BỘ LÔI CÔNG GIẢI TÁN TRƯỢC QUANG...
RẤT CẦN KIẾN THỨC NẦY
BBT blog KNS
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 11 tháng 9, 2015
Minh bạch là yếu tố quan trọng cho dân chủ
Bộ phận phi lợi nhuận phải minh bạch hơn doanh
nghiệp
Hiểu lầm nguy hại giữa bạch hoá và minh
bạch
Minh bạch, đặc biệt về tài chính, là
nguyên tắc quan trọng hàng đầu cho nền dân chủ lành mạnh. Nếu muốn góp phần
củng cố nền dân chủ nơi chúng ta đang sinh sống, phát triển sự trong sáng trong
cộng đồng, và đóng góp cho nền dân chủ tương lai ở quê nhà,
chúng ta cần am
hiểu thế nào là minh bạch và ứng dụng sự hiểu biết ấy vào mọi sinh hoạt hội
đoàn, cộng đồng, xã hội. Sự kém hiểu biết về tính minh bạch có thể gây nên tâm
lý nghi hoặc có hại cho cộng đồng và xã hội, và thậm chí dẫn đến vi phạm về
pháp lý hay đạo lý.
Luật pháp, chính quyền và mọi thành
phần trong xã hội Hoa Kỳ đều đặt nặng sự minh bạch, mà mục đích là bảo vệ
tài nguyên quốc gia, củng cố dân chủ, phát triển kinh tế, và duy trì
niềm tin – vốn là chất keo sơn gắn bó con người trong xã hội với
nhau.
Sự minh bạch đặc biệt quan trọng đối với
những tổ chức phi lợi nhuận vì trong sự phân công xã hội ở Hoa Kỳ, bộ
phận phi lợi nhuận được uỷ thác vai trò giải quyết các vấn nạn xã
hội chứ không phải chính quyền hay doanh nghiệp. Sự minh bạch là yếu
tố cần thiết để bảo vệ uy tín cho bộ phận xã hội dân sự trong sứ
mạng trọng yếu và cao cả ấy.
Do đó luật pháp Hoa Kỳ
áp dụng các tiêu chuẩn về minh bạch đối với các tổ chức phi lợi nhuận
khắt khe hơn là đối với các doanh nghiệp. Đối với công ty tư nhân thì
tài sản là của riêng, muốn tiêu dùng ra sao cũng được. Trong khi đó, tài
sản của tổ chức phi lợi nhuận thuộc xã hội nên luôn chịu sự kiểm
soát chặt chẽ, chi li để bảo đảm không bị thất thoát.
Thế nào là minh bạch?
Minh bạch là trạng thái mà mọi khuất
tất được ngăn ngừa và nếu lỡ xẩy ra thì sẽ bị khám phá. Để bảo
đảm tính minh bạch tài chính, luật pháp Hoa Kỳ ấn định các nguyên tắc
quản trị và thủ tục kiểm tra làm chuẩn cho mọi cơ cấu trong xã hội, bao
gồm các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi
lợi nhuận.
Các nguyên tắc quản trị phải bảo đảm
tính khả truy (traceability) để không thất thoát dù một xu, và bảo đảm
sự kiểm soát nội bộ để không thu hay chi sai mục tiêu của khoản tiền đóng
góp hay trái với tôn chỉ của tổ chức. Thế nào là thu sai tôn chỉ? Khi đang tổ
chức chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center đầu năm nay, có người đề
nghị giúp xin tiền ủng hộ của các sòng bài ở Maryland; chúng tôi cám ơn và
khước từ vì tôn chỉ của BPSOS là không khuyến khích việc cờ bạc. Còn thế nào là
chi sai tôn chỉ? Cách đây không lâu, một thiện nguyện viên hay hăm hở kêu gọi
đồng hương gởi tiền, qua BPSOS, để giúp đỡ những ai cầu cứu. Khi làm thế, người
này vô hình chung thiên vị những ai biết cách cầu cứu, mà không qua một thể
thức duyệt xét hồ sơ với tiêu chuẩn công minh. Chúng tôi đã quyết định không
nhận các đóng góp theo kiểu gây quỹ tuỳ tiện ấy vì nó vi phạm tôn chỉ của tổ
chức.
Sự vận hành minh bạch trong nội bộ rất cần
nhưng không đủ. Luật pháp còn đòi hỏi sự kiểm tra từ ngoài bởi tổ chức kiểm
toán chuyên nghiệp và độc lập. Mọi hồ sơ và sổ sách đều phải bạch hoá
cho tổ chức kiểm toán chuyên nghiệp và độc lập này. Tính khả truy trong sổ
sách cho phép họ không những phát hiện bất kỳ sự thất thoát nào, dù
chỉ một xu, mà còn truy ra được những yếu kém trong cơ chế kiểm soát
nội bộ của tổ chức. Vì chuyên nghiệp, họ tuyệt đối tôn trọng các thông
tin cá nhân trong hồ sơ được bạch hoá. Họ gởi kết quả kiểm tra cho Sở Thuế
Liên Bang; đây là bản báo cáo tóm tắt không lộ thông tin cá nhân, được
phổ biến công khai để mọi người có thể truy cập; còn hồ sơ kiểm tra chi
tiết thì được tổ chức chuyên nghiệp lưu hồ sơ bảo mật.
Tổ chức phi lợi nhuận nào nhận cấp
khoản Liên Bang từ $500,000 một năm trở lên thì hàng năm lại còn phải qua
cuộc kiểm tra theo tiêu chuẩn khắt khe của Thông Tư Chính Phủ A133; chỉ
một số tổ chức kiểm toán có kinh nghiệm chuyên biệt mới thực hiện được
cuộc kiểm tra này; kết quả kiểm tra được nộp cho Phòng Quản Trị và Ngân
Sách (Office of Management and Budget) của chính phủ liên bang.
Ngoài ra, một số cơ quan chính quyền
và tổ chức tư nhân còn có bộ phận kiểm toán “trong nhà” của riêng họ để
kiểm tra các khoản tài trợ do họ ban cấp. Kết quả kiểm tra được dùng để
cải tiến quy trình quản lý tài chính cho chính họ và cho tổ chức nhận
cấp khoản được ăn khớp và chặt chẽ thêm.
Hội đủ tất cả yếu tố kể trên bảo
đảm tính minh bạch ở cấp cao nhất. BPSOS hoạt động ở cấp cao nhất này
mà có lẽ ít tổ chức nào của người Việt đạt được.
Minh bạch theo hệ thống
Luật pháp Hoa Kỳ đề ra những nguyên
tắc và thủ tục, tích luỹ qua kinh nghiệm của hàng trăm năm hoạt động xã
hội dân sự, để bảo đảm tính minh bạch và tránh thất thoát tài sản
của xã hội. Cơ quan chính quyền hay tổ chức tư nhân cấp ngân khoản cũng
bị ràng buộc bởi những nguyên tắc này chứ không thể tuỳ tiện xuất
quỹ. Họ cũng phải qua các cuộc kiểm tra hàng năm. Với sự kiểm tra
ngang dọc và ràng buộc với nhau, sự thất thoát hay lạm dùng rất khó
xảy ra và nếu có xảy ra thì hầu như sẽ bị phát hiện. Đó là tính
minh bạch có hệ thống và phổ cập toàn xã hội.
Do đó, khi ai đó cáo buộc một tổ
chức phi lợi nhuận thiếu minh bạch mà tổ chức ấy vẫn tiếp tục nhận cấp
khoản từ các cơ quan chính quyền hay tổ chức tư nhân thì chúng ta biết ngay
rằng lời cáo buộc ấy là không cơ sở, mang tính cách vu vạ. Sự vu vạ ấy
không chỉ nhắm vào một tổ chức mà còn ám chỉ rằng cả hệ thống luật pháp và
hành chánh Hoa Kỳ là mập mờ và bị nhũng loạn. Nó thể hiện sự
thiếu hiểu biết hay thái độ bất chấp lý lẽ.
Không phải tất cả các tổ chức phi lợi nhuận
đều nằm trong hệ thống minh bạch kể trên. Đạt trình độ minh bạch ở cấp cao
nhất là điều nhiêu khê về thủ tục và tốn kém về tiền bạc -- tổ chức
phải có hẳn bộ phận quản trị tài chánh chuyên nghiệp và riêng biệt,
và hàng năm phải chi trả cho việc kiểm tra độc lập từ vài chục đến vài
trăm nghìn Mỹ kim. Các tổ chức nhỏ khó theo đuổi những tiêu chuẩn
này, nên đành hoạt động ở mức minh bạch thấp hơn. Để bù đắp cho sự khiếm
khuyết ấy, chính quyền và một số tổ chức tư nhân thường có chương trình
huấn luyện cho những tổ chức phi lợi nhuận nhỏ nhằm giảm thiểu các
rủi ro sai sót. Trong 25 năm qua BPSOS đã nhiều lần thực hiện các buổi
huấn luyện như vậy cho những tổ chức phi lợi nhuận của người Việt và
các tổ chức gốc Á Châu ở nhiều thành phố Hoa Kỳ.
