Trang

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

2206. Hành Pháp Trump và vấn đề nhân quyền Việt Nam


·         Các mũi nhọn nhân quyền chiến lược
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 23 tháng 1, 2017
Tuy rằng còn quá sớm để xác định những thay đổi cụ thể trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, chúng ta có thể đoán trước được những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách ấy. Dựa vào đó, chúng ta có thể khai thác các yếu tố thuận lợi và vượt qua những yếu tố bất lợi để tiếp tục đẩy về phía trước cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Không những thế, chúng ta còn có thể trực tiếp tác động đến các yếu tố này và ảnh hưởng đến tiến trình làm chính sách của Hoa Kỳ trong những ngày tháng tới đây.
Việc Ông Donald Trump đắc cử Tổng Thống là một gáo nước lạnh đối với giới lãnh đạo Việt Nam.
Trước đó họ đinh ninh rằng người kế tục Tổng Thống Obama sẽ là Bà Hillary Clinton. Họ rất tự tin rằng, khi ấy họ sẽ có cửa sau vào thẳng Toà Bạch Ốc. Trong 3 năm liền, chính quyền Việt Nam trả trên 1 triệu Mỹ kim cho công ty Podesta Group để “vận động hành lang” cho Việt Nam tham gia TPP, gỡ bỏ lệnh bán vũ khí sát thương và để đẩy lùi các đạo luật nhân quyền nhắm vào Việt Nam. Ông John Podesta, người sáng lập công ty Podesta Group, là cựu chánh văn phòng của Tổng Thống Bill Clinton và là người điều hợp toàn bộ cuộc tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton. Giới lãnh đạo Việt Nam đã bị hụt hẫng trước kết quả bầu cử ở Hoa Kỳ và không có sẵn một đối sách nào trước tình thế hoàn toàn bất ngờ.
Còn chúng tôi thì đã có sẵn kế hoạch A và kế hoạch B cho cả 2 trường hợp Bà Clinton hay Ông Trump đắc cử.
Các yếu tố ảnh hưởng
Chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump nói chung sẽ ít chú ý đến vai trò quốc tế, kể cả:
(1)    Không đặt nặng chiến lược xoay trục về Á Châu;
(2)    Không chủ trương giương ngọn cờ nhân quyền khắp thế giới;
(3)    Bãi bỏ TPP và thay vào đó là những hiệp ước mậu dịch song phương với từng quốc gia đối tác.
Những yếu tố này có thể dẫn đến chính sách đối ngoại thiếu trọng tâm nhân quyền nói chung và đặc biệt đối với Việt Nam. Ngược lại, chúng ta lại có những yếu tố thuận lợi:
(1)    Hành Pháp Trump quan tâm đặc biệt đến quyền tự do tôn giáo, do ảnh hưởng của các tổ chức Thiên Chúa Giáo đã ủng hộ ứng cử viên Trump và đặc biệt do lập trường của Phó Tổng Thống Mike Pence;
(2)    Hành Pháp Trump đặt nặng quyền lợi thiết thực và ngay trước mắt của công dân Hoa Kỳ;
(3)    Quốc Hội, do đảng Cộng Hoà nắm đa số, có nhiều ảnh hưởng lên chính sách của Hành Pháp dưới thời TT Trump hơn là dưới thời TT Obama. Các vị Dân Biểu và cựu Dân Biểu quan tâm về nhân quyền như Christopher Smith, Frank Wolf, Ileana Ros-Lehtinen, James Lankford, Cao Quang Ánh, v.v. rất thân với Phó Tổng Thống Mike Pence. Khi còn là dân biểu Hạ Viện, Ông Pence cùng với họ tham gia nhóm học kinh thánh hàng tuần và nhóm bảo vệ sự sống.
Các mũi nhọn nhân quyền chiến lược
Ở đây tôi muốn dùng chữ “chúng ta” nhưng, vì không thể đường đột nói hộ cho người khác, tôi xin trình bày kế hoạch của chúng tôi, tức là của BPSOS, để khai thác các yếu tố thuận lợi và vượt qua các yếu tố bất lợi kể trên.
Chiến lược của chúng tôi sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chiến lược:
(1)    Tự do tôn giáo: Chúng tôi sẽ tận dụng 2 luật về nhân quyền vừa mới được ban hành ở Hoa Kỳ để ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump. Một cách cụ thể, chúng tôi sẽ vận động để Việt Nam bị chỉ định là “quốc gia phải theo dõi đặc biệt” và một số giới chức chính quyền Việt Nam bị đưa vào danh sách chế tài vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng. Không như Hành Pháp Obama, có lẽ Hành Pháp Trump sẽ không thiết tha gì để chống chế cho Việt Nam trong việc chỉ định này nhất là khi họ biết rằng Việt Nam đã từng chi bạc triệu cho Podesta Group của người quán xuyến toàn bộ cuộc vận động tranh cử cho Bà Clinton.

