Trang

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

3028: CHÚC MỪNG NĂM MỚI: TẠI SAO GỌI LÀ HẠNH ĐƯỜNG?

Trí dĩ tàng vãng, Thần dĩ tri lai (Trí biết việc đã qua, Thần biết việc sẽ tới). 
KINH DỊCH.



TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.
TẠI SAO GỌI LÀ HẠNH ĐƯỜNG?
Khi chúng tôi đăng bài: TẠI SAO DÙNG NHO TÔNG CHUYỂN THẾ? (ngày 01/12/2019)
Bạn Mai Thanh Xuân (Thị xã Tây Ninh) có gởi câu hỏi: Tại sao gọi là HẠNH ĐƯỜNG?


HỒI ĐÁP.
Xin cảm ơn bạn Xuân đã gởi câu hỏi. 
Cảm ơn bạn đã vui lòng cho BBT hẹn đến đầu năm để làm món quà xuân. Đa tạ.
Theo bài diễn văn của Ngài Bảo Thế khi khai giảng lớp HẠNH ĐƯỜNG cho các vị Lễ Sanh ngày 03/3/1966 thì hai chữ Hạnh Đường là một điển tích liên quan đến việc dạy học của Đức Khổng Tử: 
Đức Khổng Tử mở trường dạy học gần bên cây Hạnh để nhắc môn sinh: có Học phải có Hạnh. Đạo Cao Đài phải đào tạo chức sắc và chức việc để xây dựng nền văn minh mới, trường lớp huấn luyện lấy điển tích Đức Khổng Tử mở lớp bên cây Hạnh nên gọi là Hạnh Đường.
(Xin nhắc lại là các trường học bậc tiểu học, trung học của Đạo Cao Đài đều lấy tên là ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG), Trường Lê Văn Trung là một ngoại lệ do Đức Hộ Pháp cầm quyền Chí Tôn tại thế ban cho nên thiễn nghĩ là không có ngôi trường thứ hai.
Từ nền văn minh có trước muốn chuyển sang một nền văn minh mới phải có bài bản. Bài bản của Đạo Cao Đài dùng là NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, cho nên lấy tích Đức Không Tử dạy môn sinh để ÔN CỐ TRI TÂN.
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, bài KINH TỤNG CHO THẦY KHI QUI VỊ, Câu 13, 14: 
Cõi hư vô nay gần phước Thánh,
Xin châu toàn đường hạnh môn sinh...
Kinh dịch trong quẻ Sơn Phong Cổ viết: Tiên giáp tam nhật, Hậu giáp tam nhật (nghĩa là phải quan sát việc trước “dùng trí”, định liệu việc sau “dùng thần”). TRÍ DĨ TÀNG VÃNG, THẦN DĨ TRI LAI. (Trí là biết cái việc đã qua, Thần là biết việc sắp đến).
Đạo Cao Đài là Đạo của âm dương (Chí Tôn & Phật Mẫu), âm dương có năng lực như thế nào thì Đạo Cao Đài có năng lực như thế ấy.
Trích văn:
... Rốt cuộc Đức Ngài trở về nước Lỗ mở trường dạy học. Trường nầy được thiết lập gần cây Hạnh, nên mới mượn tên cây nầy mà làm danh hiệu trường ốc gọi là Hạnh Đường.
Bạn có thể đọc nguyên văn bài diễn văn để hiểu về ý nghĩa của HẠNH ĐƯỜNG trong Đạo Cao Đài.
Thân mến,


