TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.
Cảm ơn nhị vị hiền huynh Trần Trung Hiếu (Tây Ninh) và hiền đệ Dũng (Tuy Phước), BBT gởi lên đây nguyên văn THƯỢNG HỘI NỘI LUẬT.
Làm tại Toà Thánh Ngày 22-Giêng. Nhâm Thân .
(27- Février 1932).
Hộ Pháp.
Ký tên: Phạm Công Tắc.
|
Quyền Giáo Tông.
Ký tên: Thượng Trung Nhựt.
|
NGUYÊN VĂN.
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
&&&
THƯỢNG HỘI.
NỘI LUẬT.
Toàn Thế Giới Càn Khôn chính có hai quyền. Trên thì là quyền hành CHÍ
TÔN của ÐẤNG TẠO HOÁ. Dưới là quyền hành của VẠN LINH. Nghĩa là sanh chúng.
Quyền hành CHÍ TÔN trọn nơi thế nầy thì là tại quyền Giáo Tông và Hộ
Pháp hiệp một. Hai bên phản khắc nhau thì Chánh Trị Ðạo phải bị đổ.
Quyền hành VẠN LINH nghĩa là của sanh chúng đều có đủ trọn vẹn nơi
THƯỢNG HỘI, HỘI THÁNH VÀ HỘI NHƠN SANH hiệp đồng. Nếu ba hội phản khắc nhau thì
quyền hành ấy tiêu huỷ.
Trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có ba Ðài:
CỬU TRÙNG ÐÀI là hình thể phần xác vì Ðấng Chí Tôn không có xuống thế
với xác thân trong buổi khai Ðạo nơi miền Á Ðông kỳ thứ ba nầy (3me Amnistie de
DIEU en Orient).
Lại dùng huyền diệu vô vi bí mật cơ bút y theo thiên thơ tiền định mà
khai và truyền Ðạo.
HIỆP THIÊN ÐÀI là khí, là khí lực nghĩa là luồng điển quang liên kết cả
Thánh Ðức cùng xác thịt (Lien de relation ou flamme divine) làm trung gian hiệp
Cửu Trùng Ðài với Bát Quái Ðài.
BÁT QUÁI ĐÀI là Thiêng Liêng là Thần (Puissance maitresse qui dirige
l’Univers ou autrement dit “Sagesse ou intelligence D’vine”).
Cửu Trùng Ðài là hình thể hửu vi của Ðấng Chí Tôn chia ba hội:
1- Hội Nhơn Sanh.
2- Hội Thánh.
3- Thượng Hội.
Ba hội nầy hiệp cùng nhau là hình thể hữu vi của Ðấng Chí Tôn nên phải
có quyền đặc biệt đủ phương độ tận nhơn sanh vô nền Ðại Ðạo lo tu hành ra bực
Thượng Sanh.
THƯỢNG HỘI.
Ðiều Thứ Nhất: Thượng hội thì có.
1- Giáo Tông …. Hội Trưởng.
2- Hộ Pháp .. Phó Hội Trưởng.
3- Thượng Phẩm .. Nghị viên.
4- Thượng Sanh …. Nghị viên.
5- Ba vị Chưởng Pháp. .. Nghị viên.
6- Ba vị Ðầu Sư Nam Phái. … Nghị viên.
7- Ðầu Sư Nữ Phái. ….. Nghị viên.
Ðiều Thứ nhì:
Mổi khi Hội thì mổi vị phải có mặt trừ ra khi nào vì việc Ðạo mà phải
đi xa thì mới được phép vắng mặt, khi nào có bịnh không dự Hội được thì phải có
thơ xin kiếu và chọn vị nào trong Hội thay mặt cho mình.
Ðiều Thứ Ba:
Thượng Hội để xem xét và phê chuẩn.
1- Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh bàn luận về việc Ðạo.
2- Các điều ước (voeux) của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Trừ ra các điều
nào hoặc của Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đã đánh đổ hay là của Hội Thánh mà đã
bị Hội Nhơn Sanh đã đánh đổ thì không được phép đem vào Thượng Hội nếu không có
đơn của hai ông chủ hội kêu nài.
3- Thượng Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp hoặc yếu trọng
phải ban hành trong Ðạo.
Ðiều Thứ Tư :
Trừ ra mấy vị Ðại Thiên Phong có quyền trong Thượng Hội chỉ trong điều
thứ nhất thì không có ai khác được dự thính Thượng Hội.
Ðiều Thứ Năm:
Thượng Hội chọn một vị Từ Hàng trong hàng Thiên Phong Cửu Trùng Ðài từ
Giáo Sư đổ lên.
