Trang

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

668. CAO ĐÀI QUỐC DOANH ĐẤU BÁU NHÂN QUYỀN VỚI CAO ĐÀI CHÂN TRUYỀN...


Chi phái Cao Đài quốc danh 1997: Trục xuất Tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Việt Nam Thời Báo.
Trần Văn Tân.
(VNTB) Ngày 12/09/2015 Ban Đại Diện chi phái 1997 Tỉnh Bình Dương mời Ban Nghi Lễ Xã Phú Chánh TP Thủ Dầu Một đến nhận Huấn Lịnh số 320/90 – NCPS – HL. Theo đó, “trục xuất vị Nguyễn Văn Thiệt sinh năm 1954, thường trú tại Phường An Thạnh, Thị Xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương ra khỏi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh.”





Chi phái 1997 tiếp tục "gây áp lực" với Đạo Cao Đài 1926 qua trường hợp ông Nguyễn Văn Thiệt? Ảnh: VNTB 
Huấn lịnh thể hiện sự thiếu trung thực của chi phái 1997.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh là tổ chức tôn giáo lập ngày 09/05/1997. Điều 1, Hiến chương 1997 ghi nhận danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh. 
Trong khi đó, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) là tổ chức tôn giáo lập năm 1926 và có pháp nhân vào năm 1965. Theo Điều 1, thì danh hiệu của Đạo là “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, gọi tắt là (Đạo Cao Đài), còn Điều 2,“Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh.


Từ giấy mời ông Nguyễn Văn Thiệt

Cho đến Huấn lệnh mập mờ trục xuất ông Nguyễn Văn Thiệt ra khỏi Đạo?

So sánh với pháp nhân 1997, thì Hiến chương của chi phái 1997 lấy 04 chữ Tòa Thánh Tây Ninh gộp vào danh hiệu thành ra 10 chữ. Đó là sự khác biệt phải lưu ý lắm mới nhận ra.
Ông Nguyễn Văn Thiệt nhập môn vào ĐĐTKPĐ (06 chữ) ngày 13/09/1976; cách đây đã 40 năm. Ông Thiệt không hề xin vào chi phái Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh (10 chữ) lập ngày 09/05/1997. Cho nên ông Thiệt không phải là tín đồ chi phái 1997. 


Sớ Cầu Đạo của Ông Thiệt. 
Vậy mà cả Hội Thánh chi phái 1997 lại tìm cách “đánh bùn sang ao”, đi trục xuất một người không thuộc tổ chức tôn giáo của họ. Cách hành đạo bất chấp sự thật, thiếu trung thực như thế cho thấy phần nào não trạng của Hội Thánh tôn giáo quốc doanh lập năm 1997 như thế nào!

Tại sao Hội Thánh chi phái 1997 lại thiếu trung thực?

Ngày 20/07/1978 nhà cầm quyền hiện nay ban hành Bản Án Cao Đài kết án Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là phản quốc, hệ tư tưởng Cao Đài là phản động.
Ngày 13/12/1978 nhà cầm quyền thi hành án nên ra quyết nghị giải tán hành chánh tôn giáo từ trung ương đến địa phương. 
Tuy nhiên, chính sự sáng suốt của Hội Thánh đã bảo vệ được người đạo và duy trì sinh hoạt tôn giáo khi vào ngày 01/03/1979 Hội Thánh Cao Đài ban hành Đạo Lịnh 01/1979 lập hành chánh tôn giáo 02 cấp để duy trì hoạt động tôn giáo của ĐĐTKPĐ. Chính quyền thi hành án mà không đạt được kết quả mong muốn nên họ giải tán Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ) của Hội Thánh lập ra trong Đạo Lịnh 01/1979. Để lập ra Hội Đồng Quản Lý.
Năm 1989 tình hình thế giới biến động mạnh mẽ dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, chính quyền liền thay đổi cách diệt đạo Cao Đài bằng cách ra quyết định số 88/ QĐ-UB ngày 14/09/1989 thành lập HĐCQ quốc doanh. Chính HĐCQ quốc doanh nầy đi xin pháp nhân để lập ra tổ chức tôn giáo quốc doanh ngày 09/05/1997. 
Cùng một danh xưng HĐCQ nhưng có 02 nguồn gốc: HĐCQ của Hội Thánh lập từ Đạo Lịnh 01/1979 đã bảo vệ đạo. HĐCQ quốc doanh cho Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh lập ngày 14/09/1989 để tiếp tục thi hành án.

