Việt Nam Thời Báo.
Đời sống và pháp luật
(ĐSPL) - Những ngày này các tỉnh ở Tây Nguyên đang đối mặt với
"cơn khát" đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô.
Nông dân ăn ngủ không yên với hạn hán
Trao đổi với VnExpress, anh Phùng Văn Thanh (xã Ia Đreng, huyện
Chư Pứh, Gia Lai) cho biết, mấy tháng nay vườn cà phê của gia đình không có
nước tưới dù bỏ ra gần 100 triệu đồng khoét sâu, đào thêm 3 cái giếng.
Còn anh Lê Văn Phương ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh)
cho hay những người trồng tiêu ở khu vực cũng gặp cảnh khốn đốn vì thiếu nước.
Cây tiêu có giá trị cao nên người dân vẫn ra sức cứu, riêng cây cà phê bị chặt
bỏ gần hết. Nhà nào may mắn thì mỗi ngày có nước tưới từ một đến hai giờ, còn
đa số rơi vào tình trạng "sắp nhổ trụ tiêu đi bán".
Anh Phương thở dài chia sẻ: "Không có nước tưới thì chỉ có
chết thôi. Từ đầu mùa đến giờ tôi ăn ngủ không yên”.
|
Tình trạng khô hạn tại các
tỉnh Tây Nguyên đang ở mức đỉnh điểm khiến người dân lo lắng. (Ảnh:
VnExpress)
|
Thống kê của tỉnh Gia Lai cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn
nước đang diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25.000 ha lúa, 21.000 ha cây công
nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm
trước). Ước tính thiệt hại trên 151 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh
có gần 15.000 hộ với hơn 64.000 nhân khẩu thiếu đói.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho
thấy, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung
tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với năm 2015.
Tại Đăk Lăk có 115 hồ cạn nước, dự kiến đến cuối tháng 3 tăng
lên 250 hồ. Tỉnh Đăk Nông 17 hồ cạn đáy, dự kiến tăng lên hơn 40 hồ, Kon Tum có
5 hồ. Đặc biệt, các hồ chứa ở Gia Lai chỉ đạt 10-50%.
Ông Trần Việt Hùng – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây
Nguyên - cho rằng, Tây Nguyên không còn nước dồi dào, hiện tượng tụt mạch nước
ngầm xảy ra nghiêm trọng.
Hạn hán còn phức tạp và kéo dài
Thanh Niên đưa tin, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu
vực Tây Nguyên, đến tháng 4 hạn vẫn diễn ra trên diện rộng và diễn biến phức
tạp. Lượng nước trên các ao hồ, công trình thủy lợi rơi vào tình trạng cạn kiệt
và sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Đến thời điểm này, con số thiệt
hại do hạn ở các tỉnh Tây Nguyên đều ở mức trên 100 tỷ đồng.
Nhận định tình hình hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Tây
Nguyên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đến cuối tháng 3.2016, nếu
không có mưa, toàn Tây nguyên sẽ có hơn 167.000 ha cây trồng bị thiếu nước
tưới, trong đó có hơn 14.600 ha lúa và hơn 152.000 ha cà phê bị ảnh hưởng.
|
Đồng ruộng nứt toác do hạn
hán. (Ảnh: VnEpress)
|
Hiện đã có hơn 28.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng,
thiếu mưa kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cháy rừng cấp 4, cấp 5 - cấp nguy hiểm
và đặc biệt nguy hiểm. Chính phủ và các bộ ngành T.Ư đã hỗ trợ kịp thời cho các
địa phương thuộc khu vực Tây nguyên hơn 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả hạn hán.
Ông Cao Đức Phát cũng đề nghị các bộ, ngành T.Ư cần có những
giải pháp cụ thể để giúp Tây nguyên phòng chống hạn hiệu quả. Trong đó đề nghị
Chính phủ hỗ trợ 3.650 tấn gạo cho hơn 200.000 nhân khẩu thiếu đói giáp hạt,
xem xét tiếp tục hỗ trợ các địa phương 658 tỉ đồng để chống hạn.
Cứu đói, khát là nhiệm vụ đặc biệt
Trước đó, tại buổi làm việc với các bộ, ngành và lãnh đạo các
tỉnh Tây nguyên về công tác phòng chống hạn trên địa bàn, Phó thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Không để dân đói, dân
khát, dân bị bệnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, cần tập trung chăm sóc những cây có thể
cứu được, đặc biệt là cây công nghiệp vì đây là loại cây cần vài năm mới khôi
phục được. Chủ động mọi biện pháp để phòng chống hạn lâu dài, chắc chắn.
Phó thủ tướng chỉ đạo, các địa phương cần phải xuất ngân sách hỗ
trợ cho dân kịp thời. Các ngân hàng có chính sách để giúp dân”.
Phó Thủ tướng cũng đồng thời nhất trí cho ứng trước 2.000 tấn
gạo để 4 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum cứu đói cho người dân bị
ảnh hưởng do hạn hán, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đức An (Tổng hợp)