Thời khắc cải cách thể chế đã đến?
Việt
Nam Thời Báo.
“Để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng
cao ở mức 7,5 – 8%/năm trong mười năm tới, đã đến thời khắc Việt Nam chuyển đổi
sang mô hình phát triển mới và thực hiện những cải cách thể chế cần thiết để hỗ
trợ cho sự chuyển đổi này”, bài phân tích chính sách mới nhất của Chương trình
giảng dạy kinh tế Fulbright viết.
Sáng nay, 10-6-2015,
Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã tổ chức buổi tọa đàm về “Cải cách
thể chế: từ tầm nhìn đến thực tiễn”. Đây cũng là tựa đề của bài nghiên cứu
chính sách mới nhất của nhóm tác giả (*) thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế
Fulbright.
Mở đầu buổi tọa đàm,
TS. Phạm Duy Nghĩa, thành viên nhóm nghiên cứu, ví von nền kinh tế Việt Nam hiện
nay như một người bệnh. Người bệnh này đã khám và được xác định một số bệnh cụ
thể; các bác sĩ cũng đã kê toa thuốc nhưng bệnh nhân không chịu uống hết đúng
liều.
Rồi, ông Nghĩa đi thẳng
vào vấn đề: “Thực trạng nền kinh tế chúng ta đã thấy, các giải pháp chúng ta đã
đưa ra, vấn đề còn lại là thực hiện. Nhưng, tại sao không thực hiện được? Theo
tôi vấn đề nằm ở thể chế của chúng ta không theo kịp yêu cầu cuộc sống”.
Ông Nghĩa cho rằng, để
cải cách thể chế phục vụ cho phát triển cần phải thúc đẩy cải cách lập pháp và
tư pháp. “Nói đã nhiều, bây giờ là lúc phải hành động cụ thể”, ông nói. Theo
ông, Hiến pháp 2013 và các tuyên bố chính trị đã bao hàm một chương trình cải
cách đồ sộ, nhưng cái cần hiện nay là ban hành các đạo luật làm nền móng cho quản
trị quốc gia trong nhiều thập niên mới.
Một thành viên khác của
nhóm nghiên cứu, TS. Huỳnh Thế Du, cho rằng đây là thời khắc để kiến tạo liên
minh cải cách. Theo ông, câu hỏi lớn nhất hiện nay không còn là cải cách cái gì
mà là tiến hành cải cách như thế nào, bắt đầu từ đâu, với những liên minh nào để
thúc đẩy cải cách theo hướng bao trùm, lôi cuốn nhiều giai tầng tham gia tích cực
hơn vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Ông Du đề xuất liên
minh cải cách và phát triển cho Việt Nam gồm: Đảng, cơ quan dân cử, tư pháp,
hành chính công vụ, kinh tế tư nhân...
Về Đảng, theo ông Du,
vai trò lãnh đạo và dẫn dắt cần tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất là thể hiện
qua việc thảo luận và đưa ra các định hướng chính sách quyết định đến sự phát
triển của Việt Nam. Để có được chính sách tốt, hợp lòng dân thì thảo luận chính
sách phải công khai. Muốn vậy phải chấp nhận một xã hội cởi mở, chấp nhận vai
trò phản biện của trí thức mạnh mẽ hơn.
Thứ hai là Đảng cần thúc
đẩy cơ chế cạnh tranh, tìm ra nhân lực lãnh đạo có thực tài. Như vậy phải có một
quá trình lựa chọn dân chủ, cởi mở, dựa trên nền tảng cạnh tranh.
Và thứ ba là cần luật
hóa vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Đảng cần gương mẫu là người đầu
tiên tuân thủ chế độ pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
Song song với những vấn
đề nói trên, theo ông Du, Đảng cần tập trung một cách chủ động vào năm vấn đề -
năm cấu phần quan trọng của việc hình thành một liên minh cải cách và phát triển
đúng nghĩa, đó là (i) chuyên nghiệp hóa hoạt động của cơ quan dân cử và dân biểu;
(ii) tạo dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp đủ năng lực quản lý và
điều hành quốc gia; (iii) tạo dựng hệ thống tư pháp đủ quyền lực độc lập để bảo
vệ công lý; (iv) xem kinh tế tư nhân trong nước như một đối tác liên minh của
chính quyền trong việc tạo ra một Việt Nam thịnh vượng; và (v) thừa nhận sự tồn
tại và vai trò tất yếu của các tổ chức xã hội, chấp nhận quyền giám sát nhà nước
và thị trường của các tầng lớp trong xã hội và giới truyền thông.
