Trang

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

1105. LÀM SAO CHO THÁNH THẤT AN NINH???


Thánh thất an ninh là câu nguyện thứ năm trong bài Ngũ nguyện.
Vậy ai có bổn phận làm cho Thánh thất an ninh?
Phải làm sao cho đúng việc, đúng cách để Thánh thất an ninh? (1).
I/- Ai làm cho Thánh thất an ninh.

Chính người đạo (Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu, các ban bộ chuyên môn) là những người có trách nhiệm làm cho Thánh thất an ninh. Những người hiểu rằng mình cúng và đọc kinh để cầu cho Thần, Thánh, Tiên, Phật, Đức Phật Mẫu, Đức Chí Tôn làm cho Thánh thất an ninh cần phải tìm hiểu lại và xác định cho đúng chủ thể có trách nhiệm làm cho Thánh thất an ninh.
1/- Thánh thất là gì?
Thánh thất là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn ở các địa phương. Là trung tâm sinh hoạt và hoạt động tôn giáo ở các địa phương. Là trung tâm văn hóa thể hiện Bảo sanh – Nhơn nghĩa – Đại đồng.
Thánh thất là nơi học đạo và hành đạo thì bản thân nó phải thể hiện dấu ấn kiến trúc Cao Đài và văn hóa Cao Đài. Từ trong nước hay hải ngoại,  người có Đạo Cao Đài hay các tôn giáo bạn, người lương nhìn vào kiến trúc là xác  định được ngay: Đó là Thánh thất Cao Đài. Đồng thời biết được nơi đó có những sinh hoạt gì, cúng kiến như thế nào, người đến sinh hoạt ăn mặc ra sao...
Đạo Cao Đài có một Tòa Thánh và có rất nhiều Thánh thất.  Tùy vào thực tế và nhu cầu địa phương mà xây dựng Thánh thất theo mẫu số mấy. Các Thánh thất Cao Đài phải tùng theo kiểu mẫu chung chớ chẳng phải cất nghinh ngang tùy tiện theo ý cá nhân và bất chấp qui định.
Một số ý kiến cho rằng Thánh thất là tâm của bậc thánh. Điều nầy thiển nghĩ không phù hợp. Bởi vì tâm không còn vọng động mới có điều kiện để vào bậc thánh. Vậy bậc Thánh là tâm của họ đã không còn vọng động còn cầu cái nỗi gì?  Thứ nữa người đọc kinh có phàm có thánh. Nếu là người phàm (tâm viên ý mã) lại đi cầu cho bậc Thánh được an thì lại càng kỳ hơn.
Thiển nghĩ chữ Thánh thất trên đây hiểu theo nghĩa trong Tân Luật: Nơi nào có đông tín đồ được chừng 500 người sấp lên, thì được lập riêng một Họ đặt riêng một Thánh Thất, có một Chức Sắc làm đầu cai trị.
Hiến chương 1965:
ĐIỀU THỨ 20. - Các Ngôi thờ phượng Đức CHÍ TÔN ở các địa phương trong nước hay ngoài nước đều gọi là Thánh Thất và Tịnh Thất  

2/- Thánh thất an ninh là gì?
Là luật lệ Cao Đài được hiểu đúng, làm đúng. Tân luật, Pháp Chánh Truyền, Đạo luật, các văn bản của Hội Thánh là khuôn thước để  Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu căn cứ vào đó mà làm phận sự (học đạo hay hành đạo). Là môi trường tốt để người đạo tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ: thực thi tam lập (lập công, lập đức, lập ngôn).
Hoạt động tôn giáo diễn ra đúng với pháp luật và nghi lễ qui định, không loạn hàng thất thứ. Các sinh hoạt trong Thánh thất theo thứ tự lớp lang, không bị rối ren. Ban tứ vụ thực hiện nhiệm vụ theo qui củ. Lễ, Nhạc, Đồng nhi, Đạo tỳ... thi hành theo đúng bổn phận.  Văn hóa Cao Đài được thể hiện đúng cách, đúng mức. Đó là Thánh Thất an ninh.

