết của mình, ông Sang cũng nhìn nhận người dân đang mất lòng tin vào đảng. Ông đặt câu hỏi rằng với hơn 4,5 triệu đảng viên hùng hậu, đặc biệt là trong ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ. Ông kêu gọi những ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc thì hãy tự nguyện ra đi hoặc Đảng buộc họ phải ra đi.