Tham dự tọa đàm, TS.
Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), luật sư Trần Hữu Huỳnh (Phòng Thương mại
và công nghiệp Việt Nam) và nhiều ý kiến của các chuyên gia khác đều thừa nhận
bộ máy hành pháp của Việt Nam hiện nay quá mạnh trong khi tiếng nói của lập
pháp và tư pháp quá yếu ớt nên cần phải có cơ chế mới để cân bằng.
(*) Nhóm nghiên cứu gồm
các tiến sỹ: Vũ Thành Tự Anh, Laura Chirot, David O. Dapice, Huỳnh Thế Du, Phạm
Duy Nghĩa, Dwight H. Perkins, Nguyễn Xuân Thành
Tin liên quan: Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời
giải
Một câu hỏi mà gần 30
năm qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn chưa có câu trả lời,
đó là thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một ngày cuối năm
ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về
các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các
lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người
hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà
mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước,
khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học
viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận,
nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau
ông.
Nhiều người hỏi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thế nào là thể
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp: “Chúng ta cứ
nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi
tìm”.
Qua nhiều nghiên cứu
sau đổi mới, định nghĩa về thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vẫn chưa
được xác định rõ, theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược. Ông nói: “Chúng ta là nền
kinh tế thị trường duy nhất trên thế giới lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, làm
kinh tế thị trường bị biến dạng, gia tăng vai trò can thiệp hành chính của Nhà
nước”. Lý luận chưa thông đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề trên thực tế, như
doanh nghiệp nhà nước ngày càng lớn, chi tiêu công phình to, số công chức trong
hệ thống nhà nước không thể tinh giản, phân bố nguồn lực ngày càng lệch lạc...
Những điều này, và nhiều điều khác nữa, là nguyên nhân chính cho nền kinh tế
rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp, dài nhất kể từ khi đổi mới.
Ông Vinh đã chứng kiến
rất nhiều mâu thuẫn khi còn làm ở địa phương. Một ví dụ đơn giản, là miễn thủy
lợi phí cho nông dân. Nhà nước rót tiền để công ty thủy nông tưới tiêu nước miễn
phí. Cơ chế đó tưởng là tốt, nhưng lại làm tất cả trở nên vô trách nhiệm. Công
ty thủy nông vì không thể bán sản phẩm nên không quan tâm chất lượng dịch vụ,
cơ quan thủy nông của Nhà nước cũng có thể nảy sinh tiêu cực khi cấp tiền cho
công ty thủy nông, và người nông dân nhiều khi để nước chảy tràn bờ mà không mấy
bận tâm. “Như vậy, một tài nguyên quý như nước mà được dùng vô tội vạ”, ông
Vinh kể lại câu chuyện này, và nói: “Chúng ta cứ tưởng chúng ta tốt, chúng ta
đúng khi cho không. Phân bổ nguồn lực dựa vào ý chí chủ quan, trái quy luật thị
trường để lại hậu quả rất nghiêm trọng”.
Cho đến gần đây, yêu
cầu về việc xác định mô hình phát triển và xây dựng thể chế để phân định vai
trò của Nhà nước và của thị trường lại được đặt ra. Và một đề án về cải cách thể
chế kinh tế Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nhằm tìm các biện
pháp giải quyết tình trạng suy kiệt của nền kinh tế.
Những nỗ lực như vậy
cần phải được tiến hành nhanh hơn trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Một
nghiên cứu của Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
tuần trước đã liệt kê hàng loạt cam kết hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến
cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam sau khi ký kết các hiệp định như Hiệp định
Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với EU thời
gian tới.