(2)    Đòi tài sản: Tháng 8 năm 2012, BPSOS khởi xướng chương trình “người Mỹ gốc Việt đòi tài sản”. Chương trình này không tiến được xa vì Hành Pháp Obama đã bao biện cho chính quyền Việt Nam và từ chối can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công dân Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng Tổng Thống Trump, là một tỉ phú bất động sản và chủ trương đặt quyền lợi công dân Hoa Kỳ lên trên hết, sẽ có thái độ ngược lại. Đòi tài sản cho những công Hoa Kỳ đã bị chế độ cộng sản Việt Nam cưỡng đoạt trước đây là mục đích biểu hiện; mục đích sâu xa là đẩy lùi chính sách cưỡng chế đất đang tạo nên tình trạng “dân oan” ở khắp đất nước và áp lực chế độ nhượng bộ về những lĩnh vực nhân quyền khác. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về kế hoạch này.

(3)    Quyền lập nghiệp đoàn độc lập: Việt Nam đã cam kết tôn trọng quyền tự do lập nghiệp đoàn độc lập như là điều kiện để tham gia TPP. Tuy Hành Pháp Trump quyết định rút khỏi TPP và thay vào đó là các hiệp định mậu dịch song phương, vấn đề nghiệp đoàn độc lập vẫn sẽ là vấn đề then chốt trong bất kỳ thương thảo song phương nào về mậu dịch, với sự ủng hộ của cả khối dân cử thuộc Đảng Dân Chủ ở Quốc Hội và của Hành Pháp Cộng Hoà của TT Trump nhưng vì những lý do khác nhau. Đảng Dân Chủ đặt nặng quyền của người lao động, còn Hành Pháp Trump không chấp nhận để Việt Nam dìm giá thành của các sản phẩm xuất cảng sang Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động và nền kinh tế Hoa Kỳ.
Vấn đề cửa ngõ
Có thể có người thắc mắc rằng chỉ tập trung vào 3 mũi nhọn kể trên thì không lẽ các vấn đề nhân quyền khác sẽ bị bỏ lơ? Hoàn toàn không phải vậy.
Mọi lĩnh vực nhân quyền đều liên đới với nhau. Khi một quyền bị hạn chế hay cấm đoán thì mọi quyền khác đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu không có tự do ngôn luận, báo chí, đi lại, sở hữu tài sản, hội họp, lập hội… thì cũng không có tự do tôn giáo. Do đó, khi tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo thì cũng ít nhiều thúc đẩy các quyền còn lại.
Chúng tôi chọn 3 mũi nhọn nhân quyền kể trên vì chúng ảnh hưởng đến số lớn người dân Việt Nam: 90% có tôn giáo hay tín ngưỡng; 70% đang lao động và có thể hưởng lợi ích từ nghiệp đoàn; 65% sống về nông nghiệp và có thể trở thành nạn nhân của chính sách cưỡng đoạt đất đai.
Hai trong số 3 mũi nhọn này là “vấn đề cửa ngõ” vì chúng mở cửa vào các ngõ nhân quyền khác. Như ví dụ đã dẫn, quyền tự do tôn giáo là cánh cửa mở ra cho các quyền khác như tự do ngôn luận, ấn loát, đi lại, sở hữu, hội họp, lập hội… Quyền lập nghiệp đoàn độc lập cũng thế.
Giới lãnh đạo Việt Nam đã bị sốc khi ứng cử viên Donald Trump đắc cử tổng thống thay vì ứng cử viên Hillary Clinton; chẳng bao lâu sau họ lại bị sốc khi Quốc Hội Hoa Kỳ liên tiếp thông qua 2 đạo luật nhân quyền: Luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế và luật trừng phạt các thủ phạm đàn áp nhân quyền toàn cầu. Dư luận viên của chính quyền tung tin rằng 2 đạo luật này là cố gắng cuối cùng của TT Obama để gây tiếng vang trước khi rời nhiệm sở, và TT Trump sẽ xé bỏ chúng như mớ giấy vụn.
Thực ra, TT Obama bắt buộc phải ký ban hành vì 2 luật này đã được Quốc Hội thông qua với tỉ số không cho phép tổng thống phủ quyết. Và ở Hoa Kỳ, bất luận đời tổng thống nào thì Hành Pháp cũng phải tuân thủ luật quốc gia. Không những thế, Hành Pháp Trump có thể sẽ ít ngần ngại khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam vì không có nhu cầu dùng Việt Nam làm điểm tựa cho chính sách xoay trục về Á Châu. Do khuynh hướng đối đầu với Trung Cộng, Hành Pháp Trump cũng sẽ không để Việt Nam bắt nọn bằng cách đu dây với Trung Cộng.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi chọn 3 mũi nhọn chiến lược mà chúng tôi cho rằng phù hợp nhất với đường lối của Hành Pháp Trump và được sự ủng hộ của nhiều thành viên có ảnh hưởng của Quốc Hội Hoa Kỳ. Khi trình bày những mũi nhọn này, chúng tôi mong được sự chia sẻ của nhiều người để biến chúng thành những trọng tâm chung của “chúng ta” trong thời gian sắp đến.
Bài liên quan:
Vận dụng luật Hoa Kỳ để trừng phạt thủ phạm ở Việt Nam
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1176-vn-dng-lut-hoa-k--trng-pht-th-phm--vit-nam.html
Để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật nhân quyền của Hoa Kỳ
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1182-2017-01-22-03-36-58.html
Chương Trình Tổng Vận Động Quốc Hội Hoa Kỳ Năm 2017-2018
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1179-2017-01-09-15-47-52.html