Ông Quế là quan chức nên chỉ hớt cái ngọn
mà nuôi dưỡng cái gốc là cái chế độ đã đẻ ra tay quan tòa nầy
và hàng trăm tên quan tòa như vậy...
nghĩa là cái bộ máy xay thịt người dân vô tội vẫn không có ai chịu trách nhiệm...
BBT Blog.
VỤ “CƯỚP GIỮA ĐÀNG, BỊ
QUÀNG VÀO CỔ”
Tòa phúc thẩm nên tuyên
bị cáo không phạm tội!
Thứ Bảy, ngày 4/7/2015
- 07:15.
Báo Pháp Luật.
(PL)-
Cách xử án của tòa sơ thẩm trong vụ này mang tính quy chụp, chẳng khác nào suy
luận kiểu khôi hài “không phải mày thì ai”.
TIN LIÊN QUAN
Trong cuộc sống, nhất là ở các thành phố lớn,
hằng ngày những vụ cướp giật thường xảy ra. Tuy nhiên, không phải vụ cướp giật
nào cũng bắt được quả tang, bởi những kẻ chuyên nghề cướp giật có nhiều thủ
đoạn để tẩu thoát. Chỉ rất ít vụ do kẻ phạm tội mới vào nghề hoặc bị nhân dân
truy gắt mới bị bắt quả tang cùng tài sản mà họ vừa cướp được.
Bị bắt quả tang khi
đang… chạy xe tà tà trên đường!
Đã là phạm tội quả tang thì gần như cơ quan tố
tụng không mất công điều tra gì nhiều. Việc kết án bị cáo phạm tội quả tang dễ
hơn nhiều so với những vụ án “truy xét”. Tuy nhiên, nếu cứ căn cứ vào biên bản
phạm pháp quả tang mà “nhắm mắt” tuyên bừa, tuyên ẩu, mà không xem biên bản đó
được lập như thế nào, có đúng trình tự, quy định của BLTTHS hay không… thì rất
dễ kết tội oan, sai. Bởi lẽ biên bản phạm pháp quả tang cũng không phải là
chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo.
Ở TP.HCM cũng không là ngoại lệ, CQĐT ắt phải có
cả một danh sách dài về những vụ cướp giật xảy ra trên đường phố. Đó là chưa kể
nhiều vụ người bị hại không trình báo với công an vì họ cho rằng thôi kệ, “của
đi thay người”, có báo với công an chắc gì đã tìm ra thủ phạm. Hầu hết các vụ
cướp giật được đưa ra xét xử đều là những vụ bị bắt quả tang hoặc cũng từ vụ án
khác mà CQĐT “đấu tranh” nên kẻ phạm tội khai ra các vụ cướp giật trước đó. Có
lẽ đây cũng là một đặc điểm đối với tội cướp giật mà các cơ quan tố tụng gần
như thuộc như lòng bàn tay.
Vừa qua, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM đã rất
đúng khi đã hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung đối với trường hợp anh
Bùi Minh Lý bị “bắt quả tang” về hành vi cướp giật sợi dây chuyền của chị Nguyễn
Thị Tâm. Vụ cướp xảy ra khoảng 21 giờ ngày 19-1-2014 tại tổ dân phố ở phường
25, quận Bình Thạnh. Anh Hà Võ Trọng Nghĩa (chồng chị Tâm) cùng một người bạn
“bắt được quả tang” khi Bùi Minh Lý đang… tà tà chạy xe trên đường.
Bắt được kẻ cướp giật
thì tất phải lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.Đây là chứng cứ
rất quan trọng, nếu không nói là duy nhất để kết tội bị cáo. Bởi đối với kẻ
cướp giật đường phố mà không “bắt tận tay, day tận mặt” thì chúng đều chối tội.
Thế nhưng việc bắt người phạm tội quả tang trong trường hợp này do Công an
phường 25, quận Bình Thạnh lập đã không đúng với quy định của BLTTHS. Chưa nói
biên bản này đã vi phạm nghiêm trọng như không thu được tang vật là sợi dây
chuyền, không thu giữ những vật dụng của người bị bắt (chiếc mũ bảo hiểm, chiếc
khẩu trang của anh Lý), cũng không trưng cầu giám định sợi dây chuyền (vật phạm
pháp) và đặc biệt, biên bản lại không cho anh Lý đọc…
Suy luận theo kiểu
“không bị cáo thì ai”!
Trong khi đó, anh Lý từ đầu đều khai rằng hôm đó
đang trên đường đi đón vợ thì bất ngờ bị bắt và bị đánh… Chứng cứ quan trọng
như vậy lại được lập một cách qua loa, không tuân thủ các quy định của BLTTHS
mà cả VKS và HĐXX đều thừa nhận là sai. Tuy nhiên, cả viện và tòa đều nói điều
này “không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án” thì quả là chuyện không bình
thường, khó có thể chấp nhận!
