Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

1107. 'Tôm - lúa' và thiên tai xâm nhập mặn ở VN.

13/03/16. BBC.

Một số giống lúa chịu mặn do Đại học Cần Thơ của Việt Nam đang nghiên cứu đã “phát huy hiệu quả rất tốt” trong lúc Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền nam nước này đang đối diện với nạn xâm nhập mặn.


Image copyrightAFP
Image captionThiên tai ngập mặn đang tác động nghiêm trọng đến các tỉnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 13/3/2016, một chuyên gia nghiên cứu lúa ngập mặn trong 5 năm qua, từ Bộ môn Di truyền Giống Nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ, cho hay:
“Nào giờ Cần Thơ không có nước mặn, giờ mặn 1/1000. Từ đây đến tháng Năm, Sáu chắc mặn còn lên nữa. Giống lúa chịu mặn khá phù hợp với mô hình tôm – lúa,” PGS. TS. Võ Công Thành nói.
Chuyên gia theo đuổi nghiên cứu mô hình tôm – lúa trước biến đổi khí hậu giải thích thêm:
“Với hệ thống tôm – lúa, nông dân nuôi tôm sẽ trúng mùa, cải thiện đời sống. Người ta trồng lúa và phải là lúa chịu mặn trong điều kiện nuôi tôm. Sau khi thu hoạch thôm thì trống lúa, gốc rạ rã ra, giết vi sinh vật, và giúp vụ tôm sau trúng và ổn định.

"Trước đây nông dân nuôi tôm, không trồng lúa đều thất bại hết, chỉ ăn dược 1-2 năm là sau đó thất bại. Từ khi có trồng lúa trong mô hình nuôi tôm thì năng suất tôm và lúa rất ổn định.”
Được biết, Đại học Cần Thơ và nhóm nghiên cứu đã tạo ra hai giống lúa chịu mặn có tên gọi là 'Một Bụi Đỏ' và 'Nàng Quớt Biển' và huyện Hồng Dân tại tỉnh Bạc Liêu là một trong những nơi đầu tiên sử dụng giống lúa này vào điều kiện đất nhiễm mặn và phèn.
“Giống Một Bụi Đỏ chất lượng rất thấp vì cứng cơm, chịu mặn khoảng 6/1000. Tụi tôi cải tiến nó lại thành Một Bụi Đỏ cải tiến, khả năng chịu mặn nâng lên 8%. Giống Nàng Quớt Biển là giống chịu mặn và phèn rất giỏi. Hiện nay chúng tôi đang làm giống này," PGS. TS. Võ Công Thành nói.

Kẻ thù nước mặn


Image copyrightAFP
Image captionTôm - lúa có phải là mô hình tương lai cho khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu này?
Đối phó với xâm ngập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung gần đây đang nằm ở tâm điểm quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học và giới chức quản lý ở các địa phương bị ảnh hưởng của Việt Nam.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và khuyến nông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong một bài viết trên truyền thông Việt Nam, nêu quan điểm:
“Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa thiên nhiên.
"Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.”
PGS. TS. Võ Công Thành cho hay các nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ đang phát triển các giống lúa chịu mặn này “theo hướng xuất khẩu chứ không phải kiếm cơm”.
Ông nói: “Khi nuôi tôm trong lúa thì cấm tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, nên lúa sạch. Đây cũng là một cách để phát huy gạo sạch. Rầy nâu là đối tượng dịch hại chính, chúng tôi chọn giống kháng rầy nâu. Đã kháng sẵn nên nông dân không việc gì phải xịt thuốc trừ sâu. Gạo sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu.”

Không lạc quan

Hiện nay các tỉnh gần biển ở Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đã có nhiều nơi trồng lúa – tôm xen kẽ vì nguy cơ nước nhiễm mặn, phèn.
Tuy nhiên chuyên gia nông nghiệp cũng không tỏ ra lạc quan với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng hiện nay tại một số tỉnh mà “chưa tạo ra được giống nào theo kịp độ mặn như hiện nay trong mùa khô”.
“Nếu đúng mùa mưa xuống giống, mặn đã bớt thì Bến Tre hay Tiền Giang đều làm được cả,” ông Võ Công Thành nói.
Trước đó, nhiều giải pháp chống xâm nhập mặn cho khu vực đã được thảo luận và áp dụng, bao gồm cả phương pháp ngọt hóa.
Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một bức thư gửi truyền thông Việt Nam nhận xét: “tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa”.

Image captionCác con đập thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc cũng góp phần chặn dòng chảy lại

Còn một quan chức ở Thành phố Cần Thơ nhận định:
“Ngọt hóa vùng sinh thái nước mặn để làm kinh tế thì chúng ta đã phá hoại môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế không bền vững,” ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ, nói với BBC.
Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long được Văn phòng Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ đánh giá “ngày càng xấu hơn”.
Ông Kỷ Quang Vinh mô tả tình hình:
“Năm 2004 cũng là năm hạn, mặn còn cách Bến Ninh Kiều khoảng 15km nhưng đến 2010 thì đến Cái Cui, tức là cách Ninh Kiều 8km và độ mặn đo được là 1/1000, nhưng đến năm nay, mặn tại Cái Cui đo được đã là 2/1000.”

Được biết, Chính phủ Việt Nam mới đây đã gửi công hàm cho Trung Quốc, đề nghị quốc gia láng giềng này tăng xả nước ở các hồ chứa thủy điện với dung lượng khoảng 43 tỷ m3 để giúp đỡ Việt Nam giảm bớt thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu.