Trang

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

1126. BTĐTG VN: QUY TẮC HÀNH XỬ.

Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam.
QUY TẮC HÀNH XỬ.
A/- Lời thưa trước.
Bàn tròn đa tôn giáo (BTĐTG) là một sinh hoạt đã diễn ra trên nhiều quốc gia có dân chủ, tự do. Nó là cầu nối cho nhiều thành phần trong xã hội được ngồi lại với nhau để hội luận về việc phát huy quyền tự do tôn giáo. Đó bước tiến của nhân loại trên đường giúp người dân xây dựng xã hội dân chủ, tự do thật sự trong hòa bình.

BTĐTG tại Việt Nam đang thành hình. Chúng tôi tham khảo, ghi nhận ý kiến đóng góp từ các hiền nhân quân tử hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo tại quốc nội và hải ngoại rồi tổng hợp lại thành quy tắc hành xử BTĐTG cho Việt Nam.
Tại sao BTĐTG là cần thiết cho Việt Nam?
Tại Việt Nam hiện nay người dân không được hưởng dụng nhân quyền và tự do tôn giáo xứng đáng với nhân phẩm so với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948. Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ phải thực thi. Nên BTĐTG là một phương tiện giúp cho người dân ý thức và góp phần thực hiện những quyền mình vốn có và không ai có quyền tước đoạt.
Thứ đến sự phát triển của khoa học kỷ thuật đã đưa nhân loại bước vào thời kỳ toàn cầu hóa. Sự chung đụng giữa các sắc dân, các nền văn hóa đã đưa đến những bất đồng với nhau ngoài ý muốn. Thực dân văn hóa đang diễn ra với nhiều hình thức. Đồng thời các cuộc chiến tranh về kinh tế, về tôn giáo đang diễn ra rất đa dạng và quyết liệt. Các loại vủ khí nguyên tử, vủ khí hóa học đang ngày đêm đe dọa sự tồn vong của địa cầu.
Muốn người dân Việt Nam được hưởng dụng quyền tự do tôn giáo và tránh hiểm họa trên đây chỉ có một phương pháp: Làm cho dân chúng (là thành phần đông đảo nhất) tại mỗi quốc gia đều mạnh lên để chính người dân tham gia vào việc quyết định chính sách quốc gia, tham gia kiểm soát chính quyền nơi mình đang sống. Muốn  dân mạnh lên phải có cách thức đưa sự hiểu biết cần thiết, chính xác và đúng đắn đến với dân. Đó là lộ trình để chính người dân xây dựng dân chủ thực sự, tự do thực sự bằng phương pháp hòa bình. Có dân chủ, có tự do thật sự thì nền hòa bình bền vững sẽ đến với từng quốc gia và nhân loại.
Con đường làm cho dân mạnh để dân tự lập quyền cho mình đã hiển hiện rất rõ ràng, và thực tế là nhân loại đã bước đi. Hành trình còn xa và đầy thử thách do vậy nên rất cần những người thiện nguyện góp phần. 
Kính mong quí hiền xem xét, góp ý kiến (qua email hay skype), tham gia thảo luận để hoàn thành được quy tắc hành xử BTĐTG thì thật là may mắn cho dân tộc. Sau nữa góp phần khiêm tốn vào công cuộc chung của nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
B/- Quy tắc.
I/- Mục đích:
Bàn tròn đa tôn giáo (BTĐTG) là,
1.   Nơi hội ngộ của những người cùng mục đích phát huy tự do tôn giáo.
2.   Nơi chia sẻ những thông tin bổ ích, thiết thực cho mục đích nêu trên.
3.   Diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến Tôn giáo.

II/- Tham dự viên (TDV).
1.   TDV BTĐTG có thể là cá nhân (có tôn giáo hay không theo tôn giáo “người lương”), một nhóm, một tổ chức hay một tôn giáo.
2.   BTĐTG khuyến khích các TDV cùng một nhóm, một tổ chức hay một tôn giáo có sự hội ý nhau đề cử một đại diện (TDV) trình bày cho một chủ đề trong phiên họp.
3.   Tất cả TDV đều bình quyền như nhau. TDV có quyền đưa ra đề tài, thảo luận, và thời lượng phát biểu ngang nhau tại buổi họp.
4.   Mọi phát biểu phải ôn hòa, phù hợp mục đích chung của BTĐTG; tôn trọng TDV khác và TKĐ.  TDV vi phạm khoản nầy, sẽ được TKĐ nhắc nhỡ ba lần (1). Khi đã nhắc đủ ba lần là TDV đã tự đánh mất quyền tham gia BTĐTG. TKĐ mời TDV đó rời khỏi BTĐTG.
5.   TDV phải tuyệt đối tôn trọng thông tin cá nhân của nhau khi tham dự BTĐTG. Không được phổ biến hoặc trích dẫn lời phát biểu trong BTĐTG nếu chưa được phép của đương sự. Nếu TDV đó đồng ý thì phải có một tin nhắn qua điện thoại hay có email chấp thuận (đồng ý miệng không có giá trị). Cả hai qui định nầy cần được tôn trọng tuyệt đối. TDV nào vi phạm một trong hai khoản nầy (có đầy đủ chứng cứ từ TDV bị vi phạm cung cấp hay TDV khác phát hiện) là đã tự làm mất quyền tham gia vào BTĐTG của chính TDV đó. (2).
6.   TDV ban đầu là cá nhân, nhóm hay tổ chức tham gia phiên họp thông qua Quy tắc hành xử hay phiên họp đầu tiên của BTĐTG. Những vị sau đó muốn tham gia vào BTĐTG phải được 02 (hai) TDV hiện hành giới thiệu. TDV giới thiệu có trách nhiệm giải thích các quy tắc và bảo đảm rằng TDV được giới thiệu hiểu rõ và tuân thủ các quy tắc này.
7.   BTĐTG không chấp nhận TDV là Đảng chính trị hay thành viên Đảng chính trị.

III/- Sinh hoạt BTĐTG.
1.   TDV dùng BTĐTG để cập nhật thông tin, chia sẻ, nối kết với các TDV khác, khởi xướng một văn thư hay công việc phù hợp với mục đích BTĐTG và kêu gọi sự ủng hộ của các TDV khác; hưởng ứng hay không là quyết định riêng của mỗi TDV. BTĐTG không được nhân danh TDV cũng như TDV không được nhân danh BTĐTG.
2.   BTĐTG có thể mời TDV có chuyên môn trình bày một vấn đề nào đó (trong 30 phút) hay mời các luật sư/luật gia về nhân quyền, các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo, các tổ chức hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo… đến trình bày tại BTĐTG (không quá 120 phút). Các trình bày phải phù hợp với mục đích BTĐTG.
3.   BTĐTG không lên tiếng hay ký văn thư trên danh nghĩa “bàn tròn”, nhưng TDV có thể khởi xướng một văn thư để các TDV khác tùy nghi ký tên hay không ký tên, trên danh nghĩa của chính họ.
4.   Các văn thư (khởi xướng từ BTĐTG trên đây) không mang danh nghĩa BTĐTG, cho nên những người và tổ chức không tham dự BTĐTG vẫn có thể ký tên miễn không là đảng chính trị hay thành viên đảng chính trị.
5.   BTĐTG họp định kỳ mỗi tháng một lần qua gotomeeting (online). Khi có sự việc khẩn cấp có thể họp bất thường thêm một lần trong tháng.
6.   Họp bất thường có thể do Thư ký đoàn quyết định hay khi có ¼ (một phần tư) số TDV yêu cầu (qua email hay Skype).
7.   Sáu tháng sẽ có họp mặt (offline) một lần. Ngày giờ và địa điểm do TKĐ quyết định sau khi tham khảo kín với ¼ (một phần tư) TDV.