Bạch hoá không là minh bạch
Nhiều người lẫn lộn “minh bạch” với
“bạch hoá ra công chúng”, nghĩa là kê khai mọi thông tin cho tất cả mọi
người đều biết. Trong cộng đồng chúng ta có một số tổ chức thường kê
khai các khoản tiền trợ giúp gởi cho đối tượng phục vụ (như tù nhân lương
tâm, nhà đấu tranh dân chủ, dân oan, v.v.). Có lẽ đó là do hiểu lầm rằng
bạch hoá ra công chúng có nghĩa là minh bạch. Thực ra không phải vậy. Bạch hoá
ra công chúng hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về minh
bạch, gồm có:
1. Tính khả truy và hệ thống kiểm soát nội
bộ
2. Sự kiểm tra bởi một tổ chức kiểm toán
chuyên nghiệp và độc lập
Trong khi đó bạch hoá có
thể dẫn đến các vi phạm về:
1. Quyền riêng tư: Không ai có quyền tiết
lộ thông tin cá nhân của người khác như mức lương, các khoản thu nhập, ngày
sinh tháng đẻ, số an sinh xã hội, các khoản chi tiêu hay đóng góp, nơi
chốn sinh sống hay đi công tác, những ai liên lạc hay gặp gỡ, v.v. Quyền riêng
tư là một quyền con người được ấn định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà
ở Hoa Kỳ nếu vi phạm thì có nghĩa là vi luật.
2. An toàn cá nhân: Trong nhiều trường
hợp, bạch hoá thông tin còn vi phạm nguyên tắc bảo mật cho những
người có thể bị nguy hiểm. Khi ấy, bạch hoá là thái độ tắc trách, xem
thường an nguy và tính mạng của người khác.
3. Đạo lý khi giúp người: Chúng ta không
muốn người được giúp phải mang trên ngực tấm bảng thọ ơn trước công
chúng, và chúng ta cũng không muốn họ trở thành mục tiêu của sự đố kỵ.
Do đó, công bố tên tuổi của người nhận sự trợ giúp là điều không nên, trừ khi
do chính đương sự yêu cầu. Đây là một nguyên tắc về đạo lý ứng xử.
Đó là lý do chúng tôi không bao giờ nêu
tên những ai được trợ giúp tài chính vì làm vậy có thể tăng yếu tố nguy
hiểm cho họ, và dù không nguy hiểm thì cũng có thể mời chào sự đố
kỵ, hay tạo cảm giác thọ ơn, và quan trọng hơn cả là vi phạm quyền riêng tư
của họ.
Hãy tăng hiểu biết cho nhau
Vì không hiểu rõ nguyên tắc minh bạch,
đã có người dai dẳng đòi hỏi chúng tôi phải bạch hoá sổ sách, bao
gồm những thông tin riêng tư của người khác và thậm chí cả những
thông tin có thể gây nguy hại cho nhiều người trong cuộc. Nghĩa là người
này tự cho mình phận sự và vai trò kiểm tra thay quyền cho tổ chức kiểm toán
chuyên nghiệp và độc lập được công nhận bởi luật pháp Hoa Kỳ. Khi chúng tôi
không đáp ứng, người ấy đã đưa đòi hỏi vô lý và vô lối của mình vào một
số diễn đàn, và có đôi ba người cho đó là hay, là đúng nên phụ hoạ
theo. Không gì đáng buồn hơn cho dân tộc, khi có những con dân may mắn được
sống ngay giữa nền dân chủ đến cả mấy mươi năm mà vẫn không hấp thụ được những
nguyên tắc vận hành căn bản nhất của nó. Lẽ ra, họ nên để tâm học hỏi những
điều hay lẽ phải làm vốn liếng tri thức cho mình, rồi mách bảo cho người khác
hiểu thế nào là dân chủ, thế nào là xã hội dân sự, thế nào là minh bạch.
Bài này giúp đồng hương
hiểu rõ hơn thế nào là minh bạch để không bị nhiễu loạn thông tin và niềm tin
do sự tắc trách của một số cá nhân hiểu ít nhưng nói nhiều. Tôi cũng mong rằng
những nhóm, những tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự ở ngoài
và ở trong nước biết, hiểu và ứng dụng những nguyên tắc căn bản để vừa bảo đảm
tính minh bạch vừa tránh vi phạm nhân quyền, nhân phẩm và sự an nguy của người
khác.
Tôi mong rằng những ai
cùng quan niệm rằng mỗi cá nhân sáng suốt chính là căn bản cho cộng đồng phát
triển và xã hội thăng tiến thì xin tiếp tay phổ biến bài viết này và những bài
viết tương tự. Xin chân thành tri ân.
Trong một bài sau, tôi sẽ giải thích về việc xin và nhận cấp khoản, một
đề tài mà đa phần trong cộng đồng người Việt hãy còn mù mờ nên dễ hiểu sai
lệch. Sự hiểu sai lệch ấy đã và đang tạo nhiều thiệt thòi cho cộng đồng chúng
ta để rồi thua kém cả các cộng đồng nhỏ bé như Miên, Lào trên xứ Mỹ.