Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

149. GÓP PHẦN HIỂU ĐÚNG ẢN NGÔN (tt).

(tt)

B- KHU CHÀ LÀ DÀNH CHO NHỮNG  NGƯỜI HAI VỢ.

Khi nghe một số  đàn anh cho biết đấy là câu nói của Đức Hộ Pháp  đã dấy  lên trong lòng chúng tôi bao nỗi hoài nghi.
Tôi tìm hỏi các vị lão thành thì các vị cũng xác định đấy là câu nói của Đức Hộ Pháp còn nói trong dịp nào thì các vị cũng không xác định được.
Chúng Tôi  xem lại  Tân Luật,  phần Thế Luật, điều thứ chín  qui định:

Cấm người trong Đạo từ ngày ban hành luật nầy về sau không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì  được chấp nối.
Thảng như phụ nữ kia không con nối hậu thì Thầy cũng rộng cho đặng phép  cưới hầu thiếp, song chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng.
Qua nội dung trên Các vị đều  đồng ý  rằng Đạo Cao Đài không chủ  trương đa thê,  không cho phép đa thê… vậy thì  câu nói trên hiểu theo nghĩa đen là hoàn toàn không phù hợp với Tân Luật.
Đức Hộ Pháp là người tham gia vào việc biên soạn Tân Luật.
Trong trách nhiệm Hộ Pháp thì Ngài là người có nhiệm vụ nắm trọn cả Luật Đạo và Luật Đời. Vậy thì lẽ nào Ngài lại  ưu ái cho thành phần  vi phạm Tân Luật có được một khu riêng biệt như thế.
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống và trong một số văn bút khác Ngài cũng đều khuyên mọi người phải đối xữ công bằng, tôn trọng người bạn hôn phối của mình. Đấy là cộng tác viên của mình trên đường đời gió bụi chớ không phải là oan gia tội báo. Ngài chưa hề có một văn bút nào ưu ái cho người đa thê.
Vậy câu trên phải hiểu như thế nào cho đạt được yêu cầu:  thực tế, không khiên cưỡng và phù hợp với pháp luật Tôn giáo Cao Đài.
Thông thường ta vẫn nghe câu: Một cảnh hai quê hay  Một kiểng hai quê. (có người bảo là huê có nghĩa là “Bông”… nhưng  mục đích của chúng tôi không nhằm truy nguyên nguồn gốc của câu nói… mà chỉ đề cập đến ý nghĩa mà xã hội đang dùng mà thôi.
Trong hiện dụng thì câu nói trên  dùng cho các trường hợp sau: 
Một người  nhưng có nhiều chuyện phải lo…
Một người  có hai vợ…
Một người có hai quê hương…
Vậy thì câu nói: KHU CHÀ LÀ DÀNH CHO NHỮNG  NGƯỜI HAI VỢ được hiểu là khu đất mà Tôn Giáo Cao Đài dành cho những người có hai quốc tịch hoặc đa quốc tịch hay những người có liên quan đến yếu tố nước ngoài sinh sống.
Trong buổi sơ khai  của Tôn Giáo Cao Đài thì  người Đạo đã biết là có qui hoạch  tổng thể  Châu Thành Thánh Địa 40 cây số vuông “Châu Thành Thượng”.
Nhưng ý nghĩa cụ thể của 40 cây số vuông như thế nào, Toạ độ gốc ở đâu… thì chưa khai triễn cho Tín Đồ được rõ…
Trong qui hoạch 40 cây số vuông ấy Tôn giáo dành một khu vực cho người có yếu tố nước  ngoài đến sinh sống riêng biệt để học đạo  nhưng vì thời cuộc chưa thể nói  trắng ra được…  mặc khác cũng không thể không nói ra cho nên Đức Ngài phải nói  bằng cách ẩn ngôn ấy cũng là một cách thức để  chuẩn bị cho thế hệ đi sau vậy. 

