Thông tư mới thêm quyền cho công an
Thanh
Trúc, phóng viên RFA
2016-03-23
Bộ Công An Việt Nam vừa ban hành thông tư với qui định công
an có quyền bắt giữ ngay nếu không thể thuyết phục những người tụ tập tham dự
các phiên xử tại tòa. Thông tư được đưa ra ngay trước khi diễn ra phiên xử
blogger nổi tiếng Anh Ba Sàm và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy.
Những
người ủng hộ blogger Nguyễn Hữu Vinh đứng trước Tòa án Hà Nội ngày 23 tháng 3
năm 2016.
AFP
photo
Thanh
Trúc tìm hiểu và ghi nhận ý kiến những người thường tham gia biểu tình hoặc
tham dự những phiên xử đáng lưu ý về thông tư sẽ có hiệu lực ngày 24
tháng Tư tới đây:
Đây
là thông tư số 13/2016 của Bộ Công An, qui định thực hiện bảo vệ phiên tòa của
lực lượng công an nhân dân, thay thế qui định bảo vệ phiên tòa ban hành hồi
tháng Bảy 2006.
Theo
thông tư này, công an có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ người tham gia phiên
tòa theo giấy triệu tập hay giấy mời của tòa án, mỗi phiên xử phải có ít nhất 2
công an, phải đến trước khi tòa mở phiên xử 30 phút.
Đặc
biệt đối với các vụ án được nói có tính cách nghiêm trọng và phức tạp về mặt an
ninh trật tự, thông tư 13/2016 nói rõ, thì một ban chỉ đạo sẽ được thành lập để
bảo vệ phiên tòa đó.
Công
an làm nhiệm vụ trong phòng xử phải giám sát mọi hành vi của bị cáo, nhân
chứng, người có quyền lợi liên quan, phải nhắc nhở khuyến cáo để không xảy ra
chuyện đe dọa tấn công Hội Đồng Xét Xử, chuyện hủy hoại, cướp hồ sơ, tài liệu,
vật chứng, gây mất an ninh trật tự trong phòng xử.
Bên
cạnh đó, người giữ trách nhiệm có thể buộc người vi phạm rời phòng xử hoặc bắt giữ
người đó theo quyết định của vị chủ tọa phiên tòa.
Trong
những tình huống tụ tập đông người và gây rối trật tự tại khu vực xét xử thì
người công an làm nhiệm vụ bảo vệ phải tuyên truyền, yêu cầu mọi người giải
tán. Nếu thuyết phục người gây rối và gây cản trở phiên tòa không xong thì công
an được quyền bắt giữ người chống đối, chủ mưu, cầm đầu khi cần thiết.
Dưới
mắt nhiều người trong nước, những chi tiết được nêu ra trong thông tư mới này
không có gì mới bởi trước giờ công an vẫn thường ra lệnh, đánh đập và bắt người
mỗi khi có những phiên tòa lôi kéo sự chú ý của dư luận.
Ông
cựu đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông góp ý:
Việt
Nam hiện đang thực hiện Hiến Pháp 2013 là quyền công dân và quyền con người
được tôn trọng, do đó vấn đề nếu như người dân đến đông mà ổn định và thực hiện
đúng qui định pháp luật, không có hành vi quá khích, gây rối thì không có vấn
đề gì cả, cũng không có cơ sở để ngăn chặn.
Nhưng
mà đến đó để la lối, chửi bới, lăng mạ hoặc là xô đẩy ...là vượt quá mức cho
phép và làm ảnh hưởng đến những người thi hành công vụ thì các cơ quan chức
năng phải thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự của phiên tòa, đặc biệt phải giữ
nghiêm pháp luật để tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn. Nếu thấy
dân không thực hiện theo ý mình mà dùng biện pháp vũ lực, trấn áp, gây thương
tích cho dân thì tôi nghĩ đây là một sự vi phạm. Tôi chỉ nêu quan điểm của mình
về vấn đề đó thôi.
Thông
tư 13/2016 của Bộ Công An được ban hành ngày 22, trước phiên xử blogger Anh Ba
Sam và người cộng sự Minh Thúy về tội mà truyền thông trong nước gọi là ‘bôi
xấu Nhà nước’. Không đợi tới ngày 24 tháng Tư mà ngay trong ngày 23 tháng Ba
tức ngày xảy ra phiên xử blogger Anh Ba Sam thì hai người tự ra ứng cử là tiến
sĩ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi Nguyễn Đình Hà đã bị công
an bát về đồn thẩm vấn mấy tiếng đồng hồ.
