Trang

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

406. CHÍNH QUYỀN VN RẤT THÍCH BẠO LỰC

Chính quyền tạo mâu thuẩn 

và dùng mâu thuẩn nên sẽ chết vì mâu thuẩn....

Đó là luật nhân quả...
BBT Blog 

Trước chuyến đi Mỹ của ông Trọng:

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị công an đàn áp như thế nào?


Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)


Từ đầu tháng 6/2015, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần liên tiếp gửi giấy triệu tập đối với Nhà báo Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN) về “làm rõ nội dung các bài viết đăng lên Internet liên quan Nguyễn Quang Lập”.

Sau khi nhà báo Phạm Chí Dũng từ chối đến Cơ quan ANĐT cả 3 lần vì lý do sức khỏe, ngày 25/6/2015, khoảng 20 nhân viên an ninh đã ập vào trường Tuổi Thơ 7, quận 3, TP HCM - là nơi gửi con của nhà báo Phạm Chí Dũng - để bắt giữ và cưỡng chế thô bạo ông về Cơ quan ANĐT tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, giữ người đến cuối giờ chiều mới thả ra.
Ngày 26/6, nhà báo Phạm Chí Dũng lại một lần nữa bị các nhân viên an ninh ép xe trên đường, cưỡng bức đưa về Cơ quan ANĐT, giữ người đến cuối giờ chiều mới thả ra.
Mặc dù lý do làm việc của Cơ quan ANĐT là về vụ án Nguyễn Quang Lập, nhưng hầu hết các câu hỏi thẩm vấn đều xoáy vào IJAVN, trang web của hội này là Việt Nam Thời Báo và các bài viết trên báo nước ngoài của tác giả Phạm Chí Dũng. Cơ quan ANĐT đòi hỏi trang web Việt Nam Thời Báo phải ngừng hoạt động.
Ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2015, Cơ quan ANĐT lại tiếp tục phát giấy triệu tập đối với Nhà báo Phạm Chí Dũng để “hỏi rõ nội dung một số bài viết ông Dũng đăng lên mạng Internet”. Có thể hiểu là đến lúc này, mục đích của chính quyền và công an không chỉ muốn ngăn chặn và loại bỏ hoạt động của IJAVN mà còn nhắm tới việc ngăn chặn và loại bỏ vai trò chủ tịch hội của nhà báo Phạm Chí Dũng.
Triệu tập trái pháp luật
Với 2 giấy triệu tập ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2015 do Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn ký tên, Cơ quan ANĐT đã lạm quyền khi sử dụng giấy triệu tập không đúng với qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An về việc chỉ “Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự” mới có quyền hạn “triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”. Tức chỉ sau khi khởi tố vụ án, phân công điều tra viên, những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới được điều tra viên triệu tập.
Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) cũng qui định: nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặc dù được yêu cầu là “người làm chứng”, nhưng nhà báo Phạm Chí Dũng luôn bị Cơ quan ANĐT đe dọa là “từ nay trở đi sẽ cưỡng chế triệu tập bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu”. Sỹ quan an ninh thẩm vấn trực tiếp còn có hành vi ép buộc nhà báo Phạm Chí Dũng phải ký tên vào biên bản ghi lời khai cùng cản trở quyền đón con nhỏ của ông.
Món quà nhân quyền ông Trọng mang đến Mỹ?
Từ cuối năm 2013 sau khi tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập IJAVN đến nay, Nhà báo Phạm Chí Dũng liên tục bị cơ quan công an tổ chức theo dõi, tịch thu hộ chiếu cấm xuất cảnh, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, gần 20 lần bị triệu tập, một số lần bị bắt giữ trái phép.
Những động tác triệu tập, đối xử thô bạo, nội dung thẩm vấn và hành vi sách nhiễu khác của Cơ quan ANĐT trong thời gian qua khó có thể được hiểu khác hơn là nhằm mục đích muốn loại trừ IJAVN và vai trò chủ tịch IJAVN của Nhà báo Phạm Chí Dũng, bất chấp thiện chí của IJAVN là phản biện ôn hòa với nhà cầm quyền về chính sách và việc thực hiện chính sách để cùng hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã hội.
Những hành động trên của Công an TP.HCM là một bằng chứng rõ ràng về việc Nhà nước Việt Nam đã rất thiếu tôn trọng những cam kết của họ trong vai trò một thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. 
Những hành động trên lại chỉ xảy ra ít ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 7/7/2015 của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng, một chuyến đi mang ý nghĩa rất quan trọng về quân sự, kinh tế, nhưng cũng có thể không tránh được các chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và người Việt hải ngoại về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của chế độ Việt Nam.
Trước nguy cơ bị nhà cầm quyền đe dọa và có thể dẫn tới đàn áp nhằm xóa sổ IJAVN - một tổ chức xã hội dân sự mặc nhiên được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và 2013, các nhà báo độc lập của IJAVN đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động sách nhiễu, đối xử thô bạo và có thể tiến tới bắt giam của Công an TP HCM đối với không chỉ Chủ tịch IJAVN Phạm Chí Dũng trong thời gian qua mà còn có thể xảy ra với một số thành viên IJAVN trong thời gian tới.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.