Trang

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

1101: ĐỌC KINH CẦU CÔNG THỨC...


TỨ NGUYỆN: THIÊN HẠ THÁI BÌNH.
Đạo Cao Đài chỉ có một quyển kinh: Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Trong Kinh có ẩn chứa những phương án hay công thức xây dựng con người và xã hội. Trong bài nầy chúng tôi trình bày lời nguyện thứ tư trong năm lời nguyện (ngũ nguyện): THIÊN HẠ THÁI BÌNH. (1)
Làm sao cho thiên hạ thái bình?

Thái bình có nghĩa là mọi người được sống trong an cư lạc nghiệp, nhân phẩm được tôn trọng, nhân quyền được thực thi (không phân biệt màu da sắc tóc, không phân biệt ngôn ngữ, chính kiến...). Không có cảnh quốc gia nầy xâm lăng quốc gia khác, không có chiến tranh kinh tế, chiến tranh tôn giáo, không có thực dân văn hóa...
Nghĩa là một xã hội không có chiến tranh, không có cường quyền, không có bạo lực, không có côn đồ giả dạng công an hành hung người lương thiện, người bất đồng chính kiến.... Thứ nữa an sinh xã hội nơi nào cũng có... (trường học, nhà thương, nhà dưỡng lão, ấu... có khắp nơi và phục vụ chu đáo). Xã hội không có người ăn xin nơi đầu đường xó chợ. Quỉ dữ và sa tăng... không thể ẩn náo chốn thiền môn để đưa con người vào mê tín và ngụy tín...(2).
Chắc chắn rằng thiên hạ thái bình là một ước vọng của toàn nhân loại. Liên hiệp quốc, các tổ chức nhân quyền, đặc biệt là các hiền nhân quân tử đang hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo đang vì ước vọng: thế giới hòa bình mà hoạt động ngày đêm không ngừng nghĩ...
Cho nên tứ nguyện thiên hạ thái bình của người Đạo Cao Đài cũng chính là ước vọng chung của toàn nhân loại. Giá trị của Đạo Cao Đài và giá trị của nhân loại đã có điểm hội tụ rất minh bạch.
Người Đạo Cao Đài không chỉ ước nguyện suông, mà phải tìm hiểu phương án và công thức để thực thi. Phương án hay công thức đó không phải do ý kiến riêng của một cá nhân nào trong cửa đạo. Mà phải xuất phát từ kinh điển tôn giáo (là giá trị chung của toàn đạo).
Vậy phương án hay công thức đó là gì? ở đâu?
Xin thưa nó xuất xứ từ Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Đó là 02 câu cuối trong bài Khen ngợi kinh sám hối:
Cầu xin trăm họ bình an,
Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm.
Đạo Cao Đài đưa ra công thức: nước giàu dân mạnh (trái với công thức của nhà cầm quyền hiện nay là dân giàu nước mạnh).
Vậy làm sao để dân mạnh?
Muốn cho dân mạnh phải có phương án xây dựng tinh thần đạo đức  cho dân (dĩ công diệt tư: theo điều công nghĩa bỏ qua những tư lợi, những suy nghĩ ích kỷ).
Muốn xây dựng tinh thần đạo đức cho dân thì phải lo cho dân có được chổ ở (an cư), có nghề nghiệp chính đáng để mưu sinh (lạc nghiệp), có được sự giáo dục chân chính (đem hiểu biết chính xác đến cho dân), thiết kế qui hoạch tổng thể về điện, đường, trường, trạm, phố chợ... phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại. Điều cuối cùng và rất quan trọng là phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của dân. Từ năm phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo Hội thánh Cao Đài đã nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh để xây dựng nên Châu Thành Thánh Địa tại Tây Ninh.
Trên thực tế đa số cư dân vùng Thánh Địa là những người chạy loạn từ khắp nơi. Chạy loạn có nghĩa là đã bỏ phần lớn tài sản lại quê nhà (nhà cửa, ruộng vườn, lúa thóc, trâu bò....). Họ chạy về vùng Thánh Địa để bảo toàn sinh mạng.
Thập niên 30 của thế kỷ 20 tại Việt Nam số trường học rất ít. Đạo khai sinh năm vào tháng 11/1926.  Đầu năm 1927 dời về Tòa Thánh hiện nay. Liền đó Hội Thánh mở trường Đạo Đức Học Đường để lo giáo hóa đoàn hậu tấn (1928 đã có lễ phát thưởng cho học sinh). Mở Hạnh Đường để mở mang cho chức việc, chức sắc và họ về truyền bá cho tín đồ. Đạo đã giúp người vô sản (không có tài sản và kém hiểu biết) thành người hữu sản (có cuộc sống ấm no và có hiểu biết).
Đó chính là làm cho dân mạnh.
