Phạm Chí Dũng.
“- Thế ra bọn mình lại đi thua bọn nó à?
– Thua làm sao được! Ông Chiến nói là chuyện của ông
Chiến. Cứ để một thời gian nữa là sẽ đâu vào đấy ngay. Gô cổ hết, cho bọn biểu
tình biết như thế nào là lễ độ!”.
Biểu tình tại Sầm Sơn. Ảnh: DLB
Thắng lợi tạm thời
Rốt cục, phong trào biểu tình kéo dài 11 ngày của
ngư dân đòi biển ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đã kết thúc tạm thời có hậu: Bí thư tỉnh
này phải “thương dân”, ngỏ lời xin lỗi và hứa hẹn “Dân cứ mưu sinh, không
phải đi đâu hết”. Đến ngày 18/3/2016, Ủy ban nhân dân Thị xã Sầm Sơn đã có
thông báo chính thức giữ lại 3 bến thuyền cho ngư dân.
Những người không còn gì để mất… Báo chí nhà nước
thêm một lần hiếm hoi “mở miệng”. Trừ những tờ báo đảng không thể cậy mồm, phái
đa số trong làng báo nhà nước hầm hập đưa tin bài về chiến dịch phản kháng có
đổ máu này. Sau sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, mãi đến
gần đây báo giới nhà nước mới thấp thoáng cơ hội để đồng cảm với lòng dân.
Còn với nhà cầm quyền xứ Thanh, đây là lần thứ hai
họ chấp nhận thất bại trước phong trào phản kháng của dân chúng liên quan đến
kế sách sinh nhai và miếng cơm manh áo cuối cùng. Thất bại sau khi bị con sóng
sôi uất của hàng ngàn ngư dân xô sập hàng rào cảnh sát cơ động để tràn đến trụ
sở ủy ban tỉnh. Hình ảnh còn lại là những nhân viên cảnh sát, trước đó mặt mũi
đằng đằng sát khí, đã cúi mặt lầm lũi rồi tản vào những chỗ ít người nhìn thấy.
Cách đây 4 năm, vào tháng 5/2012, bà con tiểu thương
Bỉm Sơn đã đấu tranh đòi Ủy ban nhân dân thị xã hủy quyết định giao chợ Bỉm Sơn
cho một công ty tư nhân. Đỉnh cao là từ ngày 9 đến 12 tháng 5/2012, hơn 400
tiểu thương đã biểu tình trước cổng Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh.
Đến ngày 14/5, ông Mai Văn Ninh – khi đó là Bí thư
Tỉnh ủy – đã phải gặp và “nói chuyện phải trái” với gần 800 tiểu thương, chấp
nhận những cái sai của chính quyền địa phương, yêu cầu xử lý những cá nhân sai
phạm…
Bồi thường rẻ mạt là một trong những nguyên nhân lớn
nhất gây ra làn sóng biểu tình của dân oan đất đai ở Việt Nam. Vụ “đòi biển” ở
Sầm Sơn cũng bắt nguồn từ nguyên do tương tự. Quá ưu ái với những doanh nghiệp
chỉ biết có tiền và mang những dấu hiệu khuất tất về nạn chung chi, chính quyền
địa phương đã đang tâm tước đoạt miếng cơm manh áo còn lại của người dân.
Sầm Sơn hoàn toàn có thể trở thành điểm nổ mới trong
lòng chế độ, sau khi chính quyền và công an nơi đây đã thẳng tay đàn áp những
người mất biển. Hành động răn đe của Công an tỉnh Thanh Hóa khi quyết định khởi
tố vụ án biểu tình càng làm cho tình hình trở nên không thể kiểm soát và đẩy
người biểu tình vào thế chẳng còn gì để mất. Tình thế này là khá tương đồng với
hàng loạt vụ việc công an khởi tố, bắt giam người biểu tình ở Ninh Thuận, Bình
Thuận, Hà Tĩnh… và mới đây là đối với tiểu thương chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà
Nội.
Thậm chí bàn thờ Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng mà
dân oan đất đai ở Dương Nội, Hà Nội và một số địa phương khác mang ra hầu mong
làm dịu cơn hung bạo tham tàn của các nhóm lợi ích và lực lượng cưỡng chế cũng
thất bại cay đắng. Người dân thậm chí còn ghi hình được những kẻ cưỡng chế xô
đạp lên cờ nước và quẳng hình ông Hồ sang một bên.
‘Lùi một bước, tiến hai bước’
Bài học mà những người dân chịu thiệt hại ở Việt Nam
có thể rút ra được là Sức mạnh tập thể. Chỉ có tạo ra được một phong trào phản
kháng của quần chúng, và trên hết là phong trào được tổ chức có bài bản, quy
củ, quy mô và bền vững mới có thể gây áp lực đòi hỏi chính quyền phải đình hoãn
những chính sách bất công.
Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của những phong trào
tự phát của người dân ở Việt Nam là tính đứt đoạn của nó. Vốn xuất phát từ động
cơ đòi quyền lợi mưu sinh chứ không hoặc chưa ý thức rõ về quyền dân và dân chủ
cần phải đạt được, những phong trào này rất dễ tự giải tán sau khi đã đạt được
thành công bước đầu, thậm chí tự giải tán sau khi được chính quyền hứa hẹn mà
chưa biết có khả thi hay không.
Trong thực tế, đã có nhiều vụ việc chính quyền “lùi một
bước, tiến hai bước” ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Hà Nội… liên quan đến
các vấn đề môi trường, chợ búa, đất đai. Sau những lời hứa hẹn đầu môi chót
lưỡi và chờ đến khi không khí phản kháng của người dân lẫn dư luận xã hội lắng
xuống, chính quyền đã chỉ đạo công an “hồi tố” vụ việc, tiến hành khởi tố, bắt
giam những “đối tượng cầm đầu” trong đám đông biểu tình. Sau đó tiếp tục tiến
hành cưỡng chế vào lúc phong trào đã tự giải tán nên rất khó tập hợp trở lại.
Minh họa gần nhất là vụ tiểu thương Ninh Hiệp, Gia
Lâm, Hà Nội phản kháng trước Tết nguyên đán 2016. Cuộc biểu tình lên đến vài
ngàn người cùng nhiều trẻ em bỏ học để tham gia. Lo sợ trước cơn thủy triều
giận dữ của người dân, chính quyền địa phương vội tém dẹp những hành động cưỡng
chế chợ và làm công tác “dân vận”. Thế nhưng ngay sau Tết nguyên đán 2016,
chính quyền đã huy động số đông cảnh sát cơ động, an ninh, dân phòng… tiến hành
cưỡng chế dân. Chiến thuật đánh lẻ vào từng hộ dân hoặc từng cụm nhỏ dân, “bắt
nguội” khá thường đã mang lại kết quả trong trấn áp.
Ngày càng lộ rõ tình trạng hỗn quan hỗn quân trong
chính quyền Việt Nam, từ cấp trung ương xuống cấp địa phương. Thực trạng “phép
vua thua lệ làng” và xu hướng cát cứ địa phương đang khiến cho chính quyền
trung ương ngày càng bị suy giảm quyền lực tập trung. Còn não trạng chỉ nghĩ
đến đàn áp chứ không đối thoại của nhiều chính quyền địa phương lại khiến sinh
ra quá nhiều mầm mống bạo động và bạo loạn xã hội. Đây là một nguồn cơn chính
sẽ khiến sự sụp đổ của chế độ là hầu như không tránh khỏi.
‘Sẽ gô cổ hết!’
“- Thế ra bọn mình lại đi thua bọn nó à?
– Thua làm sao được! Ông Chiến nói là chuyện của ông
Chiến. Cứ để một thời gian nữa là sẽ đâu vào đấy ngay. Gô cổ hết, cho bọn biểu
tình biết như thế nào là lễ độ!”.
Một ngư dân Sầm Sơn vô tình nghe được đoạn trao đổi
trên của mấy người mặc thường phục cùng một cảnh sát ngoài sân Trung tâm bồi
dưỡng Thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn vào buổi sáng ngày 7/3/2016, trong lúc
ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa
– đang trực tiếp đối thoại với hàng ngàn ngư dân Sầm Sơn để giải quyết vụ thu
hồi bờ biển liên quan đến dự án Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông
đường Hồ Xuân Hương.
Không biết rõ về những người buông ra đoạn trao đổi
ấy, nhưng cứ căn cứ vào bộ mặt sắt lại cùng giọng nói đầy kẻ cả quan quyền, ngư
dân Sầm Sơn không khó để đoán rằng đó là những nhân viên công lực nhà nước mang
quyền sinh sát trong tay. Bất chấp vẻ “thành tâm” của Bí thư Thanh Hóa Trịnh
Văn Chiến và việc Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn đã chính thức thông báo giữ
lại 3 bến thuyền cho ngư dân, không thể loại trừ khả năng đến một lúc nào đó
khi “thời cơ chín muồi”, cơ quan điều tra của Công an Thanh Hóa sẽ “hồi tố” dữ
dội bằng cách thẳng tay bắt bớ những ngư dân bị quy chụp “sách động biểu tình”.
Thắng lợi của phong trào biểu tình của ngư dân Sầm
Sơn cũng bởi thế mới chỉ mang tính tạm thời. Cho dù Bí thư Thanh Hóa đã hứa hẹn
“dân cứ mưu sinh”, nhưng vẫn chưa có một cam kết nào từ phía chính quyền là sẽ
“bất hồi tố”. Với lợi ích mà Tập đoàn bao thầu khu Sầm Sơn là FLC “gợi ý” với
các quan chức chính quyền, không có gì bảo đảm là giới quan chức này sẽ giữ lời
hứa không chiếm biển của ngư dân trong tương lai.
Cuộc đấu tranh giành giật quyền mưu sinh và quyền
làm người vẫn còn ở phía trước. Sóng triều ngư dân đã một lần xô đổ barie cảnh
sát cơ động, nhưng vẫn còn nhiều lớp rào khác sừng sững chặn trên lối về biển
cả