Chẳng hạn, một số
FTA, đặc biệt là TPP mà Việt Nam đang đàm phán có cam kết về doanh nghiệp nhà
nước (DNNN) theo hướng yêu cầu tất cả DNNN cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp
tư nhân; Nhà nước không trợ cấp cho DNNN; minh bạch hóa quản lý DNNN. Nội dung
cam kết này, theo Bộ Ngoại giao, sẽ đặt ra thách thức về thể chế kinh tế.
Thứ nhất, cơ chế “xin
- cho” thời gian qua đã thúc đẩy hình thành khu vực hưởng lợi trên lưng người
khác (rent-seeking) thu lợi nhờ các đặc quyền hoặc độc quyền kinh doanh. Việc
xóa bỏ cơ chế này đang gặp nhiều trở lực do sức ỳ lớn của nhiều DNNN và các
nhóm lợi ích hưởng lợi từ cơ chế này.
Thứ hai, chế độ quản
trị của DNNN ở nước ta nhìn chung còn chịu ảnh hưởng của tàn dư cơ chế quan
liêu, chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong quản trị doanh
nghiệp; do đó minh bạch hóa quản lý DNNN đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới căn
bản quản trị của DNNN.
Thứ ba, việc đặt các
DNNN vào môi trường cạnh tranh “sòng phẳng” trong khi sức cạnh tranh còn hạn chế,
nếu không có các thể chế hỗ trợ không loại trừ khả năng bị thâu tóm, chi phối bởi
độc quyền tư nhân và/hoặc độc quyền nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực cần
có điều tiết của Nhà nước.
Bộ Ngoại giao cho rằng
trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần xác định rõ
đâu là yếu tố thị trường, đâu là định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ cho rằng, thể
chế kinh tế của Việt Nam có đặc thù, nhưng trước hết cần theo dòng chảy chung của
nhân loại. Kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế chung của thế
giới hiện nay, phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa là nói đến bản chất và
vai trò của Nhà nước ta.
Với cách tiếp cận như
vậy và trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, có thể phân định rõ vai trò của thị
trường và Nhà nước trong kết cấu thể chế kinh tế ở nước ta như sau:
Thứ nhất, tôn trọng
quy luật của thị trường, để thị trường giữ vai trò quyết định phân bổ hiệu quả
các nguồn lực. Trong hội nhập quốc tế, Nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng
doanh nghiệp và xã hội giữ vai trò quyết định thành công và hiệu quả của hội nhập.
Vì vậy, cần tạo dựng được các thể chế thị trường hiện đại để khơi dậy và giải
phóng tối đa tiềm năng, sáng tạo và sức sản xuất của toàn xã hội.
Trong điều kiện hội
nhập quốc tế, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường được thể hiện đồng thời
dưới hai góc độ: (i) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế để dẫn lái kinh tế Việt Nam theo
quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại. (ii) Cần có các thể chế bảo đảm tôn trọng
và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường như quyền tài sản, quyền
tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Thứ hai, về vai trò của
Nhà nước. Nhà nước nên tập trung làm tốt các chức năng cốt lõi: (i) Ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo vệ các nền tảng tích cực của kinh tế thị trường; (ii) Khắc
phục, sửa chữa các khiếm khuyết và thất bại của thị trường nhằm bảo đảm phân bổ
hiệu quả hơn các nguồn lực; (iii) Thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm
công bằng và tiến bộ xã hội.
Những cuộc thảo luận
về cải cách thể chế đang được nhiều cơ quan tiến hành trên diện rộng. Tất cả những
nỗ lực đó là nhằm tổng kết 30 năm đổi mới ở Việt Nam. Liệu câu hỏi làm băn
khoăn bộ trưởng cách đây gần 30 năm có được giải đáp thỏa đáng?
Xã hội dân sự có là
“ngáo ộp”
Chủ đề xã hội dân sự
chỉ được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đề cập ngắn gọn trong
khoảng 6 phút, nhưng đã để lại sự quan tâm đặc biệt tại Diễn đàn kinh tế mùa
xuân 2014.
Ông Tuyển nói: “Tôi
suy đoán rằng cái mà chúng ta kỵ cụm từ xã hội dân sự cũng giống như chúng ta
đã từng kỵ thể chế kinh tế thị trường, coi đó là một sản phẩm của kinh tế tư bản.
