Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

145. .... GIÁO TÔNG DU CÔN???


BNS THÔNG LIÊN SỐ 72 (21-08-2012).


TÌM HIỂU CÂU:
SAU NẦY ĐẠO CÓ GIÁO TÔNG DU CÔN.

Nhiều vị kể rằng Đức Hộ Pháp có nói: Sau nầy Đạo có Giáo Tông du côn. Chúng tôi tin rằng tự ban đầu có một số vị đã nghe Đức Ngài nói rồi sau đó kể lại và kể lại… mới lưu truyền đến nay chớ không phải là lời bịa đặt. Không ai dám bịa ra một câu nói như vậy để gán cho Ngài.

Hậu tấn ngày nay khó mà xác định câu trên Ngài nói vào thời gian nào? Trong hoàn cảnh nào? Còn ý nghĩa câu nói thì có rất nhiều cách hiểu. Đâu ai dám quả quyết là mình hiểu đúng, do vậy những ý kiến bàn luận ở đây cũng chỉ là một ý kiến có thể đúng mà cũng có thể sai. Cho dù đúng hay sai thì cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ.
Vì sao câu nói ấy lại được nhắc rộ lên vào lúc nầy?
Kể từ ngày Hội Đồng Chưởng Quản ra khỏi Đạo Lịnh 01 (1979) xin lập hiến chương riêng, tự phong chức phẩm cho nhau để lập một chi phái mới tại Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1997 với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (10 chữ) thì nhiều người nhắc lại câu nói trên và suy định rằng ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh (thế danh Nguyễn Thành Tám hay Nguyễn Văn Tám thì chưa rõ) (*). sẽ lên đến ngôi Giáo Tông. Các vị nầy khẳng định như đinh đóng cột rằng ông Tám phải lên Giáo Tông để ứng với câu: Đạo có Giáo Tông du côn.
Tính đến nay  (tháng 8- 2012) chi phái ông Tám ra đời đã 15 năm. Trong 15 năm ấy đã có ngót nghét 10 lần đồn đãi… mấy lần trước lời đồn đã sai, còn lần đồn đãi mới nầy nhiều người bảo chờ hết năm nay sẽ rõ… ai thích chờ thì cứ chờ ai không tin thì chẳng có gì phải chờ…đó là quyền tự do riêng không ai can thiệp được.
Vì sao chưa rõ thế danh ông Tám là Nguyễn Thành Tám hay Nguyễn Văn Tám?
Bởi vì năm 1978 Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh lập ra Bản Án Cao Đài. Trong bản án có viết: Giáo Sư Nguyễn Văn Tám là CIA của Mỹ gài vào trong đạo.
Một số người Đạo gởi văn bản đến MTTQTTN chất vấn trong Đạo Cao Đài thời điểm đó chỉ có một ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh thế danh Nguyễn Thành Tám. Yêu cầu MTTQ xác định có phải do bản án viết sai (thì điều chỉnh) hay Nguyễn Văn Tám chính là Nguyễn Thành Tám? (Sau 30-4-1975 ông GS Thượng Tám Thanh bị chính quyền cộng sản bắt vào tù một thời gian)
MTTQTTN nhận được văn bản chất vấn thì im lặng. Người Đạo tới đòi văn bản trả lời rất nhiều lần vẫn không được.
Đem câu hỏi đó đến ông Cải Trạng Lê Minh Khuyên và Truyền Trạng Trần Anh Dũng thì các vị cũng không rõ được Ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh có thế danh lót chữ Văn hay Thành.
Tại sao lại chất vấn 02 vị nầy? Vì Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm xác minh hồ sơ của chức sắc khi cầu phong hay cầu thăng. Dĩ nhiên trong hồ sơ thì có phần thế danh…nhưng nay hồ sơ không có trong tay nên các vị không xác định được, âu cũng là lẽ thường trong buổi Hội Thánh bị giải thể hành chánh đạo không có.
Trong cuộc đời hành đạo của Ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh thì ông chưa hề xuất xư hành đạo (ông Cải Trạng Lê Minh Khuyên cũng chưa từng xuất xư). Một số đàn cơ thì phần hầu bút có tên 02 vị nầy.
Ông Giáo Sư Thượng Tám Thanh nhiều lần xin qua Hiệp Thiên Đài. Đến khi Đức Lý Giáo Tông dạy rằng: …Để Tám bên Cửu Trùng Đài Lão có chổ dùng….thì không xin nữa…Đó là vài nét chấm phá về chân dung ông Giáo sư Thượng Tám Thanh trong hệ thống Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (danh hiệu 06 chữ). Đã gọi là chấm phá thì không phải truyền thần nhưng nét nào cũng là có thật. Trong xã hội cộng sản mà bị bắt vào tù rồi được vào quốc hội và lãnh đạo một chi phái thì hẳn là nét chấm phá ấn tượng…còn đằng sau nét chấm phá đó là cái gì thì miễn bàn…
Từ khi ông lập ra chi phái năm 1997 (danh hiệu 10 chữ) rồi tự phong lên Phối Sư, Đầu Sư, và phong phẩm cho những người khác hay tham gia vào Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam… thì chúng tôi không đề cập đến vì nó đã ra ngoài phạm vi của ĐĐTKPĐ.
Đức Hộ Pháp dạy: Chi phái là những kẻ chạy non  (LTĐ ngày 01-7-Kỷ Sửu/1949. Q3 trang 37)  hay Lập ra chi phái là giết đạo…  (LTĐ ngày 07-4-Kỷ Sửu /1949. Q3, tr 53, dòng 15- bản in 1974)
Còn trong Đạo nghị định thứ 8 (1934) qui định Chi Phái là bàn môn tả đạo. Trong Đạo Luật Mậu Dần 1938, điều 14 chương Phổ Tế xác định chi phái là phản đạo. Nên chúng tôi không bàn đến chuyện của chi phái, họ có quyền tự do tín ngưỡng của họ mình phải tôn trọng.
Chúng tôi tìm hiểu câu: sau nầy Đạo có Giáo Tông du côn theo hướng: Phạm vi câu nói và xem đây là một ẩn ngôn mật ngữ.
1- Phạm vi câu nói.
Chúng tôi xin căn cứ từ: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền và đạo Nghị Định thứ 8, Đạo Luật Mậu Dần (1938), Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp.
a- Pháp Chánh Truyền qui định cách chọn phẩm Giáo Tông: "Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn Môn Đệ công cử mới đặng. Kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật ấy".
CHÚ GIẢI: Phẩm Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu toàn cả Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và chư Tín Đồ đồng tâm công cử .Vậy thì buộc phải có người của Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài chứng kiến cho cả chư Tín Đồ công cử. Khi đắc số thăm mỗi vị phải gởi về Tòa Thánh có Thượng Hội kiểm soát. Bàn Thượng Hội ấy phải chọn người của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài hiệp một kể từ Đầu Sư, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đổ lên, trừ người ra tranh cử.
Khi đắc cử thì phải truyền tin ra cho khắp nhơn sanh đều biết hết.
Đắc cử quả quyết rồi, nghĩa là: Khi Hội Thánh đã đủ chứng chắc không điều chi bất công, thì Hội Thánh mới xúm nhau làm lễ đăng điện cho Ngài. Còn như có điều bất công, thì buộc phải đình hoặc công cử lại, hay là xét đoán lại.
Các Chức Sắc đều phải chịu theo luật công cử nầy, kỳ dư Thầy giáng cơ phong thưởng cho ai mới ra khỏi luật.
&&&
Như vậy trong nền chơn giáo của Thầy lập có 02 con đường lên phẩm Giáo Tông là bầu chọn hay Thầy ban thưởng.
-  Do bầu chọn: Nếu do bầu chọn thì không có đường cho kẻ du côn lên đến phẩm Giáo Tông của Đạo đặng. Bởi từ khi vào hàng chức sắc muốn thăng phẩm phải qua 03 hội lập quyền vạn linh rồi còn phải trình lên cho thiêng liêng định phận tại cung Đạo. Vậy mà kẻ du côn lại lên đến phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư được hay sao mà ra tranh phẩm Giáo Tông? Nếu xãy ra việc bầu chọn bấy nhiêu lần mà để cho kẻ du côn lên đến phẩm vị Đầu Sư hay Chưởng Pháp rồi tranh phẩm Giáo Tông thì nền ĐĐTKPĐ đã bị môn đệ ám muội, hư hèn làm cho băng hoại nền chơn tông chánh giáo của Đức Chí Tôn lập ra.
- Do Chí Tôn phong thưởng: Nếu do Đức Chí Tôn phong thưởng thì ta tìm hiểu xem tiêu chuẩn của Thầy phong thưởng như thế nào?
b- TNHT Q1. tr 18 (bản in 1973) Ngày 13-3-Bính Dần (24.4.1926) [trước ngày khai đạo 07 tháng nên chưa có PCT] Thầy dạy:
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo.
Vì vậy Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo-Tông nghiã là anh cả, ba phẩm Đầu-Sư, nghiã là Giáo-Hữu. Chẳng đặng một ai duới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn-loại. Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị thầy ban thưởng. Còn cả Môn-đệ ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập đảng; những kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài, cho khỏi đều rối loạn.
Thầy là Đấng tự hửu và hằng hửu. Trời trong đạo học ngày xưa không nói chi nên lắm kẻ tha hồ vẽ vời ông Trời theo ý của họ. Trời trong đạo học của ĐĐTKPĐ như thế nào?
TNHT Q.1 phần thi văn dạy đạo Thầy có dạy:
Hạnh ngộ Cao Đài truyền đại đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
Hội Thánh ĐĐTKPĐ dùng câu trên để nơi thiên bàn tại tư gia tín đồ Cao Đài. Ngọc Đế ngự trần gian còn thể hiện Bát Quái Đồ Thiên.
Trong Bát Quái Hậu Thiên thì cung Càn và Khôn đối xứng nhau qua chánh Tây (còn gọi cung Đoài hay cung Đạo). Cung Càn ở vị trí Tây Bắc và Khôn ở vị trí Tây Nam. Chiều của Bát quái Hậu Thiên thuận với chiều kim đồng hồ.  
Trong Bát Quái Đồ Thiên tại Bát Quái Đài (Tòa Thánh Tây Ninh) thì cung Càn (Tây Nam) và cung Khôn (Tây Bắc) vẫn đối xứng nhau qua cung Đạo (chánh Tây). Nghĩa là so với Bát Quái Hậu Thiên thì Càn và Khôn đã đổi chổ cho nhau (thể hiện  Ngọc Đế ngự trần gian). Chiều của Bát Quái Đồ Thiên đi ngược chiều kim đồng hồ (ngược với chiều của Bát Quái Hậu Thiên).
Thầy đã đến ở với nhân loại. Thầy đã nói với nhơn loại những điều cần yếu bằng ngôn ngữ rất bình dân cho đám con cái ít học của Thầy cũng hiểu được. Thầy từng dạy thà rằng Thầy dạy cách bình dân dễ hiểu cho đám con cái dốt nát, ít học của Thầy hiểu được còn hơn là nói những điều cao xa mà con cái Thầy không hiểu…Do vậy mà có lắm kẻ hủ nho cho rằng Thầy là kém…
Thầy đã xác định tiêu chuẩn ban thưởng:  Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị thầy ban thưởng. 
Vậy mà nhiều người không đọc lời Thầy dạy còn đi tuyên truyền rằng chuyện phong thưởng riêng của Thầy mình không biết được (theo kiểu Thầy bí mật lắm mình không có cách chi hiểu được… làm cho người mới học đạo bị mờ hồ) nên mới có chuyện tin rằng Giáo Tông du côn (là Nguyễn Thành Tám). Có phải đó là hạng nói liều, lấy cái ý tối tăm riêng của mình hô hoán lên làm cho nền đạo trở nên khó hiểu và mù mịt chăng?
