Việt Nam:
Lập pháp buông tay với hành pháp
Việt Nam Thời Báo.
Không có đại biểu nào
của Quốc Hội Việt Nam đăng đàn để đóng góp ý kiến cho kế hoạch giám sát của Quốc
Hội Việt Nam năm tới, nên buổi thảo luận về nội dung này bị hủy bỏ.
Không có đại biểu nào
đăng đàn.
Quốc
Hội Việt Nam giải tán sớm. (Hình: VnExpress)
Ngoài việc lập pháp,
Quốc Hội Việt Nam còn một trọng trách khác là giám sát việc thi hành chính
sách, pháp luật của hệ thống hành pháp. Quốc Hội Việt Nam thường chọn những
lĩnh vực có nhiều vấn đề bất thường, bị dân chúng chỉ trích để lập kế hoạch kiểm
tra việc thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đó.
Tại kỳ họp Quốc Hội lần
này, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc Hội lựa
chọn một trong hai lĩnh vực để Quốc Hội Việt Nam sẽ kiểm tra (giám sát) trong
năm tới là: Việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành
nông nghiệp giai đoạn từ 2010-2015. Hoặc việc thực hiện chính sách phát triển
khoa học-công nghệ giai đoạn từ 2005-2015 và định hướng cho chính sách phát triển
khoa học-công nghệ giai đoạn từ 2015-2025.
Theo báo chí Việt
Nam, sáng 9 tháng 6, ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam - người
điều hành buổi thảo luận, đã tuyên bố chấm dứt buổi thảo luận về kế hoạch kiểm
tra (giám sát) của Quốc Hội năm 2016 vì không có đại biểu nào đăng đàn để góp
ý.
Báo chí Việt Nam nhận
định, đây là điều chưa từng xảy ra tại các kỳ họp của Quốc Hội Việt Nam. Bối rối
trước cử tọa “lặng như tờ,” cuối cùng ông Sơn đành tuyên bố kết thúc buổi thảo
luận khi đồng hồ mới chỉ 9 giờ 30.
Năm ngoái, trước sự
phẫn nộ của công chúng về hoạt động tùy tiện của hệ thống tư pháp, Quốc Hội Việt
Nam quyết định chọn việc kiểm tra các vụ án được cho là oan, cũng như kiểm tra
việc thi hành chính sách, pháp luật về hình sự của hệ thống tư pháp.
Tại kỳ họp Quốc Hội lần
này, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam vừa công bố báo cáo kết quả kiểm
tra (giám sát) và báo cáo đó làm nhiều người thất vọng cả về nội dung lẫn chất
lượng hoạt động kiểm tra (giám sát) của Quốc Hội.
Theo báo cáo thì các
oan án như vụ Lê Bá Mai (Ngụ tại Bình Phước, bị kết tội “hiếp dâm trẻ em, giết
người.” Tuy kết luận điều tra, cáo trạng, bản án có hàng loạt mâu thuẫn đến mức
khó hiểu, công chúng chỉ trích dữ dội. Trong mười năm, hệ thống tư pháp phải xử
đi, xử lại đến bảy lần, có lần kết án tử hình, có lần kết luận vô tội. Lần gần
nhất - 2013, Tòa Phúc Thẩm phạt Mai chung thân), sau khi “kiểm tra,” Ủy Ban Thường
Vụ của Quốc Hội Việt Nam không khẳng định hệ thống tư pháp đã xử phạt “đúng người,
đúng tội,” cũng không xác định Mai bị oan mà chỉ nhận xét... “chưa có căn cứ kết
luận Lê Bá Mai bị oan”!
Vụ Nguyễn Văn Chưởng
(Ngụ ở Hải Phòng, cùng hai người khác bị cáo buộc “giết người, cướp tài sản,”
ông Chưởng bị kết án tử hình. Bản án bị viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao kháng
nghị, yêu cầu xem lại cáo buộc ông Chưởng “giết người” nhưng Hội Đồng Thẩm Phán
của Tòa Án Tối Cao bác kháng nghị), Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, xác
định, Hội Đồng Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao bác kháng nghị là không đúng vì
kháng nghị có căn cứ. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì vì quyết định của
Hội Đồng Thẩm Phán là quyết định cuối cùng nên có sai cũng không thể... sửa!
Chỉ còn một cách là đề
nghị chủ tịch nhà nước... ân xá! Trong báo cáo của Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội
Việt Nam về kết quả kiểm tra các vụ án được cho là oan không thấy nêu đề nghị
này!
Cũng theo báo cáo vừa
kể thì một số oan án khác mà công chúng đang đòi phải giải oan như vụ ông Hàn Đức
Long (ngụ ở Bắc Giang, bị kết án tử hình vì “hiếp dâm trẻ em, giết người”), vụ
ông Huỳnh Văn Nén (ngụ ở Bình Thuận, bị kết án chung thân vì “giết người, cướp
tài sản”), vụ ông Đỗ Minh Đức (ngụ ở Hải Phòng, bị kết án chung thân vì “giết
người”), vụ bà Đỗ Thị Hằng (ngụ ở Bắc Giang, bị kết án sáu năm tù vì “mua bán
phụ nữ”), Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam xác nhận “có nhiều sai phạm
nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” nhưng “chưa có căn cứ
xác định bị oan”!
Báo cáo kết quả kiểm
tra (giám sát) các vụ án được cho là oan và việc thi hành chính sách, pháp luật
về hình sự của hệ thống tư pháp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam, chỉ thừa
nhận tình trạng làm người vô tội bị hàm oan “còn nghiêm trọng.”
Trong ba năm vừa qua,
đã xác định có 71 trường hợp bị hàm oan và “một số trường hợp khác có dấu hiệu
bị oan đang được xem xét, giải quyết” nhưng chẳng giải oan được cho ai và cũng
chẳng chỉ ra được rằng, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về hoạt động tồi tệ của
hệ thống tư pháp Việt Nam.
Chưa rõ có sự liên
quan nào giữa sự thất vọng về báo cáo kết quả kiểm tra (giám sát) của năm nay với
việc không có đại biểu Quốc Hội nào đăng đàn để góp ý cho việc lựa chọn lĩnh vực
kiểm tra (giám sát) của năm tới hay không?