3/- Tại sao Thánh thất không an ninh?
Khi nhân sự nơi Thánh thất (thường là cấp lãnh đạo) thi hành không đúng với luật lệ Cao Đài (hay không thi hành theo luật lệ Cao Đài) mà làm theo luật lệ riêng của thượng quyền là sẽ gây ra sự rối ren, sự tranh chấp không có lối ra, kỷ cương không còn là mất an ninh.
Một vị Lễ Sanh hành đạo nơi Thánh thất được người đạo tôn kính rồi thỉnh cầu hành pháp giải oan, tắm thánh (trong khi Pháp Chánh Truyền ban quyền nầy cho phẩm Giáo hữu).... Vị Lễ Sanh nầy chìu theo ý muốn đàn em thực hiện theo yêu cầu. Khi sự việc bể ra, đàn em thắc mắc thì quát nạt: Qua có giấy Hội Thánh ban quyền đặc biệt.... mấy em là Hội Thánh hay sao mà kiểm tra qua??? Đó là đàn anh, là thượng quyền đã làm cho loạn hàng thất thứ, làm cho Thánh thất mất an ninh.
Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật hiển nhiên rằng trong tập thể bao giờ cũng có xãy ra va chạm, bất đồng hay xích mích nhau. Đó chưa đủ để gọi là mất an ninh. Chính cách giải quyết của thượng quyền sau đó mới quyết định Thánh thất có an ninh hay không. Những xung đột ban đầu là rất nhỏ, nó như đám cháy mới phát khởi còn dễ chữa... nhưng do cách giải quyết của cấp trên bất nhất (đổ dầu vào lửa) làm cho mâu thuẩn lớn dần hay bùng phát lên.... làm cho nhơn sanh mù mịt mất định hướng về sự đúng sai so với pháp luật đạo dẫn đến Thánh thất mất an ninh.
Người phe ta cho dù có  tà vạy, xảo trá, gian ngược, hung bạo, tàn nhẫn, gây đau đớn cho đồng đạo, đồng sanh thì giải quyết qua loa rồi phủ dụ nạn nhân: Thôi hòa đi cho Thầy vui.... Đạo là tình thương mà bỏ qua đi em à... Đến chừng phe ta là nạn nhân thì lại dùng pháp luật để giải quyết rất nghiêm minh.  Cấp trên cư xử bất nhất như thế là đầu mối của sự mất an ninh nơi Thánh thất.
Khi đàn anh không thi hành luật lệ Cao Đài là đã tạo ra cái mầm chia rẽ (gieo nhân), thì cái kết quả phải đến là mất an ninh, là chia rẽ. Nó tuần tự mà đến theo qui luật nhân quả chớ chẳng có chi rằng lạ.
Đàn anh bỏ luật lệ rồi kêu gọi đàn em đoàn kết đi, hòa với nhau để làm việc đi...mấy em không hòa nhau là không làm được việc gì đâu đó là ngụy tín, ngụy quân tử. Đó là xúi giục đàn em làm trái với lời minh thệ (trái với tiền đề cơ bản).
Nội dung lời minh thệ có 36 chữ: "Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật lệ Cao - Đài, như sau có lòng hai thì Thiên - tru, Địa - lục". 
Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (câu 12):... Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng...
Theo đó cả một kiếp sanh rốt lại có hai đường thăng hay đọa. Mà thăng hay đọa đã công khai cho biết là có làm đúng lời minh thệ hay không? Vậy làm thế nào cho đúng với lời minh thệ?
Đó là: .... Từ đây biết một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật lệ Cao - Đài,....
Tất cả các giáo lý đạo cũng phải hiểu theo tiền đề:... hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài. Các chức sắc hành đạo cũng minh thệ giử dạ vô tư dù cha mẹ, vợ con cũng không tư vị (nghĩa là cũng phải theo luật lệ đạo;  theo tiền đề cơ bản).
Vậy thì chữ hòa trong bài thi:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một đạo tức cùng cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Cũng phải hiểu theo  tiền đề cơ bản.
Nghĩa là dạy lẫn cho nhau thực thi luật lệ Cao Đài mới có được chữ hòa.  Không giải quyết sự việc tranh chấp hay bất đồng theo luật lệ đạo rồi kêu gọi đoàn kết, kêu gọi hòa nhau đi là mâu thuẩn. Càng kêu gọi càng gây ức chế và càng làm cho đạo sự đi vào rối ren. Một đàng là thủ phạm một đàng là nạn nhân. Phải căn cứ vào pháp luật đạo để giải quyết; còn như cấp trên (là nơi có trách nhiệm giải quyết) bỏ luật lệ và kêu gọi hai bên hòa nhau đi là giục loạn chúng sanh. Đàn anh đã gây chia rẽ rồi kêu gọi đoàn kết thật là kỳ chướng.
Quan sát các thực tế trên chúng ta thấy rằng nguồn gốc sự mất an ninh nơi Thánh Thất là do sự lạm quyền và ỷ quyền hay cách giải quyết bất nhất, thiên vị của thượng quyền mà ra (Thượng bất chánh, hạ tắc loạn).
Tóm lại muốn Thánh thất an ninh thì nhân sự nơi đó phải hiểu đúng và thực hành đúng luật lệ Cao Đài. Thảng như có xích mích, chinh chạm nhau thì phải dùng luật lệ mà giải quyết. Không đặng lấy quyền trên mà ép dưới, lèo lái đàn em bỏ luật lệ giải quyết tùy tiện. 
Lưu ý rằng: Luật là thương yêu. Quyền là công chánh. Khi thực hiện đúng luật lệ đạo là tự nó đã có thương yêu trong đó. Còn bỏ luật lệ là đã đánh mất sự thương yêu. Cho nên không thi hành luật lệ thì có hô hào thương yêu, kêu gọi đoàn kết cũng chỉ là vô vọng.
Tại sao thi hành luật lệ đạo là thương yêu?
Bởi vì Một án không có hai hình. Khi phạm nhân được xử nơi thế gian nầy thì về cõi thiêng liêng không còn xử nữa (thể hiện ý nghĩa hai chữ ân xá). Mà luật đạo nơi cõi thế nầy có xử cũng chỉ là quẹt lọ chớ đâu đã bỏ vào nhà tù hay xử chém người nào. Nặng nhất là trục xuất, mà dù cho có trục xuất đi nữa phạm nhân cứ làm lành lánh dữ, thực thi tam lập.... người đời không biết đi nữa chẳng lẽ Chí Tôn không biết hay sao mà phải kinh khủng???
@@@

