Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

1108. Văn bản pháp luật vi hiến, biểu hiện của sự lạm quyền

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-03-12

Cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn dân thường?

Gần đây, đã có nhiều chính sách và dự thảo luật bị chỉ trích là có xu hướng vi phạm hiến pháp, biểu hiện sự lạm quyền của bộ máy nhà nước. Hệ lụy của vấn đề này là gì và cần có giải pháp nào để chấm dứt?

Mới đây, Bộ Công An đã đưa ra dự thảo luật "Xử lý tai nạn giao thông", trong đó có các điều khoản không chỉ ưu tiên cho cán bộ cao cấp, mà còn ưu tiên cho cả phương tiện chuyên chở họ.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn dân thường, điều này không đúng tinh thần của Hiến pháp, là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã đặt câu hỏi: “Tại sao trong cùng một trường hợp, ví dụ như một cán bộ cao cấp lái xe ẩu, sử dụng chất kích thích gây tai nạn nghiêm trọng mà lại cho đi, trong khi một người lái xe không phải cán bộ cao cấp gây tai nạn như vậy thậm chí có thể bị khởi tố, bị tạm giữ?”
Tôi nghĩ rằng các quan chức nhà nước và chính quyền họ đã hiểu điều đó chứ không phải không. Song họ vẫn cố ý bỏ qua để bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của họ. 
-TS Nguyễn Quang A
Bình luận về phát biểu của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, từ Sài gòn NB. Nguyễn An Dân, nói với chúng tôi:
“Trong bất kể chủ thể xây dựng luật pháp nào cũng vậy, đều hướng tới việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người. Thành ra cái chuyện ưu tiên như vậy là không khả thi, vì cán bộ cao cấp ấy cũng là con người, mà đã là con người thì ai cũng có xu hướng tự bảo vệ mình. Cho nên việc họ lợi dụng pháp luật để tự bảo vệ mình là chuyện hết sức bình thường. Thành ra chuyện như thế đối chiếu với Hiến pháp, luật pháp và luật tục thì tôi nghĩ nó không ổn.”
Theo báo Tuổi trẻ, Luật sư Phạm Thanh Bình​ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, "Nếu thông tư của bộ mà có sự phân biệt giữa cán bộ cấp cao và dân thường sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, làm khó cho những người thi hành công vụ, tạo ra tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật ở cán bộ cấp cao và lái xe của họ".
Từ Hà nội, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS cho rằng, đó là biểu hiện của sự lạm quyền của nhà nước. Nhận định về bản chất của vấn đề, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng các quan chức nhà nước và chính quyền họ đã hiểu điều đó chứ không phải không. Song họ vẫn cố ý bỏ qua để bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của họ. Đây là một xu hướng tiếp tục thể chế hóa những cái ưu đãi, đặc quyền của những người lãnh đạo, điều này đã đi ngược lại những điều tốt đẹp mà họ vẫn thường rao giảng. Việc này cho thấy một nỗ lực không ngừng của nhà nước nhằm thể chế hóa những vấn đề bất công vốn đã từng tồn tại.”
Theo báo Dân trí, cách đây không lâu Bộ Công An cũng đã ban hành Thông tư 01/2016, cho phép lực lượng CSGT được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, thiết bị thông tin liên lạc của người điều khiển phương tiện, điều này đã gây nhiều tranh cãi.
Về lý do vì sao gần đây, việc dự thảo các bộ luật, văn bản pháp luật của Bộ Công An đã xảy ra tình trạng như vậy, NB. Nguyễn An Dân giải thích:

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm khai mạc 21/1 tại Hà Nội.
“Nhìn vào ĐH đảng 12 vừa qua thì chúng ta thấy lãnh đạo cao cấp xuát thân từ công an là chiếm đa số, cũng như các pháp biểu của giới trí thức, luật sư là những người am hiểu về luật pháp người ta nói rằng, xu hướng gần là xu hướng hành xử cảnh sát hóa chính quyền. Đây là một điều hoàn toàn không đúng. Chính quyền cảnh sát sẽ bảo vệ các quyền lợi của ngành cảnh sát, điều đó sẽ ảnh hưởng tới và nó sẽ gây tổ hại đến cái lợi ích dân sự chính đáng của người dân được pháp luật bảo vệ. Đó là các quyền dân sự và chính trị của người dân.”
Theo TS. Nguyễn Quang A, việc làm này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ra các hệ lụy không nhỏ và sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Ông cảnh báo:
“Điều này thì người dân đã thấy từ lâu và nó đã làm xói mòn tính chính đáng của bản thân chế độ. Những việc làm như thế sẽ làm cho chế độ hiện nay sẽ tan rã, chứ không phải là do các thế lực thù địch nào cả. Thế lực thù địch chính là bản thân họ.”

Cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh

Theo báo Pháp luật online, trong trường hợp các văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến thì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan giải quyết. Song theo quy định, cơ quan này không có thẩm quyền thụ lý khiếu nại của dân về các vấn để văn bản pháp luật.
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp để hỏi về việc này nhưng không nhận được trả lời.
Khi được hỏi, trong trường hợp người dân thấy một thông tư, nghị định có dấu hiệu trái luật hoặc vi hiến thì họ cần phải làm gì?
Muốn xóa bỏ tình trạng này trong cơ chế ở VN chưa có nhà nước pháp trị cũng như pháp quyền, thì cái quy trình làm luật và thông qua luật thuộc về Quốc hội thì phải trả về cho Quốc hội và những ĐBQH. 
-Nguyễn An Dân
TS. Nguyễn Quang A cho biết:
“Tôi nghĩ người dân có rất nhiều cách, thứ nhất là những luật hay văn bản pháp luật nếu như vi hiến, thì người dân hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ tẩy chay những quy định như vậy. Trong một thể chế chính trị độc đảng, chỉ có một cách duy nhất là người dân phải lên tiếng để đòi dân chủ hóa, đòi một nền pháp trị nghiêm minh và tất cả mọi người phải tuân thủ pháp luật mà không trừ một ai cả. Cái thứ 2 là phải vạch rõ ra những quy định pháp luật ấy nó phản dân chủ, vi phạm nhân quyền và vi hiến như thế nào. Đó là các biện pháp gây sức ép để buộc họ phải thay đổi.”
Trả lời câu hỏi, trong điều kiện hiện nay, cần có các giải pháp gì để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng này?
NB. Nguyễn An Dân nhận định:
“Muốn xóa bỏ tình trạng này trong cơ chế ở VN chưa có nhà nước pháp trị cũng như pháp quyền, thì cái quy trình làm luật và thông qua luật thuộc về Quốc hội thì phải trả về cho Quốc hội và những ĐBQH. Cụ thể là những người do dân bầu ra, không dính dáng đến các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp, tức là họ là những đại biểu độc lập. Có như thế thì mới xây dựng luật có tính khách quan được.”
Thể chế chính trị VN hiện nay cho thấy nhiều sự khiếm khuyết, trong việc giám sát và điều chỉnh quyền lực. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước. TS. Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Chỉ có khi nào có tam quyền phân lập, một hệ thống tư pháp và tòa án có quyền giám sát và truy tố các quan chức làm bậy như vậy. Đáng tiếc là những nỗ lực thúc đẩy để xây dựng một Tòa Án Hiến pháp, một cơ quan thực sự có thẩm quyền phán quyết ai vi phạm và vô hiệu hóa các cái luật vi hiến như thế đã không được thông qua tại đợt sửa đổi HP năm 2013. Cho dù đã có rất nhiều người đã kiến nghị điều đó.”
Theo GS.TS. Triết học Nguyễn Duy Quý, nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước tiến bộ mà bất kì nhà nước hay  thể chế chính trị nào muốn đạt đến trình độ văn minh đều phải hướng tới. Muốn có Nhà nước pháp quyền thì trước hết cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, những cái đó phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp quy định.