        
C-    NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN.
Đây có lẽ là một câu nói của Đức  Hộ Pháp đã bị rất  nhiều vị có kiến thức về địa lý  không đồng ý; sự không đồng ý ấy hẳn nhiên đã được căn cứ vào những kiến thức từ sách giáo khoa hay những công trình nghiên cứu khoa học rất bài bản… nhưng cũng có người  biện hộ  rằng:
Ngài nói  NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN cho  thời khai thiên lập địa.
Ngài nói  NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN cho thời gian rất lâu sau nầy.
Theo thiễn nghĩ  nếu hiểu theo nghĩa đen thì đem quá khứ  hay là tương lai để  giải thích cho câu  nói trên đều là khiên cưỡng và chưa thể  biện chứng được cho nên thiếu sức thuyết phục.  Vậy thì vấn đề ở đâu?.
Khi Đức Hộ Pháp tạo tác Trí Huệ Cung Ngài có nói. Trí  Huệ Cung là  nơi dành riêng cho Phái Nữ. Còn  nơi  dành riêng cho Nam Phái là Vạn Pháp Cung.“VPC”. Vậy  Vạn Pháp Cung ở đâu?.
Ngài đã xác định rõ: VPC nằm trong khu vực  chân Núi Bà.
(Từ Thị Xã chạy vào hướng cổng khu du lịch Núi Bà thì bên trái có bãi giữ xe. Trước khi đến  khuôn viên bãi giữ xe có một con đường nhỏ. Đi men theo theo đường đó đến vòng phía sau bãi xe thì có  một số  nhà Sở Lương Điền của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngay sau hàng rào bãi có nơi thờ Đức Phật Mẫu, đi một chút nữa thì đến Anh Linh Miếu đi tiếp thì có lối lên Hang Gạo, Hàm Rồng… Trước khi đến Hàm Rồng thì gặp địa điểm mà Đức Hộ Pháp chọn để xây dựng Vạn Pháp Cung… Nơi đó chưa xây dựng nhưng vẫn có rất nhiều người đến thắp hương cầu nguyện…)
VPC là gì?: VPC là nơi  hiền sĩ Tôn Giáo Cao Đài học tập và nghiên cứu để cung ứng hàng ngàn, hàng vạn phương pháp giúp cho Tôn giáo xây dựng cá nhân, tôn giáo và xã hội.
Tầm vóc của Cung Vạn Pháp được  xác định trong  Kinh Đệ Lục Cửu.
Bạch Y Quan mở đường rước khách,
Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.
Vào Cung Vạn Pháp xem qua,
Cho tường cựu nghiệp mấy toà  thiên nhiên…
Theo truyền thuyết  Vua Đại Võ trị thuỷ ở sông Hoàng Hà thấy Linh Qui  từ dưới nước hiện lên trên lưng có chín chữ: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhà vua dụng đấy  chế tác Lạc Thư và định ra sách lược an dân.
Xét về hình thể Núi Bà: Đứng từ Toà Thánh nhìn vào thì Núi Bà có hình thế của một con Linh Qui. Đến khi lòng Hồ Dầu Tiếng được xây dựng thì Núi Bà giống như truyền thuyết Linh Qui từ dưới nước hiện lên để  hiến dâng sách lược…  Nhưng trong thời Tam Kỳ Linh Qui không dâng cho một người nữa mà dâng cho hàng trăm hàng nghìn  hiền sĩ có lòng phụng sự nhân loại theo Tôn Chỉ  Cao Đài Giáo. “Sách lược thì dùng cho cả nhân loại trong hoàn vũ”… cho nên các vị  về VPC  để hoàn thành sở học, hoàn thành  giáo án, sử chương, hoàn thành sự nghiệp… trên bước đường hoằng dương đạo pháp phổ độ  chúng sanh… VPC là một trong những trung tâm  cung ứng kiến thức cho nhân loại. Bước chân nhân loại phải tầm về vạn pháp, tư tưởng nhân loại phải hướng về vạn pháp… Xã hội là biển trần khổ và VPC là cái rún của xã hội chính là cái rún  của Biển Trần khổ vậy.
Vạn Pháp Cung lại gắn liền với Núi Bà vậy thì ý nghĩa câu nói NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN của Đức Ngài chính là lời giới thiệu tầm quan trọng  của Vạn Pháp Cung cho hậu tấn. Tham luận qua tiếng An Nam còn có thể hiểu thêm:
Núi thể hiện cho trí tuệ.  Bà thể hiện cho âm tính.
Rún nói lên Trung Tâm.  Biển là xã hội. “Biển Trần Khổ”.
NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN:
- Xét về phương diện xữ kỷ còn có thể hiểu là: Người có trí tuệ mà biết khiêm  cung  thì được người đời mến mộ… đó là cung cách: Tri kỳ Hùng, thủ kỳ Thư “Biết như con trống, sống như con mái” mà Đạo Đức Kinh đề cập đến vậy.
- Trong một  ước  định xa hơn thì: Vạn Pháp Cung là  trung tâm nhân văn của Núi Bà. Người có Đạo Cao Đài thường hay truyền tụng  về 40 cây số vuông…  vậy toạ độ gốc của 40 cây số vuông ấy ở đâu? Có phải câu nói của Đức Ngài cũng còn mang ẩn ý rằng: Vạn Pháp Cung chính là Toạ độ gốc của 40 cây số vuông chăng? Dù sao đây cũng là một nghi vấn có cơ sở ít nhiều.…

Ngay từ lúc khai sinh thì Đạo Cao Đài luôn luôn ở trong tầm ngắm của cường quyền… tầm vóc của Tôn giáo là cả thế giới và nhiệm vụ của  Đức Hộ Pháp  lại rất nặng nề… nói thẳng ra là tạo điều kiện cho kẻ nghịch làm khó… cho nên phải dùng ẩn ngôn để ngầm báo cho thế hệ sau… ./.