Và bây giờ, chúng ta cũng đang coi xã hội dân sự như là cấu trúc chính trị của
chủ nghĩa tư bản.”
Ông giải thích, thể
chế thị trường hiện đại bao gồm ba trụ cột là thị trường, Nhà nước và các tổ chức
xã hội dân sự, trong đó thị trường đảm bảo các yếu tố quyết định phân bổ hiệu
quả các nguồn lực, đảm bảo dịch chuyển nguồn lực; Nhà nước xử lý những thất bại
của thị trường, dùng chính sách để điều tiết; và các tổ chức xã hội dân sự đóng
vai trò phản biện, xây dựng chính sách, và giám sát thực thi chính sách.
Trích dẫn Karl Marx,
rằng bản chất của nhà nước là có tính chất quan liêu, ông Tuyển cho rằng, xã hội
dân sự giúp phát huy dân chủ để khắc phục sự quan liêu đó. Ông nhắc lại Thủ tướng
cũng yêu cầu phát huy dân chủ trong bản thông điệp đầu năm.
Ông Tuyển, vừa trở về
từ cuộc đàm phán song phương Việt Nam - Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) ở Washinton DC hôm Chủ nhật 27-4, nói ông lo ngại “thể chế
chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP”. Ông giải thích: “Ví
dụ, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các
hiệp hội. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”.
Phải có chủ thuyết phát
triển
Bài phát biểu của ông
Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại
Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 được nhiều người đánh giá cao. Liên quan đến vấn
đề cải cách thể chế để tạo ra động lực mới cho phát triển, ông Bá đưa ra sáu đề
xuất. “Thứ nhất, chúng ta chưa có chủ thuyết phát triển của Việt Nam. Tôi đề
nghị cần nghiên cứu cụm từ ấy theo nguyên tắc, cái gì có lợi cho đất nước này,
cái gì có lợi cho dân tộc này thì làm, cái gì không có lợi thì bỏ, không câu nệ
gì hết. Đây là thời điểm tốt khi Đảng đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XII.
Thứ hai, nói đến thể
chế là nói đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Tôi đồng ý. Nhưng còn vế
thứ hai, là trên cơ sở xác định rất rõ chức năng, nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước
thì phải phân định rạch ròi nhiệm vụ của các cơ quan, các bộ phận. Ví dụ, Đảng
ra chiến lược phát triển 10 năm, Quốc hội quyết định kế hoạch 5 năm, Chính phủ
quyết định hàng năm. Khi đã minh định như vậy thì cứ thế mà làm. Thứ ba, phải
làm rõ trách nhiệm và phải có chế tài đối với cơ quan công quyền khi không thực
hiện nhiệm vụ. Quốc hội, Chính phủ mà làm sai thì chế tài thế nào? Quốc hội
thông qua luật mà luật không đi vào cuộc sống thì phải chế tài chứ. Chính phủ
cũng thế. Các cơ quan công quyền phải làm việc có trách nhiệm.
Thứ tư, có một số tổ
chức phải đưa ra ngoài Quốc hội, Chính phủ để đảm bảo tính trung thực và chính
xác được. Tôi đề nghị kiểm toán, ngân hàng trung ương, thống kê phải đưa ra
ngoài, cấp trên của các cơ quan này chỉ là luật pháp. Kiểm toán cũng phải kiểm
toán cả Quốc hội và bất kỳ cơ quan nào tiêu tiền ngân sách. Thứ năm, đã đến lúc
phải tổ chức lại chính quyền nhà nước ở các địa phương, nên xem xét thành lập
chính quyền cấp vùng. Đề nghị chính quyền địa phương không làm kinh tế, tỉnh
nào cũng phát triển công nông nghiệp, dịch vụ. Lúc ấy họ mới ra khâu quy hoạch,
chiến lược có giá trị.
Thứ sáu, phải nhanh
chóng ban hành một số luật, ví dụ trưng cầu ý dân, luật về xã hội dân sự.
Theo tôi, động lực mới
chỉ có từ cải cách thể chế. Đất nước này muốn phát triển lớn thì phải có đột
phá, phải dám làm mạnh mẽ”.