Giả thiết anh Lý thừa nhận hành vi cướp giật,
công an bắt khám người anh Lý thu được sợi dây chuyền của chị Tâm thì những vi
phạm này có thể chỉ là sai sót, không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của
vụ án. Còn trong trường hợp này thì việc lập biên bản bắt người phạm tội quả
tang không bình thường và có nhiều sai phạm thì phải coi là vi phạm nghiêm
trọng tố tụng dẫn đến việc xác định sai sự thật của vụ án.
Biên bản bắt người phạm tội quả tang đã thế, còn
tại phiên tòa, HĐXX lại lý luận rằng “tại sao bị cáo không đi đường khác mà đi
đường này”!
Trời ơi, một người ở Long An đã không thuộc
đường trong TP thì đi đường nào cho dễ nhớ là chuyện bình thường chứ sao lại
lập luận theo kiểu như vậy!? Nếu lập luận như tòa thì anh Lý đi đúng đường như
tòa vẽ thì đó cũng không phải là chứng cứ buộc tội bị cáo! Cách suy đoán này có
khác nào quy tội theo kiểu “không phải mày thì ai”, thật đúng như chuyện tiếu
lâm vậy!
Còn nhớ cách đây 40 năm, khi xét xử một vụ TNGT,
vị chủ tọa phiên tòa đã đặt câu hỏi với bị cáo: “Tại sao anh không quẹo bên
trái mà lại quẹo bên phải để đâm vào người ta?”. Bị cáo trả lời: “Nếu tôi quẹo
bên trái thì làm gì có việc để tòa xử?”. Cả phòng xử án cười ồ!
Không nên xử án kiểu quy
chụp!
Vụ án có đầy những mâu thuẫn về lời khai của
người bị hại, người làm chứng với lời khai của bị cáo. Chỉ riêng về mũ bảo
hiểm, anh Lý trước sau vẫn khẳng định: “Hôm xảy ra vụ cướp giật tôi không đội
mũ bảo hiểm sẫm màu như người bị hại khai mà đội mũ bảo hiểm màu trắng có đường
viền màu xanh do đại hội Đoàn trao tặng”. Trong khi đó, người bị hại lại khẳng
định kẻ giật dây chuyền của mình là một người đội mũ bảo hiểm sẫm màu! Vậy tại
sao tòa không phân tích, đánh giá lời khai nào là sự thật, lời khai nào là sai
mà lại cứ “suy đoán theo kiểu võ đoán” rồi kết án bị cáo bằng những chứng cứ vu
vơ!
Và nếu tinh ý, tòa cũng có thể suy luận rằng có
thể cả hai lời khai - của bị cáo và người bị hại - đều đúng. Nghĩa là anh Lý
đúng là đội mũ màu trắng, còn tên cướp đúng là đội mũ màu sẫm. Nói cách khác,
anh Lý không phải là kẻ cướp hôm ấy. Đó, nếu phải xử án bằng suy luận thì phải
suy luận như thế, suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo. Chứ ai đời tòa lại đi
suy luận, suy đoán theo hướng bất lợi cho bị cáo rồi kết tội khôi hài như thế!
Ngoài ra, tại sao tòa không xác định xem anh Lý
khai đi đón vợ có đúng không? Vợ anh Lý khai như thế nào về việc chồng mình
hằng tuần thường xuyên đi đón mình, xem những lần đó anh Lý đón chị đi về theo
lộ trình như thế nào…
Anh Lý rất có lý khi cho rằng nếu tôi đi cướp
thì khi bị đuổi chẳng ai dại gì lại chạy xe với tốc độ 20-30 km/giờ để bị bắt
cả! Sao tòa không tin, lại tin vào mấy lời khai mù mờ, mâu thuẫn của người bị
hại và người làm chứng!
Chẳng lẽ một người như anh Lý có nhân thân quá
tốt (đang là bí thư Xã đoàn Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An, là đảng viên,
từng giữ chức chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã…) lại có thể đi cướp giật!
Cách quy chụp của TAND quận Bình Thạnh làm người
ta liên tưởng đến chuyện chắc vì nể nang, muốn giữ mối quan hệ với VKS nên dù
không có chứng cứ cũng ráng “tặc lưỡi” kết tội. Hy vọng rằng khi xử phúc thẩm,
TAND TP.HCM sẽ sáng suốt và dũng cảm tuyên bố bị cáo không phạm tội để lấy lại
uy tín và lòng tin của người dân vào công lý!
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao