Trang

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

446. CHÍ PHÈO CÓ NÓI THẬT CŨNG CHẲNG AI TIN...AI TIN TỔNG TRỌNG NHĨ???


Ông Nguyễn Phú Trọng: Không nên để nhân quyền cản trở quan hệ Việt-Mỹ

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố không nên để những bất đồng về nhân quyền cản trở các mối quan hệ đang ngày càng sâu đậm giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ.

Phát biểu qua lời thông dịch viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm 8/7 một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hai nước đẩy bang giao lên một tầm mới và tiếp tục đối thoại để thu hẹp các cách biệt về quan điểm trong vấn đề nhân quyền.
Ông Trọng nói 'Tôi hiểu hai nước còn nhiều khác biệt trong quan niệm về nhân quyền. Chúng ta cần tiếp tục các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng nhằm đạt điểm chung về nhân quyền và đạt được sự đánh giá công bằng đối với những thay đổi cơ bản và hệ thống về tình hình nhân quyền tại Việt Nam'.
Nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam mong muốn phát huy và bảo vệ nhân quyền cho mọi công dân, kể cả người nghèo và các cư dân miền núi, nhưng quyền của mỗi cá nhân phải được đặt trong bối cảnh của cộng đồng xã hội.
Hoa Kỳ lâu nay là nước đi đầu trong việc thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, trở ngại chính cho mối bang giao song phương trong suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995.
Trước khi ông Trọng đặt chân tới Hoa Kỳ, một nhóm 9 nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama kêu gọi lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm, đồng thời thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nói rõ với Hà Nội rằng muốn có quan hệ kinh tế và an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền là điều kiện tối quan trọng.
Chính quyền của Tổng thống Obama nên nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng không thể chấp nhận điều đó. Mối quan hệ Việt-Mỹ sâu đậm hơn là một gói thỏa thuận không chỉ có lợi ích thương mại và trao đổi quân sự mà thôi, mà nó bao gồm cả sự cải thiện về nhân quyền. Cho nên cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ thái độ phớt lờ vấn đề nhân quyền như thế
Ông Phil Robertson, Human Rights Watch.
Theo đánh giá của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York, những liên hệ hợp tác thăng tiến giữa Việt Nam với Hoa Kỳ xem ra không đưa tới sự cải cách hay bất kỳ hành động nào từ phía Hà Nội trong việc cải thiện thành tích nhân quyền.
Human Rights Watch nói nếu không nâng cao hơn nữa mức quan ngại về nhân quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đang gửi đi tín hiệu rằng ‘Chúng tôi muốn anh cải cách, nhưng cho dù anh không làm, chúng tôi vẫn tưởng thưởng cho anh.’
Phản hồi trước lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:
"Hoa Kỳ không thể nhất trí với các luận điệu như thế. Chính quyền của Tổng thống Obama nên nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng không thể chấp nhận điều đó. Mối quan hệ Việt-Mỹ sâu đậm hơn là một gói thỏa thuận không chỉ có lợi ích thương mại và trao đổi quân sự mà thôi, mà nó bao gồm cả sự cải thiện về nhân quyền. Cho nên cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ thái độ phớt lờ vấn đề nhân quyền như thế."

Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình trước Tòa Bạch Ốc phản đối chuyến đi này của Nguyễn Phú Trọng và nói lên lập trường, quan điểm đối với chế độ CSVN hiện nay, đồng thời đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ đặt điều kiện nhân quyền, tự do dân chủ trong mọi cuộc đối thoại với Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tính tới cuối năm ngoái có 125 tù nhân chính trị đang bị Việt Nam giam cầm mặc dù, vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người bất đồng chính kiến bị Hà Nội truy tố có giảm đi trong thời gian gần đây.  
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn tại CSIS hôm qua phủ nhận chuyện Việt Nam bỏ tù công dân vì quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo. Ông nhắc lại lập luận lâu nay của Hà Nội rằng các cá nhân bị xử lý là những người vi phạm pháp luật.
Ông Phil Robertson gọi đây là ‘trò chơi chữ’ của giới lãnh đạo Hà Nội:
"Ai cũng hiểu rằng nhân quyền chỉ có một định nghĩa mà thôi, nó gắn kết với các chuẩn mực quốc tế có trong những Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Cần có những kết quả chứ không chỉ là những cuộc đối thoại, bởi lẽ Hà Nội đang cảm thấy là họ chỉ cần nói mà không cần làm mà cũng đạt được quyền lợi. Hoa Kỳ phải thay đổi nhận thức đó, phải cho họ thấy không thể tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ trừ phi có tiến triển về nhân quyền Việt Nam, chẳng hạn như phải cải cách các luật lệ vi phạm nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu người bất đồng chính kiến."
Sau cuộc đón tiếp ông Trọng tại Phòng Bầu Dục hôm thứ ba, Tổng thống Obama cho biết đôi bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch tỏ ra không mấy hài lòng về các bước đi hiện nay của hành pháp Mỹ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Ông Phil Robertson cho biết tổ chức của ông sẽ tiếp tục vận động Quốc hội Hoa Kỳ có biện pháp hữu hiệu hơn.
"Có sự nhất trí mạnh mẽ giữa các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ rằng chính sách và hành động về nhân quyền của nhà nước Việt Nam có nhiều vấn đề. Nếu chính quyền của Tổng thống Obama không lắng nghe thì Quốc hội phải tìm cách thay đổi chính sách của bên hành pháp bằng quyền lực của mình."
Washington xem các mối quan hệ mật thiết hơn với Hà Nội là yếu tố quan trọng trong chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Obama để cân bằng quyền lực trước thái độ ‘giương oai diễu võ’ của Trung Quốc tại khu vực.  
Nhưng bang giao tiến triển tốt đẹp hay nồng ấm thế nào tùy vào thiện chí cải cách của chính phủ Hà Nội về mặt nhân quyền, điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền-dân chủ-lao động, Tom Malinowski, đã khẳng định với VOA Việt ngữ như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây và ông kỳ vọng hợp tác quân sự, chính trị, ngoại giao, thương mại Việt-Mỹ sẽ là nguồn lực giúp hiện thực hóa các cải cách nhân quyền tại Việt Nam.