Thầy từng dạy: Thời kỳ dấu diếm Thiên cơ đã qua rồi… (Đạo Sử Q.2. T. 237 bản in Hoa Kỳ- khi dạy về chánh tự ĐĐTKPĐ) nên trong ĐĐTKPĐ Thầy đã bày ra hết trong thiên thơ. Thiên thơ là 02 quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, mình có thắc mắc chi cứ tìm trong đó rồi tra vấn lương tâm, cầu Thầy chỉ dẫn thì sẽ có lời đáp.
So sánh TNHT với PCT về ban thưởng có chi khác biệt chăng?
TNHT:  Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị thầy ban thưởng.  PCT qui định: Kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật ấy".
Như vậy TNHT cho biết tiêu chuẩn của Thầy ban thưởng (có đức hạnh lớn) còn PCT cho biết cách thức Thầy ban thưởng (qua cơ bút). Kết hợp lại chúng ta sẽ thấy Thầy dạy về sự ban thưởng rất tỏ rõ.
So sánh cách bầu chọn của 03 hội lập quyền vạn linh với cách ban thưởng của Thầy ta thấy gì? Trong bầu chọn thì 03 hội chỉ bầu chọn người có tài và đức hạnh (02 chữ). Còn Thầy ban thưởng là người đó phải có đức hạnh lớn (03 chữ) xem đó thì thấy Thầy ban thưởng lại càng nghiêm nhặc hơn là con đường bầu chọn của 03 hội lập quyền.
Đến đây cũng nên tự hỏi du côn là gì?
Có 02 cách du côn: hành động du côn và tính cách du côn.
- Về hành động: là người cậy vào sức mạnh hay phương tiện gây sát thương để gây sự đánh nhau, hay tìm cách hành hung người khác hoặc chơi bời lêu lổng…
- Về ngôn ngữ: là những người ăn nói ngang ngược bất chấp lẽ phải, dọa nạt cho người khác sợ hãi được gọi là có tính chất du côn.
Hạng du côn như vậy có đức hạnh lớn chi chăng? Với xã hội đó hạng vô đạo đức; hạng người như vậy Thầy có thể chọn để phong thưởng lên phẩm Giáo Tông, là nhứt Phật trong cửu phẩm thần tiên tại thế chăng? Thầy Trời mà bắt cả môn đệ bái lạy kẻ du côn thì đạo lý còn chi?
Trong Kinh Sám Hối câu 181: Gái xướng kỵ trai thì du đảng. Thiễn nghĩ nhiều kẻ du côn tụ tập lại thành ra du đảng.
Câu 219 & 220:
Đoàn năm lũ bảy dạo chơi,
Hiếp người lương thiện, phá đời hại dân
Chính là chỉ bọn du côn, du đảng. Những thành phần nầy chúng tôi tin rằng Thầy không bao giờ phong thưởng vào phẩm Giáo Tông. Còn như vị nào tin rằng hạng du côn nầy nằm trong câu nói của Đức Hộ Pháp và chờ ngày tung hô, bái lạy tên du côn nầy thì đó là quyền tự do của họ. 
c- Đạo Nghị Định thứ 8 (1934) Đạo đã xác định chi phái là bàn môn tả đạo. Nghĩa là đã ra ngoài phạm vi của ĐĐTKPĐ.
Tóm lại: Đức Ngài nói Đạo có Giáo Tông du côn là đã xác định rõ trong nền Đạo của Đức Chí Tôn chớ không phải nói ngoài nền Đạo. Điều nầy đồng nghĩa với việc không thể gộp chi phái vào câu nói đó được.
Một số chi phái khác đã từng có Giáo Tông vậy thì ông Nguyễn Thành Tám có lên Giáo Tông cũng là chuyện của chi phái không nằm trong nền chơn giáo của ĐĐTKPĐ.    
 2- Hiểu theo ẩn ngôn mật ngữ.
TNHT Q1 trang 49 (bản in 1973) ngày 23-8-Bính Dần (1926) Thầy có dạy: Ngôi vị Bạch Ngọc Kinh chẳng ưa chứa kẻ hung hăng mà lạ một điều là kẻ hung hăng đạo đức thường phá cửa lún đặng vào, địa vị phần nhiều đoạt bởi kẻ ấy….
Thế nào là hung hăng đạo đức?
+ Trong kinh thánh có chuyện Saulơ là người đi tìm bắt Đức Chúa và môn đệ Chúa. Saulơ đã cư xữ rất tàn tệ với người tin vào Chúa, sau đó bị mù, ông được Đức Chúa giúp cho sáng mắt ra rồi dạy ông họp với 11 Thánh Tông Đồ còn lại để lo việc truyền bá đạo chúa (vì Giuđa sau khi bán chúa đã hối hận nên ném tiền trả lại cho các thầy tế lễ và tự vận. Tiền ấy các thầy tế lễ không nhận bèn đem ra mua ruộng để làm nghĩa địa nên gọi là ruộng huyết- cũng có nghĩa tiền đó có gốc từ máu của Chúa).
Khi ông Saulơ đến mọi người đều kinh sợ và nghi kỵ, Chúa dùng thánh linh bảo các môn đồ rằng: người nầy là khí mạnh của ta lựa chọn. từ đó ông mới gần gủi được với các Thánh Tông Đồ và hết lòng phụng sự. Thánh Phao Lồ chính là ông Saulơ vậy.
+ Trường hợp ông Nguyễn Phát Trước. Ông là một tay anh chị khét tiếng trong giới giang hồ ở Sài Gòn, Chợ Lớn thời đó. Sau ông ý thức đạo đức quay về theo đạo Cao Đài đắc phong Lễ Sanh.
Giáo Sư Nguyễn Văn Trung biên khảo quyển Lục Châu Học (chương V) nói về Đạo Cao Đài có ghi lại nhiều đoạn mà chúng tôi nghĩ là thú vị (nhưng một số người khác lại thấy khó chịu) âu cũng là thường.
Thí dụ như đoạn Tỉnh trưởng Tây Ninh Vilmont nhận xét về Nguyễn Văn Trước tự Tư Mật: Trong các chức sắc Cao Đài thì ông này xuất thân chúa trùm vô sản lưu manh Saigon - Cholon. Hồ sơ số C.36-I của sở mật thám Nam kỳ ghi: "Tay cướp nguy hiểm, đứng đầu hội kín có nhiều quyền uy với giới cặn bã Saigon và Cholon". Hồ sơ này cũng ghi nhận trước bị kết án 7 lần về các tội mưu sát (2 năm tù), liên kết với hội kín (2 năm tù), hoạt động có hại an ninh công cộng (4 năm)... Ngoài ra còn bị truy tố 4 lần vì tội mở sòng bạc...
La Laurette ghi nhận có thể ví Trước như Thánh Phao-Lồ sau khi từ Damas trở về, và sự gia nhập của Trước vào hàng ngũ lãnh đạo Cao Đài đã mang lại cho ông Trung sự ủng hộ của tất cả giới vô sản lưu manh Saigon-Cholon. (Chương V trang 245- Bản in BBT TL 2012).
Một số quan lại người Pháp nhận xét: "Không phải tất cả các tín đồ Cao Đài là lưu manh, nhưng tất cả lưu manh đều đã theo đạo Cao Đài" (Si tous les Caodaiste ne sont pas des fripouille toute la fripuolle est passée au Cao Đài!).  (chương V trang 254)
Dĩ nhiên họ nhận xét với ý mỉa mai nhưng với người hiểu đạo thì lấy làm vui vì đạo Thầy có sức cảm hóa đến kẻ hung hăng dường ấy.
+ Ông Trần Văn Tạ là mật thám cao cấp của Pháp. Ông được lịnh theo dõi các đàn cơ buổi đầu, theo một số người lớn tuổi có dịp sống chung với ông kể lại thì một hôm ông chui vào nấp dưới gầm bàn cầu cơ. Thầy về kêu ngay tên ông bảo ra cho Thầy dạy. Mọi người còn ngạc nhiên thì ông vén tấm khăn phủ bàn chui ra…Từ đó ông theo đạo và đắc phong Hộ Đàn Pháp Quân.
+ Theo văn bút Đức Hộ Pháp còn lưu lại thì chính Đức Quyền Giáo Tông khi còn ở thế cũng là người ăn chơi thượng hạng. Một ông quan lớn thời đó có lối sống phóng túng nghiện cả á phiện, hút sách cho đến mờ cả mắt, chính Đức Hộ Pháp viết rằng không hình dung nổi. Nhưng khi ý thức được mối đạo của Đức Chí Tôn thì Ngài chấm dứt ăn chơi, bỏ cả á phiện, nhận nhiệm vụ, không nề chi cực nhọc, ngày đêm lo cho mối đạo, bỏ mặc lời đàm tiếu ngoài tai. Ngài là một trong ba người lì trong buổi mở đạo (hai người còn lại là Đức Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm).
Trong câu chuyện của các vị nêu trên có điểm chung khi đã ý thức đường đạo rồi thì đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm, miệt mài hành đạo. Phẩm vị đạt được là kết quả của việc phụng sự. Nghĩa là không có chuyện được phong phẩm trước khi hành đạo.
Vậy thì trong nền đạo của Đức Chí Tôn cũng có thể có người khi còn ở thế thì hung hăng nhưng khi ý thức đường đạo thì hết lòng phụng sự và đạt được phẩm vị. Đó là hạng hung hăng đạo đức.
Câu sau nầy đạo có Giáo Tông du côn của Đức Hộ Pháp nên được hiểu theo hướng nầy mới phù hợp với giáo lý và pháp luật đạo.
Khi một số người Đạo Cao Đài lên núi Bà cạo trọc làm sư nên gọi Đạo Núi… có việc thỉnh giáo Tôn Sư.
Ngài phê: Đồ khùng đã tự do đi đường nào cứ đi, Hộ Pháp sống không nghe thì nghe Hộ Pháp gỗ ích ra phải biết ngôn ngữ Hộ Pháp gỗ mới hay. Bằng bơ bơ không nghe đặng, mà cũng không thấy đặng như đui với điếc thì chịu lấy.
 Hộ Pháp sống không bao giờ nghịch hành tàng đã qua của Hộ Pháp gỗ, về thiêng liêng vị rồi nhìn coi ai là sống ai là gỗ?
Hộ Pháp sống không bao giờ nghịch hành tàng đã qua của Hộ Pháp gỗ,
Vậy thì chúng tôi thiển nghĩ:
Hộ Pháp trong ẩn ngôn và Hộ Pháp trong văn bút lưu hành bao giờ cũng nhất quán.
Ngài cũng dạy:  Đạo Nghị định số tám không đặng nhận Chi phái là của Đạo mà là của Bàn Môn tả đạo  lấy đó mà luận thì thử hỏi những người gộp chi phái vào câu nói trên căn cứ vào đâu?.