Chính quyền dùng tôn giáo Cao Đài quốc doanh (1997) chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi của ĐĐTKPĐ. Chi phái 1997 là một chính quyền tôn giáo cấp địa phương trực thuộc chính quyền tôn giáo cấp trung ương là Ban Tôn Giáo. Đó là nguyên nhân chính yếu dẫn sự nhập nhằng trắng đen trong thực hiện hành vi đạo của mình.

Tại sao chi phái 1997 ra huấn lịnh 320/90 NCPS – HL?

Việt Nam Thời Báo số ra ngày 05/06/2015 có đăng bài Nước Vinh Đạo Sáng: Lệ thuộc và phá sản (phần 2). Nội dung có viết:
"Ngày 17/04/2015 Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Thủ Dầu Một ông Nguyễn Văn Đông ra quyết định số 1495/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi số đất 2075 m2. Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất từ ngày 20/05/2015 đến ngày 19/06/2015."
Chiều ngày 02/06/2015 Ủy ban nhân dân Phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương cho loa phát thanh loan tin chính quyền sẽ cưỡng chế nhà bà Lương Thị Nở...
Nhưng cuộc cưỡng chế đã bị đình lại. Lý do là người đạo Phú Chánh xác định mạnh mẽ rằng: Đất đó là của đạo (vì Bà Nở đã hiến cho đạo). 
Trong số người tranh đấu quyết liệt để đem lại công lý cho Thánh Thất Phú Chánh của chi phái 1997 có ông Nguyễn Văn Thiệt. 
Ông Thiệt đã hiệp cùng người đạo chi phái 1997 mua quan tài để tại Thánh Thất trước giờ cưỡng chế. Nó thể hiện sự quyết tâm sống chết với lẽ công bằng, không sợ cường quyền. Cuộc cưỡng chế bị đình lại. Sau đó chính quyền phải ra biên bản tiếp xúc với người đạo ngày 23/06/2015 nhìn nhận đó là đất của đạo và tính tới phương án đổi đất. Đây là văn bản đầu tiên thể hiện sự nhìn nhận đất Thánh Thất Phú Chánh là của Đạo sau 18 năm tranh đấu rất sáng suốt. 
Cần nhấn mạnh rằng tại thời điểm chính quyền ra quyết định cưỡng chế lấy đất Thánh Thất Phú Chánh, Ban đại diện Hội Thánh chi phái 1997 đã ra mặt thúc ép bà Nở giao đất cho chính quyền. Hội Thánh chi phái 1997 thì hoàn toàn im lặng, bỏ mặc cho người đạo Phú Chánh đến cầu nài. Họ không có một văn bản nào chỉ đạo hay an ủi cho người đạo Phú Chánh phải làm gì trước lịnh cưỡng chế bất công sai pháp luật. Chính sự tranh đấu mạnh mẽ của người đạo ở Phú Chánh đã đem đến sự tồn tại cho Thánh Thất Phú Chánh.


Ảnh quan tài ở Thánh Thất Phú Chánh

Thắng lợi của người đạo Phú Chánh làm chính quyền gay mắt. Công an Thị Xã Thuận An đã mời ông Thiệt tới làm việc yêu cầu ông Thiệt không được đến công quả hay giúp sức cho Thánh Thất Phú Chánh (vì khác địa phương). Ông Thiệt trả lời rằng, người có địa phương nhưng lẽ phải không có địa phương, công bằng không có biên giới, các ông làm việc không công bằng nên tôi giúp người đạo lấy lại lẽ công bằng. Ngày nào các ông còn muốn lấy đất Thánh Thất Phú Chánh ngày đó chúng tôi còn tranh đấu.
Chính quan điểm đó của ông Thiệt đã khiến cho Ban đại diện Hội Thánh Tỉnh Bình Dương gay mắt và mời ông đến làm việc... Cùng với Hội Thánh chi phái 1997, cuối cùng đã đưa ra Huấn Lịnh 320/90 NCPS – HL. 
Đây được xem là một hành vi tiếp tục gây sức ép triệt tiêu Đạo Cao Đài năm 1926.

Hãy trả tôn giáo về cho người tôn giáo

Chi phái quốc doanh 1997 và chính quyền thực chất là hai lợi ích nhóm cấu kết nhau để triệt tiêu ĐĐTKPĐ. Chính quyền và chi phái quốc doanh 1997 không lấy đạo đức để an dân mà chăm chú về lợi ích vật chất thì họ đã góp phần làm cho tinh thần đạo đức xã hội bị xuống cấp và xã hội suy đồi. Hậu quả tất nhiên là tham nhũng tràn lan, bằng cắp giả chen vào bộ máy chính quyền, hằng loạt vụ giết người, giết cả người thân như vợ con, cha mẹ nhan nhãn trên các báo. 