IV/- Thư ký đoàn (TKĐ).
1.   Về nguyên tắc BTĐTG không phải là một tổ chức. Nên TKĐ không có quyền nào khác ngoài trách nhiệm chính yếu là thi hành quy tắc hành xử BTĐTG được thông qua.
2.   TKĐ có trách nhiệm cập nhật số TDV, thông báo các buổi họp, phụ trách kỹ thuật khi họp, ghi biên bản... điều phối phiên họp theo quy tắc hành xử.
3.   TKĐ tiếp nhận ý kiến các thành viên và đưa ra nghị trình cho phiên họp được trôi chảy. Cập nhật các việc đã làm, gởi ý kiến đến TDV. Chuyển thông tin chung trong phiên họp đến các TDV theo đúng quy tắc hành xử.
4.   TKĐ không được công bố tên (hay thông tin cá nhân) của các TDV ra ngoài BTĐTG. TKĐ cũng không được chuyển thông tin cá nhân của TDV nầy cho TDV khác (ngoại trừ trường hợp do chính TDV đó nhờ).
5.   Tcó thể phối hợp với TDV để khởi xướng thành lập tổ công tác cho một công việc nào đó. Thí dụ như là tổ công tác cho việc bênh vực nạn nhân của bất công; nghiên cứu nguyên nhân và cách giải quyết. Làm sao để đóng góp cho công bằng xã hội. Nghiên cứu về quyền tự do tôn giáo có những gì và trình bày thế nào cho phù hợp với các công ước quốc tế. Hay lập tổ công tác để nghiên cứu một dự thảo luật. TKĐ phối hợp với TDV tham gia hội nghị toàn khu vực... các TDV có quyền tự chủ để hợp tác hay không hợp tác....
6.   TKĐ cũng như các TDV có thể giới thiệu BTĐTG với các BTĐTG khác trên thế giới, các Toà đại sứ, các giới chức LHQ... và vận động sự ủng hộ của họ nhằm bảo đảm an toàn cho các TDV.

V/- Bổ sung.
Các quy định trong quy tắc hành xử trên đây không được phép chỉnh sửa hay bỏ bớt. Các TDV có thể đề xuất thêm vào cho phù hợp với sự tiến bộ của xã hội. Nếu có quá bán số TDV hiện hành đề nghị bổ sung thì TKĐ sẽ thông báo và đem điều đó ra biểu quyết trong phiên họp định kỳ kế tiếp.
Nếu 2/3 số TDV dự họp đồng ý thì điều đó sẽ được bổ sung.

Việt Nam ngày 29/02/2016.


Nhóm khởi xướng.

Trần Văn Thường.
Trần Quốc Tiến.

CHÚ GIẢI:
(1)/- TKĐ đề nghị và các TDV có mặt trong phiên họp quyết định có đồng ý nhắc nhỡ hay không theo phép quá bán và công bố kết quả.
(2)/- Việc xác định các chứng cứ vi phạm phải khách quan, tôn trọng TDV và được tiến hành trong 02 trường hợp:
Thứ nhất: do TKĐ thông báo cho các TDV khác biết và đưa ra cho các TDV khác quyết định ngay trong phiên họp định kỳ kế tiếp.
Thứ hai: nếu có ¼ (một phần tư) số TDV hiện hành yêu cầu TKĐ đưa một TDV ra xác định chứng cứ vi phạm (bằng tin nhắn qua Skype hay email gởi đến TKĐ) thì TKĐ phải thực hiện yêu cầu nầy. TKĐ bắt đầu tiến hành các thủ tục như trường hợp thứ nhất.
Trong cả hai trường hợp trên đây các TDV trong phiên họp sẽ quyết định theo phép quá bán.
(Lưu ý rằng số quá bán tính trên đây là căn cứ vào số TDV tham gia phiên họp đó chứ không tính trên tổng số TDV).

Xin liên lạc qua email:
Liên lạc qua skype: tudosohai;    trantien409 hay johnthu1605.

(Qui tắc đã được các TDV thông qua trong phiên họp ngày 02/03/2016).