LỄ KHAI GIẢNG HẠNH ĐƯỜNG.
03-3-(23/4/1966) NGÀI BẢO THẾ.
Kính Hội Thánh Lưỡng Đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Quý Chức Sắc, Chức việc và Đạo Hữu Nam, Nữ.
Cuộc lễ khai giảng Hạnh Đường năm Bính Ngọ (1966) đưa đến cho tôi một hân hạnh thừa dịp nầy để lời khích lệ chư vị Lễ Sanh tân phong trên đường học tập đặng một ngày kia sẽ thung dung để bước vào cửa Thánh. Được vậy là do mỹ ý của ông Trưởng Ban Giám Đốc Hạnh Đường, tôi xin cảm tạ thạnh tình của ông và toàn Ban Giám Đốc.
Đứng vào thời kỳ áp dụng Nho Tông để chuyển thế loạn ra thế an, Chức sắc của Đại Đạo Tam Kỳ là những vị cần gồm đủ điều kiện hạnh đức và tài năng ngõ hầu thi thố cho hữu hiệu trong nhiệm vụ chung.
Đành rằng Hạnh Đường là lò đào tạo nhơn tài trong Tôn Giáo thuần túy, nhưng mượn đèn đọc sách chưa đủ làm phương tiện phải có thầy dọn đường chỉ lối cho và cũng chưa đủ nữa vì còn phải tự mình cố gắng tận nhơn lực mới thi thiên mạng.
Đức Khổng Tử khi xưa muốn lấy quyền trị dân đặng buộc dân hướng về đạo lý của ông vì thời bấy giờ nước Tàu lâm cơn đại loạn, nên Đức Ngài từ nước Lỗ sang nước Tề, qua nước Yên, nước Tần...v.v... nhưng không được triều đình nào trọng dụng cả. Rốt cuộc Đức Ngài trở về nước Lỗ mở trường dạy học. Trường nầy được thiết lập gần cây Hạnh, nên mới mượn tên cây nầy mà làm danh hiệu trường ốc gọi là Hạnh Đường. Đây chúng ta không có cây Hạnh nhưng trường Đạo dạy từng hạnh nết cử chỉ cho đoan trang dĩ chí hành vi và ngôn ngữ cho thuần thục thì tên Hạnh Đường vẫn phù hạp với cái ý nghĩa cao thượng về mặt tâm lý của nó.
Hạnh nết thì tu chỉnh đức tánh cho nên hiền thuận theo ý trời đã định từ trước.
Hành vi thì dựa vào bác ái và công bình làm then chốt xoay chiều trở hướng cho phàm gian đoạn tuyệt bạo tàn qui về đại đồng huynh đệ.
Ngôn ngữ thì áp dụng cam ngôn mỹ từ thay thế cho nước nhành dương làm lắng dịu lòng tục nóng nãy sân hận.
Vì đó Phật Giáo thường dạy môn đồ hãy tránh xa ba món thuốc độc là tham, sân và si hằng dẫn dắt tu sĩ qui phàm. Cho nên hành vi là yếu tố bảo đảm ngôn ngữ vậy.
Còn Khổng Học thì phân 2 hạng người trong xã hội Tiểu Nhơn và Quân Tử. Quân Tử thường an bần lạc Đạo, Tiểu nhơn hằng ngó danh lợi làm bia, song le danh lợi vô thường chớ đạo đức vĩnh cửu.
Hiện nay đời sắp tàn nhơn sanh đã tận khổ thì nhược điểm là phục hưng Nho Giáo đặng cứu vãn tình thế nguy nan trong thời kỳ mạt kiếp nầy. Nguyên lý là khởi thủy nhờ Nho Giáo làm khuôn Luật nên dân tộc được thuần phong mỹ tục, nước được thanh bình thịnh vượng, duy trong thế kỷ 20 nầy đời càng trụy lạc, nước càng suy vi thì phải trở lại cội nguồn mà tầm diệu dược là thượng sách.
Bắt được manh mối rồi là khó, nhưng còn cái khó hơn là tri với hành đi đôi mới thâu thập kết quả mong chờ. Là người đặt mình vào trọng trách hiến dâng công quả cho Hội Thánh, quí vị Lễ Sanh tân phong hiện diện cũng nên chú ý về công phu học tập và đừng quên ngạn ngữ rằng: “Nhứt nhựt bất kiến như tam ngoạt hề” là một ngày không xem sách bằng ba tháng không học thì châu niên đăng hỏa thành bại chỉ do Hội nầy.
Tôi long trọng tuyên bố khai giảng Hạnh Đường niên khóa Bính Ngọ (1966) và cầu chúc cho chư vị học giả được Ơn Trên phò trì hầu đủ nghị lực khải mê và Hạnh Đường là đèn soi đàng rọi ngõ vậy.
Nay kính,
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
BẢO-THẾ - THỪA-QUYỀN THƯỢNG-SANH