Trang

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

368: HAY HAY KHÔNG HAY???


Bà Hillary Clinton lên tiếng về TPP

Ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, kêu gọi Tổng thống Barack Obama làm việc với các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội để cứu vãn dự luật có tên gọi Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), được coi là vô cùng quan trọng cho Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie, một đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong quốc hội vẫn tỏ ra lạc quan rằng TPA sẽ được thông qua vì các hệ quả lớn mà các thỏa thuận thương mại mang lại cho vị thế lãnh đạo của nước Mỹ.
Trong một cuộc vận động ở Des Moines, Iowa hôm qua, cựu Ngoại trưởng Clinton kêu gọi ông Obama lắng nghe các đảng viên Dân chủ, những người thứ Sáu tuần trước đã bỏ phiếu chống dự luật về trợ giúp người lao động gắn với TPA:
“Trong 8 năm tôi làm ở Thượng viện, tôi đã bỏ phiếu ủng hộ một số thỏa thuận thương mại và tôi đã bỏ phiếu chống lại những thoả thuận khác. Tôi nghĩ tôi có một ý tưởng khá hay về những gì mà chúng ta có thể làm để thỏa mãn những điều kiện mà tôi tin là bất kỳ hiệp định thương mại nào, nhất là hiệp định TPP, phải thỏa mãn. Đầu tiên là thỏa thuận phải bảo vệ các công nhân Mỹ, và thứ hai, cần phải tăng lương và tạo công ăn việc làm với thu nhập tốt ở trong nước, và thứ ba, cần phải bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Tôi đã đề cập tới chuyện này nhiều tháng qua. Và theo tôi, hiện cần phải thực hiện những việc sau. Để đạt được một thỏa thuận đáp ứng các tiêu chuẩn cao, tổng thống cần phải lắng nghe và làm việc với các đồng minh trong quốc hội, những người đã bày tỏ quan ngại về tác động của một thỏa thuận yếu kém đối với các công nhân Mỹ, để bảo đảm là chúng ta có được một thỏa thuận tốt nhất và mạnh nhất có thể, và nếu không đạt được điều đó, thì chúng ta không nên ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.”
Từng bị chỉ trích vì trước đây không lên tiếng về TPP, bà Clinton không công khai ủng hộ thỏa thuận này, mà cho rằng cần phải đợi cho tới khi nào các cuộc đàm phán giữa 12 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương hoàn tất.
Bên chống đối TPP, trong đó có các liên đoàn lao động, các nhóm bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, và tiêu dùng, nói rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn tới chỗ mất việc làm và lương bổng giảm sút, trong khi không làm được gì nhiều để thúc đẩy việc bảo vệ các công nhân ở nước ngoài.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người đối đầu với bà Clinton trong cuộc chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống 2016 của đảng Dân chủ, nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng ông thấu hiểu thông điệp mà các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội muốn phát đi.
“Có lẽ chúng ta cần có một chính sách thương mại đại diện cho tầng lớp lao động để giúp xây dựng lại ngành chết tạo của đất nước thay vì chỉ đại diện cho các giám đốc điều hành của các đại tập đoàn đa quốc.”
Trước khả năng sẽ có thêm một cuộc bỏ phiếu về dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA) trong tuần này, ông Sanders nói rằng ông hy vọng bà Clinton sẽ đứng về phía những ai coi TPP và các thỏa thuận thương mại tự do khác là một thảm họa cần phải đánh bại. Ông nói rằng chính sách thương mại cần phải đòi hỏi các tập đoàn của Mỹ đầu tư tại Hoa Kỳ chứ không phải tại các nước khác.
Phát biểu trên chương trình Fox News Sunday, Dân biểu Cộng hòa Paul Ryan, chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Hạ viện, nói rằng các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội đã “đồng loạt” bỏ rơi ông Obama, và tổng thống có nhiều việc cần phải làm với đảng của ông để đảo ngược tình thế.
“Tôi lạc quan. Tôi nghĩ rằng chuyện này có thể được cứu vãn khi người ta nhận ra những hệ quả lớn đối với vị thế lãnh đạo của nước Mỹ”.
Xuất hiện riêng rẽ trên chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC, Bộ trưởng Lao động Tom Perez bày tỏ lạc quan rằng dự luật về trợ giúp người lao động Mỹ TAA sẽ được thông qua theo cách này hay cách khác. Ông cho rằng Hoa Kỳ cần phải đặt ra luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Charles Morrison, chủ tịch Viện Đông Tây ở Hawaii, cảnh báo rằng việc không thể thông qua cái gọi là quyền đàm phán nhanh, theo đó quốc hội Mỹ không thể thay đổi thỏa thuận này khi nó được đưa ra thông qua tại cơ quan lập pháp này, sẽ đẩy TPP chậm lại vài năm.
“Câu hỏi thật sự là liệu Hoa Kỳ có thể là một đối tác đàm phán đáng tin cậy hay không nếu họ không có sẵn quyền đàm phán nhanh trước khi họ bắt đầu một cuộc đàm phán về thương mại.”

Chuyên gia về châu Á Michael J. Green của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảnh báo rằng việc quốc hội Mỹ không trao cho Tổng thống Mỹ quyền thúc đẩy thương mại sẽ gây ra thảm họa cho chính sách châu Á của ông Obama. Ông Green nói rằng điều đó sẽ đẩy một số đối tác đàm phán về TPP tới chỗ ngưng cải cách và nhượng bộ về thuế, và tiến tới chỗ ủng hộ các định chế kinh tế không thuộc Mỹ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á mới được thiết lập của Trung Quốc.