Từ Hàng lo giử gìn giấy tờ sổ sách của Thượng Hội và trước mổi kỳ Hội
phải tùng Giáo Tông đặng lập chương trình và viết thơ mời Hội khi Thượng Hội
nhóm thì dự thính và lo biên các lời luận của mổi Hội viên đặng chừng mãn hội
tức cấp làm tờ kiết nhận mổi kỳ Hội với phải nhắc nhở những điều Thượng Hội đã
có định trước mà Hội viên quên trong lúc Hội nhóm.
Sau khi Hội nhóm phải lo phụ giúp Giáo Tông thi hành các điều đã bàn
định.
Ðiều Thứ Sáu:
Từ Hàng được lãnh phận sự công quả trong bốn năm kể từ ngày Thượng Hội
chọn.
Trong bốn năm nếu Từ Hàng không tròn phận sự thì Thượng Hội chọn người
khác thế. Nếu tròn công quả siêng năng đạo đức đủ khi mãn bốn năm thì Thượng
Hội cũng chọn cử lại nửa.
Ðiều Thứ Bảy:
Ba vị Ðầu Sư Nam phái và Ðầu Sư Nữ phái có quyền cai trị về phần Ðạo và
phần Ðời của chư môn đệ Chí Tôn thì phải lập tờ phúc những điều bàn tính của
Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Tờ phúc ấy phải đệ lên cho Giáo Tông xét nét rồi
đem ra Thượng Hội bàn tính trước Hội thường niên ít nữa là 15 ngày.
Ðiều Thứ Tám:
Cả tờ giấy chi đem ra cho Thượng Hội phải cho cả hội viên quan sát xét
nét trước khi ngày Hội nhóm ít nửa là 7 ngày.
Ðiều Thứ chín:
Mổi vị hội viên có trọn quyền bàn cải các việc đem ra hội đặng cho Giáo
Tông và Hộ Pháp rõ thấu chân lý mà định quyền Chánh trị của Ðạo. Thượng Hội cốt
yếu là giúp Giáo Tông và Hộ Pháp hiểu thấu tâm lý Nhơn Sanh và Hội Thánh đặng
xây chuyển quyền hành Chí Tôn theo vạn linh ước vọng.
Nếu muốn bàn cải việc chi thì xin phép ông Hội Trưởng rồi chờ được phép
mới mở lời bàn tính chớ nên cản lời của Hội viên khác đương luận và tỏ ý kiến.
Thoản như có nghe một Hội viên bàn tính điều chi không phù hạp với mình
thì biên cho nhớ; rồi khi Hội viên ấy dứt tiếng mới xin phép Hội trưởng đặng tỏ
ý kiến của mình. Trong mổi việc đem ra bàn luận mổi Hội viên được xin nói đến
ba lần mổi lần không quá 5 phút đồng hồ hay là một lần không quá 15 phút .
Ðiều Thứ Mười:
Trong mổi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý kiến và bàn luận rồi thì Hộ
Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng
định bỏ thăm bên nào phần đông thì Thượng Hội tuân theo.
Ðiều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí Tôn nên không có bỏ thăm.
Nếu cả ba hội phản khắc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa là của Giáo Tông và Hộ
Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Ðạo y theo thế ấy.
Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả thảy
về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội phải nhóm lại mà định
đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Ðạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau
đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Ðầu Sư định đoạt lại.
Ðiều Thứ Mười Hai:
Mổi năm sau ngày lễ Noel thì nhóm Thượng Hội thường lệ đặng xem xét và
phê chuẩn:
Các việc Ðạo đã ban hành trong năm.
Các việc của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đệ lên.
Các việc Ðạo sẽ ban hành năm tới.
Sổ sách thâu xuất năm qua rồi.
Sổ thâu xuất và phỏng định năm tới.
Sổ trục xuất Tín đồ; án Toà Tam Giáo hình phạt; và các việc tạp tụng Hoà
Viện.
Cầu Phong.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Ngoài Hội thường lệ thì ba tháng Thượng Hội nhóm một lần.
Còn có việc gấp rút thì Hội Trưởng gởi tờ giấy mời hội liền hay là gởi
tờ hỏi ý kiến của chư Hội viên.
Ðiều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ Pháp phải đình Hội lại 15
phút đồng hồ đặng hai người vào Ðại Ðiện mật nghị rồi phải trở ra cho Thượng
Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Ðiều Thứ Mười lăm:
Ngày sau có điều chi cần ích cho Thượng Hội thì sẽ đem thêm vô Nội Luật
nầy.
Làm tại Toà Thánh Ngày
22-Giêng. Nhâm Thân .
(27- Février 1932).
Hộ Pháp.
Ký tên: Phạm
Công Tắc.
|
Quyền Giáo Tông.
Ký tên: Thượng Trung Nhựt.
|
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính Tý (1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).