Dưới
mắt blogger Nguyễn Lân Thắng, Thông Tư 13/2016 của Bộ Công An về qui định bảo
vệ phiên xử của công an không làm ai ngạc nhiên mà chỉ cho người ta cái cảm
giác là:
Cái
chế độ công an trị nó ngày càng mạnh mẽ hơn, cho nên chuyện có một thông
tư, một qui luật như vậy thì không có gì ngạc nhiên cả.
Từ
Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, cũng là một người hoạt động dân chủ lâu
nay, nhận định khái niệm gây rối làm mất trật tự trong thông tư mới đây của Bộ
Công An mang tính chất mơ hồ, qui chụp:
Những
ai đến dự những phiên tòa lẽ bình thường được mở một cách công khai, nhưng từ
trước đến nay những phiên tòa mang tính chất nhậy cảm về chính trị, về dân oan,
về công bằng xã hội thì đều bị công an, dân phòng, cảnh sát tư pháp cản trở.
Những ai không chấp hành những chỉ thị độc đoàn thì đều bị qui kết vào tội
gây rối, cái cách hiểu là như thế.
Ví
dụ những vụ xử như ông Điều Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải rồi Đoàn Văn Vươn
trước đây và mới đây nhất là vụ hôm nay xử Ba Sam Nguyễn Hữu Vinh thì đều có
lực lượng công an đến ngăn cản không cho vào dự thính. Họ đã ngang nhiên bắt
tiến sĩ Nguyễn Quang A rồi một thanh niên trẻ, cũng là một người tự
ứng cử là Nguyễn Đình Hà, đưa về đồn công an tới ba bốn tiếng đồng
hồ.
Theo
ông Nguyễn Khắc Toàn, Thông Tư 13/2016 dù nói là thay thế qui định bảo vệ
phiên tòa từ tháng Bảy 2006 thì cũng không thể giải quyết cốt lõi của sự
việc tụ tập đông người dẫn tới hành vi gây rối trật tự theo cái nhìn của Bộ
Công An:
Những
phiên tòa trong nước mấy năm qua thì đã có hiện tượng người dân và những
người liên quan đến vụ án kéo nhau rất đông đến dự, mong nền tư pháp có một
cách tuyên án có một cách xử độc lập, tuân theo luật pháp. Nhưng trên thực tế
nền tư pháp và bộ máy công quyền đều có vấn đề phán xử bất công thì người
dân đã phản kháng và đa có những vụ xung đột, đánh đập, tấn công
luôn cả Hội Đồng Xét Xử. Chuyện đó đã xảy ra rất nhiều ở khu vực miền
Nam, miền Trung và kể cả miền Bắc trong mấy năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do
sự thối nát của bộ máy tư pháp. Họ đau đầu với những sự kiện này cho nên
họ phải bày đặt ra một thông tư mới nhằm hợp pháp hóa việc trấn áp của nhà cầm
quyền đối với làn sóng đấu tranh đòi công lý của người dân ở trong nước.
Bà
Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, đã cùng một số dân oan khác kéo đến phiên tòa
xử blogger Anh Ba Sam ngày 23 vừa qua, nói rằng công an không chỉ bắt tiến sĩ Nguyễn
Quang A và anh Nguyễn Đình Hà mà trước đó đã chận bắt 3 dân oan khác đang trên
đường đến tòa dự phiên xử là bà Trần Thị Hài ở Bình Dương, bà Hồ Thị Nhiên ở
Nghệ An, bà Trần Thị Hoàn ở Tiền Giang:
Họ
đưa rất nhiều xe và họ trấn áp yêu cầu chúng tôi phải giải tán. Khi phiên xử kết thúc thì chúng
tôi di chuyển sang Bộ Công An và biểu tình đòi người tại Thanh Tra Bộ Công An.
Nhưng lúc đấy thì cũng muộn rồi, họ đóng cửa họ nói rằng có yêu cầu gì thì báo
cáo lãnh đạo. Chúng tôi đợi mất một tiếng mà đến giờ này họ vẫn chưa được trả
tự do.
Vừa
rồi là những ý kiến xoay quanh nội dung Thông Tư 13/2016 về quyền của công an
trong việc bắt giữ người bị cho tụ tập gây rối tại các phiên xét xử, đặc biệt
các vụ án nghiêm trọng và nhạy cảm.