Trong văn chương vẫn có trường hợp một câu nói, một đoạn văn hay một bài thơ có nghĩa bóng và nghĩa đen. Trong bài Về Vận Mạng Nước Việt Nam…ngày 23-2-Mậu Tý (1948) của Đức Hộ Pháp có đoạn: ...Bần Ðạo nói bóng, rán tìm hiểu, trong gia đình một ông cha cầm cái giấy nợ từ lâu mà đòi không đặng, nhà lại nghèo khổ, con cháu anh em tông tộc rầu buồn, có một chú ba nài (cornac) cũng cha Hồ chú Nhẫn gì đó, đến dụ dỗ nói rằng: Có thể đủ tài năng đòi nợ, rồi thâu đoạt giấy nợ đi, vị Trưởng Tộc tính đòi đặng giao cho nó cái chủ quyền đó, rồi ra khỏi nhà của mình, chú ba nài đòi không ăn thua gì cả, đáo để nợ đòi không được mà trong Tông đường hao tốn tiền của mồ hôi nước mắt nữa. Ông Trưởng Tộc mới tính về đòi lại, cái chú ba nài kia nhồi sọ cả Tông đường đó nghe lời của chú. Ông Trưởng Tộc muốn về thì chủ nợ nói: "Ông hỏi cả Tông đường của ông, nếu nhìn cái quyền của ông thì tôi trả cho". Còn đối với Tông đường đó thì chú lại nói: "Coi chừng ổng về đòi rồi ổng lấy luôn một mình ổng đa". Hiện giờ phải giải quyết làm sao cho người thiếu nợ phải trả, làm sao cho ông Trưởng Tộc đó minh biện cho người phải trả, hai vấn đề đó Bần Ðạo cần giải quyết trong chuyến đi nầy.
Đạo học vốn thâm sâu và diệu viễn vậy thì trong đạo học có ẩn ngôn mật ngữ cũng là điều đương nhiên.
3- Lời kết luận.
Những câu nói của Đức Hộ Pháp như: Bình Dương máu nhuộm; Khu Chà Là dành cho người hai vợ; Núi Bà là rún biển đều là ẩn ngôn. Còn như vị nào nhất định hiểu các câu trên theo nghĩa đen thì chúng ta cũng phải chịu thôi. Trường của Thầy kỳ nầy có 05 lớp, ai thích ngồi lớp nào là quyền lựa chọn của họ. Câu sau nầy đạo có Giáo Tông du côn hiểu theo ẩn ngôn hay nghĩa đen cũng là quyền tự do của mổi người.
Nếu trình bày câu trên theo nghĩa đen người nghe có quyền nói thẳng rằng với hạng du côn xã hội còn chê mà các vị đưa lên đứng đầu cả nền đạo thì xin phép cho hỏi đạo chi vậy? Người đạo làm sao trả lời một vấn nạn như vậy? Danh giá nền đạo và danh dự tôn sư mới tính sao?
Nếu trình bày như một ẩn ngôn. Du côn có nghĩa là hung hăng đạo đức mà Đức Chí Tôn dạy và xác định chi phái không dự phần trong câu trên thì hoàn toàn phù hợp với giáo lý và pháp luật đạo.
Thầy có dạy: danh giá đừng quên Đạo đứng đầu, thiễn nghĩ bảo vệ danh giá nền đạo là trách nhiệm chung nên mạo muội trình bày đôi điều có chi sơ thất xin các vị cao minh vui lòng tha thứ và chỉ giáo.   
Khởi dọng u  minh, mùa Thu  Nhâm Thìn. (2012).

Hòa Cao.
HẾT.

(*): KNS xác định: Theo một số đàn cơ tại Cung Đạo thì  tên Nguyễn Thành Tám là đúng....
Có nghi vấn trên là do BẢN ÁN CAO ĐÀI :
./- Giáo Sư Nguyễn Văn Tám, Giáo Sư Lê Văn Màng và một số tên nữa đều là mật báo viên của cảnh sát Ngụy, tình báo Mỹ hoặc Ngụy.
(BẢN ÁN VIẾT SAI VÌ TRONG ĐẠO CHỈ CÓ GS THƯỢNG TÁM THANH THẾ DANH (NGUYỄN THÀNH TÁM)

./- Hai tên Lễ Sanh Giang Thành Phước và Bùi Văn Côn, giáo viên trường Đức Trí là tình báo viên của cục an ninh quân đội Ngụy. 
@@@
ông Tám  đứng đầu chi phái bắt banh.
ông Côn là Thái Côn Thanh trước là Lễ Sanh Thiên phong. Nay Phối Sư chi phái bắt banh...
cả hai ông hiện nay vãn còn sống.