(1)/- Chúng tôi xin lưu ý rằng bài Ngũ nguyện không nằm trong Kinh cúng tứ thời. Nó là một bài riêng. Điều nầy sẽ làm nhiều người giật mình... nhưng không sao hết. Quí vị lấy cuốn Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo ra sẽ thấy. Đây là bản kinh tứ thời năm 1974.
NGŨ NGUYỆN.
(Giọng Nam Xuân).
Khi đọc kinh cúng tứ thời rồi, phải nhớ đọc năm câu nguyện sau nầy:
Nam-Mô Nhứt-nguyện: Đại-Đạo hoằng-khai.
Nhì-nguyện: Phổ-Độ chúng sanh.
Tam-nguyện: Xá tội đệ tử.
Tứ-nguyện: Thiên-hạ thái-bình.
Ngũ-nguyện: Thánh-Thất an-ninh.
Niệm: "Nam-Mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát" (12 lạy
@@@
Câu viết: Khi đọc kinh cúng tứ thời rồi, phải nhớ đọc năm câu nguyện sau nầy:.... chứng tỏ bài Ngũ nguyện không nằm trong Kinh cúng tứ thời.
Nó cũng như khi ăn cơm xong rồi có món tráng miệng hay là uống nước vậy. 
Còn tiếp: II/- Tại sao không cầu cho Tòa Thánh an ninh?