Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

359: HẠ VIỆN MỸ BÁC QUYỀN ĐÀM PHÁN NHANH.

Hạ viện Mỹ bác quyền đàm phán nhanh TPP
13 tháng 6 2015
BBC.

Tổng thống Obama cùng với Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi


Dự luật quyền đàm phán nhanh (TPA), vốn cho phép Tổng thống Obama xúc tiến các thỏa thuận thương mại quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, không được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua.


Dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA), vốn được đính kèm với TPA, đã bị bác với 302 phiếu chống, 126 phiếu thuận, hãng tin AP đưa tin.

Sau cuộc họp kín với Tổng thống Obama và các dân biểu Dân chủ hôm 12/6, Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã công bố quyết định chống lại dự luật nói trên.

"Chúng tôi muốn một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ," bà được báo New York Times dẫn lời cho hay.

Hãng AP dẫn lời Phát Ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Không mấy ai ngạc nhiên khi một sự hỗn loạn có quy trình đã xảy ra".

Đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện John Boehner cũng như các lãnh đạo Cộng hòa đã hợp tác với ông Obama để thông qua dự luật.

Tuy nhiên sự chống đối từ một số thành viên đảng Cộng hòa đồng nghĩa với việc ông Obama cần sự ủng hộ từ hơn hai chục dân biểu Đảng Dân chủ để giành thắng lợi.

Hôm 12/6, ông Obama đã kêu gọi các thành viên Đảng Dân chủ không gây khó khăn cho dự luật TPA, vốn sẽ cho phép ông xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại quan trọng.

TPA cho phép chính phủ Mỹ đàm phán trọn gói các hiệp định thương mại trước khi đưa lên Quốc hội, thay vì phải chịu sự giám sát của Quốc hội trong từng khâu đàm phán.

Tuy nhiên dự luật này lại bị các nghị sỹ Dân chủ đính kèm với TAA, một chương trình hỗ trợ cho các lao động Mỹ bị mất việc làm vì các hiệp định thương mại mới.

Dự luật này từ lâu đã được phe Dân chủ ủng hộ, nhưng lại gây bất lợi cho ông Obama khi được đính kèm cùng TPA.

Các dân biểu Cộng hòa, vốn đã bị đặt vào tình thế khó xử khi phải trở thành đồng minh của ông Obama, lại càng khó xử hơn khi bị yêu cầu bỏ phiếu thông qua TAA - lâu nay vẫn bị nhiều thành viên phe Cộng hòa chống đối, AP nhận định.
'Phản tiến hóa'

Bình luận trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC về sự chia rẽ nội bộ trong Đảng Dân chủ quanh vấn đề TPA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, Hoa Kỳ, cho rằng "mỗi người chỉ nhìn thấy khía cạnh của mình."

"Người ta cho rằng hiệp định như vậy sẽ dẫn đến việc gia tăng các khoản đầu tư ra ngoài, làm người Mỹ mất công ăn việc làm. Đó là nhìn nhận sai về kinh tế thuần túy", ông nói.

"Nước Mỹ đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất và cũng nhận đầu tư từ nước ngoài nhiều nhất."

"Đa số đầu tư của Mỹ ra nước ngoài không phải đi tìm nhân công rẻ ở các nước nghèo mà là ở những nước như Nhật Bản, vốn có môi trường đầu tư thông thoáng, có thị trường phát triển."

"Các hãng Hàn Quốc hay Nhật Bản khi đầu tư vào Hoa Kỳ cũng không đi tìm nhân công rẻ nên lý luận đó là sai và phản tiến hóa."

"Nước Mỹ không có tầm nhìn lớn và không giải quyết được vấn đề khá chiến lược."

"Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng yêu cầu Việt Nam phải thay đổi về điều kiện lao động, vấn đề nhân quyền và công đoàn tự do."

"Thế nhưng chính thay đổi từ Đảng Dân chủ đã làm cho những đòi hỏi đó trở nên vô nghĩa," ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói với BBC.