Phúc Trình của bà Lương Thị Nở và ông Nguyễn Văn Yêm đương quyền Phó Ban Nghi Lễ xã Phú Chánh


Phúc trình nhìn nhận về cơ sở vật chất của Đạo 1926 và hành vi giữ tài sản Đạo của ông Nguyễn Văn thiệt


Và quyết định trả phẩm trả phẩm vị Chánh Trị Sự và nhiệm vụ Phó ban nghi lễ lại cho Hội Thánh.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến đạo đức xã hội bị suy đồi là chính sách sai lầm của chính quyền về tôn giáo. Chính quyền quản lý tôn giáo bằng cơ chế xin cho đã triệt tiêu tự do tôn giáo; dẫn đến độc quyền tôn giáo và tha hóa nhân sự tôn giáo là điều đã hẳn nhiên. Sự việc ông Nguyễn Văn Thiệt là một thí dụ điển hình, chính quyền và chi phái 1997 đã hiệp đồng nhau hô biến người tốt, người công nghĩa thành gây phức tạp an ninh trật tự tại địa phương... Chính quyền đã chính trị hóa tôn giáo để biến họ thành công cụ và làm mất hẳn thuộc tính công bằng, bác ái của tôn giáo.

Rõ ràng, muốn xây dựng, sửa đổi một tổ chức hay một xã hội phải bắt đầu từ việc đào tạo con người có đạo đức. Đạo đức giúp con người biết trọng lẽ phải; biết lánh xa cái quấy. Đạo đức điều chỉnh hành vi con người trước khi phạm tội. Luật pháp điều chỉnh hay trừng trị khi hành vi phạm tội đã xãy ra. Luật pháp đã đi sau đạo đức một bước. Tôn giáo là một nguồn đào tạo, xây dựng đạo đức cho con người rất quan trọng. Chính quyền phải bỏ cơ chế xin cho, phải để tôn giáo được tự do hoạt động theo pháp luật tôn giáo, theo đức tin tôn giáo của họ. Chính quyền trở về vị trí căn bản là kiến thiết các mối quan hệ cho công bằng và hài hòa. Đó là điều kiện ắt có và đủ để đạo đức con người trong xã hội Việt Nam được cải thiện. Một tổ chức, một dân tộc có đạo đức thì sẽ có tất cả và ngược lại.

Người đạo Phú Chánh nói gì về Huấn lịnh?

Ngay sau ngày nhận Huấn Lịnh 320/90 NCPS – HL, bà Lương Thị Nở và ông Nguyễn Văn Yêm đương quyền Phó Ban Nghi Lễ xã Phú Chánh (ông Trưởng Ban Bùi Văn Xuân già yếu đã ngưng hành đạo nhiều năm nay) có Phúc Trình không đồng ý với Huấn Lịnh trên và đã trả phẩm lại cho chi phái 1997. Thư trả phẩm cho biết, họ “hết sức ngạc nhiên” khi Hội Thánh ra Huấn lệnh quy kết ông Thiệt gây phức tạp tình hình an ninh trật tự địa phương, và rằng, “sự việc liên quan đến Ban nghi lễ Phú Chánh mà chúng tôi không được Hội Thánh, Ban đại diện, Công an PA 38 hỏi xem có việc ông Thiệt phá rối mất trật tự an ninh không?”
Trên cơ sở nhận định “tôn trọng sự thật” về đất đai tại Thánh thất Phú Chánh và đồng thời cho biết, việc “cố gắng giữ gìn Thánh Thất đã 18 năm nay mà luôn luôn bị Ban đại diện khiển trách trong khi những người vi phạm pháp luật đạo lại được bao che.” Do đó hai ông bà, đi đến quyết định trả phẩm vị Chánh Trị Sự và nhiệm vụ Phó ban nghi lễ lại cho Hội Thánh.
Phúc trình đã được đọc tại Thánh Thất Phú Chánh sau khi cúng đàn ngày 01/08/ Ất Mùi (13/09/2015). Họ đã giữ nghĩa với người bạn chung lưng đâu cật chiến đấu cho lẽ công bằng trong 18 năm nay, không chạy theo lịnh của thượng cấp một cách mù quáng. Đó là đạo đức làm người, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cũng là phẩm chất của người Đạo Cao Đài.

* Ông Trần Văn Tân, đại diện Ban thông tin Khối Nhơn Sanh