Ngay khi làm cho dân mạnh thì phải định hướng cho dân góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại. Làm cho dân hiểu rằng: Dân mạnh là nguồn lực để góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại. Sơ xẫy phần nầy rất tai hại.
Phương án để xây dựng xã hội hòa bình của Đạo Cao Đài là gì?
Đó là câu liễn:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Theo đó đạo dùng phương cách hòa bình (không chống chánh quyền, không theo chính quyền, không tham gia chính quyền) để thực hiện dân chủ, tự do cho nhân loại.
Hòa bình, dân chủ, tự do chính là những giá trị căn bản của một xã hội mà nhân loại đang xây dựng. Trong đó nhân phẩm được đề cao và nhân quyền được tôn trọng.
Chiến lược thực hiện như thế nào?
Người Đạo Cao Đài đa số đều nằm lòng câu: Đạo thành ngoài thành vào. Đó chính là chiến lược mà Đức Hộ Pháp để lại. Đó chính là tầm nhìn của bậc lãnh đạo.
Quan sát xã hội hiện nay ta thấy trong xã hội có rất nhiều hiền nhân quân tử, rất nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo (theo phương pháp xây dựng từ căn bản là  “người dân”; và không bàn gì đến chính quyền, không tìm cách hay hô hào phải thay đổi chính quyền). Cho nên Đạo phải liên hiệp với họ, phải làm cho họ hiểu rằng Đạo Cao Đài có cùng mục đích, cùng phương pháp xây dựng xã hội với họ. Đôi bên (Đạo và các tổ chức Xã Hội Dân Sự) cần liên hiệp nhau theo đúng luật cung cầu. Đạo và các tổ chức XHDS hiệp nhau được thì đó chính là nguồn lực được cộng hưởng để có đủ sức mạnh tạo thời cải thế (tạo đời cải dữ ra hiền).
Điêu cần lưu ý là các tổ chức XHDS cũng không liên quan đến các tổ chức chính trị. Đạo Cao Đài cũng không bao giờ liên hiệp với chính trị. Điều nầy cho thấy ngoài những giá trị căn bản hai bên còn có rất nhiều điểm tương đồng nhau.
Theo quốc tế công pháp hiện nay có 03 thành tố tạo thành quốc gia: lãnh thổ, dân tộc, chính quyền. Theo đó lãnh thổ và dân là hai thành tố bền vững so với nhà cầm quyền.
Trong mối tương quan của dân và nước thì dân là gốc của nước. Giải quyết được cái gốc thì những cái khác sẽ theo đó là tuần tự nhi tiến. Khi dân mạnh thì nước sẽ giàu là tất yếu (vì quan chức không dám tham nhũng, không dám ăn cắp, tài nguyên đất nước được kiểm soát, hiền tài được trọng dụng).  Nước đã giàu thì phải lo cho dân đầy đủ, nếu làm trái ý dân “trái ý kẻ mạnh” thì dân sẽ đuổi cổ xuống tức thì.... Đó là không kêu gọi dân giàu mà sự giàu có đến với dân thật chắc chắn.
Đó chính là bất chiến tự nhiên thành (là đạo vô vi).
Hành đạo theo vô vi có nghĩa làm tất cả và không đem tư ý mình vào đó rồi kết quả sẽ đến theo qui luật vận hành. Hiểu vô vi theo nghĩa là không làm gì theo nhiều người vẫn hiểu là rất sai và hoàn toàn trái với qui luật. Nói đơn giản như người trồng lúa. Người chăm sóc mùa màng đầy đủ và đúng cách thì dĩ nhiên kết quả sẽ tốt. Người không làm gì cả thì cái kết quả của họ không cần chờ tới ngày thu hoạch cũng biết. Lại như có người lười biếng không chăm sóc mùa màng chừng thấy lúa thiên hạ tốt tươi thì ra nhổ gốc lúa mình nâng lên cho nó  cao như đám ruộng tốt kia chỉ khiến cho nó chết sớm mà thôi.
Tóm lại là phải làm tất cả cái nhỏ đúng qui luật rồi thì cái lớn nó sẽ xong (Kiến tiểu viết minh: hiểu và làm được những điều căn bản là sáng từ bên trong “tự sáng” không phải do bên ngoài rọi vào). Còn như kêu gào kết quả mà không nhìn ra qui luật thì loay quay cho hết ngày giờ chớ đã làm chi nên chuyện.
Tại sao có Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978?
Theo chúng tôi nhận định từ trong công thức và phương pháp xây dựng con người và của Đạo Cao Đài là nguyên nhân chính và sâu xa để nhà cầm quyền hiện nay ra Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978.
Tại sao chúng tôi nhận định như vậy?
Thứ nhất đường lối xây dựng con người và xã hội của Đạo Cao Đài hoàn toàn khác với đường lối của Đảng. Mà bản chất của Đảng là độc tài, độc tôn, không chấp nhận mọi sự cạnh tranh. Cho nên Đảng phải diệt Đạo Cao Đài 1926.
Thứ đến là trong các tôn giáo lớn tại miền Nam Việt Nam sau ngày 30/04/1975 đều bị nhà cầm quyền xen vào để chi phối. Nhưng chỉ riêng một  Đạo Cao Đài là có Bản án./.

(1)/- Tôn giáo nào cũng có kinh điển của riêng mình. Kinh sách xưa nay đều dạy: đọc kinh cầu lý. Theo đó đọc kinh trước hết là đọc cho mình. Đọc để lời kinh, tiếng kệ thấm sâu vào lòng trí mình và tìm hiểu những ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó. Đạo Cao Đài có thể pháp, có bí pháp, từ đó có phương án hay công thức rất minh bạch.
 (2)/- Theo qui định của Đạo chỉ khi nào cúng Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu mới có đọc Ngũ nguyện và đọc giọng Nam xuân.
Năm lời nguyện (ngũ nguyện) là dành cho người đọc hay các Đấng thiêng liêng? Theo chúng tôi hiểu năm lời nguyện đó là phần của con người phải thực hiện sau khi đã đọc xong các bài kinh. Nghĩa là mổi người khi cúng xong rồi, hiểu rồi phải tự mình tìm cách thực năm lời nguyện đó chớ chẳng phải đọc xong rồi để đó đến giờ khác mang ra đọc tiếp.
Tại sao hiểu như vậy?
Trước khi đọc năm lời nguyện là đã đọc ba bài dâng tâm bữu. Các bài kinh dâng tam bữu trong Đạo Cao Đài do con người viết (có sự giúp sức của Thiêng Liêng). Điều nầy có nghĩa là từ phần dâng tam bữu về sau là phần tự giác, tự nguyện của người đạo. Năm lời nguyện đó lại đọc sau phần dâng tam bữu nên nó thể hiện đó là trách nhiệm của người đạo.
Thứ nữa căn cứ vào nội dung năm lời nguyện cũng thể hiện đó là việc của người đạo chớ không phải phần việc của thiêng liêng.
Người Đạo Cao Đài chỉ biết tụng kinh gõ mõ cầu xin thần thánh làm thế cho mình là mê tín.
Lãnh đạo tôn giáo mà không hướng cho người đạo góp phần xây dựng xã hội hòa bình, chủ trương tu hành thuần túy kiểu gõ mõ tụng kinh thâu đêm suốt sáng là mê tín và ngụy tín.